La Long Cơ, Phó Chủ tịch tổ chức Đồng minh dân chủ thời Mao Trạch Đông, nói: “Hiện nay ở Trung Quốc “tiểu trí thức” (ám chỉ Mao) đang lãnh đạo “đại trí thức” - người mù chỉ đường cho người sáng mắt” - khiến Mao nổi giận, đùng đùng mở cuộc đấu tố thảm khốc đối với hơn nửa triệu trí thức trên toàn quốc…
Đại nhảy vọt nhằm “tạo ra kỳ tích chấn động thế giới trong thời gian ngắn” đã khiến Mao sai lầm và thảm bại |
Thời kỳ đầu, giới trí thức đỗ đạt từ Âu Mỹ về muốn hợp tác với Mao. Họ đã được thông tin về hướng đi khá thông thoáng của Mao khi họ còn du học nước ngoài qua câu Mao trả lời với phóng viên hãng thông tấn Reuter:
- Nước Trung Hoa mới sẽ thực hiện chủ nghĩa tam dân của Tôn Trung Sơn, ba nguyên tắc “dân có, dân trị, dân hưởng” của Lincoln, bốn tự do lớn của Roosevelt…
Tân Tử Lăng nhận định: “Chủ nghĩa dân chủ mới của Mao Trạch Đông mang đậm màu sắc tự do, trong thời gian ngắn đã lôi kéo được thế lực trung gian mở rộng do giai cấp tư sản dân tộc làm chủ thể, đây là nguyên nhân quan trọng khiến cách mạng Trung Quốc nhanh chóng giành được thắng lợi…”.
Nhưng không lâu trước “buổi bình minh” của Đại tiến vọt, ánh “đèn pha đỏ” của Mao đã quét vào tận các góc tư duy sâu kín của họ, để lôi ra những “tư tưởng hữu khuynh” mà đấu đá.
Mở màn, Trung ương ĐCSTQ chính thức ra chỉ thị tiến hành chỉnh phong, chống bệnh bè phái quan liêu vào 4.1957. Mao gặp gỡ lãnh đạo của các đảng phái dân chủ và đại diện của giới trí thức trong nước yêu cầu họ thẳng thắn nêu ra những khuyết điểm hoặc sai lầm của mình để sửa chữa tốt hơn.
Mỗi tuần hai lần, Mao đòi Trưởng ban Mặt trận thống nhất trung ương Lý Duy Hán phải gặp mình để báo cáo về diễn tiến cuộc chỉnh phong. Lý Duy Hán phản ánh: La Long Cơ, Bộ trưởng Lâm nghiệp, đang là lãnh tụ tinh thần của giới trí thức từ Âu Mỹ về, đã nhận xét:
“Tiểu trí thức đang lãnh đạo đại trí thức của giai cấp tiểu tư sản” - khác nào người “sáng mắt” đang phải bước theo ngón tay chỉ đường của “người mù”. Câu ấy làm Mao giận sôi người, vì thâm ý của Mao là muốn thông qua cuộc vận động chỉnh phong đó để từng bước “xác lập vị trí lãnh đạo tư tưởng của mình trong giới trí thức, nhưng nay thấy họ khác công nông !”. Rõ ràng:“ Trong khi các lãnh đạo cấp cao đều coi Mao là nhà lý luận và nhà tư tưởng vĩ đại, thì họ lại coi ông là “tiểu trí thức”. Xem ra không thể làm cho những người này sùng bái mình. Thế là Mao quyết tâm đánh đổ những phần tử “đại trí thức” của giai cấp tư sản”.
Bên trong, Mao quyết dùng bạo lực dập tắt tiếng nói của họ, nhưng ngoài mặt vẫn khuyến khích mở thêm các cuộc tọa đàm, góp ý cho đảng, theo thủ đoạn “dụ rắn ra khỏi hang”. Phong trào chỉnh phong dần biến chất “không còn là thành tâm phát động quần chúng góp ý kiến cho đảng cầm quyền, mà là để theo dõi, trừng trị những quần chúng góp ý kiến và lùng bắt phái hữu trong số đó”.
Mãi khi Mao qua đời, hồ sơ “chỉnh phong” mới được lật lại, cho thấy con số thống kê chính thức số người bị “quy là phái hữu” và bị “đày đọa trong 20 năm trời” gồm 552.877 trí thức. Đến khi sửa sai (1980), sự thật chỉ có: “96 người thật sự là “phái hữu” chiếm 1,8 phần vạn - nghĩa là trong một vạn người chưa đến 2 người” - số còn lại đều bị oan.
Động cơ Giang Thanh nhắc đến hồ sơ “chỉnh phong” là để tấn công Đặng Tiểu Bình - ghép Đặng vào “phái hữu”. Duyên do có liên quan đến vụ tàu Phong Khánh:
Nguyên vì: Chu Ân Lai chủ trương phát triển vận tải đường biển “đóng tàu đồng thời với mua tàu” - được Mao tán thành ứng dụng từ năm 1964. Đến 10 năm sau (9.1974) lần đầu tiên Trung Quốc đóng được tàu vận tải viễn dương Phong Khánh 10.000 tấn chạy thử, đủ sức vượt đại dương. Nắm cơ hội này, Giang Thanh (cùng Diêu Văn Nguyên) ra sức thổi phồng thành công, xuyên tạc chủ trương của Chu Ân Lai “đóng thuyền không bằng mua thuyền, mua thuyền không bằng thuê thuyền” và rêu rao chủ trương ấy xuất phát từ tư tưởng “nô lệ nước ngoài”. Quá quắt hơn, Giang Thanh còn đòi Bộ Chính trị có biện pháp với Chu.
Đặng Tiểu Bình chống lại, mỉa mai : “Giang Thanh mượn sự kiện tàu Phong Khánh để “ra sức huênh hoang, phê phán Chu Ân Lai sùng bái phương Tây” và “mới đóng được tàu một vạn tấn đã làm rùm beng khắp nơi - năm 1920, tôi đã sang Pháp trên con tàu mấy vạn tấn kia”. Tàu bưu chính André Lebon của Pháp rốt cuộc trọng tải mấy vạn tấn, chưa ai xác minh. Nhưng câu nói trên đủ chứng tỏ lần đầu tiên tiếp xúc với lực lượng phát triển của chủ nghĩa tư bản đã để lại ấn tượng sâu sắc đối với Đặng Tiểu Bình. Dĩ nhiên, chỉ sau 5 năm sống ở nước Pháp (cùng Chu Ân Lai), Đặng Tiểu Bình mới hiểu rõ thêm chủ nghĩa tư bản (Nhiếp Nguyệt Nham, Đặng Tiểu Bình giữa đời thường - sđd Kỳ 28, tr. 36)…
Còn Mao ? “Cả đời Mao chưa hề đến với thế giới tư bản chủ nghĩa, chưa nhìn thấy phương thức sản xuất quy mô lớn và nền văn minh vật chất của chủ nghĩa tư bản. Ông chưa chuẩn bị đầy đủ về lý luận cho xây dựng kinh tế”. Mao đã “phê phán khuynh hướng tự phát tư bản chủ nghĩa (…) Trong lĩnh vực kinh tế, khuynh hướng tự phát tư bản chủ nghĩa (tức là những nỗ lực của mọi người theo đuổi làm nhiều hưởng nhiều, phát tài làm giàu) là “linh hồn sống” của lực lượng sản xuất tiên tiến. Diệt linh hồn này thì không bao giờ có lực lượng sản xuất tiên tiến. Muốn giàu lên phải khôi phục danh dự “khuynh hướng tự phát tư bản chủ nghĩa” bị phê phán bao nhiêu năm nay. “Cáp tiên diệt phú” (không cho ai giàu lên trước) là tử huyệt của chủ nghĩa xã hội bạo lực, là nguồn gốc khiến Mao thất bại trong lãnh đạo kinh tế” - Tân Tử Lăng.
Thêm nữa, động cơ cá nhân muốn làm “lãnh tụ cộng sản quốc tế”nên phải tìm cách “tạo ra kỳ tích chấn động thế giới trong thời gian ngắn”, làm Mao vội vã, sai lầm và thảm bại. Người ta đã ví tham vọng của Mao chẳng khác nào ý muốn hoang tưởng của Đông Phương Bất Bại - giáo chủ Ma giáo - một nhân vật trong tiểu thuyết Kim Dung mà ngay cái tên “bất bại” đã nói lên y là người “không chịu thua ai” - hằng ngày bắt đồ chúng quỳ trước mặt mình, xưng tụng:
- Giáo chủ văn thánh, võ đức. Thiên thu trường trị nhất thống giang hồ ! (còn nữa)
Giao Hưởng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét