Bằng vài cuộc điện thoại “xuất thần”, với khẩu lệnh đúng lúc, Thủ tướng Chu Ân Lai đã khống chế được hoạt động không quân nguy hiểm của phái đối kháng và đặt Lâm Bưu vào thế bị động hoàn toàn…
Chu Ân Lai (phải) - tác nhân chính trong cuộc đối phó âm mưu đảo chính của Lâm Bưu |
Mãi đến hơn 19 giờ (12.9.1971), lúc bóng đêm đã phủ xuống và hàng rào phòng vệ thủ đô triển khai xong, Mao Trạch Đông mới ra lệnh cho đoàn tàu khởi động rời khỏi ga Phong Đài. Khoảng nửa tiếng sau, tàu về đến ga Bắc Kinh lặng lẽ, không có một vị lãnh đạo nào được báo trước để ra đón, chỉ có các nhân viên Cục Cảnh vệ dàn sẵn dưới sân ga, cùng đưa ông lên xe phóng về Trung Nam Hải. Ở đó, vào nửa khuya, khi đã nghe báo cáo tổng hợp từ các kênh thông tin về hoạt động của phái đối kháng do Lâm Bưu cầm đầu, Mao Trạch Đông sai phát lệnh báo động chiến đấu cấp 1 tại Trung Nam Hải và nhanh chóng di chuyển khỏi chỗ ở. Trần Trường Giang - vệ sĩ ưu tú của Mao Trạch Đông kể lại, sau khi nghe thỉnh thị ý kiến về biện pháp bảo đảm an toàn tuyệt đối cho Mao Trạch Đông, Chu Ân Lai quyết định:
“Trước tiên cần di chuyển vào ở trong Đại lễ đường (…) Mao Chủ tịch ngồi trên chiếc xe du lịch, rời Trung Nam Hải, hướng về Đại lễ đường, đến đầu phố Trường An, ánh sáng đèn đường phản chiếu xuống màu ánh bạc, tạo cho ta cảm giác lạnh lẽo và yên tĩnh. Cư dân thủ đô vừa trải qua một mùa hè oi bức, nay bước vào đầu thu, không khí mát mẻ, mọi người đang yên giấc ngủ say. Họ đâu biết đang xảy ra một sự kiện kinh thiêng động địa và không ai có thể ngờ rằng đúng lúc khuya khoắt này Mao Chủ tịch phải dời chỗ ở, vào trong phòng số 118 của Đại lễ đường Nhân dân (…) sau này chúng tôi mới biết, chính đêm đó thủ tướng Chu Ân Lai ở tại phòng Phúc Kiến cạnh Đại lễ đường, chủ trì cuộc họp toàn đảng, toàn quân xử lý sự kiện Lâm Bưu…”. Mọi việc bỗng căng thẳng hơn vào 22 giờ 30 phút, lúc Phó trung đoàn trưởng Trung đoàn cảnh vệ Trương Hồng và đại đội trưởng Khương Tác Thọ đang làm nhiệm vụ ở Bắc Đới Hà (nơi Lâm Bưu và gia đình đang trú ngụ) điện về Văn phòng Trung ương ở Bắc Kinh một tin khẩn cấp: “có một chiếc máy bay Trident khả nghi đang đậu sẵn trên sân bay Sơn Hải Quan”trong vùng.
Nhận tin trên, Chu Ân Lai điện hỏi Tư lệnh Không quân Ngô Pháp Hiến (người phía Lâm Bưu) về lý do có mặt của chiếc máy bay đó và được xác nhận:
- Thưa đúng, đó là chiếc máy bay đang được sửa chữa và cho bay thử đến sân bay Sơn Hải Quan. Bộ Tư lệnh Không quân đã yêu cầu máy bay trên quay trở lại Bắc Kinh nhưng chưa cất cánh được vì động cơ bị trục trặc gì đó.
Thấy câu trả lời của tư lệnh Ngô Pháp Hiến không đáp ứng được mong muốn của mình, thủ tướng quay qua phóng “tiếng nói điều tra” đến tận “bộ tư lệnh” của Lâm Bưu bằng cách điện thoại hỏi thăm phu nhân Diệp Quần về sức khỏe của nguyên soái chồng bà, rồi đột ngột ngoặt qua “chủ đề” chính, đại ý: “Đồng chí có biết một chiếc máy bay hiện đang có mặt tại sân bay Sơn Hải Quan gần chỗ ở của gia đình đồng chí không?”. Bà Diệp Quần đáp biết, nói thêm: đó là chiếc máy bay do con bà là Lâm Lập Quả bay đến: “Bố cháu nói nếu ngày mai thời tiết tốt sẽ dùng máy bay ấy bay dạo”. Nói qua lại đôi câu ngắn nữa, Chu Ân Lai khuyên bà một cách tế nhị: “Đừng bay nữa, không an toàn đâu. Phải nắm chắc tình hình thời tiết rồi hãy bay” (ý nói “thời tiết chính trị” đang không tốt mấy cho nhà họ Lâm).
Chu Ân Lai lại thông báo đến Lý Tác Bằng - Chính ủy Hải quân (người phái Lâm Bưu), về chiếc “máy bay lạ” đang đậu ở sân bay Sơn Hải Quan (sân bay này thuộc Hải quân), yêu cầu: Lý Tác Bằng không được cho máy bay ấy rời khỏi Sơn Hải Quan.
Chu Ân Lai lệnh: nếu không có đủ 4 người gồm ông (thủ tướng), Hoàng Vĩnh Thắng (Tổng tham mưu trưởng Quân đội), Ngô Pháp Hiến và Lý Tác Bằng cùng lúc cho phép, chiếc máy bay đang đậu ở Sơn Hải Quan không được cất cánh ! Lệnh ấy khác nào “giam” chiếc máy bay tại chỗ: “Sự nhạy bén, lão luyện của Chu Ân Lai khiến người ta khâm phục, một cú điện thoại trên đã phá tan âm mưu của Lâm Bưu chạy xuống Quảng Châu lập trung ương riêng ” - theo Tân Tử Lăng.
Ông còn “nhanh chóng phát lệnh nghiêm cấm các loại máy bay không được bay trên vùng trời Bắc Kinh (…) phái Lý Đức Sinh, Tư lệnh Quân khu Bắc Kinh, đến trực ban tại Phòng tác chiến Bộ tư lệnh Không quân liên tục 24/24 không được phép rời khỏi đó dù chỉ nửa bước cho đến khi có lệnh mới. Thủ tướng cử thêm Dương Đức Trung, phụ trách Văn phòng Trung ương trực tiếp đến sân bay nằm ở ngoại ô Bắc Kinh sẵn sàng hợp đồng tác chiến”. Lực lượng Không quân (mang yếu tố quyết định rất lớn trong nhiều cuộc đảo chánh) do phía Lâm Bưu đang nắm bỗng chốc bị khống chế. Thấy tình thế đã quá bất lợi, người của Lâm Bưu là Chu Vũ Trì, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Không quân, điện thoại báo động để Lâm Bưu và Lâm Lập Quả biết. Ở đường cùng, Lâm Bưu chọn giải pháp hết sức phiêu lưu là liều chết lên máy bay cố thoát về hướng Liên Xô vì “đối với Liên Xô, Lâm Bưu cũng gây được ảnh hưởng nhất định, thêm vào đó, thái độ của Liên Xô lúc đó đối với Trung Quốc và Đảng CSTQ có rất nhiều điểm giống với quan điểm của Lâm Bưu” - theo Trần Trường Giang. Cuộc chạy trốn bắt đầu lúc 23 giờ 40 phút đêm hôm ấy 12.9.
Giờ đó, chiếc xe hơi Hồng Kỳ chống đạn của Lâm Bưu xuất phát từ phía trong biệt thự số 86 trên núi Liên Phong của Bắc Đới Hà lao ra với tốc độ trên 100km/giờ chạy về phía sân bay Sơn Hải Quan bất chấp tất cả lệnh cấm để tiếp cận chiếc máy bay mang số 256 đang đậu sẵn trong bóng đêm… (còn nữa)
Giao Hưởng
Ảnh: Thủ tướng Chu Ân Lai (ảnh tư liệu Internet)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét