Họ góp tiền ủng hộ xây dựng Nam Quốc Phật khá hoành tráng. Một giáo phái (Đạo Dừa) chính thức ra đời, trở thành một hiện tượng xã hội ở miền Nam.
Đạo Dừa ra đời giữa sông Tiền
Khi trung tá Phạm Ngọc Thảo (nhân vật Nguyễn Thành Luân trong bộ phim “Ván bài lật ngửa”) về làm tỉnh trưởng tỉnh Kiến Hòa (nay là Bến Tre), Nguyễn Thành Nam đã đến gặp Phạm Ngọc Thảo và gửi thư phản đối, mạt sát Tổng thống Ngô Đình Diệm về một quyết sách nào đó. Ông bị chính quyền Diệm bắt giam ở thị xã Bến Tre, cho tới khi anh em Diệm - Nhu bị lật đổ và giết chết tháng 11.1963, ông được thả khỏi tù.
Ra khỏi tù, Nguyễn Thành Nam không trở về Phước Thạnh để tiếp tục hành đạo, mà đến ngồi dưới gốc một cây bần cổ thụ trên bãi bồi ở mỏm cồn Phụng (xã Tân Thạch, huyện Châu thành, Bến Tre) hoang vắng để thiền tịnh. Sau này, Nguyễn Thành Nam thường kể với “đệ tử” (trong các lần giảng đạo) rằng, ông nằm mộng thấy vua Minh Mạng hiện về báo rằng chính nhà vua đã “tái thế” vào hình hài của Nguyễn Thành Nam. Nhà vua cũng chỉ ông đến mỏm cồn Phụng hành đạo sẽ làm nên nghiệp lớn.
Chuyện mộng mị không biết thực hư ra sao, còn chuyện Nguyễn Thành Nam chọn mỏm cực nam của cồn Phụng để ngồi thiền tịnh thì thật là hiệu quả. Phà Rạch Miễu, khi qua lại sông Tiền, chạy “ôm” sát mép mõm phía nam cồn Phụng, hàng trăm người đi trên mỗi chuyến phà dù muốn hay không cũng nhìn thấy rõ cảnh Nguyễn Thành Nam ngồi tu tịnh. Tiếng đồn thổi “Đạo Dừa” theo đó mà lan xa.
Có lẽ nhờ chọn đúng vị trí “đắc địa”, mà tín đồ tìm đến làm “đệ tử” cho “Cậu Hai” ngày càng nhiều. Một đệ tử đã biếu cho Nguyễn Thành Nam một chiếc tàu để làm nơi tiếp khách, tiếp xúc với báo giới... Về sau, một chủ doanh nghiệp ở Sài Gòn biếu Nguyễn Thành Nam chiếc tàu lớn hơn (giống như chiếc phà), trên ấy treo cờ phướn, làm phòng tiếp khách, nơi trưng bày hình ảnh... liên quan tới dự án Nam Quốc Phật của Nguyễn Thành Nam. Giữa năm 1964, những hạng mục đầu tiên của chùa Nam Quốc Phật được khởi công xây dựng. Nghiễm nhiên Nguyễn Thành Nam trở thành “ông Đạo Dừa”.
Cái tên “Đạo Dừa” ban đầu do dân chúng và các “đệ tử” của Nguyễn Thành Nam đặt (do mỗi ngày ông chỉ ăn 1 trái dừa để sống), có lẽ do thấy cũng hay hay nên Nguyễn Thành Nam đã chính thức lấy “Đạo Dừa” đặt tên chính thức cho “tôn giáo” mà ông tự xưng là “giáo chủ”. Kể từ đó, trong xã hội miền Nam có thêm một tôn giáo là Đạo Dừa, mà tiếng vang và tác động đến xã hội của nó những năm tiếp theo không thua kém gì các tôn giáo khác.
Xây chùa Nam Quốc Tự
Đến giữa năm 1964, tín đồ của Đạo Dừa đã lên đến hàng ngàn người, những người hiếu kỳ đến tham quan cồn Phụng và Đạo Dừa ngày một đông. Khi tín đồ đã lên đến con số ngàn, Đạo Dừa bắt tay vào thực hiện công trình Nam Quốc Tự nhờ sự đóng góp kinh phí của những tín đồ giàu có ở thành phố Mỹ Tho và Sài Gòn.
Trong số những tín đồ đến với Đạo Dừa ngay từ buổi đầu ở cồn Phụng, có kiến trúc sư xây dựng kiêm cẩn khắc gia Huỳnh Văn Đại, tự Hoàng Đại, người gốc Quảng Trị, từng thực hiện những kiến trúc lâu đài, lăng tẩm trong hoàng cung của triều đình Huế, sau vào hành nghề ở Sài Gòn. Ông chính là người đã thiết kể, tổ chức xây dựng nên Nam Quốc Tự trên bãi bồi cồn Phụng theo ý đồ của Đạo Dừa Nguyễn Thành Nam, nhờ vào tiền đóng góp của tín đồ.
Ước tính, để xây dựng nên Nam Quốc Tự bề thế trên bãi bồi (còn nguyên vẹn đến ngày nay), chi phí tương đương cả ngàn lượng vàng. Nam Quốc Tự xây dựng hoàn toàn trên cọc bê tông, dạng nhà sàn, phía dưới là bãi bồi, ngày 2 lượt nước ngập và nước rút. Nam Quốc Tự hoàn thành vào khoảng cuối năm 1964, thanh thế của Đạo Dừa và “giáo chủ” Nguyễn Thành Nam càng lên cao, trở thành hiện tượng lạ của xã hội miền Nam lúc bấy giờ. Đó là điều kiện để Đạo Dừa Nguyễn Thành Nam huy động tài lực vận động tranh cử Tổng thống Việt Nam Cộng hòa trong lần bầu cử năm 1967.
Cho tới gần đây, ở khu vực Bến xe Miền Tây vẫn còn tấm biển xi măng trước một ngôi nhà với hàng chữ nổi “Hòa đồng tôn giáo”. Đó là cơ sở đại diện của Đạo Dừa tại Sài Gòn trước năm 1975. Người chủ ngôi nhà lúc đó là tín đồ và nhận làm đại diện cho Đạo Dừa tại Sài Gòn.
Trên nhiều tài liệu, thư tịch của Đạo Dừa Nguyễn Thành Nam, ông tự nhận là “giáo chủ Thích Hòa Bình”. Có lẽ các cụm từ “Hòa đồng tôn giáo” và “Giáo chủ Thích Hòa Bình” đủ nói lên tất cả giáo lý, phương châm của Đạo Dừa. Nguyễn Thành Nam không có sáng tạo gì khi viết nên “giáo lý” cho Đạo Dừa bằng vài cuốn “kinh” sơ sài, chủ yếu là chắp vá các các triết lý của đạo Phật, đạo Thiên Chúa, đạo Khổng... Trong những buổi thuyết giáo, Nguyễn Thành Nam chủ yếu là khuyên và dạy tín đồ cách ăn chay để giữ sạch tinh thần, giữ gìn sức khỏe phòng khi có biến cố xảy ra cho nhân loại, như chiến tranh hạt nhân chẳng hạn, tín đồ vẫn “bình yên mà nhìn”.
“Giáo chủ” Thích Hòa Bình
Một người từng là tín đồ của “Cậu Hai” kể lại rằng, trong các buổi thuyết giáo, Đạo Dừa thường đem chuyện những nhà sư ăn chay trường ở Hirosima - Nhật Bản đã sống sót khi Mỹ thả bom nguyên tử vào năm 1945, trong khi dân thường chết rất nhiều. Đạo Dừa Nguyễn Thành Nam giải thích đó là do các nhà sư ăn chay trường, giúp cơ thể chống được chất phóng xạ, nhờ vậy mà sống. Ông dự báo sẽ có ngày chiến tranh thế giới bằng vũ khí hạt nhân xảy ra, khi đó các tín đồ Đạo Dừa ăn chay trường sẽ “bình yên mà nhìn” nhân loại ngã chết vì bom hạt nhân.
Giống như đạo Thiên Chúa, Đạo Dừa không chủ trương “xa lánh hồng trần” như đạo Phật, các tín đồ vẫn có thể có gia đình, vợ con. Người theo Đạo Dừa không nhất thiết phải đến “quy y” tại Nam Quốc Phật, mà có thể “tu tại gia”, thỉnh thoảng đến Nam Quốc Phật cũng được. Biểu tượng trên bàn thờ Đạo Dừa tại nhà các tín đồ là chữ Vạn bên cạnh cây Thánh giá, điều đó nói lên rằng Đạo Dừa xây dựng trên nền tảng của đạo Phật và đạo Thiên Chúa.
Trong các bài tụng niệm và trong giao tiếp giữa các tín đồ, các bài kinh, câu giao tiếp bao giờ cũng kết thúc bằng cụm từ “Nam Mô A Di Đà – A Men”! Đó cũng là biểu hiện sự trộn lẫn hai tôn giáo chính là đạo Phật và đạo Thiên Chúa trong đời sống của các tín đồ Đạo Dừa. Tư tưởng Nho giáo cũng có dấu ấn đậm nét trong sinh hoạt của các tín đồ Đạo Dừa. Đạo Dừa dạy các tín đồ lòng hiếu thảo, thương yêu anh em, bạn bè, sống thủy chung, nhân nghĩa.
Đạo Dừa cũng dạy các tín đồ cầu nguyện cho hòa bình cho cả nhân loại và cho đất nước Việt Nam, chống chiến tranh bằng cách không cầm súng cho quân đội Sài Gòn (vì Đạo Dừa nằm trong vùng do chính quyền Sài Gòn kiểm soát). Các tín đồ Đạo Dừa được “giáo chủ” Nguyễn Thành Nam khuyên nếu chẳng may bị bắt “quân dịch”, kiên quyết không chịu đi lính, thà chấp nhận ở tù. Cái tên “Giáo chủ Thích Hòa Bình” mà Đạo Dừa tâm đắc tự đặt cho mình đã ít nhiều nói lên chí hướng của ông là cầu nguyện cho nhân loại, cho đất nước được hòa bình, không có chiến tranh, chỉ bằng cái cách ngồi cầu nguyện ngày đêm.
Vào lúc cao điểm, số tín đồ túc trực thường xuyên tại Nam Quốc Phật của Đạo Dừa lên đến vài ngàn người, trong đó có cả những tín đồ người nước ngoài nghe danh tới thọ giáo Đạo Dừa. Họ ngày 4 lượt (khuya, sáng, trưa, chiều) mặc áo dài màu nâu, đầu quấn khăn nâu, đi chân đất lên quỳ trên sân rồng, mặt hướng về cửu trùng đài, nơi “giáo chủ” Nguyễn Thành Nam đang ngồi tu tịnh trên đài bát quái. Mỗi lần cúng cầu nguyện kéo dài khoảng 1 giờ, các tín đồ cầu nguyện cho mưa thuận gió hòa, cho hòa bình, cho hạnh phúc, cho sau này được vinh danh ở một nơi cực lạc nào đó... Họ cầu nguyện cho “giáo chủ” Nguyễn Thành Nam sớm đạt được “sứ mệnh” là vua Minh Mạng “tái thế”, trở thành “đấng minh chủ”...
Xen kẽ với những lời cầu nguyện là tiếng “chuông hòa bình” được một tín đồ gióng lên khoảng 1 phút 1 lần. Khi chuông được gióng, các tín đồ đồng loại vái lạy sát đất. Tiếng chuông ngân suốt ngày đêm, hồi chuông này vừa dứt hồi chuông tiếp theo lại được gióng lên. Thỉnh thoảng, Đạo Dừa Nguyễn Thành Nam cũng rời nơi tu tịnh trên tháp Hòa Bình xuống cửu trùng đài thuyết giáo cho các tín đồ trong các giờ cúng nguyện. Đạo Dừa chủ yếu giảng dạy về cách thức ăn chay, về Phật Thích Ca, về Chúa Giê-su, về nhân nghĩa, trung hiếu, về hòa bình cho nhân loại. Sau từng đoạn thuyết giảng, một tiếng chuông được gióng lên, hàng ngàn tín đồ đồng loạt hô “A Di Đà Phật – A Men” và vái lạy sát đất.
Theo các tín đồ túc trực bên Đạo Dừa, “giáo chủ” mỗi ngày chỉ ăn một lần vào đúng giờ ngọ, ban đầu ông chỉ ăn đúng một trái dừa. Về sau thấy sức khỏe ông suy sụp, không đủ sức ngồi thiền tịnh, các “đệ tử” khuyên nhủ và “Cậu Hai” đã chịu ăn thêm một ít các loại trái cây có trên cồn Phụng, ăn các loại rau, bắp... Mỗi năm, ông tắm đúng một lần bằng nước dừa vào ngày Phật đản. Đạo Dừa cũng dạy các “đệ tử” phép tu “tại tâm”, không cần phải dựng tượng Phật, tượng Chúa, mà nên để hình tượng các vị ấy trong tâm của mình. Vì vậy mà trong Nam Quốc Phật của Đạo Dừa không có bất cứ pho tượng nào, ngoại trừ một số hình ảnh của “giáo chủ” Nguyễn Thành Nam.