![]() |
Khu vực Đạo Dừa. |
Đạo Dừa vừa là tên một giáo phái được chấp nhận và có tiếng ở miền Nam Việt Nam trước năm 1975, vừa là tên của vị giáo chủ của chính giáo phái ấy. Vị giáo chủ từng là kỹ sư hóa học tên Nguyễn Thành Nam, tốt nghiệp bên Pháp, khi về nước đã có vợ con, nhưng về sau đã lánh “hồng trần”, leo lên cây cao ngồi thiền nhiều năm trời, chỉ uống nước dừa và ăn rau quả để sống, để rồi thành lập Đạo Dừa, có hàng chục ngàn tín đồ.
Đạo Dừa từng vận động tranh cử Tổng thống Việt Nam Cộng hòa, đối lập với Nguyễn Văn Thiệu…
Bài 1: Còn nguyên dấu tích Đạo Dừa giữa sông Tiền
Hành đạo giữa sông Tiền
Đạo Dừa ra đời tại cồn Phụng (giữa sông Tiền) vào năm 1963. Trong suốt hơn 10 năm sau đó, địa danh cồn Phụng luôn gắn liền với Đạo Dừa của Nguyễn Thành Nam. Tại nơi đây, hiện vẫn còn lưu giữ khá nguyên vẹn khu vực hành đạo của Đạo Dừa. Đến cồn Phụng xem nơi Nguyễn Thành Nam hành đạo, du khách có thể phần nào nhận ra tính chất của Đạo Dừa. Đạo Dừa đã biến mất sau ngày miền Nam giải phóng, nhưng những di tích còn lại đang được bảo tồn để phục vụ du lịch và giúp du khách có cái nhìn sinh động hơn về một thời nhiễu nhương ở miền Nam Việt Nam trước năm 1975.
Từ TPHCM đi theo QL1A về miền tây khoảng 70 cây số là đến TP.Mỹ Tho (tỉnh Tiền Giang). Từ năm 2009 đã có cầu Rạch Miễu, còn ngày trước từ TP.Mỹ Tho muốn qua tỉnh Bến Tre phải đi phà Rạch Miễu gần 30 phút băng qua sông Tiền rộng mênh mông. Chiếc phà đi giữa 4 cù lao (tiếng địa phương gọi là “cồn”) chụm đầu vào nhau, mà người trong vùng gọi là “tứ linh” nằm giữa sông, đó là: Lân (còn có tên Thới Sơn), Long (còn có tên Tân Long), Quy (còn có tên Tân Quy), Phụng (còn có tên Tân Vinh). Người dân trong vùng từ xa xưa tin rằng nhờ dãy cù lao “tứ linh” Long, Lân, Quy, Phụng nằm giữa sông Tiền mà vùng đất hai bên sông (một bên là Tiền Giang, bên kia là Bến Tre) trở thành “địa linh”.
Cồn Phụng (cù lao Tân Vinh, thuộc xã Tân Thạch, huyện Châu Thành, Bến Tre) được xếp cuối cùng trong “tứ linh”, vì có diện tích nhỏ nhất (khoảng 50ha). Thế nhưng, cồn Phụng lại từng nổi tiếng nhất, thu hút nhiều du khách nhất, gắn liền với cái tên Đạo Dừa. Bây giờ đến du lịch cồn Phụng, chủ yếu là du khách đặt chân lên mỏm cù lao phía hạ lưu sông Tiền, nơi có di tích Đạo Dừa rộng khoảng 1.500m2 được xây dựng cách đây nửa thế kỷ, còn giữ được khá nguyên vẹn. Từ trên cầu Rạch Miễu có cầu thang đi bộ và làn dành cho xe gắn máy xuống cồn Phụng, nhưng đường đi trên cồn là đường đất xen với những đoạn đường bêtông nhỏ hẹp, nên du khách đến cồn Phụng chủ yếu bằng đường sông, do đò máy du lịch đưa từ vườn hoa Lạc Hồng (TP.Mỹ Tho) sang.
Tôi đã chọn cách đến cồn Phụng và thăm khu di tích Đạo Dừa bằng cách đi xe gắn máy lên cầu Rạch Miễu và “tuột” xuống cồn Phụng. Từ dưới gầm cầu Rạch Miễu, tôi đã đi suốt dọc chiều dài cồn, khoảng 3 cây số, trên những con đường ngoằn ngoèo, lúc đường đất, lúc đá mi, lúc bêtông, để đến mỏm cực nam, nơi có khu di tích Đạo Dừa. Cù lao này được xem là một trong những nơi cung cấp trái cây nhiều nhất tỉnh Bến Tre. Và thế là tôi đã đến nơi cách đây nửa thế kỷ luôn có hàng ngàn người túc trực ngày đêm để làm tín đồ cho một tôn giáo mới ra đời được đặt tên là Đạo Dừa.
![]() |
Kỹ sư Nguyễn Thành Nam . |
Dấu tích một thời
Khác với khung cảnh tĩnh mịch, vắng vẻ trên khắp cù lao, tại “đuôi Phụng”, nơi chóp mũi của cồn Phụng, khu di tích đạo Dừa thật nhộn nhịp. Người bán vé cho biết, mỗi ngày có khoảng 500 khách, ngày cao điểm (lễ, tết) có thể lên đến 1.000 khách. Trong một gian rộng ở tầng trệt của khách sạn cao 2 tầng, đơn vị quản lý khu di tích cho trưng bày và giới thiệu về đất nước - con người - lịch sử - truyền thống quê hương Đồng Khởi, Bến Tre. Cũng trong phòng trưng bày, có dành một góc trưng bày hình ảnh và giới thiệu về khu di tích Đạo Dừa.
Chính giữa phòng trưng bày là chiếc tủ lớn bốn mặt đều bằng kính, bên trong trưng bày cặp ngà voi trắng ngần, cong vút, với những dòng chú thích bằng 2 thứ tiếng Việt - Anh: “Cặp ngà voi lớn nhất Việt Nam, tín đồ tặng Đạo Dừa vào đầu thập niên 1970, cao 2,3m, chu vi nơi lớn nhất 43cm, nặng 60kg”. Cặp ngà voi này không chỉ lớn nhất Việt Nam (được Sách Kỷ lục Việt Nam cấp giấy chứng nhận) mà còn lớn và đẹp nhất Đông Nam Á. Cặp ngà voi do chủ một nhà thuốc ở Chợ Lớn tặng “Cậu Hai” (cách các “đệ tử” gọi Đạo Dừa Nguyễn Thanh Nam) khi ông ra vận động tranh cử Tổng thống Việt Nam Cộng hòa. Nguyễn Thành Nam từng ngồi uy nghiêm giữa 2 chiếc ngà voi chụm đầu vào nhau để cho báo chí Sài Gòn và quốc tế chụp hình đăng báo trong lần vận động tranh cử nói trên.
Chính giữa khu di tích là sân rồng, nơi có 9 trụ cột làm hình 9 con rồng, tượng trưng cho 9 cửa sông Cửu Long. Chung quanh sân là cổng chào, lối đi, những chiếc tháp cao, những mô hình núi non, hang động hợp thành một quần thể kiến trúc khá tinh xảo. Tất cả công trình đều xây dựng trên trụ bêtông, vì ngày trước nơi đây là bãi bồi ngập nước, nền đất phù sa mới. Chúng tôi vào khu di tích qua những con đường nhỏ được chủ nhân của nó ngày trước đặt tên các danh nhân, danh thắng của đất nước như Trần Hưng Đạo, Nguyễn Huệ, Gia Long, Trạng Trình, Minh Mạng, Bến Bạch Đằng...
Tại cổng vào khu vực hành đạo, Đạo Dừa cho làm một lư hương thật lớn, trên ấy có in khắc ảnh và lai lịch vắn tắt của Đạo Dừa: “Cậu Hai Nam Nguyễn Thành, năm 1928 - 1935 du học Pháp quốc, tại Trường Cao đẳng Hóa chất ở Lyon. Năm 1935 - 1945 về xứ lên Thất Sơn huyền bí tìm giải pháp hoà bình thiên định...”. Cũng trên thành chiếc lư hương có in khắc hình và lai lịch của người kiến trúc sư xây dựng nên “thánh địa” của đạo Dừa: “Nhà kiến trúc kiêm cẩn khắc gia lỗi lạc - tu sĩ Huỳnh Văn Đại…”. Toàn bộ chiếc lư hương lớn này được đặt trên lưng Thần Kim Quy miệng ngậm lưỡi gươm thần.
“Sân rồng” từng là nơi để cho hàng ngàn “đệ tử” của “Cậu Hai” quỳ cầu nguyện mỗi ngày mấy lượt và nghe Đạo Dừa từ trên “chín tầng cao” thuyết giáo. Trên sân có 9 trụ cao được trang trí hình 9 con rồng. Chỉ có một con rồng đực (đuôi xòe ra) ở chính giữa, xung quanh là 8 con rồng cái có đuôi cong lên “e ấp làm duyên”.
Chỗ ngồi thuyết giáo của Đạo Dừa tựa lưng vào “tháp Hoà Bình”. Tháp cao khoảng 15 mét, tầng dưới thiết kế giống như hang động, là nơi Đạo Dừa tiếp khách, trả lời phỏng vấn báo chí. Một đường xoắn ốc thiết kế theo kiểu đường mòn quanh núi đồi dẫn lên tầng trên, nơi Đạo Dừa làm việc với “đệ tử” khi có việc cần gặp. Tầng trên nữa đặt Cửu Trùng đài, tức chiếc tháp cao 9 tầng. Ở ngay chính diện của Cửu Trùng đài, Nguyễn Thành Nam cho đắp nổi bằng ximăng bản đồ Việt Nam thật lớn, có chiều dài khoảng 15 mét.
Trên bản đồ ấy, ngay tại Hà Nội và Sài Gòn, Nguyễn Thành Nam cho dựng lên 2 cột bê tông lớn, cao khoảng 15m. Trên mỗi cột có ghi chữ lớn “Đại Nam quốc sơn hà nam đế cư”. Trên đỉnh mỗi cột có chiếc ghế ngồi được che nắng che mưa, là nơi Đạo Dừa từng ngày đêm ngồi hướng mặt ra phía biển cầu nguyện. Hai đỉnh cột được kết nối với nhau bởi chiếc cầu sắt, mà theo các tín đồ của đạo Dừa, nó tượng trưng cho cầu Hiền Lương bắc qua sông Bến Hải. Có một chiếc cầu thang nhỏ dẫn từ tầng 2 của tháp Hòa Bình lên đỉnh cột “miền Nam”.
Hàng ngày “Cậu Hai” ngồi trên đỉnh cột “miền Nam” từ sáng tới tối, xong đi qua cầu “Hiền Lương” ngồi trên đỉnh cột “miền Bắc” từ tối đến sáng hôm sau. Phía dưới cầu “Hiền Lương” có treo một lồng cầu bằng thép khá lớn thiết kế hình quả địa cầu, dưới quả địa cầu là tòa sen. Mỗi năm đến ngày Phật Đản, Đạo Dừa vào lồng cầu ngồi đúng 2 ngày 2 đêm không ăn uống. Sau gần nửa thế kỷ, các công trình vẫn còn nguyên vẹn, chưa thấy dấu hiệu hư hỏng, chứng tỏ ngày ấy những người thợ xây dựng đã làm rất kỹ, bằng những vật liệu rất tốt.
Kỳ sau: Kỹ sư Pháp học trở thành Đạo Dừa
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét