Các ngoại trưởng ASEAN chụp bức ảnh nắm tay truyền thống tại AMM-47 -Ảnh: Reuters |
Tại AMM-47, các bộ trưởng khẳng định ASEAN quan ngại sâu sắc về tình hình căng thẳng phức tạp vừa qua trên biển Đông và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không trên biển Đông”.
AMM-47 kêu gọi các bên tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS), giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, kiềm chế, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực.
Ngoại trưởng các nước ASEAN cũng nhấn mạnh các bên tranh chấp trên biển Đông cần thực hiện đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên trên biển Đông (DOC).
AMM-47 khẳng định ASEAN và Trung Quốc cần phải sớm đạt được Bộ quy tắc ứng xử của các bên trên biển Đông (COC) nhằm góp phần duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an ninh và an toàn hàng hải ở khu vực.
Tuyên bố quan trọng
Trao đổi với Tuổi Trẻ, giáo sư Carl Thayer thuộc Học viện Quốc phòng Úc nhận định việc AMM -47 đưa ra lời kêu gọi bày tỏ sự quan ngại về các diễn biến mới đây trên biển Đông có ý nghĩa quan trọng.
Thứ nhất, điều đó cho thấy sự đoàn kết, thống nhất của ASEAN trong vấn đề biển Đông, trái với những chia rẽ nhất định trước đây. Thứ hai, tuyên bố của AMM bao gồm cả việc Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 tới gần quần đảo Hoàng Sa, thuộc vùng thềm lục địa và đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Trước đó, dư luận quốc tế gần như chỉ coi chủ quyền quần đảo Hoàng Sa là vấn đề song phương giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Do đó, đây là một thay đổi rất đáng chú ý. Các ngoại trưởng ở AMM-47 không nêu đích danh Trung Quốc, nhưng giáo sư Thayer nhận định nhiều khả năng các nước ASEAN sẽ bày tỏ thái độ mạnh mẽ hơn khi đối thoại với Trung Quốc theo cơ chế ASEAN 10 + 1.
Trước đó, phát biểu tại lễ khai mạc AMM, Tổng thống Myanmar Thein Sein cũng kêu gọi ASEAN cần tăng cường năng lực thúc đẩy các biện pháp giải quyết tranh chấp một cách hòa bình. AFP dẫn lời một quan chức ngoại giao ASEAN nhấn mạnh chỉ khi phối hợp tốt, quan điểm và tư thế của ASEAN trong vấn đề biển Đông mới trở nên mạnh mẽ hơn.
Trả lời Tuổi Trẻ, luật gia Veeramalla Anjaiah, phó tổng biên tập báo Jakarta Post của Indonesia, cho rằng sự đồng thuận là yếu tố tối cần thiết để ASEAN đối phó với tham vọng của Trung Quốc trên biển Đông.
Kyodo News đưa tin tại Myanmar, các quan chức phái đoàn Philippines đã dùng những ngôn từ hết sức mạnh mẽ để phản đối Trung Quốc. Manila cho rằng “phải chấm dứt các hành động gây bất ổn trên biển Đông”.
Trước đó, Philippines cũng công bố “kế hoạch ba bước” nhằm giảm căng thẳng trên biển Đông, bao gồm đình chỉ các hành động khiêu khích, thực thi DOC và lập cơ chế hòa giải.
Vẫn mong chờ COC
Tại AMM-47, các ngoại trưởng kêu gọi Trung Quốc và ASEAN sớm xây dựng COC. Ở Myanmar, Thứ trưởng ngoại giao Philippines Evan Garcia nhấn mạnh: “Chúng ta cần sớm đưa ra một COC có tính chất ràng buộc pháp lý”.
Nguyên nhân, theo ông Garcia, bởi các hành vi đơn phương của Trung Quốc trên biển Đông “làm leo thang căng thẳng tới mức chưa từng có và hủy hoại quan hệ láng giềng, sự tin cậy lẫn nhau trong khu vực”.
Nguồn tin Kyodo News tiết lộ các quan chức ASEAN đã gây sức ép yêu cầu Trung Quốc khởi động đàm phán COC. Tuy nhiên, các quan chức cấp cao ASEAN dù đã đối thoại với đại diện Trung Quốc tại thủ đô Naypyidaw ở Myanmar nhưng vẫn không nhận được bất kỳ cam kết cụ thể nào.
Một nhà ngoại giao ASEAN mô tả Trung Quốc “dùng mồi nhử không chỉ bằng cà rốt mà là cà rốt ngâm đường”. Ông cho biết Bắc Kinh lại một lần nữa mời các quan chức ASEAN tới một thành phố nghỉ dưỡng ở Trung Quốc tháng tới để “thảo luận thêm”.
Giáo sư Carl Thayer đánh giá việc thuyết phục Trung Quốc đàm phán COC sẽ là cực kỳ khó khăn. ASEAN vẫn chưa đạt được tiến bộ nào về vấn đề này ngoại trừ việc tiếp tục đàm phán với Trung Quốc về việc thực hiện các hướng dẫn của DOC và bản thân các cuộc đàm phán này cũng diễn ra rất chậm chạp.
Vấn đề là Bắc Kinh không có thành ý muốn xây dựng COC.
Dự kiến chủ đề biển Đông sẽ tiếp tục sôi động tại Diễn đàn khu vực ASEAN, diễn ra vào ngày 10-8. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cũng sẽ đưa ra lời kêu gọi ngừng các hành động khiêu khích trên biển Đông. Một quan chức Mỹ tiết lộ ông Kerry sẽ đặc biệt nhấn mạnh yêu cầu Trung Quốc kiềm chế.
Philippines cũng sẽ chính thức công bố kế hoạch ba bước ở ARF. Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario cho biết ông sẽ kêu gọi việc ngừng các hành động như cải tạo đất trên biển Đông và đưa giàn khoan vào vùng đặc quyền kinh tế các nước ASEAN.
HIẾU TRUNG
Giàn khoan Trung Quốc vi phạm luật quốc tế
Theo TTXVN, tại AMM-47 Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh khẳng định việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam là hành vi vi phạm luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS, và trái với tinh thần của DOC.
Phó thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh yêu cầu các bên không để tái diễn những hành động phức tạp, tuân thủ luật pháp quốc tế, kiềm chế, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình. Ông Phạm Bình Minh đồng thời nhấn mạnh các bên cần thúc đẩy các biện pháp nhằm bảo đảm việc thực hiện đầy đủ và hiệu quả DOC và sớm đạt được COC.
Bên lề AMM-47, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh đã gặp song phương Hoàng thân Mohamed Bolkiah, bộ trưởng ngoại giao và thương mại Brunei. Hai bên đề nghị đẩy mạnh hợp tác quốc phòng, an ninh, văn hóa, giáo dục, du lịch, nông nghiệp...
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét