Có vị là thiên thần, có vị là nhân thần, có vị truyền tích rõ ràng nhưng có vị lại mờ ảo về xuất xứ, lai lịch. Trong số các bà Chúa Kho đó có hai người là nhân vật lịch sử, xuất hiện trong cuộc đấu tranh chống ngoại bang xâm lược, tiếp nối tinh thần “giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”, góp phần làm rạng danh truyền thống anh hùng, bất khuất của dân tộc.
Nữ anh hùng triều Trần
Lịch sử Việt Nam là lịch sử đấu tranh chống giặc ngoại xâm, trong những chặng đường khó khăn, gian khổ nhưng cũng vô cùng hào hùng đó, phụ nữ có những đóng góp rất to lớn, họ không những xông pha giáp mặt với kẻ thù trong chiến trận, mà còn dũng cảm, mưu trí, bền bỉ trong nuôi quân, làm giao thông liên lạc, vận động tuyên truyền, hoạt động hậu cần…
Chính vì vậy, ngay từ thời dựng nước đã xuất hiện những nữ nhân kiệt và cũng không có gì lạ khi mà dưới triều Trần ở giai đoạn đất nước gặp nguy nan, giới quần thoa lại có thêm những con người như vậy, Lý Thị Châu là một trong số đó.
Lý Thị Châu quê ở làng Cổ Pháp, huyện Tiên Du, đạo Bắc Giang (nay thuộc Đình Bảng, thị xã Từ Sơn, Bắc Ninh), xuất thân trong gia đình võ quan, cha là Lý Quýnh giữ chức Điện hộ binh lương, coi giữ kho tàng ở phủ Phụng Thiên, kinh đô Thăng Long.
Vốn trước đó Lý Quýnh lấy bà Trần Thị Đoan sinh được 2 người con trai, khi con cái khôn lớn yên bề gia thất thì bà Đoan lâm bệnh qua đời.
Mãn tang vợ không lâu, Lý Quýnh lấy vợ kế là Nguyễn Thị Duyên ở phường Võ Trại, huyện Quảng Đức, phủ Phụng Thiên (nay là khu vực Giảng Võ, quận Ba Đình, Hà Nội) sinh được người con gái đặt tên là Lý Thị Châu, thường gọi là Châu Nương.
Nữ anh hùng triều Trần
Lịch sử Việt Nam là lịch sử đấu tranh chống giặc ngoại xâm, trong những chặng đường khó khăn, gian khổ nhưng cũng vô cùng hào hùng đó, phụ nữ có những đóng góp rất to lớn, họ không những xông pha giáp mặt với kẻ thù trong chiến trận, mà còn dũng cảm, mưu trí, bền bỉ trong nuôi quân, làm giao thông liên lạc, vận động tuyên truyền, hoạt động hậu cần…
Chính vì vậy, ngay từ thời dựng nước đã xuất hiện những nữ nhân kiệt và cũng không có gì lạ khi mà dưới triều Trần ở giai đoạn đất nước gặp nguy nan, giới quần thoa lại có thêm những con người như vậy, Lý Thị Châu là một trong số đó.
Lý Thị Châu quê ở làng Cổ Pháp, huyện Tiên Du, đạo Bắc Giang (nay thuộc Đình Bảng, thị xã Từ Sơn, Bắc Ninh), xuất thân trong gia đình võ quan, cha là Lý Quýnh giữ chức Điện hộ binh lương, coi giữ kho tàng ở phủ Phụng Thiên, kinh đô Thăng Long.
Vốn trước đó Lý Quýnh lấy bà Trần Thị Đoan sinh được 2 người con trai, khi con cái khôn lớn yên bề gia thất thì bà Đoan lâm bệnh qua đời.
Mãn tang vợ không lâu, Lý Quýnh lấy vợ kế là Nguyễn Thị Duyên ở phường Võ Trại, huyện Quảng Đức, phủ Phụng Thiên (nay là khu vực Giảng Võ, quận Ba Đình, Hà Nội) sinh được người con gái đặt tên là Lý Thị Châu, thường gọi là Châu Nương.
Bà chúa Kho |
Từ nhỏ Châu Nương đã nổi tiếng hiếu đạo, nết na, đến tuổi đi học được cha mẹ cho đến thụ giáo một thầy đồ họ Ngô ở phường Bích Câu, lúc rảnh rỗi lại được học kiếm cung.
Đến năm 16 tuổi, Châu Nương đã trở thành một thiếu nữ nhan sắc tuyệt đẹp, tinh thông sách vở của bách gia chư tử; múa kiếm, bắn tên, cưỡi ngựa đều giỏi, nàng cũng thường giúp cha việc sổ sách kho tàng hàng ngày, dần dần quen thuộc cách thức và thông thạo mọi việc.
Tiếng đồn về một cô gái thông minh, xinh đẹp và tài giỏi lan khắp kinh kỳ. Nhiều người ngấp nghé ướm hỏi cầu hôn, Châu Nương chưa nhận lời ai thì cha nàng đột ngột qua đời, năm đó nàng vừa tròn 18 tuổi, khi mãn tang cha thì Châu Nương đã 22 tuổi.
Bấy giờ có Trần Đàm thuộc dòng dõi nhà Trần, quê ở Chân Định, phủ Kiến Xương, trấn Sơn Nam (nay thuộc Kiến Xương, Thái Bình) được phong hàm Thái Bảo nên thường gọi là Trần Thái bảo, đang giữ chức làm Đốc bộ ở lộ Hoan Châu (Nghệ An ngày nay) là bậc anh tài trí dũng.
Khi có việc về Thăng Long, nghe tiếng Châu Nương, Trần Thái bảo mới đến làm quen, theo thần phả đền Giảng Võ thì “quan Thái bảo tự đến ướm hỏi, quân tử xứng đôi, nàng bèn thuận ý.
Thái bà cũng thuận lòng gả. Sau khi nộp sính lễ, định ngày lành tháng tốt, quan Thái bảo rước Châu Nương về phủ trị ở Hoan Châu cùng chung chăn gối; từ đấy loan phượng xứng đôi, cầm cắt tình nồng”.
Bấy giờ vào thời vua Trần Nhân Tông ở ngôi, quân Nguyên Mông lại kéo sang xâm lược, thế giặc rất mạnh; chúng chia làm hai đường, một đạo quân theo đường bộ từ phía Bắc đánh xuống, một đạo quân khác theo đường thủy đổ bộ vào đất Chiêm Thành, từ phía Nam đánh ngược lên tạo thành thế gọng kìm.
Tại Hoan Châu, khi quân Nguyên Mông kéo đến, Trần Thái bảo lập tức cùng vợ đốc thúc quân dân chống giặc, bản thân Châu Nương có một đội quân riêng gồm những người được nàng chiêu mộ từ trước tại đất Võ Trại quê hương, gọi là quân Thủ túc.
Các tướng Nguyên Mông chia đường một mặt tấn công Chiêm Thành, một mặt đánh phá khắp các nơi ở phía nam Đại Việt, thành Hoan Châu bị vây chặt.
Nhận thấy không sớm thì muộn giặc sẽ hạ được thành, Trần Thái bảo bèn bàn với vợ rằng: “Bị vây hãm lâu ngày thì đằng nào cũng chết, chi bằng ta giao lại kho thóc quân lương cho phu nhân trông giữ, còn ta sẽ quyết tâm mở cửa thành ra ngoài nghênh chiến. Việc thắng bại là do trời nhưng lòng trung với vua chỉ có một. Dù có chết ta cũng không lấy gì làm hổ thẹn”.
Châu Nương cho là phải, nàng liền buộc tóc, mặc quần áo giả trai lệnh cho binh sĩ dốc sức giữ thành, còn Trần Thái bảo dẫn quân tấn công mãnh liệt nhằm phá vòng vây nhưng yếu thế đành phải rút về Diễn Châu để củng cố lực lượng.
Thay chồng chỉ huy việc giữ thành, Châu Nương đã động viên quân sĩ và dân chúng dốc sức cố thủ khiến giặc mấy lần tập kích đều không sao phá được thành mà còn bị hao binh tổn tướng khá nhiều.
Trần Thái bảo sau khi chiêu mộ thêm quân lại được cứu viện đã tiến về giải vây cho thành Hoan Châu, Châu Nương cũng xuất quân ra đánh, nội công ngoại kích giao chiến một trận lớn, trong trận này, hơn 10 tỳ tướng của giặc bị rơi đầu, ta bắt sống vài trăm quân lính, thu 6 thớt voi và rất nhiều khí giới. Quân Nguyên Mông địch không nổi rút chạy về đèo Ngang thuộc châu Bố Chính (Quảng Bình ngày nay).
Vua Trần Nhân Tông hay tin đã ban chiếu khen ngợi vợ chồng Trần Thái bảo, đặc biệt ca ngợi tài trí và sự dũng lược của Châu Nương, trong chiếu có đoạn viết: “Cho dù chí khí mưu lược, thao quyền của đấng nam nhi; dù có hùng tài như Quản Trọng, Hàn Bạch cũng không hơn được.
Bậc anh hùng tuổi trẻ trên đời này cũng chỉ có một không hai”, vua còn phong nàng là Khố nương Công chúa Quản trưởng Quốc khố Đại Phu nhân.
Ngay sau khi bại trận về nước năm Ất Dậu (1285), quân Nguyên Mông chỉnh đốn quân ngũ, bổ sung lực lượng, đóng tàu chiến, huy động lương thực để trở lại đánh Đại Việt lần thứ ba (cuộc chiến lần này kéo dài khoảng gần 4 tháng, từ cuối tháng 12/1287 đến cuối tháng 4/1288).
Quân giặc chia làm 3 cánh đánh vào Đại Việt theo đường bộ từ Vân Nam, từ Quảng Tây và theo đường biển từ Quảng Đông.
Cùng với việc ra lệnh cho các vương hầu, tướng lĩnh tích cực chuẩn bị chống giặc, vua Trần đã sai quan Đề sát lộ Hải Đông (nay là Hải Dương) vào trấn nhậm Hoan Châu thay cho Trần Thái bảo rồi triệu vợ chồng ông về Thăng Long ban cho ấp Võ Trại làm đất thang mộc.
Trần Thái bảo được phong chức Tiền quân Dực thánh chỉ huy đạo quân bảo vệ nhà vua, còn Châu Nương được nhận nhiệm vụ coi kho tàng ở kinh đô Thăng Long, nắm toàn quyền thu phát binh lương của Quốc khố kiêm cai quản phủ Phụng Thiên.
Khi giặc Nguyên Mông kéo sang, trước thế giặc quá mạnh, triều đình lại rút khỏi kinh đô, Trần Thái bảo được giao một cánh quân tham gia xây thành đắp lũy chặn giặc ở mặt trận phía sông Thao.
Tại Thăng Long, Châu Nương ở lại chỉ huy quân lính chuyển kho, bảo vệ của cải, vận chuyển lương thực đi cất giấu, không để rơi vào tay giặc.
Lúc đó, một số toán trộm cướp nhân cảnh hỗn loạn định xông vào cướp bóc kho tàng quốc gia nhưng Châu Nương đã dẫn quân phòng ngự giữ kho đánh trả, chém đầu cả trăm tên khiến chúng hoảng sợ không dám hoành hành nữa.
Lại nói về Trần thái bảo, khi phòng tuyến sông Thao bị vỡ, ông dẫn quân chống cự quyết liệt để cản giặc, giúp cho vua Trần cùng triều đình rút lui an toàn. Thế cùng lực mỏng, ông đã tử trận vào ngày 12/7 âm lịch tại đất Dục Mỹ (nay là làng Dục Mỹ, xã Cao Xá, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ).
Nghe tin chồng mất, Châu Nương khóc lóc thảm thiết, ngửa mặt lên trời than rằng: “Trời sinh ta là gái, nhưng ta nguyện vì dân, vì nước, dù thịt nát xương tan”. Biết giặc đang tiến gần đến Thăng Long với thế không cản được, Châu Nương cho phân tán hết lương thực vũ khí của cải còn lại, sau đó vào kho lấy khăn hồng thắt cổ tự vẫn vào ngày 20/7 năm đó.
Theo thần tích ngọc phả đình Giảng Võ thì lúc đó trong kho có một tiếng nổ to như sấm, thi hài Châu Nương bay về trời, chỉ còn lưu lại một chiếc khăn hồng và đôi hài phượng theo gió cuốn bay về làng Giảng Võ, nơi sinh của nàng.
Quân lính và dân chúng vừa kinh ngạc vừa thương tiếc đã chôn chiếc khăn hồng và hài ngay tại đó, còn quân giặc khi xông vào kho thấy một con rắn lớn phun nọc độc rất dữ tợn lao ra, chúng sợ hãi phải bỏ đi.
Sau trận quyết chiến ở Vạn Kiếp bị thua to, lại hay tin thủy quân bị tiêu diệt hoàn toàn trên sông Bạch Đằng, chủ tướng giặc là Thái tử Thoát Hoan hoảng hốt lệnh cho quân lính rút chạy khỏi nước ta, đánh dấu thất bại lần thứ ba của đế chế Nguyên Mông tại Đại Việt.
Giặc tan, vua Trần và triều đình về kinh xét công ban thưởng, biết chuyện Châu Nương tử tiết rất thương tiếc sắc phong là “Anh linh hiển ứng khố nương công chúa Chủ khố đại vương phu nhân Thánh mẫu”, dựng đền thờ phụng ngay tại kho, mỗi khi quân lính đến đều phải hành lễ xin phép mới dám mở kho lấy tiền, lương thực.
Triều đình lại cho dân làng Giảng Võ lập đền thờ Châu Nương trên nền nhà cũ ở Võ Trại; ngoài ra còn cho hơn 20 làng ở lộ Diễn Châu (nay là các huyện Diễn Châu, Yên Thành, Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An) lập đền, miếu thờ để tỏ lòng sùng kính.
Từ đời Trần Nhân Tông cho đến đời vua Khải Định nhà Nguyễn, triều đình nhiều lần sắc phong thêm mỹ tự cho Châu Nương như: “Chủ khố phu nhân, anh linh hiển ứng”, “Thành hoàng Chủ khố hộ quốc”, “Quân chưởng quốc khố công chúa”…, còn nhân dân quen gọi là Bà Chúa Kho.
Hiện tại đền Giảng Võ, nơi thờ chính còn lưu nhiều bức đại tự, hoành phi ca ngợi Lý Thị Châu như: “Lý Trần phương danh” (tiếng thơm 2 họ Lý, Trần), “Nữ trung anh kiệt” (anh hùng hào kiệt trong giới nữ), “Vạn cổ lưu phương” (Muôn thuở lưu giữ danh thơm); các câu đối thì đều nhắc đến công tích của người con gái anh hùng:
1. Ngang cổ nữ trung hào, vĩ tích đồng lưu Nam quốc sử
Ngất kim thành ngoại miếu, thần uy do chấn Bắc biên quân.
Nghĩa là:
Muôn thu ở bậc nữ hào, sử sách nước Nam truyền sự tích,
Miếu vũ ngất thành ngoại, biên thùy cõi Bắc dậy oai thần.
2. Tài chính túc sung quân, khốn nội mệnh văn thiên tử chiếu
Âm mưu năng thoái lỗ, quốc trung danh chấn nữ thần quyền.
Nghĩa là:
Của cải đủ nuôi quân, khăn yếm ra tay vâng chiếu chỉ,
Mưu hay lui giặc dữ, nước nhà nức tiếng gái tài cao.
3. Phù vương thất, chính cường xuyên, vạn cổ anh thư truyền quốc sử,
Hiển thần cơ, lưu thánh trợ, thiên thu tiết nhiệt chính Trần cơ.
Nghĩa là:
Phò hoàng gia, muôn thuở anh thư ghi sử nước,
Rạng danh thần, ban thánh đức, nghìn thu tiết nhiệt giúp Trần triều.
Người liệt nữ Nguyễn triều
Trong số các bà Chúa Kho, xuất hiện muộn nhất là Bà Chúa Kho ở thành Nam (tên gọi khác của Nam Định thời xưa) với hiệu là Giám thương công chúa, cuộc đời và công tích của bà nằm trong thời điểm đau thương của đất nước trước họa xâm lăng của giặc Pháp.
Bà tên thật là Nguyễn Thị Trinh, con gái quan Vệ úy Nguyễn Kế Hưng coi kho lương ở thành Nam Định, sau kiêm nhiệm cả việc coi giữ kho khí giới.
Bà là người tính tình cương nghị, sức khỏe hơn người, từ nhỏ đã ham tập võ nghệ, ngoài 20 tuổi không chịu lấy chồng mà chỉ thích múa gươm luyện đao và giúp cha trong việc quản lý lương thực, khí giới.
Cuối năm Quý Dậu (1873), quân Pháp mở rộng tấn công xâm lược ra miền Bắc, chúng lần lượt chiếm được các thành Hà Nội, Hải Dương, Hưng Yên, Phủ Lý, Ninh Bình…
Ngày 14/10 Âm lịch (4/12/1873) chúng dùng thuyền theo đường thủy tiến đánh Nam Định, trên đường đi bị quân triều đình và dân binh chặn đánh quyết liệt trên các sông Đáy, sông Đào nhưng nhờ lực lượng mạnh, có ưu thế vượt trội về vũ khí nên quân Pháp vẫn đến được Nam Định.
Ngày 20/10 âm lịch (10/12/1873), tướng Gácniê chỉ huy quân bắt đầu nổ súng tấn công thành Nam Định nhưng vấp phải sự chống trả dữ dội của tuyến bảo vệ vòng ngoài của thành nên quân Pháp không tiến lên được đành phải rút lui tìm cách khác.
Hai bà chúa Kho khởi nghĩa |
Ngày hôm sau, chúng tập trung hỏa lực tấn công dồn dập vào một phía chứ không đánh phá 4 cổng thành như trước nữa, mặt khác dùng các cây gỗ bắc làm cầu vượt qua bãi chông sắt của quân ta dưới chân thành, rồi dùng thang áp vào tường leo lên đánh chiếm.
Cổng thành bị phá, giặc Pháp tràn vào trong, quân ta cầm cự với chúng trên đường phố rồi co cụm lại một số địa điểm chính như phủ Tổng đốc, Kỳ đài (Cột Cờ)…
Bấy giờ bà Nguyễn Thị Trinh được giao nhiệm vụ canh giữ kho quân lương, khi nghe tin cha đang bị giặc vây tại Cột Cờ bèn truyền cho một toán thuộc hạ chốt chặt các cửa kho, sau đó dẫn toán quân còn lại tiến ra trợ chiến quyết tử thủ giữ vững lá cờ Nam triều trên đỉnh Kỳ đài.
Khi Nguyễn Thị Trinh ra đến nơi thì cha bà đã tử thương vì mất máu quá nhiều, những người lính còn lại cùng toán quân tiếp viện cùng nhau chống cự đến hơi thở cuối cùng, tất cả họ đều trúng đạn ngã xuống bậc thềm Cột Cờ, đáp đền nợ nước.
Thành Nam Định thất thủ giờ Mùi ngày 21/10 năm Quý Dậu (11/12/1873). Nhiều tấm gương hy sinh anh dũng trong trận chiến bảo vệ tòa thành này đã được sử sách ghi lại như Đặng Huy Trinh, Trần Vĩnh Cát, Ngô Lý Diện… và không thể không nhắc đến Nguyễn Thị Trinh, bà mất khi mới 21 tuổi. Nhân dân đã tìm được thi thể bà và chôn cất ngay tại nơi hi sinh, phía đông của Cột Cờ.
Sau khi Hòa ước giữa triều Nguyễn và Pháp ký được ngày 15/3/1874, quân Pháp phải rút khỏi Nam Định, vua Tự Đức xét công lao chống giặc đã phong tặng những người tiết nghĩa trong đó có Nguyễn Thị Trinh, bà được phong là “Giám thương Công chúa” (Công chúa coi kho).
Triều đình còn cho lập đền thờ bà ngay dưới chân Cột Cờ (nên được gọi là đền Cột Cờ) và miếu Bản Tỉnh để thờ những nghĩa sĩ đã hi sinh vì nước; dân địa phương còn tôn bà làm Đương cảnh Thành hoàng - Bản xứ Thổ thần, họ còn gọi Nguyễn Thị Trinh là “bà Chúa Cột Cờ”. Tại đền có câu đối ca ngợi:
Nhất niệm hiếu trung như nhật nguyệt
Thiên thu phần mộ lẫm uy danh.
Nghĩa là:
Trung hiếu một niềm ngời nhật nguyệt
Mộ phần ngàn thuở khét uy danh.
Đến đời vua Thành Thái (1889-1901), triều đình gia phong cho Nguyễn Thị Trinh thêm mỹ tự là “Tiết liệt Anh phong” với duệ hiệu đầy đủ là: “Tiết liệt Anh phong - Giám thương Công chúa”.
Ngoài ra còn phong làm thần gọi là “Linh phù, Dực bảo trung hưng tôn thần”.
Sau này khi Pháp đã đặt ách đô hộ lên toàn lãnh thổ nước ta, đền thờ “Bà Chúa Kho” Nguyễn Thị Trinh bị chúng phá hủy nhiều lần, cuối cùng để che mắt giặc, người dân khi xây lại nơi thờ đã đổi tên thành miếu Bạch Hoa nói đây là nơi thờ Bạch Hoa - một thị nữ của bà chúa Liễu Hạnh trong tín ngưỡng đạo Mẫu, tuy nhiên các hoành phi, câu đối đều là của đền Cột Cờ cũ có nội dung ca ngợi bà Nguyễn Thị Trinh
Ngoài ngôi đền thờ dưới chân Cột Cờ được dựng lại sau này, tại thành Nam Định (nay là thành phố Nam Định) còn có một số nơi thờ bà Chúa Kho - Giám thương công chúa Nguyễn Thị Trinh như đền Nguyên Thương ở phố Hàng Sắt (phường Nguyễn Du), đền Bồng Lai ở đường Trần Hưng Đạo (phường Bà Triệu). Tại đây cũng đều có các câu đối ca ngợi nữ anh hùng thành Nam, như:
Dữ phụ đồng cừu kim diệc hãn
Tồn lương vệ quốc cổ do hy.
Nghĩa là:
Cùng cha chung mối thù, nay cũng hiếm
Giữ lương vì nước, trước đâu nhiều.
Hay như câu:
Huyền mặc vô ngôn, hoàng thượng biền mông tư Bắc khuyết
Tinh thần bất tử, nữ trung anh kiệt chấn Nam thiên.
Nghĩa là:
Lặng lẽ không lời, hoàng thượng chở che riêng cửa Bắc
Tinh thần bất tử, nữ trung anh kiệt động trời Nam.
Trong những thời điểm nguy nan, vì sự tồn vong của quốc gia những người phụ nữ Việt Nam đã đặt quyền lợi cá nhân gia đình gắn với quyền lợi của dân tộc, sát cánh cùng mọi tầng lớp đứng lên cứu nước.
Những tấm gương trung dũng, kiên cường, bất khuất như của hai “bà Chúa Kho” Lý Thị Châu và Nguyễn Thị Trinh mãi sáng ngời trong tâm trí của dân tộc.
Từ bao đời nay việc thờ cúng hai bà cũng như bao vị anh hùng, danh nhân khác là nhằm tri ân ngưỡng mộ, tôn vinh, tưởng nhớ công lao của họ chứ không phải là để cầu tài, lộc lễ, vay mượn, xin tiền của mang tính mê tín dị đoan, “thương mại hóa”.
Đó là nét đẹp văn hóa cần bảo tồn, vì vậy khi đi cúng lễ, mỗi du khách nên chú ý đến sự tích của vị thần mà mình lễ bái, hiểu được tinh thần yêu nước, chiến đấu chống giặc ngoại xâm của hai “Bà Chúa Kho”, như thế mới thực sự mang ý nghĩa tâm linh cao đẹp hướng tới cái thiện, chứ không phải chen chúc nhau đi lễ với những ước mong vụ lợi: “Ta về ta lễ đình ta, Linh thiêng phúc đức đều là tại tâm'”.
Lê Thái Dũng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét