CHI HỘI THƯƠNG BINH TINH NGHĨA 282 lê lợi Liên hệ: 0313840668-0934563996           CHI HỘI THƯƠNG BINH TINH NGHĨA 282 lê lợi Liên hệ: 0313840668-0934563996                   CHI HỘI THƯƠNG BINH TINH NGHĨA 282 lê lợi Liên hệ: 0313840668-0934563996                   TIN TỔNGHỢP                     GIÃ SỬ                         QUÂNSỰ             HOANG SA                                        Biển Đông       Thế Giới     Tin trong nước      Sử Việt       UFO      Chuyện Lạ      Gia Đình;

Thứ Ba, 9 tháng 7, 2013

Người con gái chấp nhận lấy vua vì nghiệp lớn

Trở thành vợ vua là mơ ước của không biết bao nhiêu thiếu nữ, tuy nhiên dẫu may mắn được nhập cung thì cũng chưa chắc có được sự sủng ái nhưng dù thế nào thì cuộc sống vật chất cũng sung sướng hơn, địa vị được nâng lên và đem lại vinh dự cho gia đình, dòng họ. Thế nhưng cũng có người chấp nhận lấy vua không phải vì những lý do ấy, mà cao hơn là vì dân, vì nước trong hoàn cảnh sơn hà nguy biến, trong số đó có Đặng Thị Thúy Hạnh.


Lấy vua để cứu nước nhà
Thoạt nghe chuyện một cô gái chấp nhận lấy vua để cứu quốc gia, người ta thấy thật lạ lùng nhưng nếu hiểu rõ hoàn cảnh xã hội lúc bấy giờ thì điều đó không có gì là khác thường cả.
Cô gái ấy tên là Đặng Thị Thúy Hạnh, quê quán ở làng Đông Rạng, huyện Thiên Lộc, phủ Đức Quang, trấn Nghệ An (nay là xóm Tài Năng, xã Tùng Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh).
Cô xuất thân trong một gia đình danh giá, cha là Đặng Tất cuối triều Trần giữ chức quan nhỏ, sang thời Hồ được thăng làm Đại tri châu của châu Hóa (Nghệ An, Hà Tĩnh ngày nay), ông nội là Đặng Đình Dực cũng từng giữ chức Tri châu ở châu Quỳ Hợp.
Cụ nội là Thám hoa Đặng Bá Tĩnh, tước Tuấn Sĩ hầu và tổ tiên nhiều đời là những nhân vật nổi tiếng thời Lý - Trần như Công Bộ Thị Lang Đặng Nghiêm, Cao Nghĩa thần Đặng Tảo, Tiến sĩ Đặng Diễn, Thám Hoa Đặng Ma La, Thái sư Cục Lệnh Đặng Lộ…
Đặng Thị Thúy Hạnh là con út trong gia đình và là con gái duy nhất của Đặng Tất, mẹ mất sớm nên nàng được cha và các anh hết sức yêu mến, chăm sóc, nhờ đó mà khi trưởng thành, nàng không chỉ là một thiếu nữ nhan sắc xinh đẹp, giỏi nữ công, trọn đủ bốn đức (công, dung, ngôn, hạnh), thông làu kinh sử mà còn thao lược võ nghệ, côn quyền.
Bấy giờ, đất nước đang lâm họa ngoại xâm, cuộc kháng chiến của triều Hồ thất bại, Thái thượng hoàng Hồ Quý Ly, vua Hồ Hán Thương cùng nhiều hoàng thân, quốc thích, quan chức cao cấp bị giặc Minh bắt.
Ở khắp nơi đi đến đâu, chúng cũng đốt phá xóm làng, tàn sát dân chúng rất dã man. Nhiều cuộc khởi nghĩa đã bùng nổ nhưng vì thế lực nhỏ, chưa có kinh nghiệm nên lần lượt thất bại; trong số các thủ lĩnh quân khởi nghĩa có cả con cháu nhà Trần muốn nhân thế vừa đánh giặc, vừa phục hồi vương quyền cho dòng họ.
Sử chép rằng có người tên Trần Nguyệt Hồ tự xưng là con cháu nhà Trần, được thổ hào Phạm Chấn tôn lên làm vua ở Bình Than (nay thuộc xã Nam Hưng, huyện Nam Sách, Hải Dương) năm Đinh Hợi (1407), dựng cờ chiêu an gọi là Trung nghĩa quân, lập căn cứ ở Đông Triều (Quảng Ninh) chống quân Minh xâm lược.
Tuy nhiên do lực lượng yếu, không lâu sau, Trần Nguyệt Hồ bị giặc Minh bắt, giết; tàn quân còn lại tản mát nhiều nơi, một bộ phận về Thiên Trường (nay thuộc Nam Định) nhập vào lực lượng của Trần Triệu Cơ.
Tại đất Siêu Loại (nay là huyện Thuận Thành, Bắc Ninh), có Trần Chiêu Đức (con của Trần Phế Đế) cũng chiêu mộ binh lính rồi về Thiên Trường bàn định với Trần Triệu Cơ việc lập chủ soái để ban hiệu lệnh thống nhất.
Sau đó hai người đón Nhật Nam Quận Vương là Trần Ngỗi có hiệu là Giản Định (con thứ của Trần Nghệ Tông) đang lánh giặc ở đất Mô Độ (nay thuộc xã Yên Mô, huyện Tam Điệp, Ninh Bình) lập làm vua vào cuối năm Đinh Hợi (1407), sách Đại Việt sử ký toàn thư viết:
“Mùa đông, tháng 10, ngày mồng 2, Giản Định Đế lên ngôi ở Mô Độ, châu Trường Yên, dựng niên hiệu là Hưng Khánh. Trước đó, Trương Phụ yết bảng bắt các tôn thất họ Trần và đầu mục quan lại cũ để đưa về nước.
Vua trốn chạy đến Mô Độ. Người phủ Thiên Trường là Trần Triệu Cơ đem quân đến lập lên ngôi, xưng theo tên hiệu cũ”.
Quân Minh biết tin liền tổ chức tấn công nhằm tiêu diệt, lực lượng của Giản Định Đế vì mới chiêu tập, không kháng cự nổi liền tan vỡ. Vua bèn đem số quân còn lại chạy về phía Tây rồi đến đất Nghệ An tạm đóng tại đó. Chính sử cho biết:
“Đại trị châu Hóa Châu là Đặng Tất nghe tin, giết viên quan nhà Minh, đem quân tới hội, tiến con gái mình sung vào hậu cung. Vua phong Tất làm Quốc công, cùng mưu việc khôi phục” (Đại Việt sử ký toàn thư).
Người con gái mà sử sách nhắc tới đó chính là Đặng Thị Thúy Hạnh; tương truyền rằng bà chấp nhận làm vợ Giản Định Đế để cha, anh mình có thể đem tài trí giúp nước cứu dân, thực hiện nghĩa lớn.
Lúc Đặng Tất từ Hóa Châu ra Nghệ An theo vua, một số kẻ lòng dạ hẹp hòi biết ông là người có tài nên đố kị, chúng gièm pha với Giản Định Đế khiến vua đâm ra nghi ngại, không dám cho Đặng Tất giữ chức lớn sợ bề tôi chuyên quyền lấn át mình.
Mang trong mình hoài bão lớn lao, nay không được thỏa chí bình sinh, bị nghi ngờ khiến Đặng Tất buồn chán, ông than với các con rằng: “Ta có chút tài nên nguyện đem tính mạng mình giúp cho việc khôi phục giang sơn nhưng hoàng thượng không trọng dụng, lòng ta thật phiền não lắm thay!”.
Nghe vậy, Đặng Thị Thúy Hạnh nói rằng: “Vận nước lúc này ở thế ngàn cân treo sợi tóc, nếu vua tôi không đồng lòng thì nghiệp lớn khó thành, tất sẽ đi đến diệt vong”. Rồi nàng tiếp lời:
“Con có nghe phong thanh rằng, hoàng thượng có lời khen tài sắc, lại có ý muốn con nhập cung để lập làm phi. Nay xin tình nguyện vào hầu hạ đức vua để cha, anh có được tín nhiệm của người!”.
 Mộ bà Hậu phi Đặng Thị Thúy Hạnh dưới chân núi Hồng Lĩnh.
Mộ bà Hậu phi Đặng Thị Thúy Hạnh dưới chân núi Hồng Lĩnh.
Đặng Tất và các con trai của mình trĩu nặng lòng buồn, nói lời an ủi với con em, họ sợ rằng Thúy Hạnh tuổi xuân xanh mới tới trăng tròn, còn Giản Định Đế đã ngoài 50, ngoài sự chênh lệch đó còn phải kể đến Chính phi của vua là Đỗ Thị Nguyệt, một người nổi tiếng cay nghiệt, ghen tuông sẽ không để một cô gái trẻ đẹp tranh đoạt sự sủng ái và quyền uy nơi hậu cung của mình.
Biết tâm trạng, hiểu rõ suy nghĩ, sự lo lắng của cha và các anh, Đặng Thị Thúy Hạnh vẫn cương quyết thưa rằng: “Con xin cam phận xa nhớ đất Tần để trở về đất Tấn cho yên mối quan hệ vua tôi. Ví bằng gặp chuyện không hay, hồng nhan bạc mệnh, âu cũng là số phận an bài, con không có gì phải hối tiếc”.
Cuối cùng Đặng Tất đành đem con gái dâng vào hậu cung, Giản Định Đế có được người đẹp lấy làm mừng rỡ liền phong Đặng Thị Thúy Hạnh làm Hậu phi, phong Đặng Tất làm Quốc công, giao cho thống lĩnh toàn bộ quân sĩ.
Các em của Đặng Tất như Đặng Đức, Đặng Quý đều giữ quan chức khác nhau; các con của ông là Đặng Dung, Đặng Chủng, Đặng Thiết, Đặng Quang… cũng được phong làm tướng quân, đại thần.
Vậy là, nhờ sự chấp nhận hi sinh tình duyên vì nghĩa lớn của Thúy Hạnh mà Giản Định Đế thay đổi hẳn thái độ với cha, anh của nàng; vua tôi hòa hợp, người tài được trọng dụng đã giúp cho nhà Hậu Trần do Giản Định khởi dựng có được một trận đại thắng lừng lẫy trong lịch sử.
Ban đầu, theo kế của Đặng Tất, Giản Định Đế sai quân trừng trị những hoàng thân họ Trần hèn nhát hàng giặc như ngụy quan Trần Thúc Giao, Trần Nhật Chiêu và thuộc hạ; sau đó tiêu diệt những kẻ phản bội khác mà Phạm Thế Căng là kẻ hung hăng nhất.
Ngày 16 tháng 6 năm Mậu Tý (1408), “Đặng Tất cả phá tên bạn thần Phạm Thế Căng ở cửa biển Nhật Lệ, bắt được Thế Căng và cháu nó là Phạm Đống Cao giải về hành tại giết đi. Trước đó, Thế Căng nhận quan chức của nhà Minh, làm oai làm phúc tiếm xưng là Duệ Vũ Đại Vương.
Đến đây, họp quân chiếm cứ núi An Đại. (Đặng) Tất đánh dẹp được… Mùa đông, tháng 10, quốc công Đặng Tất điều quân các lộ Thuận Hóa, Tân Bình, Nghệ An, Diễn Châu, Thanh Hóa tiến đánh Đông Đô.
Khi quân đi qua các xứ Trường Yên, Phúc Thành (nay đều thuộc tỉnh Ninh Bình), các quan thuộc cũ và các hào kiệt không ai không hưởng ứng đi theo. Đặng Tất chọn những người có tài đều trao cho quan chức”.
Một chiến thắng mở đầu cho những bi kịch
Hoảng sợ trước sự phát triển nhanh chóng lực lượng của Giản Định Đế, nhà Minh vội sai tướng Mộc Thạch đem 5 vạn quân sang tăng viện nhằm tiêu diệt nghĩa quân. Ngày 14 tháng 12 năm Mậu Tý (1408) tại bến Bô Cô (nay thuộc xã Hiếu Cổ, huyện Ý Yên, Nam Định), một trận ác chiến long trời lở đất đã diễn ra.
Hơn hẳn về lực lượng, quân Minh ngày càng chiếm ưu thế, trước tình hình đó Giản Định Đế đã tự mình cầm dùi đánh trống đốc chiến.
Quân ta được tăng thêm sĩ khí, ra sức chiến đấu, chém chết thượng thư Lưu Tuấn, đô đốc Lữ Nghị cùng nhiều tướng giặc khác và hàng chục vạn quân giặc gồm cả số quân cũ và quân mới sang tăng viện bị giết, tàn quân còn sót lại không được bao nhiêu.
Sách Đại Việt sử ký toàn thư cho biết diễn biến như sau: “Bấy giờ nhà Minh sai tổng binh Mộc Thạnh mang tước Kiềm quốc công, đeo ấn Chinh di tướng quân, đem 5 vạn quân từ Vân Nam đến Bô Cô, vừa khi vua cũng từ Nghệ An tới, quân dung nghiêm chỉnh, gặp lúc nước triều lên gấp, gió thổi mạnh, sai các quân đóng cọc giữ và lên hai bên bờ đắp lũy.
Thạnh cũng chia quân thủy, quân bộ cùng cầm cự. Vua cầm dùi đánh trống, hạ lệnh, các quân thừa cơ xông ra đánh, từ giờ Tỵ đến giờ Thân, quân Minh thua chạy, chém được Binh bộ thượng thư Lưu Tuấn, Đô ty Lữ Nghị, cùng quân mới, quân cũ đến hơn 10 vạn tên. Chỉ một mình Mộc Thạnh chạy thoát trốn về thành Cổ Lộng”.
Đang đà thắng lớn, vua Giản Định Đế bảo quân tướng rằng: “Hãy thừa thế chẻ tre, đánh cuốn chiếu thẳng một mạch, như sét đánh không kịp bịt tai, tiến đánh thành Đông Quan thì chắc chắn phá được chúng”.
Tuy nhiên Đặng Tất cho rằng nên chuẩn bị kỹ lực lượng, đánh diệt những thành lũy còn lại, củng cố hậu phương rồi mới đánh vao trung tâm phủ độ hộ của giặc:
“Ta nên bắt hết bọn giặc còn sống sót, không nên để mối lo về sau”; bàn định mà không thống nhất, do dự mãi không quyết định được chiến lược ra sao vì thế hiệu lệnh thiếu thống nhất khiến quân Minh từ thành Đông Quan kéo đến cứu được Mộc Thạnh về.
Đây chính là mầm mống cho những bất đồng trong bộ chỉ huy nghĩa quân, bọn gian thần đứng đầu là Nguyễn Quỹ và Nguyễn Mộng Trang vốn ganh ghét tài trí và địa vị của Đặng Tất mới nhân việc này gièm pha rằng ông cậy công mà chuyên quyền, không tuân theo lệnh, chúng xúi giục Giản Định Đế loại trừ Đặng Tất để diệt hậu họa.
Vua mê muội nghe theo, sách sử cho hay vào mùa xuân, tháng 2 năm Kỷ Sửu (1409) “giết quốc công Đặng Tất và Đồng tri khu mật viện sự tham mưu quân sự Nguyễn Cảnh Chân.
Khi ấy vua đóng ở Hoàng Giang, nội nhân là Nguyễn Quỹ, học sinh Nguyễn Mộng Trang mật tâu rằng Nguyễn Cảnh Chân và Đặng Tất chuyên quyền bổ quan và cách chức, nếu không tính sớm đi, sau này khó lòng kiềm chế.
Vua cho gọi hai người đến, bóp cổ giết Tất, Chân chạy lên bờ bị lực sĩ đuổi theo chém chết” (Đại Việt sử ký toàn thư). Bến Hoàng Giang nơi xảy ra máu đổ tang thương đó nay thuộc Ninh Bình.
Bình luận về bị kịch này, nhà sử học triều Hậu Lê là Ngô Sĩ Liên viết: “Đường Thái Tông dùng binh, phần nhiều nhân thế chẻ tre mà giành thắng lợi, là vì có tư thế anh hùng mà tướng và quân vốn đã rèn sẳn.
Vua tính kế quyết thắng nhưng Tất không theo, cố nhiên là đáng tiếc. Song có lẽ Tất liệu vua mình không phải là bậc anh hùng như [Đường] Thái Tông, mà quân thì từ xa đến, lương thực có thể không tiếp tế được, còn quân ở kinh lộ thì chưa tập hợp được, chẳng thà theo phép hơn địch gấp 10 lần thì bao vây, hơn địch gấp 5 lần thì đánh là hơn.
Nếu không thế thì thành Cổ Lộng chỉ cách Bô Cô không quá nửa ngày đường sao vẫn không thể thừa thế chẻ tre mà đánh, huống chi thành Đông Quan. Kế ấy cũng chưa lấy gì làm hỏng lắm, chỉ vì vua tin lời gièm mà vội giết Tất thôi.
Than ôi, Đặng Tất sau khi phá được giặc mạnh, trổ tài mới trong khoảng một tuần một tháng, công việc chưa làm được một nửa mà bị chết oan, đó là cái họa sụp đổ [của nhà Trần], chứ đâu phải là tội của Tất…
Vua may thoát khỏi vòng vây hãm nguy hiểm, cầu người cứu giúp nạn nước, được cha con Đặng Tất có tài làm tướng, cha con Cảnh Chân giỏi tài mưu lược, đủ để lập được công khôi phục, dựng được nghiệp trung hưng.
Với trận thắng Bô Cô, thế nước lại nổi. Thế mà nghe lời gièm pha ly gián của bọn hoạn quan, một lúc giết hại hai người bề tôi phò tá mình thì làm sao nên việc được!”.
Lúc đó Chính phi của Giản Định Đế là Đỗ Thị Nguyệt cũng cho rằng đây là dịp tốt để tiêu diệt tình địch, bà ta tiếp tay với Nguyễn Qũy và Nguyễn Mộng Trang vu khống Đặng Tất với mục đích “cha bị tội thì địa vị của con cũng không còn”.
Ngay sau đó Đỗ Thị Nguyệt tâu với vua rằng: “Đã diệt cha thì chớ nuôi ong tay áo mà nguy hiểm, nên diệt nốt cả ong đi”.
Theo tác phẩm “Tiếu ngạo Trung Hoa” cho hay Đặng Thị Thúy Hạnh còn được gọi là Trinh Tâm, rất giỏi tiếng phương Bắc, hồi cha bà giả hàng giặc để chờ thời cơ, bà đã giúp ông nhiều trong việc giao thiệp với chúng.
Ở hồi 8 của sách mang tiêu đề: “Giao Long, Hắc Vũ nan phân thực-Đại Lý, An Nam soán Đại Minh” có viết rằng: “Trinh Tâm thông minh mẫn tiệp, được Đặng Tất hết lòng yêu mến, đi đâu cũng cho theo trong việc giao thiệp với quan lại nhà Minh, suốt thời gian ông trá hàng, đều qua sự phiên dịch của ái nữ.
Chính vì thế mà Trinh Tâm không như những thiếu nữ Giao Châu khác! Là con quan, nàng được học hành chu đáo, văn hay chữ tốt, thông thạo cả tiếng Quảng Đông lẫn Bắc Kinh... !”.
Khi trở thành hậu phi của Giản Định Đế, Đặng Thị Thúy Hạnh cũng đã giúp vua trong việc soạn thảo chiếu chỉ nên rất được tin tưởng, yêu mến; chính vì thế nghe lời dèm của Chính phi Đỗ Thị Nguyệt, vua vẫn dùng dằng do dự chưa biết xử lý ra sao vì tiếc người đẹp.
Biết khó tránh khỏi họa sát thân, với lòng căm tức những kẻ bội bạc và manh tâm, Đặng Thị Thúy Hạnh đã nhanh chóng cướp ngựa, trốn thoát khỏi quân doanh của Giản Định Đế để đi theo các anh của mình tìm minh chủ mới, tiếp tục đánh giặc, khôi phục non sông.
Là những người có lòng trung nghĩa, biết đặt nợ nước lên trên thù nhà, anh em họ Đặng đứng đầu là Đặng Dung cùng con của Nguyễn Cảnh Chân là Nguyễn Cảnh Dị không dẫn quân tấn công Giản Định Đế để trả thù mà đem quân về Thanh Hóa đón cháu của Giản Định đế là Trần Quý Khoáng đến Nghệ An lập làm vua, lấy niên hiệu là Trùng Quang:
“Tháng 3, ngày 17, vua lên ngôi ở Chi La, đổi niên hiệu là Trùng Quang, lấy Nguyễn Súy là Thái phó, Nguyễn Cảnh Dị làm Thái bảo, Đặng Dung làm đồng bình chương sự, Nguyễn Chương làm Tư mã” (Đại Việt sử ký toàn thư). 
Để thống nhất lực lượng kháng chiến, vua Trùng Quang đế sai Thái phó Nguyễn Súy đem quân đánh thành Ngự Thiên (nay thuộc Hưng Nhân, Thái Bình) bắt được Giản Định đế đưa về Nghệ An vào ngày 20 tháng 4 năm Kỷ Sửu (1409), tôn lên làm Thượng hoàng để cùng chung sức đánh giặc.
Mặc dù bị bắt làm Thái thượng hoàng nhưng Giản Định đế cũng không có phản ứng gì tiêu cực mà vẫn hăng hái ra trận chiến đấu cho đến khi bị chúng bắt được vào tháng 7 năm Kỷ Sửu (1409) đưa về phương Bắc giết hại.
Phụng sự vua mới, anh em họ Đặng tiếp tục tận tâm, tận lực chiến đấu vì mục tiêu giành lại quyền độc lập, tự chủ cho đất nước, họ được Trùng Quang Đế phong cho chức tước khác nhau:
Đồng bình chương sự Đặng Dung, Trấn trị Hóa Châu Đặng Quý, Điện tiền chỉ huy sứ Đặng Đức, Trấn thủ Thanh Hóa Đặng Quang, Hàn Lâm hiệu thảo Đặng Chủng, Đô đốc Đặng Thát làm Phó sứ vận chuyên, Hữu Đô đốc Đặng Noãn, Tả đô đốc Đặng A Thiết...
Còn Đặng Thị Thúy Hạnh ở chốn quân doanh, giúp anh cả việc giấy bút, bàn mưu tính kế nhờ đó với tài năng của mình Đặng Dung đã làm cho chủ tướng nhà Minh là Trương Phụ khiếp sợ với những trận đánh nổi tiếng như Hàm Tử, Hạ Hồng, Diễn Châu, đặc biệt trận Ái Tử với nghệ thuật lấy ít địch nhiều khiến quân Minh kinh hồn hoảng vía.
Thế nhưng vận nước còn gian nan, sau gần 5 năm kiên cường chiến đấu, vào tháng 11 Quý Tị (1413) vua Trùng Quang Đế cùng một số quan tướng bị quân Minh bắt và bị hại, trong đó có các anh của Đặng Thị Thúy Hạnh là Đặng Dung, Đặng Thiết, Đặng Noãn…
Cuộc kháng chiến của nhà Hậu Trần thất bại trong đau thương, phẫn uất của cả dân tộc. Gia đình tan nát, hận đến ngàn thu.
Theo một số nguồn tư liệu thì bà Đặng Thị Thúy Hạnh lánh về chùa Yên Quốc nằm dưới núi Lam Thành (thuộc huyện Hưng Nguyên, Nghệ An ngày nay) xuất gia, khoác áo nâu sồng tụng kinh niệm Phật, đánh chuông cầu nguyện cho các anh hùng, chiến sĩ đã bỏ mình vì nước và cũng là đánh thức lương tâm cho những kẻ còn trong vòng nghi kị, tranh quyền đoạt lợi, lầm đường lạc lối theo giặc.


Còn theo ghi chép của dòng họ Đặng (Đặng tộc) thì sau khi nhà Hậu Trần sụp đổ, Đặng Thị Thúy Hạnh cùng người anh là Đặng Chủng trốn tránh đến chùa Hương Tích trên đỉnh núi Hồng Lĩnh, một thời gian sau hai anh em định về sinh sống tại đất Vô Điền (nay là xã Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh).
Trên đường đi, không may bà lâm bệnh mất tại rú Gâm, tổng Cổ Đạm (nay là xã Cổ Đạm, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh) và được an táng tại đó.
Đến ngày 24 tháng 11 năm Canh Dần (2010) dòng họ Đặng đã cải táng, dời mộ bà về chôn dưới chân núi Hồng Lĩnh, thuộc xã Cương Gián, huyện Nghi Xuân, đây là khu vực mà tương truyền từ xa xưa họ Đặng đã ở. Phần mộ được xây bằng đá, ở thế đất được cho là đại huyệt, con cháu sẽ có phúc ấm đời đời.
Ngày nay, khi mở trang sử cũ, đọc những ghi chép về thời kỳ đau thương mà anh dũng trong giai đoạn kháng chiến chống giặc Minh xâm lược kể từ khi nhà Hồ bị diệt cho đến trước khi cuộc khởi nghĩa Lam Sơn bùng nổ, ngoài những nhân vật nổi tiếng như Giản Định Đế Trần Ngỗi, Trùng Quang Đế Trần Qúy Khoáng, Đặng Tất, Đặng Dung, Nguyễn Cảnh Chân, Nguyễn Cảnh Dị, Nguyễn Biểu...
Chúng ta không thể không nhớ tới Đặng Thị Thúy Hạnh, người phụ nữ mà trần duyên dù chưa thỏa nhưng nghĩa cả mãi mãi sáng ngời.
  • Lê Thái Dũng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét