Ngày 10/7, Mỹ đã thể hiện sự cứng rắn của mình khi Thượng viện nước này, với 100% phiếu thuận, thông qua Nghị quyết 412 về an ninh hàng hải Biển Đông và yêu cầu Trung Quốc thiết lập lại nguyên trạng Biển Đông như trước ngày 1/5/2015.
Nghị quyết khẳng định sự ủng hộ của chính phủ Mỹ đối với quyền tự do hàng hải, sử dụng các vùng biển và không phận ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương theo đúng quy định của luật pháp quốc tế.
Nghị quyết nêu rõ mặc dù không phải là một bên có yêu sách ở Biển Đông nhưng Mỹ là một cường quốc châu Á-Thái Bình Dương, có lợi ích quốc gia trong việc khuyến khích và ủng hộ các quốc gia trong khu vực hợp tác với nhau để giải quyết các tranh chấp bằng con đường ngoại giao và hòa bình; phản đối việc cưỡng bức, hù dọa, đe dọa hoặc sử dụng vũ lực.
Tàu Trung Quốc chủ động tấn công tàu Việt Nam tại khu vực hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 |
Nghị quyết 412 liệt kê một loạt hành động của Trung Quốc vi phạm luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS).
Nghị quyết cho rằng các yêu sách lãnh thổ và hành động của Trung Quốc là không thể biện minh theo luật pháp quốc tế như đã được nêu rõ trong UNCLOS và là một hành động đơn phương nhằm thay đổi nguyên trạng bằng vũ lực, vi phạm Tuyên bố về cách ứng xử của các bên tại Biển Đông (DOC) mà Trung Quốc đã ký với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) năm 2002.
Nghị quyết cũng lên án việc cưỡng chế, sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực gây cản trở các hoạt động hàng hải, hối thúc chính phủ Trung Quốc rút giàn khoan Hải Dương-981 cùng các lực lượng ra khỏi các vị trí hiện nay, ngay lập tức trả mọi việc trở về nguyên trạng trước ngày 1/5/2014.
Một ngày sau động thái cứng rắn của Mỹ, Tổng thống Nga Vladimir Putin trong cuộc trả lời phỏng vấn hãng tin Itar-Tass (Nga) và hãng thông tin Prensa Latina (Cuba) cũng tuyên bố, thế giới trong thế kỷ 21 là một thế giới phụ thuộc lẫn nhau, không một quốc gia nào có thể một mình giải quyết các vấn đề quốc tế, mọi mưu toan xây dựng khu vực an ninh riêng sẽ thất bại.
Ông nhấn mạnh: "Hiện nay, yêu cầu đặc biệt quan trọng là thống nhất nỗ lực của toàn thể cộng đồng thế giới để đảm bảo an ninh bình đẳng và không thể tách rời, giải quyết bất kỳ tranh chấp trên cơ sở nguyên tắc pháp lý quốc tế, với vai trò điều phối trung tâm của Liên hợp quốc".
Trong khi Mỹ và Nga cùng nhấn mạnh vào luật pháp quốc tế thì Trung Quốc lại một mực lặng im, thay vào đó là tiếp tục có các động thái leo thang gây căng thẳng trên Biển Đông.
Sự im lặng của Trung Quốc cho thấy nước này đang ngày càng phớt lờ luật pháp quốc tế, cậy sức kẻ mạnh ép buộc các nước khác phải chấp thuận những tuyên bố hết sức vô lý, những quy định do Trung Quốc đơn phương đặt ra trong tranh chấp lãnh thổ.
Thậm chí, theo GS C.Thayer, Học viện Quốc phòng Úc, Trung Quốc đang tự đặt mình lên trên luật pháp quốc tế.
"Trung Quốc nghĩ rằng không nước nào có thể chống lại các hành động của họ... Trung Quốc sẽ không thảo luận các yêu sách chủ quyền lãnh thổ của họ.
Quan điểm của Bắc Kinh những vấn đề này là không thể thay đổi", GS Thayer nhấn mạnh.
Chính vì thế, việc các nước cùng có tranh chấp chủ quyền lãnh thổ với Trung Quốc cần làm là cùng nhau đoàn kết, đưa Trung Quốc ra tòa quốc tế, ngăn chặn sự trỗi dậy của nước này.
An Thái
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét