Hoàng hậu của “vua Lợn” Lê Tương Dực và một kết cục buồn
Sau khi lật đổ được Lê Uy Mục, hoàng thân Lê Oánh chính thức tức vị ngai vàng, đặt niên hiệu là Hồng Thuận, lại tự xưng là Nhân Hải động chủ, còn sử sách thường gọi là Lê Tương Dực. Là một người thông minh, có tài thơ văn nhưng Lê Tương Dực lại dần đi vào “vết xe đổ” của vị vua tiền nhiệm.
Trong hơn 6 năm làm vua (1510- 1516), Lê Tương Dực thích làm nhiều công trình thổ mộc, đắp thành rộng lớn mấy ngàn trượng, bao quanh điện Tường Quang, quán Chân Vũ, chùa Thiên Hoa ở phường Kim Cổ, từ phía đông đến phía tây bắc, chắn ngang sông Tô Lịch, trên đắp hoàng thành, dưới làm cửa cống, dùng ngói vỡ và đất đá nện xuống, lấy đá phiến và gạch vuông xây lên, lấy sắt xuyên ngang.
Lại sai làm thuyền chiến, sai thợ vẽ kiểu Vũ Như Tô công trình sư làm điện lớn hơn trăm nóc, làm Cửu Trùng đài, trước điện đào hồ thông với sông Tô Lịch để dẫn nước vào, thả thuyền Thiên Quang…
Tất cả khiến cho ngân khố quốc gia hao tổn, quân lính và dân chúng bị bắt phục dịch, xây dựng vô cùng khổ nhọc, bị ốm đau bệnh tật, chết chóc rất nhiều. Ngoài ra vua còn nghe lời dèm pha, giết hại người trong tôn thất khiến trong ngoài đều rung động, sợ hãi.
Hoàng hậu Nguyễn Thị Đạo, hoàng hậu thứ hai của nhà Hậu Lê. (Ảnh minh họa) |
Điểm xấu lớn nhất của Lê Tương Dực là ham mê sắc dục, ngày đêm hoan lạc với phi tần mỹ nữ nhưng vẫn chưa thỏa mãn, vua còn bắt cung nhân của Lê Uy Mục và cung nhân của triều vua trước vào để thông dâm.
Ngày 26 tháng giêng năm Qúy Dậu (1513), nhà Minh sai chánh sứ là Hàn lâm viện biên tu Trạm Nhược Thuỷ, phó sứ là Hình khoa hữu cấp sự trung Phan Hy Tăng sang sắc phong vua làm An Nam Quốc Vương và ban cho một bộ áo mũ quan võ bằng da, một bộ thường phục.
Hy Tăng trông thấy vua, bảo Nhược Thuỷ rằng: “Quốc vương An Nam mặt thì đẹp mà người lại lệch, tính háo dâm, là vua lợn”. Chính sử khi đánh giá về Lê Tương Dực cũng chép rằng:
“Vua gian dâm với vợ lẽ của cha, để tang cha mẹ ít ngày, mượn tên của anh để cướp nước của người khác, xa hoa dâm dục quá độ, hình phạt nặng, thuế khoá nhiều, giết hết các thân vương, can qua xảy ra khắp nơi, người thời ấy gọi là “vua lợn” (Đại Việt sử ký toàn thư).
Trái ngược với tính cách của chồng, hoàng hậu của Lê Tương Dực lại là một người đoan chính, nhân hậu nhất mực.
Bà tên thật là Nguyễn Thị Đạo, quê ở huyện Văn Giang, phủ Thượng Hồng, xứ Hải Dương (nay là huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên), con gái một viên quan nhỏ, vì có nhan sắc và đức hạnh nên được tuyển vào cung làm phi, không lâu sau được Lê Tương Dực lập làm Khâm Đức hoàng hậu và rất được vua sủng ái, yêu mến.
Chuyện kể rằng đúng hôm Nguyễn Thị Đạo nhập cung, vua Tương Dực đang trong tình trạng bất an vì việc triều chính rối ren, dân chúng nhiều nơi nổi dậy chống lại triều đình.
Lúc đó có viên quan nội thị vào tâu về việc tổng quản vừa đưa con gái của một số đại thần vào cung để vua lựa chọn, đang không vui, Lê Tương Dực bực tức nói:
“Một lũ ăn hại, chúng ăn cơm của triều đình, mà giúp gì được cho ta, lại còn muốn bắt ta chấp nhận con gái của chúng nữa. Thật khó chịu”. Tuy nhiên, vua đã nghĩ lại:
"Dù sao cũng phải chấp nhận, vì đó là sợi dây ràng buộc bọn bầy tôi, bắt chúng phải trung thành với ta", nghĩ sao làm vậy, Lê Tương Dực bước đến nơi những mỹ nhân đang chờ đợi.
Vừa thấy vua, tất cả vội quỳ xuống hành lễ, trong số các cô gái đó, bất giác ánh mắt của Lê Tương Dực như bị cuốn hút vào một cô gái nhu mì, hiền thục, đó là Nguyễn Thị Đạo, người đã khiến nhà vua không thể làm ngơ...
Lập tức vua gọi viên tổng quản lại hỏi cô gái đó là con nhà ai và truyền đưa Nguyễn Thị Đạo tới trước hoàng đế. Cô gái rất đẹp nhưng không phải là một vẻ đẹp lộng lẫy mà dịu dàng, đằm thắm đầy vẻ đoan trang và nó đã nhanh chóng quyến rũ ông vua háo sắc... Từ đó, Lê Tương Dực giữ Nguyễn Thị Đạo ở bên mình rồi xuống chiếu sắc phong làm hoàng hậu.
Trong suốt năm tháng sống cùng vua, Khâm Đức hoàng hậu Nguyễn Thị Đạo hiểu rõ bản tính chuyên quyền, độc đoán, bạo ngược và ham sắc dục của chồng mình hơn ai hết, bà đã nhiều lần khuyên nhủ vua sớm tỉnh ngộ, bãi bỏ xa hoa, loại trừ nịnh thần, chấn chỉnh triều cương, ban ơn dân chúng; thế nhưng tất cả những lời tâm huyết đó Lê Tương Dực đều bỏ ngoài tai vì thế tâm trạng hoàng hậu lúc nào cũng bất an, lo lắng về một tương lai đen tối phía trước.
Tại triều đình, nhiều đại thần thấy xã hội rối loạn, xã tắc ngả nghiêng mới dâng sớ can ngăn, trong số đó có Trịnh Duy Sản vì nhiều lần can ngăn trái ý vua, bị đánh bằng trượng. Mang tâm trạng bực tức, Trịnh Duy Sản mới mật bàn cùng với một số người là Lê Quảng Độ, Trình Chí Sâm mưu việc phế lập.
Vào hồi canh hai đêm mồng 6 tháng 4 năm Bính Tý (1516), những người này đem hơn 3000 người thuộc các vệ Kim ngô và Hộ vệ bất ngờ đánh vào cửa Bắc Thần. Vua Lê Tương Dực vội vã lên ngựa chạy khỏi cung, đến trước cửa nhà Thái Học (tức Quốc Tử Giám) thì bị chặn lại, Trịnh Duy Sản sai một võ sĩ là tên Hạnh cầm giáo đâm vua ngã ngựa rồi giết chết.
Xác vua được đưa về thiêu ở trước quán Bắc Sứ (nay thuộc khu vực phố Quán Sứ, phường Cửa Nam, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội).
Bấy giờ Khâm Đức hoàng hậu đang ở trong cung, nghe tin dữ báo vào khiến bà lặng người đi, dù vua có là người thế nào thì đó cũng là người chồng rất mực yêu mến mình, nay phải làm sao cho trọn tình trọn nghĩa. Nghĩ rồi, hoàng hậu sai thị nữ trang điểm cho mình thật đẹp, sau đó bà tự nhảy vào lửa ở điện Mục Thanh mà chết.
Tư liệu về Nguyễn Thị Đạo, hoàng hậu thứ hai của nhà Hậu Lê không có nhiều, sách Đại Việt sử ký toàn thư hay Khâm Định Việt sử thông giám cương mục chỉ có vài dòng nhắc đến, riêng sách Đại Việt thông sử cho biết thêm một số thông tin:
“Khâm Đức hoàng hậu họ Nguyễn, húy là Đạo, người huyện Văn Giang, là con gái viên quản lĩnh họ Nguyễn. Bà là người có đức hạnh. Khoảng năm Hồng Thuận được lập làm Hoàng hậu. Sinh được ba hoàng nữ, con cả tên là Thọ Túc, phong là Bảo Phúc công chúa; con thứ hai là Thọ Nguyên, con thứ ba là Thọ Kính, đều chưa kịp phong.
Năm Hồng Thuận thứ 8 (1516), nhà vua bị Trịnh Duy Sản giết, đem thiêu ở quán Bắc Sứ, bà nghe có biến loạn, theo nghĩa không muốn sống thừa, bèn nhảy vào lửa ở điện Mục Thanh mà mất.
Quan quân đem hai quan tài vua và hậu về táng ở Nguyên Lãng, thuộc xã Mỹ Xá, huyện Ngự Thiên. Về sau truy tôn tên thụy là Khâm Đức Thuận Liệt Đôn Tiết hoàng hậu”.
Huyện Ngự Thiên, nơi Khâm Đức hoàng hậu được táng cùng chồng của mình là Lê Tương Dực, xưa là một trong 4 huyện thuộc phủ Tiên Hưng, trấn Sơn Nam (nay là huyện Hưng Nhân, tỉnh Thái Bình), theo dữ liệu của tập Hồng Đức bản đồ thì huyện Ngự Thiên có tổng cộng 52 xã và 4 trang.
Trong Đại Việt sử ký toàn thư, có chép rằng sau khi an táng vua và hoàng hậu, triều đình cho lập điện Quang Hiếu ở xã Mỹ Xá, huyện Ngự Thiên (nay thuộc xã Phú Sơn, huyện Hưng Hà) làm nơi thờ cúng.
Xét trong lịch sử, cuộc đời và số phận của hai hoàng hậu đầu tiên nhà Hậu Lê có một kết cục buồn, nó gắn với chính số phận của chồng họ là hai hoàng đế, những người vì dục vọng cá nhân mà quên đi trọng trách của mình, khiến cho dân chúng lầm than, chính quyền của vương triều Hậu Lê lâm vào khủng hoảng, suy yếu trầm trọng.
Dù chỉ là những nét thoáng qua của lịch sử nhưng Hoàng hậu Trần Thị Xuân Tùng và Hoàng hậu Nguyễn Thị Đạo vẫn giữ được phẩm cách của bậc “mẫu nghi thiên hạ”, tài năng và đức hạnh của họ mãi được ghi nhớ, ca tụng, lưu truyền.
- Lê Thái Dũng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét