Mức độ hợp tác an ninh giữa Nhật với ba nước Úc, Philippines và Việt Nam lệ thuộc vào mức độ đe dọa từ Trung Quốc.
Lực lượng phòng vệ Nhật Bản trong một buổi duyệt binh. Ảnh: Xinhua-Yonhap News
Phương thức hợp tác an ninh có thể là phát triển vũ khí chung, xuất khẩu vũ khí, chia sẻ thông tin tình báo, tập trận quân sự chung.
TS Lionel Pierre Fatton ở ĐH Sciences Po (Pháp) nhận định như trên trong bài viết đăng trên tạp chí The Diplomat (Nhật) ngày 10-7. Ông ghi nhận cách diễn giải hiến pháp về quyền phòng vệ tập thể của Nhật sẽ tác động đến tình hình an ninh khu vực.
Tác động đầu tiên là Nhật giữ vai trò lớn hơn trong liên minh Nhật-Mỹ và muốn chứng tỏ Nhật là đồng minh có ý nghĩa. Nhật e ngại quan hệ kinh tế Mỹ-Trung cộng thêm thái độ nuông chiều của Mỹ đối với Trung Quốc có thể dần dần gây xói mòn cam kết an ninh giữa Mỹ đối với Nhật.
Theo cách diễn giải hiến pháp mới, Nhật có thể sử dụng quyền phòng vệ tập thể hỗ trợ các nước có mối quan hệ thân cận. Hiện thuật ngữ “thân cận” đang được các nhà hoạch định chính sách Nhật bàn thảo.
Tác động kế tiếp là Nhật sẽ linh hoạt trong việc sử dụng quyền phòng vệ tập thể để nâng giá trị của Nhật trở thành đồng minh tiềm năng đối với các nước trong khu vực. Đây là yếu tố Nhật còn thiếu từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Dù có thể gặp khó khăn trong hợp tác an ninh với Hàn Quốc nhưng Nhật sẽ chắc chắn tiến gần hơn với Úc và Philippines.
Xác suất hình thành một tam giác thỏa thuận an ninh song phương cũng sẽ gia tăng. Các nước đang chịu sức ép từ Trung Quốc như Việt Nam cũng có thể tham gia hợp tác an ninh tăng cường với Nhật. Nói cách khác, cấu trúc an ninh khu vực có thể sẽ được vẽ lại trong vài năm tới. Mạng lưới an ninh do Mỹ lãnh đạo sẽ được chuyển thành khuôn khổ đa cực.
Với cách diễn giải hiến pháp mới, Nhật có thể chuyển giao tài sản và công nghệ quân sự cho các đối tác quốc phòng, tham gia phát triển vũ khí chung. Từ đó, quan hệ an ninh sẽ sâu sắc hơn và lớn hơn giữa Nhật và các nước khác.
Điển hình như chỉ hai ngày sau khi thông báo sửa đổi chính sách cấm xuất khẩu vũ trang, Bộ Quốc phòng Nhật đã đề nghị tổ chức một trung tâm bảo trì khu vực cho máy bay F-35 do Nhật, Mỹ, Úc, Hàn Quốc sở hữu. Một ví dụ khác, ngày 8-7, Nhật và Úc đã ký kết thỏa thuận chuyển giao thiết bị và công nghệ quốc phòng. Nhật cũng nhấn mạnh đã sẵn sàng hợp tác với Việt Nam và Philippines theo cùng cách thức hợp tác với Úc.
Nhật đã nhắm đến mục tiêu sử dụng ngân sách 10 tỉ USD để hỗ trợ đào tạo và giúp đỡ quân đội nước ngoài. Việc này cho phép Nhật cung cấp tàu cảnh sát biển cho các nước đang tranh chấp với Trung Quốc như Việt Nam và Philippines.
TS Lionel Pierre Fatton nhận định mối đe dọa từ Trung Quốc chính là nguyên nhân biện chứng khiến Nhật sửa đổi cách diễn giải hiến pháp. Mối đe dọa từ Trung Quốc cũng trở thành biện chứng chính trị cho sự kiện hình thành khuôn khổ đa cực về thỏa thuận an ninh và liên minh tại châu Á-Thái Bình Dương. Tóm lại, khuôn khổ pháp lý trong nước của Nhật sẽ không còn ngăn Nhật thay đổi chính sách đối ngoại gắn liền với an ninh và quốc phòng.
DUY KHANG
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét