minh hoa
Vua tự nghĩ ra lễ lạ hay học hỏi của Bắc triều?
Ôm gối không phải là ôm chiếc gối đầu dùng khi đi ngủ mà là việc một người vinh dự được nhận 'ân huệ' đặc biệt đó là quỳ rồi nằm xuống ôm đầu gối của hoàng đế.
Lễ ôm gối lần đầu tiên được thực hiện vào năm Ất Mùi (1835), khi đó sau nhiều lần dùng quân tiến hành thảo phạt, triều đình mới dập tắt được cuộc chống đối của các dân tộc thiểu số vùng Tây Bắc do thổ ty châu Bảo Lạc (nay thuộc Cao Bằng) là Nông Văn Vân cầm đầu.
Mặc dù chỉ diễn ra trong thời gian ngắn, mạnh mẽ nhất là khoảng thời gian từ tháng 7 năm Qúy Tị (1833) đến giữa tháng 10 năm Giáp Ngọ (1834) nhưng đã khiến vua quan nhà Nguyễn mất ăn mất ngủ vì quy mô và tầm ảnh hưởng rộng của nó.
Sách 'Bắc Kỳ tiễu phỉ' chép: 'Thổ phỉ Tuyên, Cao, Thái, Lạng lan tràn, chỗ nào cũng có đứa hùng trưởng, mà đều lấy giặc Vân làm chủ...', hay như sách 'Đại Nam thực lục' có đoạn viết: 'Việc nổi loạn là do Nông Văn Vân xướng xuất, tù trưởng các châu đều họa theo và đều nhận chức quan của Vân'.
Vua Minh Mạng |
Binh lính của 5 tỉnh được huy động để đánh dẹp với quân số lên đến hàng vạn người, rất vất vả mới chiếm được các đồn trại, thành lũy của quân khởi nghĩa, Nông Văn Vân trốn vào rừng Thẩm Pát (nay thuộc huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng).
Quân triều đình vây kín rồi phóng hỏa đốt rừng, 'Nông Văn Vân bị thiêu chết, rơi xuống hang đá Thẩm Pát, bên cạnh xác chết còn có một thỏi vàng và một con dao găm mạ vàng bạc' (Bắc Kỳ tiễu phỉ).
Nghe tin thắng trận, vua Minh Mạng mừng rỡ vô cùng với những hành động rất bất ngờ, sách 'Quốc sử di biên' cho biết như sau:
'Mùa đông, tháng 10, Nông Văn Vân chết, Cao Bằng được yên. Vân tiến thoái đều cùng đường, bị đốt mà chết; quan quân chặt lấy đầu, truyền đưa các tỉnh. Bắt được mẹ và thê thiếp của Vân đều giải về kinh. Vua mừng lắm, truyền mở tiệc rượu mua vui, sai cung tần, quanh tay nhau làm kiệu, rồi vua lén mà múa, hô liền mấy tiếng: Cao Bằng yên rồi! Cao Bằng yên rồi!'.
Trong cuộc bình định lực lượng mà triều đình nhà Nguyễn gọi là 'phỉ' này, lập nhiều công trạng nhất có Tổng đốc Sơn Hưng Tuyên là Lê Văn Đức, Tổng đốc An Tĩnh là Tạ Quang Cự và Đề đốc Phạm Văn Điển. Để ban thưởng, Minh Mạng đã ban một bản dụ trong đó nói rằng vua nghĩ ra một nghi lễ mới dành cho những người có công, qua đó tỏ tình yêu mến trọng vọng.
Bản dụ có đoạn viết: 'Trẫm nghĩ Đề đốc Phạm Văn Điển, Tổng đốc Tạ Quang Cự, Lê Văn Đức hai lần đi đánh giặc, 3 năm mới thành công. Trải qua mọi gian hiểm mới nên được công to. Tuy là bổn phận của đạo tôi con phải làm nhưng vì nước khó nhọc, làm ta bớt mối lo ở phương Bắc.
Trẫm lẽ nào quên đi mà không hậu đãi, ngoài việc ban công ban thưởng, phong tước đền công đã có dụ thi hành rồi, nay cho bộ Lễ bày nghi lễ, chọn ngày tốt, trẫm ngự ở cửa Đại Cung, cho các quan đại thần lui quân về vào chầu và cho Phạm Văn Điển, Tạ Quang Cự, Lê Văn Đức làm lễ ôm gối để tỏ ý trẫm coi như Hoàng tử vui đùa dưới gối.
Đây là cái lễ trẫm mới nghĩ ra, mà vì tình thì rất thân yêu, ở chỗ tình lễ vua tôi, không còn gì hơn nữa. Vậy nên đem ý đó truyền bảo cho bọn ấy biết. Lại hôm làm lễ ôm gối xong, cùng cho Tham tán là Nguyễn Công Trứ, Lê Văn Phụng, Nguyễn Tiến Lâm, Hồ Bảo Định đến bên cạnh, trẫm tự tay rót rượu ban cho để báo đáp sự khó nhọc' (Khâm định Đại Nam Hội điển sự lệ).
Trong bản dụ này, vua Minh Mạng cho biết lễ ôm gối do ông nghĩ ra, nhưng một số ý kiến cho rằng khi đặt ra lễ đó có thể vua có học hỏi về lễ ôm gối mà trước đó vua Mãn Thanh là Càn Long đã từng thực hiện và được một số tư liệu của nước ta nhắc đến.
Thí dụ trong sách 'Hoàng Lê nhất thống chí' có đoạn viết về việc Càn Long cho Quang Trung (giả) làm lễ này như sau: 'Khi “quốc vương' tới Yên Kinh, vua Thanh mừng lắm, không hề biết đó là Quang Trung giả.
Lúc 'quốc vương' vào yết kiến, vua Thanh cho cùng ăn yến với các vị thân vương, lại ban ơn đặc biệt cho làm lễ ôm gối hệt như tình cha con trong nhà...'; hoặc như trong 'Đại Nam liệt truyện' cũng có đoạn:
'Tổng đốc Lưỡng Quảng là Phúc Khang An, tuần phủ Quảng Tây là Tôn Vĩnh Thanh cùng đưa đi đến Yên Kinh. Vua nước Thanh muốn nêu khen khác mọi người thưởng cho rất hậu. Đến hành cung Nhiệt Hà, vào chầu ra mắt, làm lễ bảo tất (ôm lấy đầu gối vua)'.
Vua ngự trên ngai vàng trong một buổi đại triều |
Thực ra ở đây có sự nhầm lẫn, 'bảo tất' viết đúng phải là 'bão tất' dùng để chỉ hành động chính mình ôm gối mình, tức là ngồi bó gối và nó không phải là một lễ trong nghi thức, điển chế cung đình triều Mãn Thanh.
Theo sách 'Hàn các anh hoa' của Ngô Thì Nhậm, một triều thần Tây Sơn thì lễ đó gọi là 'bão kiến, thỉnh an', đây là lễ cực kỳ đặc biệt rất hiếm khi thực hiện, nó được hoàng đế dành cho những người lập nhiều quân công lớn.
Việc vua Càn Long tiếp vua Quang Trung (giả) bằng lễ “bão kiến, thỉnh an” để tỏ ý ưu đãi khác thường là trường hợp không chỉ hiếm thấy tại nước Thanh mà cũng chưa bao giờ dành cho các quốc vương nước ngoài khi đến Trung Quốc.
Trong bức thư mà Tổng đốc Lưỡng Quảng là Phúc Khang An trong thư gửi vua Quang Trung trước khi sang thăm có đoạn cho biết: 'Quốc vương ở đất Giao (Chỉ) xa xôi nóng nực, chắc không thông hiểu cách thức của thiên triều.
Phàm các bầy tôi vào triều cận, thường là nghi lễ bình thời, (còn như) bão kiến thỉnh an, ấy là vượt hẳn điển lệ, trước đây chỉ có tướng quân Triệu Công khi bình định Hồi bộ trở về và tướng quân A Công, khi bình định hai Kim Xuyên xong, ca khúc khải hoàn vào triều kiến hoàng đế, hoàng thượng muốn tướng sĩ ra sức, khi đó mới cho thi hành đại lễ này'.
Theo 'Đại Việt quốc thư', trong bài dụ mà Càn Long gửi cho Quang Trung cũng nói rằng 'bão kiến, thỉnh an' là lễ mà 'đại hoàng đế tiết thứ ban cho rất là ưu hậu, các nước phiên ở ngoài, từ thiên cổ cho đến bây giờ, chưa từng được như thế'.
Vậy 'bão kiến, thỉnh an' là lễ gì? Các nhà nghiên cứu cho hay lễ này vốn là một tục đón khách quý trong trường hợp đặc biệt của các sắc dân du mục phía bắc Trung Quốc như Mông Cổ, Mãn Châu…; sau đó nó được cải biến để thành một trọng lễ.
Khi tiến hành, hoàng đế sẽ từ trên ngai vàng bước xuống, đi ra cửa cung điện ôm lấy người được chào đón (bão kiến) để chứng tỏ sự ưu ái, đồng thời có lời thăm hỏi (thỉnh an) trong một bầu không khí cực êm đềm, thân mật. Qua đó có thể thấy lễ này hoàn toàn không phải là lễ 'ôm gối', một lễ lạ mà Minh Mạng nghĩ ra và chỉ được áp dụng trong thời gian trị vì của ông.
Nghi thức trong lễ ôm gối và những đại thần được nhận 'ân sủng'
'Ôm gối' vì là một điển lễ đặc biệt nên chỉ có một số ít người vinh dự được nhận lễ. Trong thư tịch triều Nguyễn như 'Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ', 'Đại Nam thực lục'… có cho biết về trình tự nghi thức và một số trường hợp được nhận lễ này.
Bấy giờ, sau khi vua Minh Mạng ban dụ nói về lễ 'ôm gối', các quan ở Khâm Thiên giám chọn ngày tốt để tiến hành, bộ Lễ và bộ Binh thực hiện việc chuẩn bị cho 'lễ ôm gối' lần đầu tiên như sau:
'Trước một ngày, các phần việc trải chiếu ở giữa cửa Đại Cung, đặt ngai vua ngồi và màn chướng đều được chỉnh đốn. Lại đặt một ná đỏ ở trên thềm gian thứ hai bên tả. Sáng sớm ngày hôm đó, các hoàng tử, vương công, các quan văn võ có phẩm tước đều mặc mũ áo thường triều đợi ở trước sân và hai bên tả, hữu ở cung.
Bọn thống soái, tham tán đều mặc mũ áo đại triều đứng ở ban bên tả. Sáu viên chức ở bộ Binh đều mặc áo mũ thường triều, chia nhau mang các hòm án; các viên đề đốc, tổng đốc, tham tán bộ tiểu quân vụ thì đợi ở ngoài tả ban. Buổi sáng sớm rước vua từ điện Cần Chánh lên kiệu, đến thềm bên bắc cửa Đại Cung thì xuống kiệu.
Lính cảnh môn rước vua lên ngai ngồi. Một viên đường quan bộ Lễ quỳ tâu: 'Xin cho các đại thần lui quân về làm lễ vào chầu', sau đó cúi đầu rồi đứng dậy đi sang bên tả, dẫn các đại thần đến trước sân quỳ lạy 5 lạy. Viên ty bộ Binh bưng hòm ấn quan phòng đến bên cạnh các đại thần, qùy lấy ấn giao cho các đại thần Thống soái tham tán, các đại thần cầm ấn để ngang trán dâng lên.
Viên ty bộ Binh cầm lại ấn, để vào hòm như cũ rồi đứng dậy bưng xuống thềm giao cho thuộc viên; Nội các đem hòm ấy để ở trên án gian thứ 2 bên tả, sau đó lui ra. Các đại thần gật đầu đứng dậy lạy 5 lạy, rồi đứng vào chỗ cũ.
Viên bộ Binh trước dẫn Đề đốc Phạm Văn Điển đi theo bên tả dũng đạo, lên mé đông thềm giữa, đến trước chỗ vua ngồi quỳ xuống sau đó nằm rạp xuống đất ôm gối vua. Vua truyền cho tiến lên, viên đề đốc cài hốt lại vái một vái rồi lui ra đến chỗ quỳ trước, cầm lấy hốt, lại vái một vái.
Viên bộ Binh dẫn xuống thềm, lui ra đứng chỗ cũ. Rồi viên đó lại dẫn Tạ Quang Cự, Lê Văn Đức làm lễ ôm gối như trước. Lại dẫn Tham tán Nguyễn Công Trứ đi từ gian thứ 2 bên tả lên thềm đến bên cạnh ngai vua, quỳ hướng bắc, cài hốt vào đai.
Vua ban khen, rót rượu đưa cho. Viên tham tán bưng chén rượu uống hết, trả chén giao cho viên thị vệ nhận, sau đó vái một vái, lui ra cầm hốt ra đứng chỗ cũ. Lại lần lượt dẫn Lê Văn Thụy, Nguyễn Tiến Lâm, Hồ Bảo Định đều ban cho rượu, vái tạ như trước.
Các đại thần ấy đều ra sân lạy tạ ơn 5 lễ, rồi lui ra. Vua lên kiệu, rước về trong cung, các đại thần nộp các hòm ấn, giao cho Nội các thu nhận cất đi. Ngày hôm ấy cho từ thống soái trở xuống cùng binh sĩ thắng trận về ăn yến, dự trò vui ở nhà bộ Binh'.
Cũng trong năm Ất Mùi (1835), sau khi thực hiện lễ 'ôm gối' đầu tiên, tháng 7 năm đó vua Minh Mạng nhận được tin báo cuộc biến loạn ở thành Phiên An đất Gia Định do Lê Văn Khôi khởi xướng đã bị đánh dẹp nên lấy làm vui mừng.
Các hoàng tử, phủ Tôn nhân cùng trăm quan dâng biểu xin chầu mừng, vua phê rằng: 'Đến ngày mồng 1 tháng 8, trẫm ngự điện ban chiếu cho các phần việc kính cẩn tuân làm'. Các quan cùng nhau bàn, định đặt nghi lễ đại triều ở điện Thái Hòa, rước vua lên ngự trên ngai, các tước công, trăm quan lạy tạ ơn, làm lễ chúc mừng giống như nghi lễ đại triều.
Trong cuộc bình định Phiên An, hai viên tướng thống lĩnh khi trở về kinh vào tháng 10 đã được ban thưởng đặc biệt, Thảo nghịch tả tướng quân Tân kháng bá là Nguyễn Xuân được ban tước hầu, gia hàm Thái tử Thái bảo; còn Thự thảo nghịch hữu tướng quân là Phạm Hữu Tâm được tấn phong tước bá, hàm Thái tử Thiếu bảo.
Sau đó vua Minh Mạng ban dụ cho hai viên tướng này được nhận lễ 'ôm gối', bài dụ viết: 'Nay Thảo nghịch tả tướng quân Tân kháng bá là Nguyễn Xuân, Thự thảo nghịch hữu tướng quân là Phạm Hữu Tâm thắng trận kéo quân về, đem dâng nộp bọn đầu sỏ giặc đã bắt sống được, dâng tai giặc và nộp trả ấn tín, công lớn đã hoàn thành.
Trẫm rất vui mừng, vả lại trước đây quân 3 bộ đi đánh giặc Vân, các thống soái và lũ Tạ Quang Cự vào chầu, trẫm nghĩ công lao cho làm lễ 'ôm gối' để tỏ ý thân yêu như các hoàng tử, tưởng tình lễ vua tôi không còn gì hơn nữa.
Nay trẫm nghĩ hai thảo nghịch tướng quân, cầm quân đánh được thành Phiên An, tuy không khó nhọc như quân 3 bộ liền năm trèo đèo lội suối, xông pha nước độc rừng thiêng mà vây đánh thành kiên cố, ngày ngày lấp hào đắp lũy, mở đường hầm, đào thành đá, nằm gối giáo gươm, xông tên đạn, sớm chiều không nghỉ, khó nhọc gấp mười mới nên công lớn.
So với những người chỉ trèo đèo lội suối, xông pha nước độc rừng thiêng mà thôi có phần khổ hơn chứ không phải là không bằng. Hơn nữa hai viên ấy năm trước đi đánh giặc Xiêm, có nhiều chiến công, vậy trừ ra việc luận công, ban thưởng phong tước, đền công sẽ xuống dụ riêng.
Nay chọn ngày tốt, trẫm ngự cửa Đại Cung cho Nguyễn Xuân, Phạm Hữu Tâm đều làm lễ 'ôm gối' để tỏ rõ sự ưu đãi khác thường. Lễ xong cũng cho Tham tán Nguyễn Công Hoãn, Hồ Văn Khuê, Trần Văn Trí tiến lên trước mặt, trẫm rót rượu ban cho để đáp công khó nhọc'.
Sách sử cho biết, ngoài hai lần được tổ chức nói trên, vào năm Đinh Dậu (1837) lễ 'ôm gối' lần thứ 3 được tiến hành và đây cũng là lễ 'ôm gối' cuối cùng được thực hiện. Năm ấy, nghĩ đến việc Trấn tây tướng quân Trương Minh Giảng, người có công dẹp loạn Lê Văn Khôi và đánh thắng quân Xiêm La xâm lấn Hà Tiên, Châu Đốc, vua Minh Mạng cho triệu ông về triều nhận ban thưởng và dự lễ 'ôm gối'.
Trong bản dụ của mình, vua viết: 'Triều đình ưu đãi đại thần có công, đặt ra lễ lễ 'ôm gối' là tỏ ý thân ái, tin dùng, rất ưu đãi khác thường vậy. Trước đây các đại viên cầm quân đánh giặc như Phạm Văn Điển, Tạ Quang Cự, Lê Văn Đức, Phạm Hữu Tâm đều nhân khi thành công kéo quân về cho làm lễ 'ôm gối' để tỏ ân của ta.
Nay Trấn Tây tướng quân, lĩnh chức Tổng đốc An Hà, Bình Thành bá là Trương Minh Giảng vì ngoài biên vô sự, gọi về vào chầu. Ngày hôm nay đã đến kinh, trẫm rất vui và yên dạ. Vả lại tướng quân ấy trước vâng mệnh đi đánh giặc Khôi, rồi lại đánh tan giặc Xiêm nhưng vì thành Trấn Tây là chỗ biên cương quan trọng nên vẫn cho ở đấy để trấn thủ.
Tính đốt ngón tay đã 5 năm rồi, dẫu không như các thống binh khác sau khi thắng trận lập tức khải hoàn; nhưng trẫm nghĩ lúc đi đánh giặc Khôi là lúc thế giặc đang hăng mà tướng quân ấy đánh một trận ở Bình Long làm nhụt sự ngông cuồng của giặc.
Từ đấy nó mất vía kinh hồn, vào giữ thành trơ trọi, dễ bị đánh tan, trận ấy thật là quân công đệ nhất. Sau đó nước Xiêm đem quân cả nước đến xâm lược, đã vượt qua Hà Tiên, Châu Đốc, dong ruổi quân vào sâu mà tướng quân ấy đem vài nghìn quân, lấy ít đánh nhiều, dùng mưu kế lạ, đánh thắng nhiều trận lớn, giặc sợ phải chạy trốn, biên cảnh được giữ yên, so với công các quan lớn Thống binh trước kia có phần to hơn chứ không kém.
Nay nhân vào chầu nên làm cho tỏ rõ sự vinh quang, vậy đến ngày 19 tháng này, giờ tốt, trẫm sẽ ngự cửa điện, cho Trương Minh Giảng vào chầu làm lễ 'ôm gối' để biểu thị sự yêu mến và càng làm rõ rệt thành tích lớn lao'.
Các bộ tướng khác theo Trương Minh Giảng lập công trong các trận trấn áp cuộc nổi dậy của Lê Văn Khôi, đánh bại quân Xiêm do tướng Chao Phraya Bodin và PhraKlang, giúp nước Chân Lạp thu hồi lãnh thổ, nhân dịp này cũng được vua Minh Mạng ban thưởng vàng bạc, châu báu, lụa là.
Được ăn yến, được uống rượu do vua tự tay rót vào chén vàng, trao cho với nghi lễ rất long trọng, thí dụ như việc ban rượu, có một Hoàng tử đội mũ vàng, mặc áo mãng lan hẹp tay phụ trách, bốn thị vệ mặc áo màu xuân thu, đội nón đầu hổ tiếp tay bưng be rượu và chén vàng cho các tướng.
Lễ 'ôm gối', sáng kiến lạ của vua Minh Mạng được coi là dịp bày tỏ lòng vua thương dân như con, thể hiện cảnh vua tôi hoà mục, thân ái chỉ diễn ra 3 lần với 6 người 'vinh dự' được nhận ân sủng này là Lê Văn Đức, Tạ Quang Cự, Phạm Văn Điển, Nguyễn Xuân, Phạm Hữu Tâm và Trương Minh Giảng.
Các triều vua sau vẫn duy trì việc ban thưởng, phong tước cho các công thần nhưng không còn thấy cảnh các danh thần võ tướng quỳ rạp rồi nằm xuống chân vua để… ôm gối nữa.
- Lê Thái Dũng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét