ANTĐ - Ngày 8-8, phó Thủ tướng Nga Dmitry Rogozin cho biết, nước này cần phải khôi phục việc sản xuất siêu máy bay đánh chặn MiG-31, vì chúng vẫn có thể chứng minh hiệu quả trong 15 năm tới.
- Nga triển khai hơn 100 máy bay diễn tập quy mô lớn gần biên giới Ukraine
- Lộ diện siêu tiêm kích, vận tốc trên Mach4: MiG-41S
- Nga dừng bay toàn bộ MiG-31 sau 2 tai nạn liên tiếp
- "Huyền thoại tốc độ" MiG-31 phải chăng là đồ bỏ?
- Nga phát triển tiêm kích đánh chặn tầm xa mới thay thế Mig-31
Ông Rogozin nói: “Dòng máy bay này không có đối thủ. Đó là quan điểm của Hội đồng Quân sự-Công nghiệp, Bộ Quốc phòng, ngành công nghiệp quốc phòng nói chung và thậm chí là của Duma quốc gia, nơi đã từng tổ chức các cuộc điều trần đặc biệt về dòng máy bay đánh chặn này”.
“Việc sản xuất máy bay đánh chặn MiG-31 cần phải được nối lại, vì chúng đang được nâng cấp. Loại máy bay này nhất định sẽ có hiệu quả trong 15 năm nữa, với nhiều phiên bản cải tiến tùy thuộc vào nhu cầu quân sự hiện nay”, ông khẳng định.
Phó Thủ tướng Nga còn cho rằng, ông tin tưởng loại máy bay đánh chặn này có tiềm năng xuất khẩu rất lớn và nhu cầu đối với MiG-31 dự kiến vẫn rất cao.
Huyền thoại tốc độ MiG-31 của Nga
Mikoyan MiG-31 (ký hiệu NATO là "Foxhound") là máy bay đánh chặn siêu thanh tầm xa, có tốc độ nhanh nhất đang hoạt động trên thế giới và được thiết kế để nhanh chóng đánh chặn các máy bay hoặc tên lửa hành trình vi phạm không phận Nga. Không quân Nga hiện đang được biên chế 122 chiếc MiG-31.
Từ năm 2011, quân đội Nga đã bắt đầu thực hiện chương trình hiện đại hóa đối với loại máy bay đã được biên chế từ hơn 30 năm trước này. Theo một hợp đồng với Tập đoàn Máy bay Thống nhất, đến năm 2020, 60 chiếc MiG-31BM nâng cấp sẽ được bàn giao cho không quân.
Hồi tháng 8-2013, không quân Nga cho biết họ có kế hoạch sẽ tiếp tục duy trì dòng máy bay đánh chặn MiG-31 hai chỗ ngồi trong biên chế cho đến ít nhất là năm 2028.
Mig-31BM có phạm vi hoạt động 1.450 km, và khi được tiếp nhiên liệu trên không thì có thể gia tăng phạm vi hoạt động lên đến 5.400 km. Máy bay có thể đồng thời theo dõi tới 10 mục tiêu và có thể đánh chặn các mục tiêu các xa đến 200 km nhờ vào radar hiện đại và tên lửa tầm xa của nó.
Máy bay MiG-31 tại một căn cứ không quân Nga
MiG-31BM được nâng cấp về hệ thống điện tử và dữ liệu kỹ thuật số, trang bị radar đa năng, buồng lái mới, cùng hệ thống kiểm soát vũ khí mạnh hơn. MiG-31BM có thể hoạt động hoàn toàn độc lập mà không cần sự hỗ trợ của các hệ thống kiểm soát không gian trên mặt đất.
Vũ khí đối không chủ lực của MiG-31BM là tên lửa tầm xa R-37 mạnh hơn so với R-33. R-37 có tầm bắn từ 150 - 398km, tốc độ hành trình Mach 6, hệ dẫn đường kết hợp quán tính và radar chủ động, lắp đầu đạn nổ phân mảnh 60kg. Ngoài ra, MiG-31BM còn được trang bị tên lửa đối đất Kh-29 hoặc tên lửa hành trình đối đất tầm xa Kh-59 để thực hiện các phi vụ đối đất.
MiG-31 bắt đầu được sản xuất vào năm 1979 dựa trên máy bay cường kích MiG-25. Đến nay, đã có khoảng 500 chiếc siêu máy bay đánh chặn MiG-31 được xuất xưởng. Tuy nhiên, đến năm 1994, tập đoàn MiG của Nga đã quyết định tạm dừng sản xuất dòng máy bay này.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét