Khi tôi biết anh, anh đã là một CEO thành đạt. Cuộc sống của anh là những chuyến đi khắp thế giới. Ấn tượng của tôi dành cho anh là sự ngưỡng mộ, tự hào, là niềm vui khi nhận được những bức ảnh anh gửi về từ khắp nơi trên thế giới, là những quãng thời gian ngăn, rất ngắn anh tranh thủ về VN, chúng tôi thường nói với nhau rất nhiều chuyện, tôi thật sự rất thích thú và háo hức được nghe những câu chuyện anh kể – một người có nhiều trải nghiệm lý thú.
Khi anh nói với tôi: Anh sẽ cho em xem những bức ảnh thời gian anh ở… nơi đó đạn bay vèo vèo, con người vừa giây phút trước còn ở ngay cạnh mình, nói cười hớn hở trong tích tắc đã gục chết trên vai đồng đội, máu tràn từ tim đẫm áo mà nụ cười chưa kịp tắt trên môi vì một viên đạn lạc.
Câu chuyện làm tôi hãi hùng nhưng vẫn thấy thản nhiên vì trong suy nghĩ của tôi vẫn là anh đến đó để triển khai những dự án của mình như những dự án anh đang thực hiện ở các quốc gia anh đã đi qua. Chỉ đến khi anh gửi cho tôi rất nhiều bức ảnh về nơi anh đã cầm súng để chiến đấu với đạn dược, súng ống, vũ khí tối tân, với những vòng rào thép gai chằng chịt gai lạnh, tôi mới thật sự tin anh đa trải qua một cuộc chiến ác liệt, một cuộc chiến tranh thật sự và may mắn trở về nguyên vẹn để sực tỉnh và bàng hoàng hoảng hốt:
- Trời ơi! Nghĩa là a đi đánh nhau thật sao? A biết bắn súng? A dùng khẩu súng kia để bắn ngươi ta sao?
Có lẽ, lúc đó anh thật buồn cười về nhưng câu hỏi quá ngô nghê đối với một phụ nữ hơn 30 tuổi.
- Phải thế! vì nếu mình không bắn người ta, người ta cũng bắn mình chiến tranh là như thế!
Câu nói nhẹ nhàng vậy thôi nhưng đã lột tả hết quy luật tàn khốc của chiến tranh: PHẢI GIẾT NGƯỜI! Chiến tranh – với tôi là một khái niệm vừa quen và vừa lạ. Quen vì tôi đã từng được nghe rất, rất nhiều trên TV, đọc rất rất nhiều báo, truyện viết về nó, xem rất nhiều bảo tàng, nhà tù lưu giữ lại những tội ác chiến tranh. Lạ vì tất cả chỉ là qua tưởng tượng, qua lời kể và nó đa là một ký ức đã lùi xa…. rất xa. Đau thương, chết chóc, căm thù… là những khái niệm hiện hữu nhưng mơ hồ. Chỉ đến khi tôi được xem những bức ảnh của anh, được trò chuyện với một người lính bằng xương bằng thịt cùng trang lứa, trở về từ một cuộc chiến tàn khốc cách đây không lâu ngay tại thời đại này đã làm tôi thấy khái niệm chiến tranh “gần gũi” hơn, “rõ nét” hơn.
Những cuộc chiến ở đâu đó mà tôi vẫn nghe trên ti vi và luôn đón nhận thông tin đó một cách hờ hững vì nghĩ rằng nó ơ những nơi mà tôi không biết đến và ở đó toàn người xa lạ thì hoá ra lại có những người bạn của tôi đã tham gia. Tôi bàng hoàng nhận ra chiến tranh vẫn đang diễn ra ngay thế kỉ này, ngay thời đại tôi đang sống nó không hề xa lạ và có thể xảy ra bất cứ lúc nào, bất cứ nơi đâu.
“Anh may mắn đã trở về nguyên vẹn.” Khi anh nói với tôi câu này, tôi đã bật khóc, tôi muốn lao đến để ôm anh thật chăt, nhưng thật tiếc tôi không thể làm được điều đó vì chúng tôi xa nhau quá!
Tôi chưa bao giờ tưởng tượng ra một người bạn nào đó của tôi đã phải cầm súng chiến đấu. Tôi hạnh phúc biết bao khi bạn tôi trở về từ nơi cái chết tựa ” lông hồng”. Đối với anh sự trở về là may mắn nhưng đối với tôi sự trở về của anh là kỳ diệu!
Hôm nay, ngày 30/4 sau 39 năm ngày đất nước trọn niềm vui, câu chuyện về một người Việt Nam ở Mỹ tham chiến tại một chiến trường xa lạ đã cho tôi cảm nhận về niềm hạnh phúc dâng trào khi ngươi thân của mình trở về sau chiến tranh nguyện vẹn để tôi hiểu thêm nỗi đau tận cùng của những người ơ hậu phương đau đáu chờ đợi tin tức của người thân nơi tiền tuyến.
Những dấu tích đau thương, nhưng tai nạn thảm khốc vì tàn dư của chiến tranh vẫn diễn ra hàng ngày, những lớp người đã đi qua chiến tranh vẫn còn đó như những chứng nhân lịch sự. Hậu quả của chiến tranh vẫn trĩu nặng trong những gia đình có người tham gia kháng chiến thế hệ hôm nay chúng ta vẫn gặp trong cuộc sống hàng ngày… Vậy nhưng sao giá trị của sự hi sinh, ý nghĩa của cuộc kháng chiến, nhưng bài ca lịch sử hào hùng cứ nhạt nhoà, mơ hồ với chúng ta hôm nay!?!
Chiến tranh đi qua chưa lâu trên đất nước Việt Nam, nhưng thú thật tôi và nhiều bạn trẻ đã gần như không nhớ. chúng tôi đang sống trong hoà bình và cuộc sống ngày càng dư thừa về vật chất cùng nhiều thú vui và nỗi lo toan để quan tâm. Chúng tôi vẫn ý thức về sự biết ơn với những người đã ngã xuống để bảo vệ Tổ quốc dành lại độc lập cho chúng tôi hưởng thành quả ngày hôm nay, chúng tôi vẫn kính cẩn nghiêng mình trước vong linh các anh hùng liệt sỹ, vẫn xúc động nghẹn ngào khi xem những thước phim tư liệu lịch sử…. nhưng chúng tôi thờ ơ với lịch sử, chúng tôi hờ hững và không mấy ai thực tâm muốn dành thời gian, công sức để đọc, tìm hiểu và suy ngẫm về lịch sử của dân tộc. Chúng tôi tri ân bằng sự ám thị chư không phải bằng trách nhiệm, bằng khao khát muốn biết và hiểu về lịch sử dân tộc
. Giờ đây, câu chuyện của bạn đã thức tỉnh nhận thức trong tôi về vấn đề trách nhiệm lịch sử.
Cũng giống trong tình yêu, bạn chỉ yêu mà không hiểu người mình yêu thì dù bạn có dành tình cảm cho họ đến đâu vẫn thấy khoảng xa lạ giữa hai người. Thế hệ chúng ta ai cũng sẵn trong lòng niềm tự hào dân tộc, sẵn trong lòng tri ơn với sư hi sinh của thế hệ những người cầm súng dành lại độc lập dân tộc, sẵn trong lòng tình yêu nước thiết tha…nhưng chưa sẵn niềm đam mê lịch sử, chúng ta đang nuôi nấng tình yêu lịch sử một cách bản năng như vô thức. Nhưng câu chuyện lịch sử ghi dấu trong tâm trí một cách gần như mơ hồ bởi sự nhơ nhớ quên quên hời hợt, lãng đãng…
Giờ đây, tôi đã quan tâm nhiều hơn đến lịch sử bằng tư duy, bằng việc tìm đọc các tài liệu, tôi muốn yêu lịch sử dân tộc bằng cả tình yêu bản năng lẫn tình yêu tri thức, phải hiểu rồi sẽ thêm yêu và đã yêu thì phải hiểu…Tôi thật sự bất ngờ, hoá ra lịch sử không hề nhạt nhẽo như những bài giảng trên học đường. Khi bạn thật sự muốn tìm hiểu về lịch sử bạn sẽ thấy nó thú vị như đang đoc cuốn tiểu thuyết Mật mã Da Vinci hay Pháo đài số của Dan Brown, có những nhân vật lịch sử mà cuộc đời của họ không chỉ là trận mạc mà còn là những câu chuyện tình yêu lãng mạn và kì bí. Tôi không còn thờ ơ với vẫn đề “chiến sự” xảy ra hàng ngày, những cuộc nội chiến tại Ukraina, thảm sát tại ga tàu ở Trung Quốc khiến tôi suy ngẫm về sự bình yên mình đang thụ hưởng….
Chiến tranh giờ với tôi không còn xa lạ nữa nó không giống trò chơi đánh trận giả mà tôi đã tham gia mỗi dịp cuối tuần. Chiến tranh là nỗi bất hạnh của nhân loại. Chiến tranh không chỉ là nhưng cuộc chiến xâm lược của ngoại bang mà nó là cuộc chiến, tranh đấu giữa hai lục lượng đối kháng.
Tôi cũng như các bạn, chúng ta đang sống giữa thời bình nhưng chúng ta không chỉ cần biết ơn lịch sử, chúng ta cần có trách nhiệm với lịch sử để hiểu rằng lịch sử ngày hôm qua là máu đã đổ đầy biển Đông, là xương đã chất cao như dãy Trường Sơn để có được hoà bình hôm nay. Chúng ta không có quyền chỉ hưởng thụ mà có trách nhiệm duy trì bảo vệ nền hoà bình đôc lập dân tộc. Thờ ơ với lịch sử, mơ hồ với khái niệm về chiến tranh là chính chúng ta đang dần tự đưa mình đen gần với cuộc chiến. Chiến tranh không hề vui như những cuộc chơi trận giả tại các câu lạc bộ mà bạn tham gia cuối tuần. Nó là mất mát, là chết chóc, là li biệt, là đau thương, bởi chiến tranh không phải..............
trò đùa.
Năm 16 tuổi, tôi tình nguyện đi bộ đội khi bom Mỹ ném quanh Hà Nội và cuộc chiến trực tiếp cầm súng đã làm tôi hết cả tuổi xanh.
Hòa bình trở về, bao nhiêu năm sau, nỗi ám ảnh bởi những gì trải qua trong chiến tranh luôn gây cho tôi những cơn mơ khủng khiếp. Những đồng ngũ hy sinh trên tay tôi nhiều lắm, thương đau cũng nhiều, nước mắt cũng lắm. Nhưng không hãi hùng và đau đớn bằng cảnh hàng trăm người nông dân, rất nhiều thiếu nữ và trẻ em đã chết không toàn thây khi bom Mỹ ném vào một làng ở Văn Giang năm 1967. Khắp làng nghi ngút hương khói, y như một nghĩa trang khổng lồ, ba bốn đêm liền vẳng ra trận địa tiếng la khóc ai oán rùng rợn. Cũng những tiếng khóc y hệt thế, tôi lại nghe vào một đêm ở căn cứ Đồng Dù, khi người dân Sài Gòn ra bới xác tìm con cái họ sau trận chiến thảm khốc...
Năm đánh từ Tây Nguyên xuống Cheo Reo, đạn pháo hai bên chả kiêng ai, hàng trăm người dân và binh sĩ hai bên chết la liệt đầy trên mặt đường. Tiếng dạ dầy nổ bôm bốp dưới gầm xe pháo, nhiều bánh xe dính đầy máu. Khi đi qua một khúc cua, tôi thấy rõ xác một phụ nữ rất trẻ, thanh tú, hai tay ôm chặt đứa con đã chết, cổ chị ta còn đeo lủng lặng một dây chuyền và mớ tóc dài đen mượt xòa đổ ra trên mặt đất, hai hốc mắt đen ngòm đầy ruồi bọ... Và những hình ảnh tương tự như thế cứ ám ảnh tôi suốt hơn hai mươi năm, để ra tận xứ người, tôi đã suy nghĩ rất nhiều và viết thiên truyện ngắnTiếng Khóc.
Tôi thường nhớ tới những cơn ác mộng trong chiến tranh nhiều hơn là sự vinh quang của kẻ thắng trận và đủ kinh nghiệm để hiểu ra rằng: Ở góc độ Con Người, chiến tranh là điều khủng khiếp và tàn nhẫn. Khi ra thế giới, tôi lại nhận thêm ra rằng, người ta sinh ra để mưu cầu hạnh phúc cá nhân hay cộng đồng, chứ không phải cầm súng và làm một cuộc chiến nhiều máu, các dân tộc cần được sống để thương yêu và giúp đỡ lẫn nhau.
Từ tháng 5, nhà cầm quyền Trung Quốc ngang nghiên đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng biển của Việt Nam. Những hành vi ngang ngược muốn biến biển của chúng ta như ao nhà của họ làm ai ai là con dân nước Nam trong cũng như ngoài nước đều căm giận; kể cả nhiều người dân tộc khác trên thế giới khi nhận ra thực chất đó không phải là sự tranh chấp, mà hành vi xâm lược phi nghĩa của nhà nước Trung Quốc.
Làm sao cho đất nước yên ổn hòa bình lâu dài mà lại dứt khoát “không chấp nhận đánh đổi độc lập, chủ quyền để lấy bất kỳ thứ gì” thực là một vấn đề lớn, rất khó khăn đòi hỏi ở Chính phủ và toàn dân ta nhiều nỗ lực lớn lao, đầy thử thách, buộc phải tỉnh táo thông minh để vượt qua.
Chiến tranh không phải là sự giải tỏa bức xúc vội vã, thiếu sự sâu sắc chín chắn để hành động, chưa làm hết sức, hết cách để tránh đi cái đau thương mất mát của hàng triệu sinh mạng. Thế giới hôm nay khác xưa nhiều. Chiến tranh không phải muốn là được, dù Trung Quốc đang khiêu khích và chăng bẫy hàng ngày, bởi vẫn có một thế giới của những người yêu chuộng hòa bình, nhân nghĩa. Chính vì thế tôi tán thành chủ trương của Chính phủ ta, kiên trì tố cáo hành vi ngang ngược của nhà nước Trung Quốc trên trường quốc tế để tranh thủ dư luận tiến bộ trên toàn thế. Cũng như thế, chúng ta kiên trì hòa bình dùng ngoại giao để các nước có chung quyền lợi trên biển Đông hợp sức với chúng ta ngăn chặn hành vi ngang ngược của Trung Quốc độc chiếm biển Đông, thậm chí phải đưa ra tòa án quốc tế.
Nhà nước và đại bộ phận con dân Việt Nam đang kiên trì điều đó. Đặc biệt các chiến sĩ của ta trên biển vô cùng kỷ luật đã kiên nhẫn từng giây phút không mắc mưu kẻ thù dầu rằng việc bảo vệ ôn hòa trên biển có thể trả giá bằng sinh mạng của họ.
Trong những ngày căng thẳng ở biển Đông, tôi trầm lặng quan sát, ngắm bất kỳ đâu, bất cứ ai, từ những đứa trẻ ngày ngày cắp sách tới trường tới phiên chợ cóc sớm sớm tinh mơ; từ cảnh các em sinh viên trên giảng trường hay dòng người kẻ chợ đang sinh hoạt bình thường ở Hà Nội để lòng luôn tự hỏi, quang cảnh yên bình kia nếu có chiến tranh mọi người sẽ sống ra sao? Con tôi sẽ ra sao, cháu tôi sẽ ra sao, hàng triệu người lam lũ sẽ ra sao? Chứ không nghĩ giản đơn: Ức quá, choảng thôi... Đấy là cái tức của người âu bồng bột, chưa hiểu biết thật sâu sắc nỗi buồn chiến tranh và hai từ thiêng liêng "dân tộc" và đất nước.
Tôi cũng từng gặp gỡ và tâm sự với nhiều cựu chiến binh, họ cũng như tôi, không kể những người già quá ốm đâu, chúng tôi chung ý nghĩ, chúng ta kiên trì hòa bình nhưng nếu Trung Quốc tấn công vào đất nước, chúng tôi sẽ lên đường. Riêng tôi sẽ rời bỏ châu Âu trở về, mang sức tàn này góp thêm một hạt bụi trong cơn bão cuồng bộ của nhân dân để bảo vệ Tổ quốc. Nhưng chúng tôi đều cầu nguyện đất nước Việt Nam vượt qua được giai đoạn khó khăn này, hòa bình cho dân tộc, cho con cháu. Vì hơn ai hết chúng tôi, những người lính nơi mặt trận đều hiểu rằng, chiến tranh không phải trò đùa và máu của con người không phải nước lã.
Nguyễn Văn Thọ
Các bạn của tôi... Tôi kể cái này đừng lộ ra nhé: Cả lò nhà tôi làm cách mạng. Riêng tôi là người hiếm hoi không vào Đảng - nhưng không vào Đảng không có nghĩa là không yêu nước! Khi có chiến tranh - tôi và thằng bạn Khanh Nv sẽ là một trong những người nhập ngũ đầu tiên - dù không biết bơi.
Tuy nhiên, hỡi các anh Hùng bàn phím đang sừng sực kêu gọi đánh nhau, và ngoạc mồm trách các Chiến sỹ Việt Nam và các LĐ Việt Nam đã "không mạnh mẽ với kẻ thù"... Hỡi các anh hùng miệng: Chiến tranh đâu đơn giản vậy đâu !!!
Tôi nhớ mãi lời Ông nội tôi, (người trong bức ảnh này cùng tôi) - nguyên P. trưởng ban đối ngoại TW, trưởng ban Liên Hiệp Đình Chiến - lúc hỏi về chiến tranh ông nói rằng: Chiến tranh lúc nào cũng đang diễn ra - chỉ là trên bàn đàm phán hay trên chiến trường mà thôi - và việc ta cầm lấy súng và bóp cò, nó đơn giản hơn rất rất nhiều việc phải nhẫn nhịn, chờ đúng thời điểm, và đấu trí và làm sao để đồng bào ít đổ máu nhất.
Và có điều này chắc ít ai biết: từ trước đến giờ, thậm chí ngay tại lúc này, tại những nơi "nóng" nhất... các chiến sỹ của ta máu đang đổ đỏ rực mạn thuyền - nhưng họ vẫn quyết không bắn trả để kẻ thù kiếm cớ... Họ lặng lẽ hy sinh để cho chính những "anh hùng bàn phím" - những người đang chê họ là yếu hèn - được thảnh thơi dạo chơi phố trên những chiếc xe SH mới tinh...
Bởi Việt Nam đã quá nhiều bà mẹ anh Hùng rồi..
Và.. "Bởi chiến tranh đâu phải trò đùa"
Tôi không biết rõ các anh, các lãnh đạo đang làm những gì... Nhưng tôi hoàn toàn tin tưởng rằng họ đang làm hết sức có thể!
Còn tôi thì luôn sẵn sàng khi tổ quốc cần: "Dù rằng đời mình thích cây đàn - kẻ thù buộc ta ôm cây súng"
(MegaFun) - Bố em, 18 tuổi vào bộ đội. Năm đó là 1974, chiến tranh đã vào hồi cuối, bố là lớp tân binh nên còn huấn luyện chán chê để rồi tuyển lựa “đi B”. May mắn thay, bố chưa đến đợt đi B thì chiến tranh kết thúc, 1977 bố giải ngũ trở về, cưới vợ.
Tháng 8/1978, chị cả em ra đời, sau đó chỉ một tháng, chú Tư – em trai ruột của bố em, có lệnh gọi nhập ngũ. Chú vừa nhát vừa hiền, lại vừa cưới vợ nên bố xin đi thay chú. Đất nước đang cần người đã có kinh nghiệm, đơn tình nguyện của bố được chấp thuận ngay. Mẹ em, chị và ông bà tiễn bố lên đường
Vài tháng sau, bố đi K (chiến trường Campuchia). Chuyến tàu đưa bố đi từ ga Hải Phòng, đơn vị bố có hơn 40 người Hải Phòng, vào đến Quảng Trị còn 14 người. Họ nhảy tàu vì đi B thì sẵn sàng nhưng đi K thì khác.
|
Chiến tranh đâu phải trò đùa. |
Thời gian đầu còn có chút tin bố về nhà, càng về sau càng biền biệt. Mấy năm sau có giấy báo tử gửi về, bà nội khụy xuống trước thềm nhà. Suốt tháng trời bà mê man chỉ đòi chống gậy đi tìm con, bà bảo bố em không thể nào chết được.
Mẹ ôm chị gái em từ căn nhà riêng về ở với ông bà vì chị ốm quá, lên sởi mủ xanh mủ vàng đã có lần thiếp đi, chú mang ra góc giường đặt, mẹ khóc ngất, bỗng thấy cánh tay chị vời lên, mẹ lại ôm chị, chăm nuôi bú mớm. Những năm tháng ấy, bố vẫn biền biệt bên kia, không hay biết gì về tình cảnh bi đát của con thơ, mẹ già.
Rồi bố bị thương trong một lần đi họp giao ban buổi tối: đạp trúng mìn, bàn chân dập nát, đồng đội đưa về trạm quân y dã chiến giữa cánh đồng hoang. Sợ tiếp tế đến không kịp, bác sĩ y tá cưa chân cho bố, cưa sống, đồng đội hát quốc ca bao nhiêu vẫn không át nổi tiếng gào thét. Rồi 2 ngày sau bố mới được chuyển về Sài Gòn bằng trực thăng, lần này nằm viện, cưa thêm một lần nữa vì vết cưa cũ bị nhiễm trùng. Điều dưỡng thêm vài năm nữa 1/3 chân phải của bố đã không còn, một mảnh đạn găm ở đùi và hai tai bị điếc nhẹ. Bố về nhà với giấy chứng thương 2/4, mất sức 65%. Nhưng còn về được đã là đại phúc cho cả nhà mình, bố kể hồi mới sang được một tháng, chính tay bố đã phải gói hài cốt của bạn mình để trực thăng mang về.
Ngày bố về, nét mặt dữ dằn hơn, những cơn đau mê sảng thỉnh thoảng vẫn trở lại, chị em nhất định không nhận bố vì sợ cái nạng và cái chân gỗ bố tháo ra lắp vào mỗi sáng tối. Ngay cả đến đời con trai của chị, cháu ngoại của bố, mỗi lần nhìn cái chân ấy nó đều khóc thét. Bố mất cả tháng trời chỉ để làm quen và ôm con gái mình vào lòng mà không làm nó sợ. Đúng, em là gái, em chỉ nhìn những thứ xung quanh mình, em nhìn thấy chiến tranh và hậu quả của nó trong suốt 18 năm sống bên bố, những lần sợ hãi đến run rẩy khi bố em mắt vằn tia máu lên nóng giận vì những điều không lớn lao gì, khi bố em những đêm rên rỉ trong vô thức vì mảnh đạn trong người, khi bố em có những lần đi xe máy hơi quẹt xe đã ngã vì không thể dùng chân giả mà chống như người ta được.
|
Chiến tranh đâu phải trò đùa. |
Bố em chưa một lần than vãn gì về chiến tranh, kêu ca gì về sự đãi ngộ của nước nhà cho những người thương bệnh binh như bố, bố vẫn bươn chải bán buôn ngược xuôi để nuôi con học hành. Em nhớ mãi một lần lớp 11, em học kém bị bố đánh, đánh xong bố nói rất nhiều, nhưng có một câu em không thể nào quên được, bố bảo: “Chị em chúng mày đang đi học bằng tiền xương máu của tao đấy con ạ”. Đúng, chúng em từ Cấp 1 cho đến hết Đại học đều được miễn học phí vì bố là thương binh.
Bao nhiêu năm em sống trên đời là bấy nhiêu năm em thấy mẹ chăm bẵm bố em từ miếng cơm, phích nước, ấm trà, là thấy mẹ chịu đựng đủ sự nóng nảy của bố do thay đổi tâm tính từ lúc trở về. Có đôi lần ai đó nói đến chiến tranh, mẹ em chỉ lơ đãng nói một điều: “Kể cả có chiến tranh, thằng HA (em trai em) nhà này cũng không bị gọi đi nhập ngũ đâu, nó con một, bố lại thương binh yếu đuối thế kia”.
Các bạn có thể cười rằng mẹ suy nghĩ hạn hẹp và ích kỷ, nhưng nếu các bạn đã từng vùi cả tuổi xuân của mình để chờ chồng, nuôi cha mẹ già con thơ và dành cả cuộc đời để xoa dịu những vết thương chiến tranh, các bạn sẽ dễ cảm thông cho mẹ em biết chừng nào. Chiến tranh không đùa với ai cả, cũng không phải cứ hạ súng thì đã là kết thúc thế nên, còn hòa bình được ngày nào, hãy cố mà gìn giữ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét