Theo một số nhân chứng thân cận thì chuyện Ngô Đình Diệm có một đứa con trai với một người phụ nữ Nam Bộ là hoàn toàn có thật.
Ngoài ra, ông Diệm còn có một mối tình rất sâu nặng với một người con gái Huế và năm 1954, trong một chuyến đi bí mật đã tìm gặp lần cuối người con gái này tại Sài Gòn.
Sự thực bức ảnh bí ẩn nổi tiếng
Năm 1989, tướng Trần Văn Đôn, một lãnh đạo quan trọng trong cuộc đảo chính Ngô Đình Diệm ngày 1/11/1963, có kể: "Sau đảo chính, ông Võ Văn Hải (chánh văn phòng của dinh Độc Lập dưới thời Diệm-PV) có giao cho tôi một số tài liệu để cất giữ và dặn rằng tôi phải giữ cho kỹ. Một hôm, tôi nhận được một số hồ sơ do sĩ quan cấp dưới giao, trong đó có hình một người đàn bà, đứng bên cạnh là đứa con trai khoảng 13- 14 tuổi. Có một bức thư kèm theo nói rằng đứa bé trong hình là con của Ngô Đình Diệm. Khoảng 5 năm sau, tôi được cô T.N cho biết, Ngô Đình Diệm có một con trai, lúc đó tôi mới nhớ ra tấm hình và bức thư, liền đưa cho cô T.N xem. Thì ra cô T.N là thân nhân của người đàn bà kia", Trần Văn Đôn viết trong nhật ký.
Sau này, một trong những người thân cận nhất của gia đình họ Ngô là ông Cửu Long Lê Trọng Văn cũng cho biết đã gặp nhân chứng của câu chuyện bí mật này là bà Hoàng Tỷ, có chồng là giám đốc một trường trung học tư thục ở Sài Gòn và Lê Căng Đảm - giám học trường của chồng bà Hoàng Tỷ. Theo đó, người đàn bà ấy quê miệt Hậu Giang, con gái một gia đình trí thức, khi ông Diệm xuống thăm anh trai là Giám mục Ngô Đình Thục ở Vĩnh Long thì hai người quen nhau. Sau khi ông Diệm làm tổng thống, gia đình họ Ngô muốn giữ tiếng tăm nên người đàn bà ấy đã không dám tiết lộ với ai về đứa con trai giữa bà và Ngô Đình Diệm.
Lúc người phụ nữ này tá túc tại nhà bà Hoàng Tỷ có nhờ bà Tỷ giao thư và ảnh đến tận tay cho Ngô Đình Diệm nhưng bà Hoàng Tỷ lại không đi mà nhờ em gái mình. Em gái bà Hoàng Tỷ mang ảnh và thư về đưa cho người con trai là Lê Căng Đảm tìm cách chuyển thư. Lá thư ấy đã đến tay Ngô Đình Diệm một thời gian mà không thấy tin tức hồi âm gì, người đàn bà ấy đành dắt đứa con trai về Hậu Giang sống âm thầm với kỷ niệm đau buồn. Trước kia khi biết bà có thai với Ngô Đình Diệm, gia đình bà cảm thấy nhục nhã nên đuổi bà ra khỏi nhà, bà phải sống cơ cực, thiếu thốn. Năm 1964, cô T.N hỏi tin tức về người con trai của ông Diệm thì được biết anh ta đã nhập ngũ và chỉ là một người lính bình thường thôi. Đến nay vẫn chưa có chút ánh sáng gì về hai mẹ con bất hạnh này.
Nhắc đến chuyện này, ông Nguyễn Hữu Thùy, người hầu thân tín của Ngô Đình Diệm xúc động kể lại: "Có những đêm ông Diệm không ngủ, đem tấm hình hai mẹ con lưu lạc đó ra nhìn ngắm. Một lần tôi đang có mặt ở đó để hầu hạ thì ông Diệm có phân bua với tôi rằng: "Thân thế mình đang gánh trách nhiệm nặng nề như thế này đây, làm sao mà đi nhìn nhận hòn máu tội lỗi này?". Ngoài một lần duy nhất đó thì ông Thùy cũng không biết thông tin nhiều hơn về chuyện người con rơi của Ngô Đình Diệm. Theo một số tư liệu khác, nhiều người cũng cho rằng sở dĩ Ngô Đình Diệm không muốn đi nhận con và cũng không kết duyên với ai còn có một nguyên nhân khác. Ngô Đình Diệm vốn dĩ là một người "khó yêu" lại vướng vào một mối tình đầu nghiệt ngã nhưng quá sâu đậm đến mức không thể quên được.
Chuyến đi thăm "con mệ nó"
Năm 1918, Diệm học tại trường Pellerin ở Huế, một trường dòng của Công giáo. Lúc này Diệm 17 tuổi, cái tuổi biết yêu. Tuy có tự hứa với lòng và bạn thân, rằng không màng chuyện yêu đương, chỉ để chuyên tâm vào việc học nhưng thời gian này Diệm cũng có một mối tình với người đẹp cố đô. Đó là một chuyện tình thơ mộng, do chính Ngô Đình Diệm kể lại với bạn thân là tri phủ Ngọa Thế Cầu và khá chi tiết. "Không hiểu tôi gặp người con gái ấy có phải do Thánh ý hay không?
Một buổi chiều, vừa đạp xe tới trước cửa nhà, từ phía nhà thờ Phú Cam, gia đình của quan Thượng họ Nguyễn cũng vừa xem lễ chiều xong. Quan Thượng Nguyễn với thầy tôi là chỗ đồng học khi xưa ở Pénang và là bằng hữu nên khi quan Thượng Nguyễn gặp tôi là nhận ra ngay. Sau đó, ngài giới thiệu tôi với bà Thượng và mấy người con. Trong số đó có người con gái út là tiểu thư Trang Đài. Nàng đẹp tuyệt vời, khuôn mặt nàng tỏa ra vẻ thánh thiện. Tôi đánh bạo mời quan Thượng và gia quyến vào thăm nhà, nhưng ngài viện cớ phải về gấp. Cả hai ông bà đều gửi lời thăm hỏi thầy mẹ tôi, còn nàng thì e thẹn cúi đầu lễ phép chào tôi. Khi họ đi rồi, tôi lẳng lặng nhìn theo".
"Tối hôm đó, tôi có mang cuộc gặp gỡ này trình với thầy mẹ tôi, và cũng nói cho thầy mẹ biết tôi đã thay mặt gia đình mời họ vào nhà xơi nước. Mấy ngày sau, vào sáng chủ nhật, tôi vừa lên được mấy bậc tam cấp nhà thờ Phú Cam, thì thật bất ngờ tôi lại gặp Trang Đài cũng vào nhà thờ xem lễ. Khi nhìn thấy Trang Đài, tôi bối rối và nghĩ có nên chào nàng cho phải phép hay không. Giữa lúc chưa quyết định chào hay không thì nàng đã lễ phép cúi đầu chào tôi trước. Xong lễ, chúng tôi gặp nhau trước sân nhà thờ, lần này tôi đánh bạo chào hỏi nàng trước. Cứ thế, hàng tuần vào sáng chủ nhật chúng tôi lại gặp nhau và không còn rụt rè, ngần ngại nữa mà tỏ ra rất tự nhiên. Học hết trung học, tôi được gia đình cho ra miền Bắc học nên tôi và Trang Đài chưa nói với nhau chuyện yêu đương, nhưng trong ánh mắt, chúng tôi đã có cái gì quý mến nhau. Khi gặp Trang Đài lần cuối, chúng tôi không thề non hẹn biển gì, tôi chỉ ngỏ lời tạm biệt nàng và hẹn khi nào học xong có dịp về Huế sẽ tới thăm nàng". Nhưng sau khi Ngô Đình Diệm đi học và khi ra trường đi làm việc thì Trang Đài đã đi tu trong một dòng kín ở Sài Gòn.
Phạm Văn Nhu, cựu chủ tịch Quốc hội của chính quyền Sài Gòn cũ dưới thời Ngô Đình Diệm kể cho biết, năm 1954 có cùng ông Diệm đến thăm một người phụ nữ. Khi ông Diệm gõ cửa, một người đàn ông trạc 50 tuổi ra mở cửa. Vừa thấy ông Diệm, ông ta đã cúi đầu kính cẩn thưa: "Mời cụ lớn vào". Ông Diệm hỏi ngay: "Bà có nhà không"? Người đàn ông thưa: "Bà con vừa ra Nha Trang, mời cụ vào nhà dùng nước đã". Nghe nói thế, vẻ mặt đang vui của ông Diệm bỗng nhăn lại, nói trống không: "Lạ chi hè! Đi Nha Trang mà không cho biết hỉ?". Đứng bần thần một lúc rồi ông Diệm hỏi người đàn ông: "Ông có biết bà ra Nha Trang ở nơi mô không?". Người đàn ông trả lời có biết, ông Diệm liền vui vẻ trở lại và hỏi ông Nhu: "Ông mang giấy bút, ghi lại địa chỉ cho tôi ngay". Trên đường về, ông Diệm còn nói: "Con mệ nó" hiền đức lắm, tuy lấy Tây nhưng lòng dạ tốt lắm. Nhờ "con mệ nó", tôi đã cứu được nhiều người bị mật thám Tây bắt, chồng "con mệ nó" làm ở Sở Mật thám Liên bang, bót Catinat". Chính vì việc chồng "con mệ nó" can thiệp khi ông Diệm nhờ cứu một số bạn bè mà ông ta bị thải hồi, thất nghiệp, phải lên Đà Lạt làm cho một hãng xe hơi. Sau đó, ông ta bị tử nạn trong một tai nạn máy bay trên không phận Sài Gòn.
Về tới nhà, ông Diệm bảo ông Nhu chuẩn bị hành lý đi Nha Trang ngay. Hôm sau, hai người đã có mặt tại Nha Trang. Ông Nhu đi tìm địa chỉ về báo lại cho ông Diệm biết. Khi gặp bà ta, ông Nhu mới hay người đàn bà này không ai khác hơn chính người con gái cố đô năm nào mà ông Diệm đã đem lòng thầm yêu trộm nhớ. Ông Nhu còn cho biết: "Đây là một người phụ nữ xinh đẹp, ăn nói duyên dáng mặn mà. Bà ta ra Nha Trang để thăm xứ thùy dương lần cuối trước khi sang Pháp sống nơi quê chồng". Theo lời ông Phạm Văn Nhu, kể từ đó trở đi không bao giờ nghe ông Diệm nhắc tới ba tiếng "con mệ nó".
Theo Gia đình & Xã hội
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét