CHI HỘI THƯƠNG BINH TINH NGHĨA 282 lê lợi Liên hệ: 0313840668-0934563996           CHI HỘI THƯƠNG BINH TINH NGHĨA 282 lê lợi Liên hệ: 0313840668-0934563996                   CHI HỘI THƯƠNG BINH TINH NGHĨA 282 lê lợi Liên hệ: 0313840668-0934563996                   TIN TỔNGHỢP                     GIÃ SỬ                         QUÂNSỰ             HOANG SA                                        Biển Đông       Thế Giới     Tin trong nước      Sử Việt       UFO      Chuyện Lạ      Gia Đình;

Thứ Năm, 11 tháng 7, 2013

Cô gái may vá thành vương phi của Đinh Tiên Hoàng

Người Việt có truyền thống “uống nước nhờ nguồn” nên rất trân trọng, ơn nhớ những vị đó mà tôn vinh làm tổ nghề, cho dù thời gian trôi qua nhưng dấu tích của họ vẫn như hiển hiện giữa cuộc đời, trong số đó có bà Nguyễn Thị Sen, từ một cô gái may vá ở chốn thôn quê trở thành vương phi của vua Đinh Tiên Hoàng và được ngàn đời tôn làm Bà tổ của nghề may.


Ngay từ thời Hùng Vương dựng nước, người Việt đã biết trồng cây gai, cây đay, trồng dâu nuôi tằm để tạo ra các loại vải may vá thành khăn mũ, quần áo, váy, yếm…
Thế nhưng lại có một người phụ nữ được nhân dân tôn kính phong làm tổ của nghề may và có những nơi thậm chí còn cụ thể hóa bà trở thành Tổ nghề may áo dài, đó là Nguyễn Thị Sen.
Tuy không phải là người sáng tạo ra nghề may, nhưng bà lại là người có công lớn trong việc truyền dạy nghề, hướng dẫn cho người thợ may tìm tòi, sáng tạo bằng đường kim mũi chỉ, óc thẩm mỹ thể hiện qua những đường nét, mẫu mã khác nhau tạo thành sản phẩm phù hợp với thị hiếu làm đẹp của mọi người.
Theo thần tích đền thờ tổ nghề may ở làng Trạch Xá (xã Hòa Lâm, huyện Ứng Hòa, Hà Nội) thì bà Nguyễn Thị Sen là một người con gái xinh đẹp, đảm đang của làng Trạch Xá.
Ngay từ nhỏ Nguyễn Thị Sen đã nổi tiếng chăm chỉ, khéo tay hay làm, ngoài việc giúp đỡ bố mẹ chuyện cửa nhà cô còn ra đồng phụ giúp việc đồng áng, hái dâu nuôi tằm, quay tơ dệt vải.
Khi trưởng thành, sắc đẹp và sự tài thêu thùa may vá của Nguyễn Thị Sen đã nổi khắp cả một vùng, nhiều người đánh tiếng, mai mối muốn hỏi cưới cô về làm người vợ hiền, dâu đảm trong nhà nhưng cô nhẹ nhàng từ chối mà nói rằng:
“Phận làm con hiếu lễ làm đầu, nay cha mẹ vẫn còn nhưng sức đã yếu thì tôi phải hết lòng phụng dưỡng, đâu dám vì chuyện riêng của mình mà quên đi bổn phận”.
Khi ấy đất nước mới trải qua cơn binh lửa chiến tranh, đời sống người dân rất khó khăn, mùa màng thất bát, sản xuất bị đình trệ bởi hậu quả nặng nề mà “loạn 12 sứ quân” để lại. Đinh Tiên Hoàng sau khi dẹp tình trạng cát cứ đã lên ngôi hoàng đế năm Mậu Thìn (968), đặt quốc hiệu Đại Cồ Việt, lấy Hoa Lư làm kinh đô, đặt niên hiệu là Thái Bình như một ước muốn xây dựng một đất nước giàu mạnh, một xã hội thái bình thịnh trị, ấm no, hạnh phúc. Thật là:
Nền sinh thánh như in bên Triệu Tống
Bên Thái Bình, bên Khai Bảo kỷ nguyên
Từ đây chính thống Nam thiên
Nền triệu tự mấy ngàn năm linh tích.
Bên cạnh việc thiết lập hệ thống nghi thức triều đình, xây dựng bộ máy chính quyền và tổ chức quân đội, nhà vua còn quan tâm đến việc phục hồi văn hóa qua việc cho dựng chùa xây đền, in ấn kinh sách, đề cao các trí thức đạo Phật, Nho, Lão…
Về lĩnh vực kinh tế, Đinh Tiên Hoàng cho đúc tiền Thái Bình hưng bảo thúc đẩy giao thương mua bán; khuyến khích phát triển nghề nông tang, chăn nuôi, nhất là các ngành nghề thủ công.
Tại Trạch Xá, Nguyễn Thị Sen đã tập hợp một số người giỏi may vá lại cùng học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau, may trang phục áo quần để bán cho dân chúng trong vùng.
Chuyện kể rằng khoảng đầu niên hiệu Thái Bình (970-979), Đinh Tiên Hoàng đã đi nhiều vùng trong cả nước để xem xét đời sống dân tình, chiêu mộ thêm hào kiệt, tìm kiếm nhân tài đưa về xây dựng kinh đô Hoa Lư.
Khi qua đất Trạch Xá của xứ Sơn Tây, nhà vua rất ngạc nhiên khi thấy người dân ở đây áo quần trang nhã, đẹp đẽ mới truyền dừng kiệu lại hỏi han thì được biết về Nguyễn Thị Sen và những người thợ tài hoa.
Thấy cô gái vừa xinh đẹp hiền thục, vừa tài hoa, lại thạo nghề may vá, Đinh Tiên Hoàng đã làm lễ hỏi cưới rồi đón về Hoa Lư, lập làm hoàng phi thứ tư nên mọi người thường gọi nàng là Tứ phi.
   Ban thờ Nguyễn Thị Sen tại đền thờ Tổ nghề may (làng Trạch Xá, Hòa Lâm, Ứng Hòa, Hà Nội)
Ban thờ Nguyễn Thị Sen tại đền thờ Tổ nghề may (làng Trạch Xá, Hòa Lâm, Ứng Hòa, Hà Nội)
Nhà vua tin tưởng về tài khéo tay của Nguyễn Thị Sen nên giao cho nàng trông coi việc dạy cung nữ nuôi tằm, dệt vải, may áo quần triều phục cho hoàng cung. Trong bản “Thần tích Đức Thánh Tổ diễn thơ” của Cao Hữu Nghị có đoạn viết:
“Anh hùng Vạn Thắng sơn hà
Nước Đại Cồ Việt, hiệu là triều Đinh
Cầu hiền tài, giúp triều đình
Vua đi các ngả tuyển binh tướng tài
Tình cờ về đất Hà Tây
Gặp người con gái nơi đây nơi đây tuyệt vời
Thật là sắc nước hương trời
Tuổi xuân phơi phới vui tươi dịu hiền
Có đôi má núm đồng tiền
Mắt đen lay láy, tóc huyền thướt tha
Hàm răng trong ngọc trắng ngà
Nụ cười như những đóa hoa xuân hồng
Giỏi cầy cuốc, giỏi cấy trồng
Vui say lao động trên đồng quê hương
Dãi dầu một nắng hai sương
Bông hoa đồng nội, thơm hương mặt trời
Vua Đinh thấy mặt thấy người
Lòng yêu mến, vội đón mời về cung
Nữ nhi sánh với anh hùng
Gái quê đồng nội – ung dung ngai vàng”.
Thực ra ban đầu khi mới trở thành vợ vua, với thân phận cao quý Tứ phi được kẻ hầu người hạ, không phải làm bất cứ công việc nặng nhọc nào, thế nhưng điều đó làm Nguyễn Thị Sen cảm thấy buồn chán, nàng thường lẻn vào khu thành Nội xem các cung nữ làm áo, thêu thùa.
Vốn thạo nghề kim chỉ, cùng với sự khéo léo và sáng tạo, Tứ phi đã giúp họ phát triển để làm ra những sản phẩm mũ áo, trang phục đa dạng, đẹp đẽ được hoàng thân, quốc thích, hậu phi, công chúa, hoàng tử rất thích; vua Đinh Tiên Hoàng biết chuyện mới giao cho Nguyễn Thị Sen truyền dạy nghề may cho cung nữ trong hoàng cung.
“Là Tứ phi – Đinh Tiên Hoàng
Sống trong cung điện, giàu sang lụa là
Lần lần tháng lại ngày qua
Học thêu thùa giỏi – cùng là cắt may
Càng ngày càng khéo đôi tay
May xiêm, may áo và may hoàng bào
Quan văn, quan võ kiểu nào
Hoàng thân, quốc thích biết bao áo quần
Bà cùng các nữ cung nhân
Cắt may khâu vá chuyên cần sớm trưa
Trên thì vừa ý nhà vua
Trăm quan ai mặc cũng vừa cũng khen
Tứ phi vua – Nguyễn Thị Sen
Có bàn tay thợ diệu hiền tài hoa
Cai quản cung nữ hoàng gia
Văn hóa may mặc – Quốc gia Cung đình”.
Sống trong nhung lụa nhưng lại gắn bó với công việc như ở chốn dân gian được 10 năm, Tứ phi Nguyễn Thị Sen chỉ sinh được cho Đinh Tiên Hoàng được một nàng công chúa.
Đến mùa đông, tháng 10 năm Mậu Dần (978) vương triều Đinh gặp cơn tai biến nghiêm trọng, viên nội quan là Đỗ Thích ám sát Đinh Tiên Hoàng và con trai cả là Nam Việt vương Đinh Liễn, sử chép rằng:
“Trước đây, Đỗ Thích làm Đồng Quan lại, đêm nằm ở trên cầu, chợt thấy sao sa vào mồm, cho là điềm tốt mới manh tâm giết vua. Đến đây, nhân vua ăn yến ban đêm, say rượu nằm ở trong sân, Thích bèn giết, lại giết cả Nam Việt vương Liễn” (Đại Việt sử ký toàn thư).
Sau khi Đinh Tiên Hoàng bị hại, triều đình tôn người con thứ của ông là Đinh Toàn, khi đó mới 6 tuổi lên làm vua, Thái hậu Dương Vân Nga buông rèm nhiếp chính, Thập đạo tướng quân Lê Hoàn xưng làm Phó vương.
Các đại thần vốn là bạn thuở nhỏ của Đinh Tiên Hoàng là Định quốc công Đinh Điền, quan Ngoại giáp Nguyễn Bắc và tướng Phạm Hạp sợ Lê Hoàn chuyên quyền lấn át ấu chúa, nhòm ngó ngôi vua mới cùng nhau cất quân thủy bộ tấn công kinh thành Hoa Lư để diệt hậu họa thế nhưng đều thất bại, tất cả bị giết hết.
Những xáo trộn triều chính đó kiến Tứ phi Nguyễn Thị Sen cảm thấy buồn bã, muốn xa rời chốn lầu vàng điện ngọc mà đầy rẫy tranh chấp, thị phi, bà đã dâng sớ lên triều đình xin được từ giã hoàng cung cùng với con gái trở về quê hương sinh sống.
Tại đây, bà đem nghề may truyền dạy nghề cho nhân dân trong làng, khuyến khích họ chăm việc tằm tang, lại dạy cả nghề quay tơ, dệt vải; thế rồi người nọ học người kia, cha truyền con nối, thế hệ trước dạy cho thế hệ sau, nghề may gắn bó với người Trạch Xá và trở thành nghề truyền thống của làng:
“Bà truyền nghề cho quê hương
Con em làng xóm biết đường cắt may
Đường vạch trau chuốt khéo tay
Đường gấp nhát cắt – đường may mịn màng
Nghề may truyền khắp xóm làng
Người làng đi mở cửa hàng khắp nơi
Nghề may nuôi sống bao người
Điểm tô vẻ đẹp cho đời thanh xuân
Nguyễn Thị Sen – nguyện vì dân
Nghề thủ công thật tuyệt trần truyền lưu”.
Tri ân công đức của Nguyễn Thị Sen, dân làng đã tôn bà là Thánh sư và khi bà mất họ đã lập đền thờ phụng, bốn mùa khói hương.
Hàng năm vào giỗ kỵ của bà ngày 12 tháng Chạp âm lịch, dân làng Trạch Xá lại tổ chức lễ tế tổ, mở hội thi may áo khéo, thi dệt lụa…để nhắc nhở mọi người nhớ đến bà Tổ nghề của làng.
Tại nhiều nơi khác nhau trên mọi miền đất nước, cũng vào ngày đó, các làng nghề, phường nghề, hội nghề may cũng làm lễ giỗ Tổ nghề:
“Những thợ may đất Việt
Đốt hương trầm ngào ngạt hướng về người
Lễ vật đơn sơ, sự nghiệp sáng ngời
Nhớ ơn tổ lưu truyền vận thế
Nối tiếp nhau biết bao thế hệ
Nghề truyền nghề, thợ tiếp thợ đi lên”.
(Văn tế Đức Thánh Tổ nghề may ở Trạch Xá)
Chuyện kể rằng, đến đời Lý, vua Lý Thái Tổ một lần cưỡi thuyền rồng đi du ngoạn, có qua vùng đất Trạch Xá, thấy lụa tơ phơi ven sông, ghé lại xem rất lấy làm thích thú, sau khi về Thăng Long, vua cho quan đại thần về tuyển chọn những người thợ giỏi giang nhất đến kinh đô chăm lo việc dệt vải, may triều phục cho hoàng tộc, cung tần mỹ nữ.
Từ đó nghề may Trạch Xá góp phần vào sự phồn thịnh của các ngành nghề thủ công ở Thăng Long và được lưu truyền đi khắp cả nước.
Nhiều người cho rằng, Nguyễn Thị Sen không chỉ là Bà tổ của nghề may mà còn là Tổ nghề may áo dài. Với sự khéo léo và sáng tạo, sự cần mẫn nhiệt thành truyền dạy của bà đã khiến những người thợ, ai cũng mê say với từng đường kim, mũi chỉ, từng lát cắt trên những tấm vải đủ sắc màu làm đẹp cho người, làm đẹp cho đời.
Bên cạnh những mẫu mã cũ, người thợ may đã cải tiến, tạo thêm những mẫu trang phục mới, các loại áo tế, áo hội, áo kép, áo bông với nhiều kiểu dáng khác nhau và đặc biệt là may áo dài là cả một nghệ thuật ít nơi nào sánh kịp với người thợ Trạch Xá.
Cho dù thời gian có trôi qua, cuộc sống có thay đổi, áo dài có cách tân nhiều thì nó vẫn là trang phục truyền thống không thể thay thế biểu tượng cho bàn tay khéo léo và vẻ đẹp của người Việt từ ngàn xưa đến nay và mãi đến ngàn sau mà công lao to lớn thuộc về người phụ nữ mang tên một loài hoa có mùi hương thanh cao, tinh khiết lan tỏa đến muôn đời.
  • Lê Thái Dũng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét