New York Times dẫn lời một quan chức Mỹ cho biết Ngoại trưởng John Kerry đã tuyên bố như trên trong cuộc họp kín giữa các quan chức Trung Quốc và Mỹ tại Bắc Kinh, Trung Quốc trong khuôn khổ Đối thoại Chiến lược và Kinh tế thường niên Mỹ - Trung.
Cũng trong cuộc họp này ông Kerry đã kêu gọi Trung Quốc ủng hộ việc thiết lập Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) mà các nước châu Á khác đang xem xét để có thể củng cố các quy định về hàng hải và ngăn chặn những hành động đơn phương của một nước trên Biển Đông và biển Hoa Đông, quan chức nói trên cho biết.
Trong ngày đầu tiên của cuộc Đối thoại Chiến lược và Kinh tế thường niên, ông John Kerry đã gặp mặt Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc Dương Khiết Trì.
Quan chức Mỹ cho biết, “Ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh rằng đây không phải là trường hợp mà một nước có quyền được phép đơn phương hành động để áp đặt tuyên bố chủ quyền hay lợi ích của bản thân mình”.
Theo New York Times, điều này có thể ám chỉ việc Trung Quốc vào tháng 5 vừa qua đã hạ đặt trái pháp giàn khoan Hải Dương-981 vào sâu trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam hay việc Trung Quốc cố tình chiếm bãi cạn Scarborough của Philippines vào năm 2012.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cũng nhấn mạnh những nỗ lực để tạo ra “một hiện trạng mới” bất chấp sự ổn định hài hòa trong khu vực là “không thể chấp nhận được”, vẫn theo lời quan chức Mỹ nói trên.
Những hành động cố tình áp đặt chủ quyền lên các đảo và lãnh hải trên Biển Đông của Trung Quốc, cùng với việc nước này làm chậm những nỗ lực của các nước thành viên ASEAN trong việc hoàn thiện COC đã khiến mối quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh rạn nứt đi nhiều.
Trong khi đó, tại phiên khai mạc cuộc Đối thoại diễn ra 2 ngày nói trên, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nhấn mạnh mối quan hệ khăng khít giữa Trung Quốc và Mỹ là yếu tố rất quan trọng đối với mọi quốc gia khác.
Tàu ĐNa-90152 cùng đội tàu của ngư dân Đà Nẵng bị tàu sắt Trung Quốc vây ép trước khi bị đâm chìm (Ảnh: Hải Sơn)
“Hợp tác Mỹ-Trung sẽ mang lại lợi ích cho toàn thế giới, việc làm ngược lại sẽ là thảm họa”, ông Tập Cận Bình khẳng định.
Ông Tập Cận Bình cũng không quên tô vẽ sức mạnh quân sự và kinh tế của Trung Quốc khi tuyên bố: “Toàn bộ Thái Bình Dương cũng không đủ chỗ cho hai cường quốc”.
Theo New York Times, điều này cũng đồng nghĩa với lời cảnh báo rằng sự hiện diện của Mỹ tại châu Á- Thái Bình Dương trong vòng hơn 60 năm qua sẽ không thể kéo dài mãi.
Quan chức Mỹ cho biết, tại cuộc họp với ông Dương Khiết Trì, ông John Kerry, một người cực kỳ thẳng thắn, đã bày tỏ quan điểm phản đối chính sách của Trung Quốc trên một số mặt trận quan trọng và lên tiếng bảo vệ đồng minh của Mỹ tại châu Á.
Điều này đã khiến ông Kerry chịu nhiều chỉ trích của Bắc Kinh, quan chức Mỹ này nói thêm.
Quan chức Mỹ nói trên cho biết, ông Kerry đã nêu rõ những hành vi vi phạm nhân quyền của Trung Quốc và vạch ra từng trường hợp cụ thể của những người bị Trung Quốc bắt giam trong nhiều năm cũng như việc một số người bị bỏ tù trong vòng vài tháng qua trong một chiến dịch trấn áp các luật sư và báo chí của Trung Quốc.
“Cụ thể là ông Kerry đã mô tả quan điểm của Mỹ về xu hướng gia tăng việc bắt bớ và quấy rầy những cá nhân muốn thể hiện quan điểm chính trị của mình”, quan chức Mỹ chia sẻ.
Trong năm 2014, Trung Quốc đã từ chối tiến hành một cuộc đối thoại về nhân quyền với Mỹ nhằm phản đối việc Tổng thống Mỹ Barack Obama tiếp đón đức Lạt Ma vào tháng 2 vừa qua.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã kêu gọi hai bên nối lại các cuộc đối thoại về nhân quyền cũng như việc Trung Quốc cần chấp thuận tiếp tục các cuộc đối thoại chính thức về an ninh mạng mà Trung Quốc cũng đã ngừng lại sau vụ tòa án Mỹ ra phán quyết đối với quân đội Trung Quốc về tội làm gián điệp thông tin trên mạng.
Tàu Trung Quốc (phải) hung hăng tấn công tàu Việt Nam
Trong khi đó, đại diện đặc biệt của Mỹ về vấn đề biến đổi khí hậu Todd Stern cũng đã đối thoại với ông Xie Zhenhua, Phó chủ tịch Ủy ban Phát triển và Cải cách Quốc gia Trung Quốc và nhiều quan chức cấp cao khác.
“Chúng tôi đã rất nỗ lực trong khả năng có thể để đóng góp vào việc ứng phó với biến đổi khí hậu”, ông Xie nói.
Trong khi vẫn chưa đạt được những đột phá trong việc cắt giảm khí thải nhà kính, các quan chức Mỹ nói rằng họ đã nhận thấy quyết tâm rõ ràng hơn từ phía Trung Quốc để giải quyết vấn đề ô nhiễm tại nước này, vốn đã trở nên rất trầm trọng và buộc một số nhà lãnh đạo Trung Quốc phải coi đó là một trong những nhân tố gây bất ổn về chính trị trong nước./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét