(Tin Nóng) Tăng cường các chuyến bay trinh sát, cử tàu tuần duyên giám sát tàu dân sự Trung Quốc và hộ tống ngư dân các nước tại vùng biển tranh chấp bị Trung Quốc xâm lấn… là những kế hoạch trong chiến lược của Bộ Quốc phòng Mỹ ở Biển Đông để hạn chế sự bành trướng của Trung Quốc.
Tàu tuần duyên Mỹ có thể triển khai ở Biển Đông để hộ tống ngư dân Philippines và của các quốc gia khác tại các khu vực biển bị Trung Quốc lấn chiếm và xua đuổi - Ảnh: USCG |
Theo báo Financial Times (Anh) ngày 10.7, những hành động này của Mỹ nhằm hạn chế việc Trung Quốc thay đổi hiện trạng trên biển Đông là tuyến hàng hải quan trọng của kinh tế toàn cầu, ước 5.300 tỉ USD hàng hoá lưu thông/năm.
Thách thức của quân đội Mỹ là tìm ra chiến thuật ngăn chặn những động thái quy mô nhỏ của Trung Quốc mà không làm leo thang những tranh chấp cụ thể vào một cuộc xung đột quân sự rộng lớn hơn.
“Những nỗ lực của chúng tôi để ngăn chặn Trung Quốc (trên Biển Đông) rõ ràng là chưa làm được”, một quan chức Mỹ nói với Financial Times.
Căng thẳng gia tăng ở Biển Đông, bao gồm căng thẳng giữa Trung Quốc với Việt Nam và Philippines đang phủ bóng đen lên Đối thoại thường niên Mỹ - Trung Quốc tại Bắc Kinh.
Một yếu tố của chiến lược đang nổi lên này của Mỹ đã thể hiện khi trong tháng 3.2014 một máy bay trinh sát và săn ngầm P-8A của Mỹ bay ngang bãi cạn Second Thomas trên Biển Đông, nơi các tàu Trung Quốc đang cố ngăn chặn việc tiếp tế cho thủy quân lục chiến Philippines đóng trên một xác tàu ở đó từ năm 1999. Các máy bay Mỹ đã bay ở độ cao thấp để đảm bảo người Trung Quốc có thể nhìn thấy được.
"Đây là một động thái mới, với thông điệp là chúng tôi biết những gì các vị đang làm, hành động của các vị sẽ có những hậu quả, và chúng tôi có khả năng, ý chí và chúng tôi đang ở đây", một cựu quan chức Lầu Năm Góc có liên quan đến kế hoạch nói trên, nói với Financial Times.
|
Ngoài ra, một phát ngôn viên của Bộ Chỉ huy quân đội Mỹ ở Thái Bình Dương cũng nói rằng “Chúng tôi tiến hành các hoạt động thường nhật trong những vùng nước và vùng trời này dựa trên các quy tắc cơ bản”.
Việc sử dụng rộng rãi các chuyến bay do thám trong khu vực Biển Đông có thể kết hợp với mong muốn công bố công khai hình ảnh hoặc các đoạn video về hoạt động trên biển của Trung Quốc. Một số quan chức Mỹ tin rằng Trung Quốc có thể phải suy nghĩ lại nếu hình ảnh các tàu Trung Quốc quấy rối ngư dân Việt Nam hay Philippines được đưa ra công khai.
Bộ Chỉ huy quân đội Mỹ ở Thái Bình Dương cũng được yêu cầu hợp tác phát triển một hệ thống thông tin hàng hải khu vực, cho phép chính phủ các nước ở Tây Thái Bình Dương có các thông tin chi tiết về vị trí các tàu thuyền trong khu vực. Một số chính phủ nói rằng họ đã bị bất ngờ bởi sự xuất hiện đáng ngạc nhiên của các tàu Trung Quốc.
Mỹ đã cung cấp cho Philippines, Nhật Bản và các nước khác trong khu vực các thiết bị radar cải tiến và hệ thống giám sát khác, và đang tìm cách đưa các thông tin này vào một mạng lưới rộng lớn hơn trong khu vực nhằm chia sẻ dữ liệu.
Lầu Năm Góc cũng đã lên kế hoạch cho các cuộc biểu dương lực lượng, chẳng hạn các chuyến bay của B-52 trên biển Hoa Đông năm ngoái sau khi Trung Quốc đơn phương lập vùng nhận dạng phòng không ở đây. Các tùy chọn tiềm năng khác gồm cả việc đưa tàu chiến Mỹ đến gần các khu vực tranh chấp.
Mỹ có chiến lược gia tăng bay trinh sát và hiện diện ở Biển Đông nhằm ngăn chặn Trung Quốc. Trong ảnh: máy bay trinh sát và chống ngầm hiện đại nhất của Hải quân Mỹ: P-8 Poseidon - Ảnh: Boeing |
Các quan chức Mỹ cũng nói rằng chính quyền Mỹ cũng chưa mặn mà với một số ý tưởng đối đầu đã được đề xuất như là phương tiện để ngăn chặn Trung Quốc. Những ý tưởng này bao gồm việc triển khai tàu của lực lượng Tuần duyên Mỹ tại Biển Đông để đối kháng các hoạt động của tàu dân sự Trung Quốc, và sử dụng các tàu hộ tống của Mỹ để hộ tống ngư dân Philippines và của các quốc gia khác ở các khu vực biển bị Trung Quốc lấn chiếm.
Chính quyền Obama từ năm 2010 đã tuyên bố Mỹ có lợi ích quốc gia ở Biển Đông. Từ lúc đó, Mỹ chứng kiến Trung Quốc chiếm bãi cạn Scarborough (Philippines tuyên bố chủ quyền) năm 2012, ngăn cản Philippines tiếp tế cho binh lính ở bãi Second Thomas năm 2014, xây đường băng ở đá Gạc Ma và hạ đặt giàn khoan trên vùng biển Việt Nam.
Mặc Trung Quốc phản đối, Mỹ vẫn tiến hành giám sát trên không lâu dài trong khu vực, mà việc sử dụng máy bay P-8A thế hệ mới trong khu vực tranh chấp là đại diện cho sự gia tăng hoạt động này.
Bà Bonnie Glaser, chuyên gia Châu Á tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS, Mỹ) nói rằng các chuyến bay trinh sát cho thấy Mỹ "quan tâm giải pháp hòa bình cho các tranh chấp và phản đối sự cưỡng ép của Trung Quốc". Bà nói thêm: "Tôi nghi rằng các chuyến bay như vậy sẽ ngăn chặn hành vi của Trung Quốc".
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét