Căng thẳng vẫn tiếp tục gia tăng tại miền Đông Ukraine, nhất là khu vực gần hiện trường vụ rơi máy bay số hiệu MH17 của Hãng hàng không Malaysia Airlines, nhiều máy bay chiến đấu đã bị bắn hạ xung quanh khu vực này.
Theo phát ngôn viên quân sự Ukraine, ngày 7/8, chiếc máy bay chiến đấu Sukhoi của Ukraine đã bốc cháy và rơi xuống khu vực cách Donetsk khoảng 40km về phía Đông Bắc và cách địa điểm máy bay MH17 bị rơi khoảng 40km về phía Tây.
Trước đó, hôm 4/8, chính quyền Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DPR) tự xưng ở miền Đông Ukraine xác nhận đã bắn hạ 1 máy bay cường kích Su-25 của quân đội Ukraine.
Hãng tin RIA Novosti dẫn lời một người phát ngôn của DPR cho biết, chiếc máy bay trên được phát hiện ở địa điểm nằm giữa 2 thị trấn Yenakiyevo và Makiivka ở khu vực Donetsk.Theo RIA Novosti, cường kích Su-25 được cho là đã bị bắn hạ vào hôm 2/8, nhưng sau đó một ngày lực lượng dân quân Donetsk mới tìm thấy xác máy bay bị bắn rơi.
Một chiếc SU-25 (ảnh minh hoạ) |
Chưa hết, hôm 24/7, Người phát ngôn của Hội đồng Quốc phòng An ninh Ukraine, ông Andriy Lysenko cũng cáo buộc tên lửa phóng từ lãnh thổ Nga đã bắn hạ 2 chiếc Su-25 của Không quân Ukraine tại khu vực Donetsk, gần hiện trường vụ máy bay MH17 và Kiev cáo buộc các tên lửa bắn trúng máy bay được phóng đi từ lãnh thổ Nga.
Hôm 16/7, cũng đã có một chiếc SU-25 của quân đội Ukraine bị bắn hạ.
Được biết, Sukhoi Su-25 là loại chiến đấu cơ cường kích, chống tăng và hỗ trợ trên không do Liên Xô cũ thiết kế. Cường kích Su-25 được xem là "hung thần diệt tăng" của Không quân Nga có thể sánh với cường kích A-10 nổi danh của Mỹ.
Máy bay cường kích Su-25 do Cục thiết kế Sukhoi (Nga) nghiên cứu phát triển từ những năm 1970 để đáp ứng nhiệm vụ yểm trợ hỏa lực cho đơn vị mặt đất, tiêu diệt xe bọc thép hạng nhẹ, công sự phòng ngự nổi và các mục tiêu khác.
Được thiết kế cho nhiệm vụ chi viện hỏa lực bay ở độ cao thấp nên Su-25 thiết kế với buồng lái bọc lớp giáp Titan dày cỡ 24mm chống đạn súng máy hạng nặng, pháo phòng không bảo vệ phi công.
Su-25 thiết kế với 10 giá treo trên cánh mang tổng cộng 4 tấn vũ khí không đối đất và không đối không. Su-25 được trang bị vũ khí mạnh, với một khẩu pháo 30 mm Gryazev-Shipunov GSh-30-2 lắp ở mũi máy bay có tốc độ bắn 3.000 phát/phút.
Trong nhiệm vụ tiêu diệt mục tiêu mặt đất, Su-25 có khả năng mang các loại vũ khí sau: tên lửa Kh-25ML (tầm bắn 11km, lắp đầu đạn thuốc nổ thường nặng gần 100kg); tên lửa Kh-29 (tầm bắn 12km, lắp đầu đạn xuyên giáp nặng 600-700kg); bom có điều khiển 500kg; bom và rocket không điều khiển. Với những loại vũ khí này, Su-25 hoàn toàn có khả năng tiêu diệt xe tăng, xe bọc thép hạng nặng.
Su-25 trang bị 2 động cơ tuốcbin phản lực R-195 cho phép đạt tốc độ tối đa 975km/h, tầm bay 750km ở độ cao thấp.
Xuân Hùng (Tổng hợp)
Đâu là sự thật trong lời thú nhận bắn hạ MH17?
Dù phi công Ukraine điều khiến chiếc Su-25 thừa nhận đã bắn hạ MH17, nhưng đâu là sự thật khi chính chuyên gia Nga khẳng định Su-25 khó làm được điều đó.
Theo thông tin được tờ Russia Times dẫn nguồn tin từ Wahrheit fuer Deutschland của Đức cho biết, viên phi công lái chiếc Su-25 của Ukraine đã thừa nhận chính mình đã bắn hạ chiếc máy bay MH17 trên bầu trời miền Đông Ukraine.
Viên phi công thú nhận rằng chính anh này đã nhấn nút bắn súng tự động trên máy bay. Chiếc máy bay này đã xuất hiện trong các bức ảnh được vệ tinh chụp lại và được công bố trong một cuộc họp của Bộ tổng tham mưu Nga. Bài báo gọi đây là “một thành công nhỏ của những người ủng hộ Putin”.
Chiến đấu cơ Su-25 |
Trước đó, các chuyên gia Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) đã kiểm tra mảnh vỡ chiếc Boeing 777 gặp nạn và những phát hiện đầu tiên của họ cũng tương đồng với lời thú nhận trên.
Đánh giá sức công phá trên vỏ máy bay có thể xác định được loại vũ khí dùng để tấn công nó.
“Có lẽ ngay cả một người bình thường cũng có thể nói rằng những lỗ thủng này do pháo tự động gây ra và hơn nữa, sự công phá trên kim loại này không thấy ở những chỗ khác” – đại diện của OSCE tại Ukraine Michael Bochurkiv nói.
Theo một số nguồn tin, ngoài nghi vấn chiếc MH17 bị bắn hạ bởi pháo tự động thì tên lửa không đối không R-60 trang bị trên Su-25 của Ukraine và hệ thống phòng không Buk cũng bị tình nghi là thủ phạm.
Tuy nhiên đâu là sự thật trong lời thú nhận của viên phi công Ukraine khi chính cha đẻ của Su-25 Vladimir Babak khẳng định, khả năng máy bay Su-25 của Ukraine bắn hạ MH17 là rất thấp. Để chứng minh cho tuyên bố trên, ông Vladimir Babak đã đưa ra hàng loạt đặc tính kỹ chiến thuật của chiếc Su-25.
"Đặc điểm kỹ thuật của máy bay Su-25 cho phép nó có thể đạt trần bay tới 11-12km. Việc đặt giới hạn trần bay của dòng máy bay này ở ngưỡng 7km chỉ để tối ưu khả năng chiến đấu của máy bay. Trong quá trình bay huấn luyện Su-25, phi công Nga thường bay lên độ cao lớn để tiết kiệm nhiên liệu", ông V. Babak tuyên bố.
Đánh giá về đạn tên lửa R-60, loại tên lửa đang bị tình nghi có khả năng gây ra vụ tại nạn của chiếc MH17, ông V. Babak cho biết, đây là dòng tên lửa sử dụng đầu dò hồng ngoại chỉ có thể bắn trúng chiếc Boeing-777 khi được phóng từ bán cầu phía sau máy bay của Malaysia. Kể cả trường hợp máy bay Malaysia trúng tên lửa, R-60 chỉ có thể vô hiệu hóa động cơ của máy bay và rất khó có thể hạ được máy bay cỡ lớn như chiếc MH17.
"Boeing-777 như là một con chim lớn và nó không thể bị hạ bởi "một vết cắn nhỏ" như R-60", ông V. Babak so sánh.
"Tuy nhiên, vấn đề khó nhất lại nằm ở việc để phóng được R-60, máy bay cần đạt độ cao tương ứng với mục tiêu", ông V. Babak nhấn mạnh. Theo lời chuyên gia Nga, kịch bản máy bay Su-25 của Ukraine bám sát phía sau chiếc MH 17 ở độ cao tương đương là không thể. Điều này có thể lý giải bằng việc khi bay ở độ cao trên 10km, tốc độ khác biệt giữa máy bay Su-25 và chiếc MH 17 vào khoảng 100-150km/h không đủ để thực hiện vụ phóng R-60.
"Với nhiều lý do kỹ thuật như trên, việc Su-25 của Ukraine có thể tấn công chiếc MH17 từ phía sau là không hợp lý. Đặc biệt khi phi công Ukraine được đào tạo kém và không có nhiều kinh nghiệm bay ở độ cao lớn. Họ có thể điều khiển Su-25 nhanh chóng lấy độ cao tương tự như chiếc MH17, nhưng phải thoát ly ngay nên không có đủ thời gian để phóng tên lửa R-60", ông V. Babak cho biết thêm.
"Căn cứ vào mảnh vỡ của chiếc MH17 rơi tại hiện trường khó có thể kết luận đây là kết quả của một vụ tấn công do máy bay Su-25 gây ra hay không", ông V. Babak nói.
Từ những gì còn lại tại hiện trường, có thể khẳng định khả năng lớn nhất chiếc MH17 của Malaysia gặp nạn do trúng tên lửa phòng không Buk. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa rõ bên nào là thủ phạm thực hiện vụ bắn hạ này.
Không quân ukraine máy bay su-25 thú nhận máy bay MH17 |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét