CHI HỘI THƯƠNG BINH TINH NGHĨA 282 lê lợi Liên hệ: 0313840668-0934563996           CHI HỘI THƯƠNG BINH TINH NGHĨA 282 lê lợi Liên hệ: 0313840668-0934563996                   CHI HỘI THƯƠNG BINH TINH NGHĨA 282 lê lợi Liên hệ: 0313840668-0934563996                   TIN TỔNGHỢP                     GIÃ SỬ                         QUÂNSỰ             HOANG SA                                        Biển Đông       Thế Giới     Tin trong nước      Sử Việt       UFO      Chuyện Lạ      Gia Đình;

Thứ Ba, 9 tháng 7, 2013

Bà Hoàng Từ Dũ và lời dạy vua Đồng Khánh

 Là bậc mẫu nghi thiên hạ lại được chứng kiến sự thịnh suy của vương triều Nguyễn qua 8 đời vua nên bà hoàng Từ Dũ có đủ thời gian để suy nghĩ, chiêm nghiệm về cuộc đời và thế sự. Sử sách ghi chép, ca ngợi nhiều đến sự đoan chính, đức hạnh, khiêm tốn, giản dị, tiết kiệm và lòng yêu dân của bà cũng như việc dạy con là Tự Đức làm vua, còn chuyện nhắc nhở cháu là Đồng Khánh phải làm tròn trọng trách đế vương thì không phải ai cũng được rõ.


Bà hoàng nổi tiếng nhất vương triều và sự tôn kính của vua Đồng Khánh
Xuất thân trong một gia đình quan chức cao cấp, bằng tài sắc, phẩm cách, bà hoàng Từ Dũ nhận được sự yêu mến của vua Thiệu Trị, sự kính trọng của đông đảo quan lại và dân chúng.
Nhập cung khi mới lên 14 tuổi, cô gái xứ Gò Công là Phạm Thị Hằng trở thành vợ của hoàng trưởng tử Nguyễn Phúc Miên Tông, nhưng ít ai ngờ rằng con người đó sau này lại ghi một dấu ấn đậm nét trong lịch sử vương triều Nguyễn.
Đúng ra tên hiệu của bà là Từ Dụ, theo nghĩa chữ Hán là “nhân từ” và “độ lượng” nhưng về sau, không hiểu do một sự lầm lẫn nào đó, người ta viết chữ "Dụ" thành "Dũ" và trở thành thói quen không thay đổi...
Năm Tân Sửu (1841), sau khi vua Minh Mạng băng hà, hoàng tử Miên Tông lên ngôi, đặt niên hiệu là Thiệu Trị, bà Phạm Thị Hằng được phong làm Cung tần, giữ chức Thượng nghi để coi sóc lục thượng, dần dần qua thời gian được phong làm Thần phi, Giai phi, rồi Nhất giai phi.
Hoàng đế Thiệu Trị rất yêu mến người vợ này của mình, mỗi khi lâm triều đều cho bà ngồi sau vách để nghe về chuyện quốc gia đại sự, sau đó bao giờ vua cũng có ý hỏi bà về từng việc mà vua đã giải quyết trong ngày.
Thái hậu Từ Dụ (1810 -1902)
Thái hậu Từ Dụ (1810 -1902)
Thậm chí sự quý mến còn thể hiện ở việc vua không gọi tên của bà mà chỉ gọi là phi. Năm Đinh Mùi (1847) vua Thiệu Trị mất, để lại di chiếu tôn bà làm hoàng hậu và lời căn dặn rằng: “Ta tiếc là không được cùng ái phi chung hưởng phúc lâu dài.
Trong mấy đứa con của ta, Hồng Bảo lớn tuổi nhưng ít chữ, lại ham vui, việc triều chính không thể giao phó vào tay nó. Hồng Nhậm là đứa con ta tin tưởng hơn cả, phi hãy giúp nó trông nom triều chính như đã giúp ta. Ngoài ra mọi việc trong nội cung, phi hãy lo sao cho chu tất, chớ phụ lòng của trẫm”.
Hoàng tử Hồng Nhậm nối ngôi lấy niên hiệu là Tự Đức, nhiều lần ngỏ ý tấn tôn cho mẹ nhưng bà Phạm Thị Hằng đều từ chối, mãi đến ngày 15 tháng 4 năm Kỷ Dậu (1849), bà mới nhận tôn hiệu là Hoàng Thái hậu.
Tháng 6 năm Quý Mùi (1883), vua Tự Đức mất, để di chiếu tôn bà làm Từ Dụ Thái hoàng Thái hậu nhưng ngay sau đó xảy ra tình trạng “tứ nguyệt tam vương” (4 tháng 3 vua) vì thế mãi đến năm Ất Dậu (1885) vua Hàm Nghi mới làm lễ tấn tôn cho bà theo di chiếu.
Sau khi Hàm Nghi xuất bôn mở đầu phong trào Cần Vương chống giặc, triều đình mới hỏi ý kiến của bà rồi đón ông hoàng Chánh Mông là Nguyễn Phúc Ưng Kỷ, một trong 3 người con nuôi của vua Tự Đức lên nối ngôi, đại diện Pháp là De Champeaux cũng yết kiến Từ Dụ để xin lập Ưng Kỷ lên làm vua.
Ưng Kỷ lấy niên hiệu là Đồng Khánh, trong bản chiếu ban ơn thiên hạ khi lên ngôi cũng có đoạn nhắc đến sự ơn nhớ đối với người bà của mình: “Sau khi làm lễ thỉnh mệnh ở Giao miếu, lễ cáo tại điện Hòa Khiêm, vào tâu lên Thái hoàng thái hậu Từ Dụ.
Hoàng Thái hậu xem chọn ngày giờ. Vào giờ Tị ngày 11 tháng ấy, vua lên ngôi hoàng đế tại điện Thái Hòa, lấy năm sau là năm Bính Tuất làm năm Đồng Khánh nguyên niên” (Đồng Khánh chính yếu). Ngay trong năm đầu làm vua, tháng 8 năm Ất Dậu (1885), Đồng Khánh ban chiếu tấn tôn Thái hoàng Thái hậu Từ Dụ thêm hai chữ là Bác, Huệ, bài chiếu viết:
“Kính nghĩ đức Thánh Tổ mẫu triều ta, tính giản dị, nết trinh thuận, đức hóa thấm rộng khắp nước nhà, phúc trạch để lại cho con cháu, thực xứng là bậc Nghiêu Thuấn trong giới phụ nữ như người xưa từng gọi, kể cũng không có gì là quá.
Vua cha ta ở ngôi 36 năm, được bà một lòng chăm sóc dạy dỗ trước sau không một chút ngưng nghỉ, nghĩ đến đức độc cao cả của bà cũng đã muốn biểu dương tôn hiệu nhưng chưa kịp làm được. Vào năm Kiến Phúc tuân theo di chiếu dâng tôn hiệu là Từ Dụ Thái hoàng Thái hậu.
Trẫm nay đức mọn mà tiếp nhận cơ đồ lớn lao, kế thừa chưa được bao lâu, lòng vẫn nghĩ sâu sắc rằng phải lấy đức hiếu để trị thiên hạ. Việc vinh danh hiển hiệu để tôn xưng đời nào cũng có, hợp kính đồng tôn vừa là tình cũng vừa là lễ.
Mới rồi các tôn nhân, đình thần có xin tấn phong gia tôn hiệu, trẫm đã thân sang cung Gia Thọ tấu xin ý chỉ, được thánh dụ rằng: “Nay bốn phương vừa mới yên, thân già này đã có gì báo đáp xã tắc mà đáng được nhận sự tôn vinh hết mực như vậy, lòng ta thực không thể yên.
Cháu nên bảo cho bá quan biết như thế để tuân theo”. Trẫm kính cẩn được nghe lời ấy, thực càng thấy rõ đức khiêm nhường hết mực của Thánh tổ mẫu, thầm nghĩ không dám vượt qua khuôn phép. Hôm khác lại đến vái lạy tâu xin rằng:
“Việc an dưỡng tôn vinh là phép thường đời thịnh, thực không thể trì hoãn được. Vả lại niềm tôn thân là tình cảm hết mực của kẻ bề tôi và lòng tôn kính hết mực của cả thiên hạ đang ngày ngày mong ngóng trông chờ”.
Trẫm 2, 3 lần tâu xin, cuối cùng may được bà y cho. Nghĩ lại những ngày kinh thành thất thủ, xa giá phải chạy ra ngoài. May nhờ Thánh tổ mẫu biết lấy xã tắc làm trọng mà quay xe trở về, đất nước đang cơn nguy biến chuyển thành bình yên.
 Vua Đồng Khánh
Vua Đồng Khánh
Sau đó, bà lại lo lắng dân lành không thể không có chủ, nên đã giáng chỉ dụ bảo trẫm lên ngôi kế vị, khiến cho thần dân thiên hạ đang lìa tan trở thành tụ họp trở lại. Đúng chỉ là người có đức lượng rộng lớn mới có thể bao dung đến thế, há chẳng phải là “Bác” hay sao?
Chỉ người mang tấm lòng nhân ái mới có thể thương xót được rộng khắp như vậy, há chẳng phải là “Huệ” hay sao? Vậy nay nghĩ tấn phong gia tôn hiệu cho Thánh tổ mẫu là Từ Dụ Bác Huệ Thái hoàng Thái hậu để bày tỏ sự tôn sùng đặc biệt và thể hiện đạo hiếu trị”.
Theo sách “Đồng Khánh chính yếu”, sự kính trọng của vua Đồng Khánh đối với người bà của mình còn được thể hiện bằng nhiều chiếu chỉ, sắc dụ tôn phong mỹ hiệu cũng như những lời ngợi ca công đức.
Chỉ một tháng sau khi ban dụ tôn Thái hoàng Thái hậu Từ Dụ, vua Đồng Khánh vào cung Gia Thọ vấn an bà và dâng thơ mừng, ước mong “thánh thể ngày một mạnh khỏe”.
Đầu năm Đồng Khánh nguyên niên tức năm Bính Tuất (1886), khi Thái hoàng Thái hậu Từ Dụ chuyển sang ở cung mới, vua Đồng Khánh liền dâng thiếp mừng; cũng trong năm đó, vào tháng 6 khi đang đi tuần thú việc quân ở Quảng Trị, vua lại sai quan ở Viện cơ mật mang sớ về kinh vấn an và thông báo tình hình cho bà mình được biết.
Tháng 3 năm Đinh Hợi (1887), vua Đồng Khánh lại ban dụ tấn tôn mỹ hiệu cho bà thêm hai chữ là Trang, Ý. Trong bài dụ đó, giải thích ý nghĩa của hai từ “Trang” và “Ý” như sau: “Đức trạch do Thánh tổ mẫu và thánh mẫu tích góp lại nên qua được cơn tai biến để có ngày nay.
Phúc ấy là bởi hòa hợp đức trời, rạng ngời nết đất, vốn ấp ủ trong lòng mà thể hiện ra ngoài. Xuất phát từ sự thành thực sâu xa, lại thêm tính hiền thục ý tứ, đó chẳng phải là “Trang” hay sao? Bề ngoài thì đẹp đẽ, bên trong thì sâu sắc, đó chẳng phải là “Ý” hay sao?
Trẫm được vẻ vang kế thừa cơ đồ lớn lao, tiếp nhận cả thiên hạ về tay, xuôi chèo mát mía. Bề trên với người thân cùng thuận, trên dưới đồng lòng. Bữa trước các tôn nhân cùng đình thần tâu xin gia phong tôn hiệu là Trang Ý Hoàng Thái hậu…
Vậy truyền cho các quan hữu ty chiếu lệ tổ chức nghi thức lễ tấn tôn để thỏa tấm lòng thành của riêng mình trẫm và hợp với niềm mong mỏi, tôn kính của bàn dân trăm họ”.
Đến tháng 4 nhuận cùng năm, vua dẫn các hoàng thân, tôn nhân phủ cùng bá quan văn võ vào cung Gia Thọ nơi bà Từ Dụ ở để chúc mừng và dâng lên sách vàng, ấn vàng, tôn phong hiệu là Từ Dụ Bác Huệ Thái hoàng Thái hậu với lời ca tụng:
“Tài sắc hiến cho xã tắc, đức hạnh thấm khắp gia đình. Dám nghĩ rằng đứa trẻ thơ này được kế thừa nghiệp lớn, thực nhờ ơn cao dày nâng đỡ, chở che, đức khiêm tốn sáng ngời khó kể được ra cho xứng”.
Và chỉ vài ngày sau đó, vua Đồng Khánh lại cho tổ chức một nghi lễ tương tự tại cung Trường Ninh với bài văn sách rằng:
“Để biểu dương công lao không kể xiết và bày tỏ tấm lòng báo đáp, nay xin kính dẫn đám quần thần đến dâng sách vàng, ấn vàng và dâng tôn hiệu là Trang Ý Hoàng Thái hậu. Cúi nghĩ rằng, đức lớn phải có danh xưng, biểu dương vẻ vang danh tiếng; tấc lòng thành cỏ dại mong báo đáp vừng xuân, xin lượng xét cho tấm lòng hiếu thảo”.
Tháng 5 năm đó, triều đình tổ chức lễ Đại khánh tiết mừng Thái hoàng Thái hậu Từ Dụ tròn 60 tuổi, vua Đồng Khánh lại cùng quần thần dâng biểu chúc thọ với lời chúc “mong cho cứ mười năm một tiết, lễ mừng năm tháng mỗi thêm nhiều; ước gì mãi trăm tuổi đến kỳ, sống lâu cùng sơn hà còn mãi”.
Sau đó trong bài chiếu ban ân cho cả nước với tất cả 16 điều, vua Đồng Khánh một lần nữa nhắc đến ơn đức của bà mình “đã vì thiên hạ mà phụng dưỡng, tất sẽ cùng thiên hạ hưởng phúc”.
Lời bà dạy cháu khiến hoàng đế rơi lệ
Hoàng Thái hậu Từ Dụ tính tình đoan chính, nhàn nhã, cử chỉ khiêm cung đức hạnh, không chỉ nổi tiếng thông minh, xinh đẹp, yêu dân mà còn là một người mẹ rất giỏi trong việc nuôi dạy con cái.
Cho đến nay sách sử và dân gian vẫn còn lưu truyền những giai thoại việc bà dạy dỗ con, nhờ đó vua Tự Đức trở thành vị vua thông minh ham học, ham hiểu biết và trở thành vị vua hay chữ nhất triều Nguyễn.
Chuyện Từ Dụ dạy con thì nhiều tư liệu nhắc đến, nhưng chuyện bà dạy cháu làm vua thì không phải ai cũng biết. Lên ngôi chưa lâu, vào tháng 9 năm Ất Dậu (1885), nhân khi vua Đồng Khánh vào hỏi thăm sức khỏe của mình, bà Từ Dụ đã có lời căn dặn rằng:
“Cái học của bậc đế vương là cốt để làm nên thiên hạ, biết bao đạo lý về tu thân, đãi nhân, dùng hiền tài, quản lý chính sự đều đã được giảng giải kỹ trong sách vở chứ đâu chỉ hạn hẹp ở trong phạm vi bút mực, chỉ cần biết lượm lặt khái quát những cái hay cái tốt, tích lũy mỗi ngày mỗi tháng thêm dày, quang minh sáng suốt đều từ cái nền móng đó mà ra. Đức Phu tử (Khổng Tử) từng dạy rằng:
“Ta từng suốt ngày quên ăn, thâu đêm không ngủ để suy nghĩ, nhưng thật là vô ích, chẳng bằng học tập”. Thánh nhân còn vậy huống chi là người thường. Nhà vua mà biết trước sau như một, chăm chỉ thận trọng giữ đạo trung dung thì thật là phúc lớn cho nước nhà”.
Tháng 3 năm Bính Tuất (1886), trong một buổi thiết triều bàn việc nước, vua Đồng Khánh nói với các quần thần về chuyện được bà nhắc nhở, dạy dỗ như sau: “Trẫm về các mặt chất, học, tài, đức vốn đều còn yếu kém, may được trao cho trách nhiệm to lớn, khó khăn, thực rất nặng nề.
Trên là tuân theo ý chỉ của bề trên, dưới tham chước lời nghị bàn của các quan, xuất phát từ việc công mà đón trẫm lên ngôi, đều coi trẫm là con của vua triều ta.
Từ khi tức vị đến nay, trẫm luôn canh cánh trong lòng, lúc nào cũng lo lắng đến việc giữ gìn yên ổn và phát triển thịnh vượng của quốc gia, chỉ e không kham nổi, thành công hay nên tội cũng khó biết trước được.
Suốt ngày tựa đầu án để đợi phê duyệt chương tấu từ khắp nơi nam bắc chuyển về, chẳng kịp nghỉ ngơi ăn uống, lấy đêm làm ngày, tuy chỉ làm những việc chỉ riêng mình rõ, nhưng mọi cử chỉ hành động đâu phải chẳng ai hay biết.
Bữa trước, theo đạo bề tôi, trẫm tuân lệ cũ kính cẩn sang Đông cung thăm hỏi, nhận được Từ chỉ hỏi han và dụ rằng: “Ngày trước, khi Anh Hoàng đế còn tại vị, mọi việc chính sự đều sáng suốt đoán quyết.
Khi già này hỏi đến từng khoản hạng trong phủ khố thiếu đủ ra sao, Anh Hoàng đế cũng không ngại ngần lần lượt đem từng thứ ra tâu trình, tường tận chu đáo đến như vậy đấy. Nay cháu vừa bắt đầu ra coi chính sự, thể thức còn chưa am tường.
Lại đương khi quốc gia có chút biến động bị tàn phá mà phải vượt trên mọi người đảm đương địa vị lớn lao. Nỗi lo của cháu cũng là nỗi lo chung của bậc tôn thân. Câu của người xưa “trân trọng thì được lời hay” là có lý chứ đâu phải nói suông.
Huống chi mọi việc của thiên hạ đều quyết ở một người, từ ngàn xưa đến giờ đều vẫn như thế, không thay đổi. Việc không dự liệu trước thì tất sẽ hỏng, lời nói không cân nhắc trước tất sẽ sai.
Chỉ cần thường xuyên gần gũi với những phụ thần, những người có đức, có kiến thức, cùng đàm đạo bàn luận về chính sự thì lo gì việc không xong, công không thành.
Bây giờ về tình hình tiền nong, đồ vật, thuế lệ trong các phủ khố của triều đình đã giao nộp hay chưa, số lượng thiếu đủ thế nào, cháu biết hãy kể sơ sơ cho già này nghe thử xem nào”.
Trẫm ngớ ra, vô cùng kinh sợ, quỳ xuống đất khóc mà tâu rằng: “Hiện nay công việc đang bề bộn cần người giải quyết, cháu chưa tiện phái đi kê cứu điều tra, nên trong đó có nhiều thứ cháu chưa được rõ”. Lập tức thấy nét mặt của bà không vui, dụ trẫm rằng:
“Người xưa chỉ nói: Tận tụy một tấm thân thuộc về của chung bôn tẩu vì giang sơn, chứ chưa hề nghe thấy bảo: Việc bộn cần người, để rồi nương cho tính hời hợt lười nhác. Huống chi già này xem trong các tờ biểu chúc tụng đều thấy ca ngợi nào là “ông vua lâu dài của xã tắc”, nào là “đời trung hưng thủ tay trong áo an nhàn mà coi”, đó là nói gì vậy?
Cho nên cháu hãy cố gắng chăm chỉ, thận trọng, đừng ngại ngần, lưỡng lự, sử dụng người hiền tài, gây dựng việc có lợi, trừ bỏ điều có hại, làm cho quốc gia trở nên yên ổn vững vàng như bàn thạch, đó mới là đại phúc cho muôn đời vậy.
Hãy kính cẩn mà tuân theo”. Nghe lời dạy bảo của bề trên, trong lòng lẫn lộn vừa cảm kích vừa lo sợ, rớm nước mắt cáo lui về để tự tu tỉnh bản thân, chẳng còn biết nói sao.
Vả lại căn cứ vào những văn bản phiến trình của các Bộ, Viện đều thấy tâu những việc thông thường, còn về tình hình trong các miếu điện, kho tàng, số lượng đồ thờ, màn trướng, tiền bạc, lương thực, súng ống cùng với sổ sách văn thư, tất cả nguyên cất giữ ban đầu là bao nhiêu.
Vừa rồi Lê Thuyết tự ý mang đi bao nhiêu, vì sự biến mất mát bao nhiêu, thành trì, dinh thự, công sở bị tổn hại bao nhiêu, tất cả đều chẳng thấy các nha tâu báo lên, thành ra trẫm chỉ ngồi suông chẳng có ích lợi gì.
Vậy truyền cho bách ty đọc kỹ lời dạy của bề trên để cởi bỏ tội lỗi cho trẫm. Hãy sức cho các Bộ, Nha tìm lại những người ngày trước, cùng nhau thảo luận làm việc, cấp tốc tra xét kiểm kê ngay tất cả các khoản, nhất nhất rõ ràng, không được sai sót, hạn trong vòng 3 ngày tập hợp phúc trình lên.
Hoặc nếu số lượng nhiều thì có thể viết sơ lược ra giấy đủ để xem rõ, miễn cho khỏi phải câu nệ theo lệ cũ, soạn thành phiến sớ cho phiền phức mà trở ngại cho công việc.
Trong đó ở ba tòa tôn điện là Phụng Tiên, Hiếu Tư và Long An, trước đây bày biện các đồ tự khí, vật trân bảo, đồ chơi bằng ngọc do các triều trước tạo lập, mua sắm rất nhiều. Vậy chuyển giao cho Tôn nhân phủ hội đồng cùng Bộ Lễ tuân chuẩn kê cứu rõ ràng, đầy đủ.
Đây là việc hệ trọng, khi xem xét phải để tâm không được coi thường. Các quan ở thượng ty phải đích thân tận sức thi hành đúng việc, đúng chức.
Làm thế, một là dâng lên bề trên ngự lãm để giải trừ mối âu lo, hai là chuộc lỗi cho trẫm để tỏ rõ tính thận trọng, ba là chứng tỏ tấm lòng kẻ bề tôi mà biểu dương tính cần mẫn, bốn là chấn chỉnh lại kỷ cương triều đình mà tiện cho sau này kê cứu.
Làm trọn vẹn bốn điều ấy, công việc sớm hoàn thành, đó là điều may mắn và cũng là ước mong vô cùng của ta vậy. Còn nếu có ai đó tính quen lười nhác, bất tài ngại khó thì đã có điều lệ luật pháp còn đó, ai cũng đều rõ, hà tất phải nêu ra làm gì. Mong mọi người hãy hiểu và làm theo lời của trẫm”.
Có thể thấy, chỉ một câu hỏi nhỏ và lời nhắc nhở nhẹ nhàng của bà Từ Dũ nhưng đã khiến cho vị hoàng đế thứ 9 của vương triều Nguyễn giật mình, sợ đến phát khóc khi nhận ra những hạn chế trong việc cai quản, xử lý, điều hành chính sự của mình.
Câu chuyện mà chính vua kể lại, còn là minh chứng rõ về tính cách, đức độ của bà hoàng Từ Dũ, không quá coi trọng vào những tấu trình hời hợt, những lời ca tụng khuôn sáo mà chú ý đến tính hiệu quả, sự thiết thực, đó mới là điều cần thiết đối với người cầm quyền, đặc biệt là người ở cương vị lãnh đạo cả một quốc gia.
  • Lê Thái Dũng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét