CHI HỘI THƯƠNG BINH TINH NGHĨA 282 lê lợi Liên hệ: 0313840668-0934563996           CHI HỘI THƯƠNG BINH TINH NGHĨA 282 lê lợi Liên hệ: 0313840668-0934563996                   CHI HỘI THƯƠNG BINH TINH NGHĨA 282 lê lợi Liên hệ: 0313840668-0934563996                   TIN TỔNGHỢP                     GIÃ SỬ                         QUÂNSỰ             HOANG SA                                        Biển Đông       Thế Giới     Tin trong nước      Sử Việt       UFO      Chuyện Lạ      Gia Đình;

Thứ Năm, 11 tháng 7, 2013

Những phi tần có cuộc đời kì lạ của vua Thành Thái

Vua Thành Thái (1879 - 1954) là vị Hoàng đế thứ 10 của nhà Nguyễn, tại vị từ 1889 đến 1907. Do chống Pháp, ông cùng với các vua Hàm Nghi và Duy Tân, là 3 vị vua yêu nước trong lịch sử Việt Nam thời Pháp thuộc, bị đi đày tại ngoại quốc. Trong đời sống tình cảm, Vua Thành Thái có nhiều phi tần. Điều đặc biệt là mỗi phi tần đều có một giai thoại riêng gắn liền với những điều kì lạ trong cuộc đời của họ.


Vị vua yêu nước có cuộc sống khổ ải

Vua Thành Thái sinh ngày 14 tháng 3 năm 1879. Ông là vị Hoàng đế thứ 10 của nhà Nguyễn, tại vị từ 1889 đến 1907. Vua Thành Thái có tên húy là Nguyễn Phúc Bửu Lân. Ngoài ra, ông cũng còn có một tên khác nữa là Nguyễn Phúc Chiêu. Vua Thành Thái là con thứ 7 của vua Dục Đức với Từ Minh Hoàng hậu.

Năm ông 4 tuổi, vua cha Dục Đức bị phế và chết trong tù. Đến nǎm ông lên 9 thì ông ngoại là Phan Đình Bình, lúc này đang giữ chức quan Thượng thư bộ Hộ bị vua Đồng Khánh bắt giam rồi bỏ cho chết.

Nguyên nhân cái chết của ông Phan Đình Bình là do ông đã mắng Đồng Khánh là người nịnh bợ và thân Pháp khi Đồng Khánh ra Quảng Bình dụ vua Hàm Nghi đầu hàng. Sau khi ông ngoại mất, Bửu Lân cùng mẹ lên sống ở kinh đô, chịu sự quản thúc.

Đến ngày 28 tháng 1 năm 1889, vua Đồng Khánh lâm bệnh qua đời. Lúc này, con vua Đồng Khánh mới 3 tuổi nên không nối ngôi.

Vì thế, triều đình Huế đã xin ý kiến của Tổng sứ Trung Bắc kỳ Pierre Paul Rheinart về người nối ngôi tiếp theo.

Ở thời điểm đó, tại tòa khâm sứ có ông Diệp Văn Cương đang làm thông ngôn. Diệp Vǎn Cương lấy bà cô ruột của Bửu Lân và cũng có cảm tình với vua Dục Đức xưa.

Vậy nên, ông Văn Cương đã cố gắng tìm cách để Bửu Lân lên ngôi. Ông dịch cho Khâm sứ Rheinart nghe hoàn toàn khác với ý của Viện cơ mật. Do đó, Bửu Lân được chọn lên ngai vàng.
Vua Thành Thái
Vua Thành Thái

Vào ngày 2 tháng 2 năm 1889, Bửu Lân lên ngôi lấy hiệu là Thành Thái. Khi đó Bửu Lân mới 10 tuổi. Triều đình Thành Thái khác các triều trước ở chỗ lễ đǎng quang không có Truyền quốc bửu tỷ ấn ngọc.

Lúc trước, khi rời khỏi kinh thành Huế, vua Hàm Nghi đã mang theo và đánh mất tại tỉnh Quảng Bình. Cho nên lúc tại vị vua Đồng Khánh đã phải dùng một ấn ngọc khác. Ngoài ra, di chiếu cũng không có do vua Dục Đức hay vua Đồng Khánh không truyền ngôi lại cho vua Thành Thái.

Vua Thành Thái được đánh giá là người cầu tiến, yêu nước và chống Pháp. Khác với những vị vua trước đây, ông học chữ Nho, học tiếng Pháp và cũng cho cả con cái của mình cùng theo học chữ Pháp.

Ông còn cắt tóc ngắn, mặc âu phục, học cả lái ca nô, xe hơi, làm quen với vǎn minh phương Tây.

Ông để ý đến cả các loại vũ khí, đã giao cho họa sĩ Lê Vǎn Miến, người đã từng tốt nghiệp Trường Mỹ thuật Paris vẽ cho ông các khẩu súng Pháp. Vua Thành Thái học và làm tất cả những điều đó đều nhằm để hiểu rõ và nắm vững hơn về Pháp trong chính cuộc chiến chống Pháp của mình.

Vua Thành Thái bộc lộ tinh thần dân tộc rất cao. Có lần, cầu Long Biên ở Hà Nội, được lấy tên Toàn quyền Pháp Doumer, xây dựng xong, Hoàng Cao Khải đưa ra một danh sách xin nhà vua ban thưởng cho những người có công, nhà vua đã cười nhạt mà trả lời: “Ta có biết mặt mũi những đứa nào đâu”.

 Những người Pháp thường xuyên gần gũi không được ông trọng thị lắm vì vậy họ thường có thành kiến với ông. Có những tài liệu nói là nhà vua đã toan bí mật sang Trung Quốc, nhưng mới đi đến Thanh Hóa đã bị người Pháp ngǎn chặn. Lại có ý kiến cho rằng ông đã đồng tình giúp đỡ, tạo điều kiện cho Cường Để xuất dương theo Phan Bội Châu sang Nhật.

Vua Thành Thái còn bí mật lập các đội nữ binh để che mắt Pháp. Một số tài liệu ghi rằng vua đã chiêu nạp được 4 đội, mỗi đội 50 người, đội trước huấn luyện xong thì trở về gia đình và nạp đội mới, khi có thời cơ sẽ cùng nổi dậy chống Pháp. Nhà vua tự bỏ tiền ra lo chi phí, ăn ở cho đội nữ binh. Đội nữ bình mặc áo quần theo kiểu riêng và hằng ngày chăm lo luyện tập võ nghệ.

Việc tuyển mộ và huấn luyện được tổ chức hết sức bí mật. Nhà vua cho lính cận vệ thân tín đến tiếp xúc với họ và gia đình. Nếu được chấp thuận, vua cho giả cảnh bắt cóc, bằng cách hẹn ngày giờ và địa điểm gặp gỡ, rồi lính cận vệ, hoặc chính nhà vua đem xe song mã đến đón họ và đưa vào cung cấm.

Để bảo mật, các cô gái bị “bắt cóc” thường được đưa vào Tử Cấm Thành bằng cửa Hữu của Thành nội, gần làng Kim Long, vì con đường chạy dọc theo bên ngoài Hoàng thành dẫn đến cửa Hữu rất vắng vẻ vào ban đêm, hai bên đường lại không có nhà cửa của dân chúng.

Cũng vì vậy, các cô gái Kim Long được tuyển mộ ưu tiên nhiều hơn cả. Ngoài ra, nhà vua còn tuyển các cô gái làng An Ninh, ngôi làng giáp làng Kim Long.

Do hầu hết là thợ dệt vải, Vua Thành Thái đã ngụy trang cho tổ chức ở Đại nội các chợ bán vải do các nữ binh ấy dệt trong cung. Một mặt, nhà vua dễ dàng lừa thực dân, còn mặt khác để cho nữ binh có công việc mà trang trải chi phí.

Theo một số tài liệu, Vua Thành Thái chiêu nạp được 4 đội nữ binh. Tuy nhiên, về sau việc này cũng bị lộ. Thượng thư Bộ lại và các quan đại thần trong Cơ mật viện đã báo sự việc cho viên Khâm sứ Pháp Levécque. Từ đó, quyền hành của Vua Thành Thái ngày càng thu hẹp.

Không chỉ có vậy, để che mắt người Pháp, vua Thành Thái còn giả hành động như một người mất trí. Khi các bản vẽ vũ khí của ông bị phát hiện, Thành Thái giả điên, cào cấu các bà cung phi và xé nát các bản vẽ.

Lợi dụng cơ hội này, người Pháp vu cho ông bị điên, ép ông thoái vị, nhường ngôi cho con vì lý do sức khỏe. Khâm sứ Pháp còn nói thẳng là đã biết ông có ý đồ chống Pháp, nên không để ông ở ngôi được.

Còn nếu Thành Thái muốn tại vị thì ông phải ký vào một tờ giấy xin lỗi, tuyên bố với quốc dân là có âm mưu chống lại nước Pháp, nay phải thành thực hồi tâm. Nhưng ông đã ném tờ tuyên cáo thảo sẵn ấy xuống đất, từ chối.

Vào ngày 29 tháng 7 năm 1907, mượn cớ Thành Thái không phê chuẩn việc bổ nhiệm một số quan lại đã được Khâm sứ Lévêque và Hội đồng Thượng thư thỏa thuận, Lévêque đã tuyên bố truất quyền và quản thúc vua Thành Thái trong Đại nội.

Đến ngày 3 tháng 9 năm 1907, triều thần theo lệnh của Pháp vào điện Càn Thành dâng vua dự thảo chiếu thoái vị, có chữ ký của các đại thần với lý do sức khoẻ không bảo đảm, xin tự nguyện thoái vị. Xem xong bản dự thảo, vua Thành Thái chỉ cười, ghi ngay hai chữ “phê chuẩn” rồi quay lưng đi vào.

Đến ngày 12 tháng 9 năm 1907, vua Thành Thái bị đưa đi quản thúc ở vùng Cap Saint Jacques – chính là Vũng Tàu ngày nay. Đến nǎm 1916 ông đày ra đảo Réunion cùng với con trai là vua Duy Tân.

Ông cùng gia đình thuê một căn nhà ở thành phố Saint Denis tại đảo Réunion. Thành Thái và Hoàng phi Chí Lạc dạy các con tiếng Việt và cả những nhạc cụ dân tộc như đàn cò, sáo.

Ông tự phân công cho tất cả những người con từ nhỏ đến lớn đảm nhận công việc trong gia đình.

Các công chúa phụ mẹ việc bếp núc, làm vườn. Các hoàng từ người làm cận vệ cho Thành Thái, người đảm nhận lo phân trầu cau, điểm tâm sáng, người phụ dọn dẹp nhà cửa.

Khác với vua Hàm Nghi trước đó, cuộc sống của cha con cựu hoàng Thành Thái khá chật vật. Với địa vị của một ông vua song vua Thành Thái thường xuyên bị chủ nhà đòi tiền.

Đến năm 1925, vua Khải Định biết tình cảnh khốn khó của ông, đã trích ngân sách gửi sang cho ông 1.000 đồng, rồi sau thỉnh thoảng lại cho tiền.

Sau khi Khải Định mất, không còn khoản tiền đó nữa, nên ngày 21 tháng 9 năm 1935, vua Thành Thái phải viết thư gửi vua Bảo Đại xin nhà nước Bảo hộ Pháp cho một khoản tiền để mua nhà mà theo cam kết là nếu ông mất đi thì nhà nước sẽ được thu lại căn nhà.
Vua Thành Thái
Vua Thành Thái

Đầu tháng 5 năm 1945, sau khi vua Duy Tân mất, nhờ sự vận động của con gái và con rể của ông, vợ chồng luật sư Vương Quang Nhường, cựu hoàng Thành Thái mới được cho về Việt Nam. Ông cùng gia đình sống ở Villa Anna tại Vũng Tàu.

Tháng 3 năm 1953, ông được phép về Huế thăm lăng tẩm cha mẹ. Ông mất ngày 24 tháng 3 năm 1954 và được an táng tại khuôn viên thành An Lăng tại xã An Cựu, huyện Hương Thuỷ, tỉnh Thừa Thiên, thọ 75 tuổi.

Và những câu chuyện kì lạ về các phi tần

Cuộc đời của vua Thành Thái không chỉ gắn liền với những câu chuyện của lòng yêu nước. Ở một mặt khác, cuộc đời vua Thành Thái còn gắn liền với những giai thoại kì lạ về các phi tần của mình. Người phi tần có số phận kì lạ trước hết của vua Thành Thái chính là phi tần thứ chín Dương Thị Ngọt.

Dương Thị Ngọt là con gái của ông Dương Quang Xứng, người giữ chức Thái Bộ Tư khoanh rồi đến giữ chức Bố Chính tỉnh Khánh Hoà. Sử xưa kể lại rằng trên con đường hoạn lộ, dù làm gì, ở đâu ông Xứng cũng mang cô con gái rượu là Dương Thị Ngọt theo cùng.

Càng lớn lên, Dương Thị Ngọt càng xinh đẹp. Chính vì thế, Dương Thị Ngọt nhanh chóng lọt vào mắt xanh của vua Thành Thái.

Trong nội cung triều Nguyễn, kể từ đời vua Minh Mạng trở về sau, các bà phi được xếp hạng theo 9 bậc thứ tự gồm: nhất giai phi, nhị giai phi, tam giai tần, tứ giai tần, ngũ giai tần, lục giai tiệp dư, thất giai quý nhân, bát giai mỹ nhân và cửu giai tài nhân.

Bà Dương Thị Ngọt được xếp vào bậc “cửu giai tài nhân”, bậc chín. Bà được hưởng lương 180 quan tiền và 48 vuông gạo.

Khi trở thành phi tần của nhà vua rồi, Dương Thị Ngọt được vua Thành Thái hết mực thương yêu và sủng ái. Chính vì thế Dương Thị Ngọt bị những bà phi khác trong cung hết sức ghen ghét.

Nhân một lần vua Thành Thái cắt tóc ngắn, các bà phi trong cung đã bày mưu tính kế để hại bà Ngọt. Họ đã đánh lừa để cắt mất của bà Ngọt một nắm tóc, rồi tìm cách báo cho vua hay.

Thấy vậy, vua Thành Thái gán cho bà mắc phải trọng tội khi quân nên đã xử chém bà. Về nguyên nhân dẫn đến cái chết bi thảm của người thứ phi thứ chín mà vua Thành Thái rất mực yêu chiều này cũng còn có một giai thoại khác.

Theo ông Dương Quang Diêu, người cháu họ của bà Ngọt ở đời thứ 3 thì thì cái chết oan khuất của phi tần Dương Thị Ngọt bắt đầu bởi một lời nói vô tình của chính người phi tần này.

 Ông Dương Quang Diêu kể rằng vua Thành Thái không để tóc dài như các vua khác mà đã cắt tóc ngắn. Một hôm, sau khi đã cắt tóc ngắn xong, vua dạo một lượt qua các bà phi, hỏi xem có đẹp không.

 Bà nào cũng khen đầu vua đẹp. Chỉ riêng bà Ngọt đã không khen lại còn buột miệng bảo: “Trông giống như kẻ cướp ấy”. Vua nổi giận, liền đem bỏ bà Ngọt vào nấu trong vạc dầu”.

Mặc dù có một số tình tiết không sát với sự tình nhưng về cơ bản câu chuyện của ông Diêu cũng cho thấy là thứ phi Dương Thị Ngọt đã mắc phải tội khi quân mà chuốc lấy cái chết.

Sau khi bà Ngọt chết, nhà vua vẫn cho làm lễ mai táng bà hết sức chu đáo, đúng theo nghi lễ triều đình, xứng đáng với cái chết của một bà hoàng phi.

 Quan tài của bà được đưa xuống thuyền rồng rồi theo đường sông về bên bến Ô Lâu, với làng quê yêu dấu của bà ở thôn Hội Kỳ, xã Hải Chánh, huyện Hải Lăng, Quảng Trị.

 Lăng mộ của bà cũng được xây cất rất cẩn thận, trên bia mộ có khắc dòng chữ: “Hoàng triều cửu giai tài nhân thụy Thục Thuận Dương thị chi tẩm. Thành Thái thập tam niên bát nguyệt cát nhật tại”.

Tạm dịch là: “Lăng của bà họ Dương, bà phi của nhà vua được xếp vào bậc “cửu giai tài nhân”, có tên thụy là Thục Thuận, lăng được dựng vào ngày lành, tháng 8, năm Thành Thái thứ 13. Sau khi xây cất lăng xong, vua còn cho bốn người từ phu túc trực trông coi lăng bà.

Và cả bốn người này đều được nhà vua cấp phát ruộng đất và miễn tất cả các loại sưu thuế cho đến trọn đời.

Khi kể về đám tang của bà Dương Thị Ngọt, ông Diêu cũng đã tự hào mà kể rằng: “Đám tang bà Ngọt được đưa từ Huế về Quảng Trị bằng đò theo đường sông Ô Lâu, về cập bến chợ Hôm, huyện Phong Điền, Thừa Thiên Huế. Từ chợ Hôm, người ta gánh bộ quan tài bà Ngọt đi trên chiếu hoa rải cho đến tận thôn Hội Kỳ.

Chi phí mai táng, xây dựng lăng tẩm, nhà vua phải chịu. Vua còn cấp cho 4 người từ phu coi lăng, mỗi người được cấp 3 sào ruộng miễn thuế và ngoài ra còn được miễn các thứ sưu dịch”.

Không chỉ gắn cuộc đời mình với người phi tần Dương Thị Ngọt, vua Thành Thái còn có cả giai thoại về việc tìm được quý phi khi đi vi hành. Vua Thành Thái vốn không có thiện cảm với Tòa Khâm sứ Pháp, lại căm ghét bọn nịnh thần là những kẻ làm bồi Tây nên vua Thành Thái thường muốn vi hành gần gũi với đời sống nhân dân.

Điều này đã làm cho Khâm sứ Pháp và quan phụ chính đại thần Trương Như Cương quan tâm, e ngại và cố gắng cản trừ. Nhà vua thường hóa trang làm thường dân khi vi hành. Có khi làm người ăn mày để cảm nhận được nỗi khổ của họ.

Cũng có khi cải trang thành một thư sinh nho nhã, lên xứ Kim Long để ngắm nhìn trời đất, chuyện trò với các cô thôn nữ xinh đẹp.

Và chính ở vùng đất Kim Long, trong một lần vi hành, vua Thành Thái đã tìm thấy được một trong những quý phi của mình. Đất Kim Long nằm dọc theo bờ dòng sông Hương, nay thuộc về thành phố Huế ngày từ lâu nức tiếng là “đất mỹ nhân”.

Dưới thời các chúa Nguyễn Phúc Lan và Nguyễn Phúc Tần, Kim Long là nơi Đô hội.

Sau khi chúa Nguyễn Phúc Trân đưa thủ phủ về Phú Xuân, Kim Long được giao lại cho các ông hoàng, các gia đình quan lại làm nhà thờ, lập vườn và chẳng bao lâu, nơi đây đã trở thành một vùng ngoại ô xinh đẹp, hoa trái bốn mùa.

Có lẽ nhờ dùng nguồn nước lành sông Hương và những vườn cây trái xum xuê bốn mùa mà con gái Kim Long hầu như ai cũng đẹp. Không những thế, họ đa số lại xuất thân từ các gia đình có nề nếp, có văn hoá cho nên còn nết na, duyên đang rất dễ thương.

Chuyện kể rằng vào một ngày Tết Nguyên Đán, vua Thành Thái cải trang thành dân thường, đến vùng đất Kim Long. Sau khi đi ngao du khắp vùng đất, vua Thành Thái thuê một chiếc đò ra về.

Khi đò vừa ghé vào, bước lên trên, ông trông thấy cô lái, khoảng chừng hai mươi, đang khép nép trong chiếc áo vá vai, với đôi má ửng hồng rất có duyên.

 Vua Thành Thái bỗng xao xuyến rộn lên một niềm cảm xúc lạ lùng. Ông gọi cô gái đang ở cuối thuyền và hỏi một cách đột ngột: “Nì, o tê! O có muốn lấy vua không?”.

Cô lái đò thiệt tình, nhìn ông khách lạ đời đáp: “Đừng có nói bậy mà họ lấy đầu chừ!”. Thấy thế, vua Thành Thái đổi giọng: “Tui nói thiệt đó, O có muốn lấy vua thì tui làm mối cho!”. Nghe vậy, cô lái đò làng Kim Long thẹn thùng, cúi mặt nhìn lơ chỗ khác. Một quan khác qua đò lớn tuổi, khăn đen áo dài chững chạc chừng như vừa mới dự lễ về, tủm tỉm cười, vui vẻ bảo cô lái: “Ni,O tê! O cứ nói “ưng” để coi thử nờ!”.

Và cô lái đò đánh bạo nói nhanh: “Ưng!”. Vua Thành Thái thích thú đứng dậy đi về phía lái, cầm tay cô kéo ra đầu mui thuyền. Mặc cho cô gái thẹn thùng dùng dằng, ông bảo: “Rứa thì quý phi ngồi nghỉ để trẫm chèo cho”.
Hai bà vợ của vua Thành Thái
Hai bà vợ của vua Thành Thái

Nói rồi đi ra sau lái cầm chèo đưa đò đi trước sự ngạc nhiên vui vẻ của mọi người. Đến trước Kinh thành, vua đưa đò vào đậu ở bến Nghinh Lương, trước Phu Văn Lâu, bảo mọi người: “Thôi thiên hạc đứng dậy trả tiền đò cho Trẫm và tiễn đưa Quí phi vào cung!”. Từ đó, cô lái đò Kim Long vô nội cung, làm quí phi của Vua Thành Thái.

Tuy nhiên, nhiều người cho rằng, đây chỉ là giai thoại do dân gian tạo ra chứ kỳ thực, vua Thành Thái mê một nàng kiều nữ đất Kim Long nhưng đó là con gái út của Vĩnh Quốc Công Nguyễn Hữu Độ. Bà tên Nguyễn Hữu Thị Nga, sau này được nhà vua đưa vào cung, phong làm huyền phi, sinh hạ được hai người con.

Mặc dù vậy, cho đến nay, giai thoại vua Thành Thái tìm được quy phi tại đất Kim Long vẫn được lưu truyền và in dấu trong câu ca: “Kim Long có gái mỹ miều/ Trẫm thương, trẫm quý, trẫm liều trẫm đi”.

Trong số những phi tần của vua Thành Thái, ngoài người phi tần được yêu chiều rất mực nhưng rồi vẫn bị xử tội chết đầy kì lạ Dương Thị Ngọt hay mỹ nhân Kim Long theo giai thoại thì nhà vua còn có cả phi tần vốn là họ hàng thân thích.

Theo sử sách ghi lại thì vua Thành Thái có hai bà thứ phi sống với ông suốt thời gian bị lưu đày ở đảo Réunion cũng như những năm cuối đời ở Sài Gòn. Đó là bà Giai Triệu và bà Chí Lạc. Bà Giai Triệu là mẹ của Hoàng nam Vĩnh Chương.

Trong thời gian ở đảo Réunion, bà sinh thêm Vĩnh Giêu. Còn bà Chí Lạc sinh cho cựu hoàng 5 người con trai bao gồm: hoàng tử Vĩnh Lưu, hoàng tử Vĩnh Quỳnh, hoàng tử Vĩnh Khôi, hoàng tử Vĩnh Giu và hoàng tử Vĩnh Cầu.

Thế nhưng điều đặc biệt là bà Giai Triệu và Chí Lạc là cả hai là chị em ruột. Tên thật của hai người lần lượt là Công Tằng Tôn Nữ Nhàn và Công Tằng Tôn Nữ Mừng. Cả hai người đều là chắt nội của vua Minh Mạng.

Trong hoàng tộc, hai bà ngang hàng với bên nam giới có chữ lót Ưng, tức là hai bà thuộc hàng cô của cựu hoàng Thành Thái.

Theo một số tài liệu thì để giấu cuộc hôn nhân cô cháu này, hoàng tộc đã đổi họ cho hai bà sang họ Hồ. Sau đó, một lần nữa đổi sang họ Nguyễn Công. Bia mộ của hai bà hiện nay ở An Lăng đều khắc họ của hai bà là Nguyễn Công.
  • Đinh Minh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét