Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe giải thích thực hiện quyền tự vệ tập thể trong một cuộc họp báo ngày 15.5.2014.
Ông Trần Việt Thái - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, Học viện Ngoại giao - cho rằng, những chuyển biến gần đây ở khu vực Đông Bắc Á và Đông Nam Á diễn ra mạnh mẽ, trong đó Nhật Bản là nhân tố đặc biệt quan trọng, nhất là khi nước này vừa khôi phục quyền phòng vệ tập thể của mình.
Theo bình luận của ông Thái, tình hình Trung Quốc (TQ) và Đông Bắc Á đang có nhiều chuyển động cần phải lưu tâm. Trong số đó, chuyến đi của Chủ tịch TQ Tập Cận Bình sang Hàn Quốc mới đây hết sức đáng chú ý, bởi nó diễn ra trong bối cảnh tương quan lực lượng ở khu vực Đông Bắc Á diễn biến nhanh chóng.
Phát biểu của ông Tập Cận Bình tại Đại học Seoul và tuyên bố chung với Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye cho thấy, thái độ của TQ mang tính chất thực dụng. Nếu dựa vào ý thức hệ, đáng ra họ phải đi thăm Triều Tiên, bởi kể từ khi ông Kim Jong-un lên nắm quyền ở Triều Tiên, TQ chưa có chuyến viếng thăm cấp cao nào. Nhưng nay, TQ lại chọn Hàn Quốc, cho thấy TQ cũng như lãnh đạo TQ đặt lợi ích quốc gia ở vị trí rất cao.
Vì vậy, cần phải hết sức lưu ý trong cách xử lý quan hệ với TQ. Tôi cho rằng, ý thức hệ không còn cao trong lãnh đạo TQ nữa. Mặt khác, quan hệ kinh tế TQ - Hàn Quốc đang phát triển rất mạnh, và TQ có ý định sử dụng sức mạnh này để chia rẽ quan hệ của Hàn Quốc với các nước, đặc biệt là liên minh Mỹ - Nhật - Hàn, vì dù sao Hàn Quốc vẫn là mắt xích yếu trong liên minh này.
Việc Nhật Bản vừa diễn giải lại hiến pháp để khôi phục quyền phòng vệ tập thể nên được hiểu như thế nào, thưa ông?
- Bản thân Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe nhận thức rằng, việc sửa đổi Điều 9 bản Hiến pháp 1947 cấm Nhật tham gia chiến dịch quân sự bên ngoài lãnh thổ là rất khó khăn, do đó ông chọn cách nhẹ hơn là "diễn giải", thay vì sửa đổi. Điều đó tránh cho ông Abe không phải thăm dò dư luận, thực hiện trưng cầu dân ý. Đây là cách làm khôn khéo, đảm bảo sự chắc thắng, giúp thực hiện các bước đi tương đối chuẩn mà Thủ tướng Nhật Bản đã tính toán kỹ lưỡng từ trước. Theo đánh giá, với liên minh Tự do Dân chủ chiếm đa số tại Quốc hội, Thủ tướng Shinzo Abe không gặp khó khăn trong kế hoạch sửa đổi học thuyết quân sự.
Cần nhớ rằng, sự điều chỉnh "quyền phòng vệ tập thể" theo Hiến chương Liên Hợp Quốc khác so với "an ninh tập thể". Tôi nhấn mạnh, đây là "quyền", chứ không phải "nghĩa vụ". Về mặt không gian, khi quyền phòng vệ tập thể được thông qua, quân đội Nhật rảnh tay hơn, có nhiều không gian để hoạt động. Trước đây, Hiến pháp Nhật Bản chỉ cho phép quân đội được bảo vệ người dân Nhật và bảo vệ đất nước lúc lâm nguy. Với sự "cởi trói" Điều 9 Hiến pháp, giờ đây Nhật Bản có quyền phòng thủ tập thể với đồng minh, bảo vệ công dân Nhật ở nước ngoài, gửi quân để bảo vệ các tuyến hàng hải trọng yếu... Điều này giúp Nhật Bản có thế mạnh hơn khi ứng cử vào Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, nếu tổ chức này được cải tổ.
Tuy nhiên, việc diễn giải lại hiến pháp cũng tạo ra chia rẽ trong nội bộ Nhật Bản và trong quan hệ quốc tế. Theo một thăm dò mới đây, nội bộ Nhật Bản, 50% số người dân được hỏi bày tỏ phản đối, 34% ủng hộ. Tuy nhiên, tôi cho rằng, nếu nguy cơ với Nhật Bản càng tăng thì tỷ lệ trên chắc chắn sẽ thay đổi theo chiều hướng nhiều người ủng hộ hơn. Về mặt quan hệ quốc tế, động thái của Nhật Bản cũng tạo chia rẽ trong khu vực.
Hàn Quốc phản ứng dè chừng, nói rằng không chấp nhận bất kỳ chính sách nào ảnh hưởng tới an ninh Hàn Quốc mà không được phía Hàn Quốc chấp nhận. TQ phản ứng mạnh mẽ, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao TQ Hồng Lỗi "yêu cầu Nhật Bản tôn trọng những quan ngại về an ninh hợp lý của các nước láng giềng Châu Á và nên xử lý các vấn đề liên quan một cách cẩn trọng".
Nhưng một số quốc gia như Australia, Philippines, Mỹ lại hoan nghênh, vì cho rằng “chiếc ô” an ninh của Mỹ đã suy giảm, không đủ che chở an toàn cho Nhật. Các nước này khuyến khích Nhật Bản đóng vai trò lớn hơn, gánh vác thêm trách nhiệm. Đây là biến động rất đáng chú ý.
Vậy việc Nhật Bản diễn giải lại hiến pháp có liên quan gì đến tình hình Biển Đông không, thưa ông?
- Những chuyển biến ở Đông Bắc Á và Đông Á rất phức tạp. Với Nhật Bản, bước đi vừa rồi đã được tính sẵn, làm cơ sở cho việc sửa đổi bản định hướng hợp tác quốc phòng Nhật - Mỹ, dự kiến thông qua vào cuối năm nay hoặc đầu năm sau. Một khi bản định hướng đó được thông qua, việc bố trí lực lượng của Nhật - Mỹ trong khu vực sẽ có điều chỉnh. Ở Biển Đông, nếu xảy ra nguy cơ đe dọa an toàn hàng hải, Nhật Bản có quyền đưa lực lượng đến, làm thay đổi tương quan lực lượng ở khu vực này.
Do đó, các cơ quan tham mưu của Việt Nam cần theo dõi chặt chẽ. Trong cục diện khu vực, nhân tố Nhật Bản đặc biệt quan trọng. Khi Nhật Bản mạnh về kinh tế, chính trị, ngoại giao, "trở lại bình thường" về an ninh quốc phòng, đó sẽ là nhân tố hết sức đáng chú ý cho chúng ta trong công cuộc bảo vệ tổ quốc.
Xin cảm ơn ông!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét