Hai bộ trưởng quốc phòng Nhật và Mỹ
Sau khi Nhật diễn giải lại hiến pháp cho phép họ thực hiện quyền phòng vệ tập thể, Tokyo có những hoạt động ngoại giao liên tục với các đồng minh. Trong khi Thủ tướng Nhật Shinzo Abe sang châu Đại dương thắt chặt liên minh với New Zealand, Úc và Papua New Guinea thì Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Itsunori Onodera đã lên đường tới Mỹ hồi giữa tuần.
Thay đổi để bảo vệ Mỹ và đồng minh
Trong chuyến thăm Washington, ông Onodera đã nói với người Mỹ tính cấp thiết của việc Nhật phải cải cách hiến pháp cho phù hợp với hoàn cảnh. Gần đây, Trung Quốc liên tiếp có những hành vi hung hăng trên biển, đặc biệt là biển Đông, bất chấp luật pháp quốc tế. Điều đó không chỉ làm các nước trong khu vực lo lắng mà cũng khiến Mỹ, Nhật cảm thấy an ninh bị đe dọa.
Trước người Mỹ, ông Onodera không hề úp mở mà đưa ngay ra kịch bản giả định để người Mỹ thấy Nhật cần phải thay đổ chính sách quốc phòng. "Nếu tàu chiến Mỹ đã được đưa đến để bảo vệ Nhật Bản và những tàu này bị tấn công, người Nhật "sẽ không thể giúp con tàu đó nếu theo đúng tinh thần hiến pháp trước đây", ông Onodera nói với học giả tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế tại Washington.
Dù ông Onodera khi đó chưa nêu đích danh Trung Quốc nhưng ai cũng hiểu Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản nói về mối nguy hiểm Trung Quốc
Hành động để hỗ trợ đồng minh là "những gì một đồng minh nên làm", ông Onodera lập luận để từ đó khẳng định. "Cần cải cách hiến pháp để tăng cường trách nhiệm với đồng minh. Chúng tôi tin rằng điều này sẽ làm tăng thêm đáng kể mối quan hệ của chúng tôi với Mỹ".
Điều đó có nghĩa là nếu trong trường hợp tàu Mỹ đến tây Thái Bình Dương bị tấn công bởi lực lượng thù địch (ám chỉ Bắc Kinh) thì Nhật có thể sẽ đánh Trung Quốc hộ Mỹ mà không "vi hiến".
Nhật sẽ đáp trả nếu Bắc Kinh khiêu khích
Quyết định diễn giải lại hiến pháp của Nhật Bản đã khiến Trung Quốc nổi giận. Trung Quốc bày tỏ sự phẫn nộ và cảnh báo về mối nguy hiểm Nhật trong khi chính họ lại hung hăng gây hấn với láng giềng.
Hầu hết các nước khác trong khu vực lại không có ý kiến, thậm chí công khai ủng hộ Nhật thay đổi như Philippines, Úc hay New Zealand. Kể cả Đài Loan cũng tỏ ý hưởng ứng để Nhật dẫn dắt vai trò đảm bảo an ninh khu vực chứ không tin vào "ông anh" Trung Quốc.
Riêng Mỹ đã bật đèn xanh cho sự thay đổi này từ trước và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel còn ca ngợi động thái của Tokyo bằng những mỹ từ có cánh: Mạnh mẽ, lịch sử. "Quyết định mang tính bước ngoặt này sẽ cho phép Nhật Bản tăng đáng kể đóng góp vào an ninh khu vực cũng như toàn cầu và mở rộng vai trò của Nhật trên trường quốc tế", ông Hagel nói.
Trước các học giả Mỹ, ông Onodera cũng cho biết Nhật Bản đã tăng chi tiêu quốc phòng lần đầu tiên sau nhiều năm và nâng cao hệ thống phòng thủ tên lửa của mình lên "đẳng cấp thế giới", thành lập các đơn vị đổ bộ và củng cố "lực lượng hải quân" của mình để "bảo vệ hòn đảo của Nhật" (trước sự nhòm ngó của Bắc Kinh).
Sự gia tăng chi tiêu quốc phòng được xem như nỗ lực để chống lại sức mạnh quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc và những tuyên bố chủ quyền hung hăng của Bắc Kinh. Trước giới tinh hoa của Mỹ, ông Onodera nêu rõ Nhật Bản luôn luôn mở cửa đối thoại với Trung Quốc nhưng nếu phải đối mặt với hành động "đơn phương", Nhật chắc chắn sẽ đáp trả.
Anh Tú (theo AFP)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét