Chuyện vua đi thăm mẹ, gặp được hồng nhan
Trong phần Hậu phi truyện của sách “Đại Việt thông sử”, tác giả Lê Quý Đôn cho biết khai quát về việc lựa chọn mỹ nhân nhập cung để trở thành hậu, phi của hoàng đế như sau:
“Triều Lê ta gia pháp rất đúng, giáo dục luân thường rất rõ ràng, kén chọn phi tần, tất lấy trong con em các dòng họ công thần lớn và con nhà tử tế; mà lễ trật phân biệt, tôn ti rạch ròi”.
Các quy tắc trong việc tuyển chọn phi tần được quy định nghiêm ngặt, chặt chẽ nhất kể từ đời vua Lê Thánh Tông, một vị hoàng đế xây dựng chế độ phong kiến hoàn bị, phát triển đến đỉnh cao trên cơ sở tư tưởng Nho giáo.
Điều trớ trêu là con trai cả của ông lại không thực hiện theo các quy tắc mà cha mình đã đặt ra, Thái tử Lê Tranh (sau này kế vị trở thành Lê Hiến Tông) đã lấy một người phụ nữ ở địa vị thấp kém làm vợ.
Chính sử cho hay, Lê Hiến Tông sinh ngày 10 tháng 8 năm Tân Tị (1461), ông tên thật là Lê Tranh, còn có tên khác là Lê Huy, Lê Tăng, Lê Sanh, con trưởng của Lê Thánh Tông, thân mẫu là Nguyễn Thị Hằng (sau được phong làm Trường Lạc thái hậu) quê ở trang Gia Miêu, huyện Tống Sơn, xứ Thanh Hoa (nay là Thanh Hóa).
Trong lịch sử Việt Nam, do những cơ duyên đặc biệt mà có những phụ nữ ở thân phận nô tỳ, địa vị thấp hèn nhất trong xã hội nhưng lại trở thành vợ vua. (Ảnh minh họa) |
Tương truyền vua Lê Hiến Tông là con cầu tự mà sinh ra. Theo phong tục, những gia đình nào hiếm muộn con cái thì cầu tự với nhiều cách khác nhau như nhờ thần địa lý dịch mả để tránh thế đất “tuyệt đinh”, đi lễ bái chùa miếu, đền, phủ để cầu Phật Thánh độ cho có con…
Ghi chép của chính sử cho biết Lê Thánh Tông khi mới lên ngôi vua chưa có con nối dõi nên mẹ ông là Quang Thục hoàng thái hậu Ngô Thị Ngọc Dao rất lo lắng bèn sai người “đến cầu ở am Từ Công núi Phật Tích (nay là chùa Thầy ở xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, Hà Nội -TG), chiêm bao thấy đến trước mặt Thượng đế cầu hoàng tự.
Thượng đế phán: Cho sao Thiên Lộc làm con Nguyễn thị; nói rồi cho ẵm đến ngồi ở trước. Bấy giờ Trường Lạc hoàng thái hậu ở cung Vĩnh Ninh, tức thì có mang. Đến đủ ngày tháng, chiêm bao thấy rồng vàng từ trên trời sa xuống vào trong phòng, một lát sau thì sinh ra vua (tức Lê Hiến Tông)…
Vua sinh ra dáng vẻ thiên tử, mũi cao, mặt rồng, thần thái trang nghiêm, tươi đẹp khác thường…” (Đại Việt sử ký toàn thư).
Tháng 3 năm Nhâm Ngọ (1462), Lê Tranh được vua cha lập làm làm thái tử, ngày 30 tháng giêng năm Đinh Tị (1497) Lê Thánh Tông mất, thọ 55 tuổi, đầu tháng 2 năm ấy thái tử lên nối ngôi, đặt niên hiệu là Cảnh Thống.
Ở ngôi được hơn 7 năm thì Lê Hiến Tông lâm bệnh mất vào ngày 24 tháng 5 năm Giáp Tý (1504), tuy thời gian làm vua ngắn nhưng ông đã làm được nhiều việc có ích cho dân cho nước và có thể nói trong lịch sử bang giao thời phong kiến ở nước ta, chưa có vị vua nào lại được sứ thần phương Bắc mến mộ, khen ngợi nhiều như Lê Hiến Tông.
Tháng 12 năm Kỷ Mùi (1499) nhà Minh sai hai đoàn sứ, đoàn thứ nhất do Từ Ngọc dẫn đầu sang làm lễ viếng Lê Thánh Tông và đoàn sứ thứ hai do Lương Chừ, Vương Chẩn mang sắc phong cho Lê Hiến Tông.
Diện mạo, phong thái và kiến thức của vua trong cuộc gặp các sứ thần nhà Minh đã khiến họ kinh ngạc, khâm phục và hết lời khen ngợi. Sách “Đại Việt sử ký toàn thư” cho biết như sau: “Ngày 23, bọn Lương Trừ, Vương Chẩn, Từ Ngọc đều tới trạm Thị Cầu.
Hôm ấy, vua sai bọn Đông các đại học sĩ Đàm Văn Lễ, học sĩ Nguyễn Nhân Thiếp, Bùi Nhân tới trạm Thị Cầu cùng với bọn Lương Trừ bàn việc làm lễ. Ngày 24, Từ Ngọc đi từ Thị Cầu đến trạm Lữ Khôi, vua ngự thuyền Tiểu Quang đến trạm đón tiếp.
Khi vua trở về cung, Trừ ra ngoài cửa trạm đưa tiễn, bảo Bùi Nhân rằng: "Hôm nay được thấy quốc vương tuổi đã lớn, thực là tướng thánh nhân, thực là tướng trường thọ, quả là phúc lớn của sinh linh phương Nam.
Sao mà học rộng và ứng tiếp mọi việc nhanh chóng, mẫn tiệp đến thế!". Rồi cứ trầm trồ khen ngợi mãi không thôi”.
Nhận rõ trách nhiệm của mình, Lê Hiến Tông rất chú trọng chăm sóc bảo vệ đê điều, đào sông, khai ngòi, đắp đường, trông coi việc nông trang, khuyến khích người dân làm ruộng, trồng dâu nuôi tằm. Ông chú ý đến thi cử, giáo dục, tích cực chống thói quan liêu và tham nhũng v.v...
Sử sách nhận xét về Lê Hiến Tông như sau: “Vua thiên tư anh minh thông tuệ, giữ vận thịnh trị, thái bình, mới trong khoảng 7 năm mà thiên hạ bình yên, xứng đáng là bậc vua giỏi giữa cơ đồ, thế mà ở ngôi không lâu, tiếc thay” (Đại Việt sử ký toàn thư).
Thế nhưng khi còn sống, vua luôn khiêm tốn, thường sau khi bãi triều, ông ra ngồi nói chuyện với các quan. Ai có điều gì phải trái thì nhẹ nhàng khuyên bảo, chứ không gắt mắng bao giờ. Nhà vua thường nói rằng:
“Thánh Tổ ta đã gây dựng nên cơ đồ, vua cha ta đã sửa sang mọi việc, ta nay chỉ nên lo giữ gìn nếp cũ, và mở mang sự nhân chính ra cho sáng rõ công đức của ông cha trước”.
Về đời tư, Lê Hiến Tông có nhiều phi tần nhưng ông không lập ai làm Hoàng hậu, sử sách chỉ nhắc đến năm người vợ chính là Chính phi Nguyễn Thị Hoàn, người làng Bình Lăng, huyện Thiên Thi (nay là huyện Ân Thi, Hưng Yên), bà là mẹ đẻ vua Lê Túc Tông, sau được phong làm Trang Thuận hoàng thái hậu.
Người thứ hai là Chiêu Nhân phi Nguyễn Thị Cận, người làng Phù Chẩn, huyện Đông Ngàn (nay là thôn Phù Chẩn, xã Phù Chẩn, huyện Từ Sơn, Bắc Ninh), bà là mẹ đẻ của vua Lê Uy Mục, sau được truy phong làm Chiêu Nhân hoàng thái hậu.
Người thứ ba là Kính phi Nguyễn thị (không rõ tên), người xã Hoa Lăng, huyện Thủy Đường (nay là huyện Thuỷ Nguyên, Hải Phòng). Người thứ tư là Qúy phi Mai Ngọc Đỉnh, quê ở xã Biện Hạ, huyện Vĩnh Phúc (nay thuộc huyện Bá Thước, Thanh Hóa) và người thứ năm là Qúy phi họ Bùi (không rõ tên), bà quê ở xã Định Công, huyện Thanh Trì (nay là phường Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội)
Chuyện bà phi Nguyễn Thị Cận trở thành vợ của một vị vua nổi tiếng triều Lê là một trường hợp hi hữu đặc biệt. Bà vốn mồ côi, nghèo khổ phải đi làm người ở, sau bị bắt làm nô tỳ phục dịch trong cung, vì có sắc đẹp mà bà được vua Lê Hiến Tông lấy làm vợ, phong làm phi.
Truyền tụng tại quê của bà cho hay, Nguyễn Thị Cận sinh ra trong gia đình nghèo, làm nghề đánh bắt cá ở các ao hồ tại làng Phù Chẩn để kiếm sống.
Cha bà mất sớm, người mẹ tần tảo nuôi con khôn lớn, một lần đánh được con cá to để lại cho con ăn ăn chứ không bán cho lý trưởng, bị lý trưởng thù ghét tìm cách hãm hại khiến người mẹ cùng quẫn phải bán con gái đi làm người ở cho một gia đình giàu ở kinh thành Thăng Long.
Năm Nguyễn Thị Cận mười bảy tuổi thì nhà chủ mắc tội, tài sản bị sung công, tất cả người hầu cũng bị đưa vào cung làm nô tì. Nguyễn Thị Cận được đưa đến cung Quảng Ninh (tức cung Vĩnh Ninh) để hầu hạ Quý phi Nguyễn Thị Hằng.
Một lần Thái tử Lê Tranh (vua Lê Hiến Tông sau này) vào thăm mẹ cung Quảng Ninh thăm mẹ, tình cờ thấy cô nô tì Nguyễn Thị Cận xinh đẹp đoan trang mới đem lòng mặt yêu mến, sau đó xin mẹ cho lấy về làm vợ, tháng 5 năm Mậu Thân (1488) thì sinh một hoàng nam đặt tên là Lê Tuấn (vua Uy Mục sau này).
Không thấy tài liệu nào cho biết Lê Thánh Tông và vợ tỏ thái độ ngăn cấm, phản đối việc một cô nô tì trở thành con dâu của mình.
Do vai trò không lớn, lại mất khi còn trẻ nên những ghi chép về Nguyễn Thị Cận trong sách sử không nhiều, sách “Đại Việt sử ký toàn thư” cho biết về bà như sau:
“Chiêu Nhân hoàng thái hậu Nguyễn Thị, huý là Cận, người làng Phù Chẩn, huyện Đông Ngàn, lúc bé mồ côi cha, nhà nghèo, tự bán mình cho người ở phủ Phụng Thiên, sau nhà ấy có tội, Nguyễn thị bị tịch thu sung làm nô tỳ, do đó được vào hầu Quản Ninh hoàng hậu. Khi Hiến Tông còn làm thái tử, thấy có sắc đẹp thì ưa, lấy vào làm phi”.
Cuốn “Đại Việt thông sử” của Lê Qúy Đôn cũng ghi chép tương tự và cho biết bà sinh con xong thì mất, vì thế sau khi lên ngôi không lâu, vào tháng 2 năm Ất Sửu (1505) vua Lê Uy Mục đã truy tôn mẹ là Chiêu Nhân Hoằng Ý hoàng thái hậu, đến tháng 3 thì đưa bài vị của bà vào thờ ở nhà Thái Miếu và cung Minh Đức, tháng 4 cùng năm vua sai dựng điện Chân Nguyên và Thụy Bảo đường ở quê ngoại là làng Phù Chẩn để thờ tổ tiên của mẹ.
Nguyên do bà phi Nguyễn Thị Cận mất không được sách sử đề cập đến, còn tác giả Lưu Văn Khuê trong cuốn tiểu thuyết lịch sử có tên “Mạc Đăng Dung” đã có đoạn viết hư cấu rằng: “Chuyện Chiêu phi, mẹ của Uy vương Tuấn triều đình ai cũng biết.
Hồi năm Hồng Đức đời vua Thánh Tông, ở làng Phù Chẩn, huyện Đông Ngàn, trấn Kinh Bắc có thiếu nữ tên là Nguyễn Thị Cận, mồ côi cha từ nhỏ, nhà lại nghèo nên phải tự bán mình cho một người ở phủ Phụng Thiên chốn kinh thành.
Sau vì nhà người ấy có tội bị xử chết nên Nguyễn Thị Cận bị sung làm nô tì nhà nước, do đó được đưa vào hầu Quản Ninh hoàng hậu.
Khi ấy Hiến Tông còn làm Thái tử, thấy nàng có sắc đẹp bèn lấy làm phi, sau này lên ngôi phong là Chiêu Nhân nên thường gọi là Chiêu phi. Sau Chiêu phi sinh ra Lê Tuấn.
Hồi ấy Hiến Tông đang sức thanh niên nên rất khoẻ và hay đòi hỏi. Quan nội thị Nguyễn Khắc Hài vốn là người bà con với Bảo Khuê có lần xa xôi nói với Bảo Khuê rằng cung nữ vào hầu Hiến Tông sáng ra ai cũng rũ như tàu lá héo, có người Khắc Hài phải đỡ mới đi nổi!
Cho nên chẳng lấy làm lạ khi Chiêu phi vừa mới hồi sức sau khi sinh nở Hiến Tông đã đòi vào hầu nên đến nỗi lâm bệnh rồi mất”.
Sau khi Chiêu phi Nguyễn Thị Cận qua đời, thi hài bà được đưa về an táng tại quê nhà. Theo sách “Các di tích lịch sử văn hóa Bắc Ninh” thì tại thôn Rích Gạo (xã Phù Chẩn, huyện Từ Sơn, Bắc Ninh) hiện vẫn còn lăng mộ bà hoàng này ở ngoài đồng trước làng và tấm bia đá dựng thời Minh Mạng có khắc chữ lớn “Lê triều Uy Mục hoàng đế lăng”, còn những chữ khác trên bia đã mờ hết không đọc được.
Người dân địa phương còn kể rằng ngôi chùa Hưng Giao ở Rích Gạo hiện nay vốn được xây trên nền cũ của đền thờ bà hoàng Nguyễn Thị Cận được dựng từ thời Lê Uy Mục, trong chùa vẫn còn ban thờ bà và vua.
Dã sử thì cho biết rằng, trước khi mất, Chiêu phi Nguyễn Thị Cận đã sai nữ tì gọi một người chị em thân thiết trong cung là Kính phi Nguyễn Thị đến nắm lấy tay khóc, nói lời trăng trối nhờ chăm sóc con mình chu đáo.
Từ đó Kính phi trở thành mẹ nuôi của Hoàng tử Lê Tuấn và chính bà có công lớn đưa người con nuôi của mình lên ngôi hoàng đế.
Kỳ II: Hai vị Vua triều hậu Lê lấy nô tì làm vợ
- Lê Thái Dũng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét