Thứ Bảy, 12 tháng 7, 2014
"Chính sách quân sự mới giúp củng cố liên minh Nhật Bản-Mỹ"
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel đón Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera trong lễ đón ở Lầu Năm Góc. (Nguồn: AP)
Chính sách mới về hành động quân sự của Nhật Bản sẽ giúp củng cố liên minh giữa Tokyo và Washington, mở đường cho các hình thức hợp tác quân sự mới giữa hai nước.
Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera đã phát biểu như vậy trong chuyến thăm Mỹ ngày 11/7.
Phát biểu tại Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) về việc Nhật Bản thay đổi cách diễn giải Hiến pháp liên quan đến việc thực thi quyền phòng vệ tập thể, ông Onodera cho biết theo cách diễn giải cũ, trong trường hợp các tàu chiến Mỹ được điều đến bảo vệ Nhật Bản bị tấn công, Tokyo sẽ không được phép giúp đỡ tàu này. Điều này đi ngược lại nguyên tắc hỗ trợ lẫn nhau giữa các đồng minh và do đó sự thay đổi của chính quyền Tokyo là cần thiết và "cần được hiểu đúng."
Trước đó, trong cuộc họp báo chung với ông Onodera tại Lầu Năm Góc, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel đã hoan nghênh sự thay đổi cách diễn giải Hiến pháp được nội các Nhật Bản thông qua hôm 1/7.
Ông Hagel nhấn mạnh đây là một quyết định táo bạo và mang tính bước ngoặt cho phép Nhật Bản tăng cường đáng kể sự đóng góp vào an ninh khu vực và toàn cầu cũng như mở rộng vai trò trên trường quốc tế.
Bộ trưởng Onodera cũng cho biết Nhật Bản lần đầu tiên trong lịch sử đã tăng chi tiêu quốc phòng và đang cải tiến hệ thống phòng thủ tên lửa "hàng đầu thế giới," thành lập các đơn vị lính thủy đánh bộ và tăng cường lực lượng trên biển để "bảo vệ các đảo."
Các quyết định trên của Tokyo đã vấp phải sự phản đối của Trung Quốc trong bối cảnh quan hệ hai nước ngày càng căng thẳng liên quan tới tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.
Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản hiện đang ở thăm Mỹ trong nỗ lực định hướng sự hợp tác quốc phòng song phương trong thời gian tới. Lầu Năm Góc trước đó cho biết hai bên sẽ trao đổi các đường lối chỉ đạo hợp tác quốc phòng song phương, trong đó có vai trò của quân đội Mỹ và Lực lượng phòng vệ (SDF) của Nhật Bản trong trường hợp xảy ra tình huống bất ngờ theo Hiệp ước An ninh Nhật-Mỹ.
Một nội dung khác cũng được quan tâm là các biện pháp nhằm tăng cường hợp tác với Hàn Quốc và Australia cũng như các thách thức an ninh chung như mối đe dọa từ chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên./.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét