Cuộc hôn nhân trắc trở trong cơn binh lửa chiến tranh
Cuối thời nhà Hồ, tại thôn Kim Bôi, xã Ngọc Bôn, xứ Thanh Hóa có một gia đình họ Lê sinh được người con trai tuấn tú, kiệt liệt tên là Lê Nhữ Tốn.
Quê chàng, làng Cổ Bôn nằm ở vị trí trung tâm của đất Đông Sơn và cũng gần như trung tâm của vùng đồng bằng châu thổ sông Mã, làng có tên Nôm là Kẻ Bôn, từ thời Lý – Trần được gọi là Trang Bôn, đến đời Lê thuộc tổng Thạch Khê và được chia làm bốn xã, gọi là tứ xã Bôn được ví như một bộ đồ trà quí.
Dân gian có câu: “Đông Sơn tứ Bôn, Hoằng Hóa lưỡng Bột” là để chỉ các vùng đất học của xứ Thanh.
Sống tại một vùng đất nổi tiếng về truyền thống văn hóa và sự hiếu học, Lê Nhữ Tốn từ nhỏ đã chịu ảnh hưởng của những nét đẹp đó và sớm hấp thụ sự giáo dục, dạy dỗ với định hướng theo con đường bút nghiên, khoa cử; tuy nhiên chàng lại ham thích võ nghệ, luyện đao cung hơn.
Khi trưởng thành, đến tuổi lập gia thất, qua mai mối, Lê Nhữ Tốn nên duyên vợ chồng với một cô gái xinh đẹp, hiền thục trong vùng tên là Nguyễn Thị Ánh.
Nỗi thống khổ dưới ách đô hộ của giặc Minh xâm lược. (Tranh minh họa) |
Gia đình vui tươi hòa hợp của họ những tưởng cứ thế được duy trì mãi trong cảnh bình yên nhưng giông bão thời cuộc đã ập xuống không chỉ đối với vợ chồng Lê Nhữ Tốn, Nguyễn Thị Ánh mà phủ bóng đen lên vận mệnh cả dân tộc.
Dưới ách đô hộ của giặc Minh, gia đình đầm ấm của Lê Nhữ Tốn, Nguyễn Thị Ánh bị phá nát, quân giặc kéo đến tàn sát dân làng, cướp của, giết người; những tráng đinh mạnh khỏe bị bắt đi làm phu đắp đồn lũy, nhiều phụ nữ trẻ có nhan sắc thì bị bắt làm nữ hầu, phục dịch trong trại giặc.
Trước cảnh lùng sục, bắt bớ của quân Minh, Lê Nhữ Tốn và một số trai tráng trốn thoát được nhưng người vợ yêu quý của ông đã không gặp may, Nguyễn Thị Ánh rơi vào tay giặc nhưng vì có sắc đẹp, nàng không bị hại hoặc trở thành nơi thỏa mãn dục tính của đám lính mà một tên tướng giặc đã đoạt làm của riêng, hắn cưỡng ép nàng làm vợ mình.
Nước mất nhà tan, tâm trí đớn đau, thể xác bị giày vò, Nguyễn Thị Ánh nhiều lần định tìm đến cái chết nhưng nghĩ đến Lê Nhữ Tốn cùng lời thề nguyền sống bên nhau trọn đời trọn kiếp, nàng cắn răng cam chịu mong có ngày được gặp lại người chồng, chấp nhận muôn ngàn đắng cay, tủi nhục.
Từ đó, Nguyễn Thị Ánh phải ở với tên tướng giặc suốt mấy năm liền tại thành Đông Quan, nơi vốn từng là kinh đô Thăng Long của nước Đại Việt thời Lý, Trần; cuộc sống đầy u buồn ấy kết thúc khi tên tướng này bị triều đình nhà Minh gọi về phương Bắc.
Ở chốn “tổ cáo, hang hùm” nhưng Nguyễn Thị Ánh không bao giờ quên quê hương và người chồng cũ, trên đường theo bọn gia nhân của tên tướng giặc đi đến vùng biên cương, sắp qua cửa ải Nam Quan thì nàng đã tìm cách trốn thoát được.
Thế rồi nàng trèo non vượt rừng, lần mò lẩn tránh mong trở về quê hương Kim Bôi với chặng đường dài nếm trải bao đói rét. Thế nhưng “họa vô đơn chí”, Nguyễn Thị Ánh “thoát được họa beo lại rơi vào miệng cọp”, khi đi tới huyện Nam Xương, phủ Lý Nhân, xứ Sơn Nam (nay là huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam), nàng bị bọn sai nha bắt giữ định giở trò đồi bại.
Dũng tướng Lam Sơn. (Tranh minh họa) |
Một tên cường hào thấy nàng đẹp đã đứng ra nhận, bỏ tiền bạc cho đám sai nha để chuộc người đưa về nhà và ép nàng phải làm vợ hắn. Hồng nhan gặp số truân chuyên, không còn cách nào khác Nguyễn Thị Ánh đành cắn răng cam chịu đi bước nữa theo số phận an bài.
Trùng phùng tái hợp duyên xưa
Nói về Lê Nhữ Tốn, sau khi xóm làng bị đốt phá, bà con thân thuộc bị tàn sát, bắt bớ, người vợ yêu bị cướp đi khiến lòng căm giận kẻ thù bốc cao ngùn ngụt, chàng nhất quyết tìm đường “đền ơn nước, trả thù nhà”.
Bấy giờ khắp cả nước liên tiếp nổ ra các cuộc khởi nghĩa chống giặc Minh, tiêu biểu là lực lượng của con cháu nhà Trần do Trần Ngỗi (Giản Định Đế), nối sau là Trần Quý Khoáng (Trùng Quang Đế) lãnh đạo, mà sử sách gọi là nhà Hậu Trần.
Ngoài ra còn phải kể đến cuộc khởi nghĩa của Phạm Ngọc với xưng hiệu là La Bình Vương, Lê Ngã với xưng hiệu là Thiên thượng hoàng đế, Nguyễn Sư Cối nổi lên ở vùng Đông Bắc cũng xưng vương….
Ban đầu Lê Nhữ Tốn tham gia lực lượng của nhà Hậu Trần nhưng thế giặc quá mạnh, đến cuối năm Qúy Tị (1413) thì nhà Hậu Trần sụp đổ khi vua Trùng Quang sa vào tay giặc đã tuẫn tiết để giữ tròn khí tiết, còn các cuộc khởi nghĩa khác đều lần lượt thất bại trước sự đàn áp dã man của quân Minh.
Trước tình hình đó, Lê Nhữ Tốn đành phải mai danh ẩn tích nhằm trốn tránh sự truy bắt của giặc, vừa để rèn luyện thêm võ nghệ chờ ngày rửa hận.
Mùa xuân năm Mậu Tuất (1418), sau một thời gian tích cực chuẩn bị, trại chủ đất Lam Sơn là Lê Lợi đã cùng những người đồng chí hướng như Nguyễn Trãi, Trần Nguyên Hãn, Lưu Nhân Chú, Lê Sát… phất cờ khởi nghĩa.
Ông tự xưng là Bình Định Vương với câu nói nổi tiếng: "Làm trai nên giúp nạn lớn, lập công to, để tiếng thơm muôn đời, chớ sao lại chịu bo bo làm đầy tớ người?".
Lễ rước dâu thời phong kiến. (Tranh minh họa) |
Nghe tin Lê Lợi dựng cờ đánh giặc, chiêu mộ hiền tài và ra lời kêu gọi dân Việt đồng lòng đứng lên cứu nước đã thu hút các anh hùng hào kiệt từ bốn phương kéo về tụ nghĩa với đủ các tầng lớp xã hội, thành phần dân tộc khác nhau, trong số đó có Lê Nhữ Tốn.
Kể như từ ấy, Lê Nhữ Tốn đã thực sự tìm được vị chân chúa, minh chủ của mình, ông đã cùng nghĩa quân Lam Sơn nếm trải muôn vàn khó khăn, hứng chịu các cuộc càn quét của quân Minh khi hoạt động ở vùng rừng núi Thanh Hóa.
Theo kế của tướng Nguyễn Chích, năm Giáp Thìn (1424) Bình Định Vương Lê Lợi quyết định đưa quân tiến vào Nghệ An, tạo một bước ngoặt về chiến thuật.
Trong các trận chiến, Lê Nhữ Tốn đã tham gia tích cực và trở thành một tướng lĩnh của quân khởi nghĩa Lam Sơn, lập công trạng tại các trận hạ thành Đa Căng, thành Trà Lân, thành Diễn Châu, góp phần vào việc giải phóng đất đai từ Thanh Hoa trở vào đến Thuận Hóa, quân Minh thua trận co cụm lại trong một số thành lớn như thành Nghệ An, thành Tây Đô… với cảnh bị vây chặt.
Tháng 8 năm Bính Ngọ (1426), quân Lam Sơn chia làm 3 cánh bắc tiến, mục tiêu chính là đánh thành Đông Quan, nơi đặt bộ chỉ huy đầu não của hệ thống chính quyền đô hộ, Lê Nhữ Tốn cũng có mặt trong cuộc hành binh lần này.
Khi đến đất Nam Xương, dân chúng kéo ra nghinh đón chật đường, sự tình cờ run rủi đã cho Lê Nhữ Tốn gặp lại người vợ cũ và biết rõ mọi đắng cay mà bà đã phải chịu. Tên cường hào sợ hãi phải để Nguyễn Thị Ánh tái hợp với chồng, bản thân hắn tuy được tha cho mạng sống nhưng cũng phải chịu đòn roi trừng phạt.
Kể từ hôm vợ chồng trùng phùng, Nguyễn Thị Ánh đã theo ông ra Đông Quan, bà nhận trách nhiệm tham gia trong đội quân hậu cần, gánh gồng lương thảo cho binh sĩ.
Đầu năm Đinh Mùi (1427), Bình Định Vương Lê Lợi giải phóng đất nước, nền độc lập được phục hồi, bài Bình Ngô đại cáo được ban bố cho toàn dân biết về chiến thắng vẻ vang này. Còn quân Minh, tiếng là xin hòa nhưng không khác gì phải đầu hàng nhục nhã, viết về điều này sách Minh sử kỷ sự bản mạt của Trung Quốc thừa nhận:
“Vương Thông lực yếu mà phải xin hoà, Liễu Thăng lại sang rồi bị thua chết. Sau đó vua lại xuống chiếu sai sứ sang giao hảo và rút quân về, nhục nhã thực bằng Tân, Trịnh hội thề dưới chân thành, hổ thẹn ngang với Kính Đường cắt đất giảng hoà vậy”.
Thắng lợi rực rỡ của quân Lam Sơn sau hội thề Đông Quan tăng niềm vui cho đôi vợ chồng xưa. Lúc này Lê Nhữ Tốn đã là một võ quan cao cấp còn Nguyễn Thị Ánh là một nữ nghĩa binh.
Nghĩ lại chặng đường đã qua, thấy rằng đám cưới năm xưa khi đôi lứa còn ở tuổi thanh niên đã đi vào dĩ vãng, vậy phải có một lễ thành hôn mới, hai vợ chồng quyết định tổ chức đám cưới lại để xứng với hạnh phúc tái tạo, đổi đời cho dù cả hai người nay đều đã đến tuổi …50!
Lê Nhữ Tốn nảy ra sáng kiến, ông bàn với vợ rằng: “Đám cưới này không bó hẹp trong phạm vi tư dinh, tư thất mà sẽ được tổ chức hôn lễ ngay ở đất Nam Xương, nơi mà nàng bị ép duyên với kẻ cường hào nhưng cũng chính tại đây, đôi ta đã hội ngộ sau bao năm xa cách.
Ta sẽ rước nàng về tận Kim Bôi quê cũ để cùng dân làng hòa chung niềm vui trong không khí tưng bừng của cả đất nước, xóm thôn”.
Thế rồi đám cưới được cử hành trọng thể đúng như mong muốn của hai vợ chồng, tình yêu càng khiến cho họ dù tóc đã điểm bạc mà cảm xúc vẫn còn nguyên vẹn như ở thuở thanh xuân. Thật là:
“Hoa tàn mà lại thêm tươi,
Trăng già mà lại hơn mười rằm xưa!”.
(Đoạn trường tân thanh)
Trăng già mà lại hơn mười rằm xưa!”.
(Đoạn trường tân thanh)
Cuộc rước dâu với trống dong cờ mở kéo suốt từ huyện Nam Xương (Lý Nhân, Hà Nam ngày nay) về đến miền xứ Thanh gây sự chú ý cho dân chúng khắp miền nơi đám rước đi qua.
Nhiều người chứng kiến hôn lễ đặc biệt này đã không kìm được nước mắt xúc động, với họ đây không chỉ là một buổi lễ tuyệt vời mang tính hình thức mà còn đánh dấu là ngày trọng đại khi đất nước được tự do, hạnh phúc đã trở lại với mọi nhà, mọi người sau 20 năm đắm chìm đau khổ dưới ách đô hộ của ngoại bang.
Nếu như người dân nhiều nơi từ Nam Xương trở vào phía nam kinh ngạc, bàn tán xôn xao trước sự việc lạ thì với người dân làng Kim Bôi, huyện Đông Sơn và cả xứ Thanh Hóa nữa thì sự sôi nổi, háo hức còn nhiều hơn hẳn trước một đám cưới to và lạ đến thế.
Có lẽ đây là một chuyện hàng trăm năm chưa từng thấy!
- Lê Thái Dũng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét