Minh quân phát hiện anh tài
Nguyễn Toàn An còn có tên khác là Nguyễn An, Nguyễn Kim An, quê ở làng Thời Cử, xã Thời Cử, huyện Đường An, phủ Thượng Hồng, thừa tuyên Hải Dương (nay là thôn Tuyển Cử, xã Tân Hồng, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương), từ nhỏ đã nổi tiếng thông minh, học giỏi.
Theo lệ lập định sổ quân, chọn lựa đinh tráng ở các xứ sung vào quân ngũ của nhà Hậu Lê nên khi đến tuổi trưởng thành, Nguyễn Toàn An được tuyển binh trở thành lính hầu trong hoàng cung.
Cuộc đời ông có lẽ sẽ không có đổi thay lớn nếu như Nguyễn Toàn An không dũng cảm thể hiện tài học của mình và cũng may mắn cho ông khi gặp được vị minh quân nổi tiếng bậc nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam, đó là hoàng đế Lê Thánh Tông.
Theo sách “Công dư tiệp ký” của Vũ Phương Đề thì Nguyễn Toàn An thuở hàn vi phải sung làm lính cắt cỏ nuôi ngựa trong cấm cung.
Vào một đêm Trung thu trăng mờ, Lê Thánh Tông cùng các đại thần mở tiệc rượu để vua tôi cùng nhau xướng họa văn chương, đàm đạo thơ phú, nhân cảnh đêm rằm mây đen che phủ, nhà vua bèn đặt cuộc thi thơ với đầu đề là:
“Đêm thu vô nguyệt” (Đêm Trung thu không trăng). Thế là cả vua lẫn các quan đều trải giấy, cầm bút suy nghĩ để tìm ý thơ hay nhất.
Thấy mọi người chăm chú làm bài, người lính hầu trẻ tuổi Nguyễn Toàn An cũng cảm xúc nảy nở ra tứ thơ, bèn đánh bạo quỳ xuống tâu xin được làm mấy câu thơ để dâng lên vua ngự lãm.
Lúc đó các đại thần có mặt trong cuộc thi đều ngừng bút, tất cả hướng ánh mắt về phía người lính trẻ biểu lộ sự ngạc nhiên, cũng có người cười khẩy tỏ ý khinh thường. Vua Lê Thánh Tông cũng bất ngờ trước tình huống này, ông mỉm cười nói:
“Ngươi nói vậy chắc biết bình văn, làm thơ; là người dưới mà dám nói được như thế cũng là kẻ có dũng khí. Để cuộc thi thơ đêm nay thêm phần thú vị, ta chuẩn tấu cho ngươi; giờ hãy lấy giấy bút ra rồi đua tài cùng các văn thần của trẫm xem sao!”.
Anh lính trẻ cúi đầu lạy tạ rồi lui lại phía sau nhận giấy bút từ tay một viên thị thần đưa cho. Khi thời hạn nộp bài đã hết, các thành viên tham gia cuộc thi thơ cùng người lính hầu kia cũng hoàn thành xong phần thi của mình.
Vua Lê Thánh Tông (1442-1497) |
Lúc dâng lên, vua Lê Thánh Tông cầm lấy bài thơ của người lính xem trước tiên, mọi người có mặt khi đó đều hồi hộp quan sát thái độ của nhà vua. Tuy chỉ là bài thơ của một lính hầu viết trên giấy xấu, nhưng vua Lê Thánh Tông rất trân trọng đọc kỹ từng câu, từng chữ rồi với vẻ mặt hài lòng, ngài phán rằng:
“Vui thay đất nước thái bình, việc học được chú trọng nên đến anh lính hầu cũng làm được thơ hay. Người đâu, hãy đọc to bài thơ này lên để tất cả cùng nghe!”. Một viên quan có giọng tốt được chọn để đọc to bài thơ cho tất cả mọi người cùng nghe.
Bài thơ có hai câu kết rất hay, có tài liệu chép là: “Trăng nay chớ có xem thường/Thu sau trăng sáng như gương giữa trời”, còn theo sách Công dư tiệp ký thì bài thơ được viết bằng Quốc âm (chữ Nôm), toàn bài như sau:
Lề la vặc vặc rạng tơ hào,
Phải mịt mù nay vì cớ sao?
Nhân bởi hắc vân ngất phủ,
Há rằng ngọc thỏ hèn sao.
Phải mịt mù nay vì cớ sao?
Nhân bởi hắc vân ngất phủ,
Há rằng ngọc thỏ hèn sao.
Hằng nga chiếm lấy làm song viết
Thục tế tuồng ni dám ước ao,
Mựa dắng đêm nay trăng thấy nguyệt,
Thu qua đông đến quế càng cao.
Thục tế tuồng ni dám ước ao,
Mựa dắng đêm nay trăng thấy nguyệt,
Thu qua đông đến quế càng cao.
Bấy giờ các vị văn thần đều kinh ngạc thực sự, không ai còn có thái độ coi thường.
Vua Lê Thánh Tông truyền hỏi thì được biết danh tính, quê quán của người lính đó và biết được tuy gia cảnh nghèo khó nhưng cha mẹ vẫn cố gắng lo toan cho con được đi học vì thế từ lúc còn nhỏ đến khi sung làm lính hầu, Nguyễn Toàn An luôn chăm chỉ học hành, những lúc rảnh rỗi cũng có đọc thêm sách vở.
Nghe xong, Lê Thánh Tông rất khen ngợi bèn cho người lính trẻ về quê học tập thêm để sau này đem tài học đó giúp nước, giúp dân; vua còn ưu ái vẫn cho được hưởng lương lính, ngoài ra còn cấp cho một ít tiền làm lộ phí đi đường.
Thương ông nghè bạc mệnh, vua chỉnh sửa luật hình
Nhận được ân huệ đặc biệt, Nguyễn Toàn An rất đỗi vui mừng tạ ơn rồi trở về quê dốc chí học hành. Không lâu sau, trong số 27 người đỗ Tiến sĩ khoa thi năm Nhâm Thìn (1472), Nguyễn Toàn An xếp ở vị trí thứ 2, đoạt học vị Bảng nhãn, khi đó ông mới 22 tuổi.
Thế là đất nước lại có thêm một nhân tài xuất thân từ cảnh khó khăn, địa vị xã hội thấp kém nhưng bằng tài học và sự cố gắng của bản thân đã đỗ đạt, thành danh qua con đường thi cử, trở thành những vị tiến sĩ đức cao, học rộng, có đóng góp nhất định vào sự phát triển văn hoá, trị quốc an dân một thời.
Câu chuyện của Nguyễn Toàn An được nhiều sách vở như “Liệt chuyện đăng khoa lục”, “Hải Dương phong vật chí”, “Tam khôi bị lục”, … nhắc đến.
Tên tuổi, học vị, chức tước của ông còn được khắc trên bia Văn chỉ cùng với tên của 108 vị tiên hiền của 24 xã thuộc huyện Đường An gồm những người đỗ học vị Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa, tiến sĩ và những người tuy không đỗ tiến sĩ nhưng làm quan có nhiều công trạng, được phong chức tước cao hay mở trường dạy học, hay nuôi nấng con cháu nhiều người đỗ đạt.
Tấm bia “Đường An văn chỉ bi” này hiện nằm tại khu đất đình làng Hoạch Trạch (làng Vạc), thuộc xã Thái Học, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương.
Nguyễn Toàn An khi đỗ đạt được hưởng tất cả các nghi thức tôn vinh như được ban áo mão, cân đai, phẩm phục, ăn, yến tiệc, ban cành hoa bạc cùng nhiều vật phẩm, tiền bạc, được rước đi chơi phố phường kinh đô… và nhất là được vua ban ngựa, cấp biển, cờ quạt, võng lọng cùng lính hầu, tùy tùng để tân khoa trở vinh quy bái tổ.
Sau đó ông về triều nhận chiếu chỉ của vua bổ nhiệm giữ chức quan và bắt đầu bước vào con đường chính trị, đem tài năng ra phụng sự triều đình và nhân dân. Làm quan trải nhiều chức vụ, sau Nguyễn Toàn An được thăng lên đến chức Hàn lâm viện thị thư.
Sống dưới chế độ lấy Nho giáo làm hệ tư tưởng nên mọi người, đặc biệt là giới Nho sĩ, quan lại phải nghiêm chỉnh tuân theo các quy chế, những ràng buộc khắt khe, nhất là trong việc tang chế để tỏ lòng hiếu đạo, ơn nhớ.
Mở đầu trong bộ luật nổi tiếng mang tên “Quốc triều hình luật” (còn gọi là Lê triều hình luật, bộ luật Hồng Đức) không phải là các điều luật mà lại là quy định về “Ngũ phục tổng đồ” (bản đồ 5 hạng để tang) và “Bản tôn cửu tộc ngũ phục chi đồ” (bản đồ để tang 9 hàng họ trong họ nội) như trường hợp để tang cha mẹ trong 3 năm, mặc áo may bằng vải xô rất xấu, không khâu gấu…
Chính bởi sự coi trọng tôn ti, giữ chức phận mà những vấn đề có liên quan đến tang chế được đề cập cụ thể. Vào tháng giêng năm Canh Dần (1470), vua Lê Thánh Tông ra sắc chỉ rằng:
“Con để tang cha mẹ, vợ để tang chồng phải theo quy chế chung là 3 năm, không được theo ý riêng tự tiện làm trái lễ, phạm pháp. Con để tang cha mẹ mà vợ cả, vợ lẽ có chửa thì bắt tội đi đày. Vợ để tang chồng mà dâm loạn bừa bãi, hoặc chưa hết tang đã bỏ áo trở, mặc áo thường, hoặc nhận lễ hỏi của nguời khác hay đi lấy chồng khác đều phải tội chết cả.
Nếu đương có tang, ra ngoài thấy đám trò vui mà cứ mê mải xem không tránh, thì xử tội đi đày. Nếu kẻ nào tham của, hiếu sắc mà lấy vợ cả vợ lẽ của kẻ đại ác phản nghịch, cùng là người Man thông dâm với vợ cả vợ lẽ của anh em đã chết rồi, cùng những kẻ làm quan lại mà nhận hối lộ thì tùy tội nặng nhẹ mà xử lý”.
Theo sách “Hải Dương phong vật chí” của Trần Đạm Trai, Nguyễn Toàn An được bổ làm quan ít lâu thì cha mất. Nguyễn Toàn An về cư tang, giữ trọn đạo hiếu 3 năm. Trong thời gian cư tang, Nguyễn Toàn An tuân thủ đúng theo quy định triều đình ban, vì thế khi ông mất đi khi chưa kịp có con trai nối dõi.
Cảm thương cho số phận buồn của bảng nhãn Nguyễn Toàn An, vua Lê Thánh Tông đã cho bỏ lệ này.
Danh sĩ đầu thời Nguyễn là Phạm Đình Hổ trong sách “Vũ trung tùy bút” cũng cho hay: “Đời xưa người đang lúc cư tang mà thê thiếp có thai thì phạm lệ cấm.
Danh sĩ đầu thời Nguyễn là Phạm Đình Hổ trong sách “Vũ trung tùy bút” cũng cho hay: “Đời xưa người đang lúc cư tang mà thê thiếp có thai thì phạm lệ cấm.
Từ khi ông Nguyễn Toàn An vì tránh lệ cấm mà đến nỗi phạt tự (không có con trai nối dõi) mới bỏ đi. Đó cũng là lòng nhân đạo thương người, muốn khoan dung để cho mở rộng đường hiếu vậy.
Song đó là vì những kẻ chưa có con thừa tự mà rộng đường nhân đó thôi, còn như những kẻ đã có tử tức rồi mà cũng mạo muội làm theo thì thực là quái lạ!”.
Những điều luật, chế định tiến bộ trong thời kỳ phong kiến, sau này được nền luật pháp Việt Nam hiện đại học hỏi, kế thừa, vận dụng sáng tạo phù hợp với tình hình xã hội thời kỳ mới.
Việc quy định liên quan đến chuyện mang thai, kết hôn trong thời kỳ tang chế cũng vậy, Sắc lệnh số 97/SL về việc sửa đổi một số quy lệ và chế định trong dân luật do Chủ tịch Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hoà ban hành ngày 22/5/1950 là một thí dụ.
Tại điều 3 của sắc lệnh này quy định: “Trong thời kỳ tang chế vẫn có thể lấy vợ lấy chồng được. Song người vợ goá chỉ có thể lấy chồng sau 10 tháng kể từ ngày chồng chết.
Nhưng trong thời hạn ấy, người vợ goá vẫn có thể tái giá nếu chứng rõ được rằng mình không có thai, hoặc là đã có thai với chồng trước để tránh sự lẫn lộn về con cái”.
- Lê Thái Dũng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét