Nhà lãnh đạo nổi tiếng cứng rắn này đang bị kẹt giữa một bên là các nước phương Tây - không ngừng gây áp lực buộc ông chấm dứt hậu thuẫn phe ly khai tại Ukraine - với một bên là làn sóng dân tộc chủ nghĩa ngày càng cương quyết, yêu cầu ông có những hành động cụ thể và tiến hành can thiệp quân sự.
Thảm họa hàng không MH17 hôm 17/7 vừa qua đã trở thành "cú hích" khiến Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) áp đặt thêm các lệnh trừng phạt mới, nhằm vào toàn bộ các lĩnh vực của nền kinh tế Nga và tác động không nhỏ tới quyền lực của nhà lãnh đạo cường quốc này.
Theo giới phân tích, nhượng bộ trước các yêu cầu của phương Tây có thể sẽ là “sự tự sát” của ông Putin, người đã nhận được sự ủng hộ to lớn của dư luận trong nước khi bày tỏ lập trường chống lại phương Tây.
Ông cũng có thể tiếp tục tìm cách gia tăng căng thẳng và chấp nhận đối đầu toàn diện với phương Tây. Tuy nhiên, Tổng thống Putin không chuẩn bị cho kịch bản này.
Mùa thu năm 2013, nhà lãnh đạo Nga đã dùng ảnh hưởng và những ràng buộc kinh tế để ngăn Ukraine ký thỏa thuận liên kết với EU và kêu gọi Kiev gia nhập liên minh do Nga cầm đầu.
Ông Putin cho rằng các cuộc biểu tình quy mô lớn lật đổ cựu Tổng thống Ukraine thân Nga Viktor Yanukovych hồi tháng 2 vừa qua thực chất là âm mưu của phương Tây nhằm vào Nga.
Tổng thống Putin sau đó tiếp tục tìm cách duy trì áp lực đối với phương Tây. Tuy nhiên, vụ chiếc máy bay Boeing 777 của hãng Hàng không Malaysia bị bắn rơi hôm 17/7 đã trở thành một sự kiện bất ngờ thay đổi cục diện.
Người ta cho rằng nhà lãnh đạo Nga đang tích cực tìm cách để thoát khỏi cuộc khủng hoảng với hy vọng có thể hạn chế các nguy cơ hủy hoại quyền lực của mình.
Sau đây là một số kịch bản mà giới phân tích dự đoán có thể sẽ xảy ra trong thời gian tới:
1. Nga thỏa hiệp
Ngay từ đầu, điều mà ông Putin muốn là một thỏa thuận, trong đó phương Tây chấp thuận để Nga duy trì tầm ảnh hưởng tại Ukraine, và ông vẫn luôn kiên quyết hiện thực hóa tham vọng này.
Khi các cuộc nổi dậy bùng phát, ông Putin hy vọng rằng Ukraine sẽ gia nhập liên minh kinh tế do Nga đứng đầu. Tuy nhiên, sau khi những hy vọng này tan biến cùng sự sụp đổ của cựu Tổng thông Yanukovych, Moskva bắt đầu ủng hộ việc xây dựng một nước Ukraine “liên bang”, nhằm chia sẻ quyền lực nhiều hơn cho các tỉnh và cho phép các khu vực này có quyền thỏa thuận trực tiếp với Moskva.
Lực lượng đòi liên bang hóa đã ủng hộ điều này bằng việc tiến hành một cuộc trưng cầu dân ý độc lập. Kremlin sau đó đã dịu giọng hơn và bắt đầu dè dặt kêu gọi chính quyền trung ương và khu vực ở Ukraine tiến hành đối thoại để giúp giới chức địa phương có tiếng nói lớn hơn trong nhiều vấn đề khu vực.
Thảm họa hàng không MH17 đã tác động không nhỏ tới uy tín và ảnh hưởng của ông Putin. Theo một số dự đoán, nhà lãnh đạo này thậm chí có thể sẽ chấp nhận một thỏa thuận để Moskva duy trì ảnh hưởng tượng trưng tại Ukraine.
Tuy nhiên, một thỏa thuận như vậy sẽ cần đến sự nhượng bộ từ cả hai phía - một khả năng khó có thể xảy ra trong bối cảnh chiến sự leo thang căng thẳng và các bên ngày càng mất niềm tin vào nhau.
Giới phân tích cho rằng vụ việc hôm 17/7 vừa qua có thể sẽ là cơ hội để (Nga) công khai chỉ trích giới lãnh đạo nổi dậy. Nếu một cuộc điều tra quốc tế khẳng định rằng tên lửa bắn rơi máy bay Boeing 777 của hãng Hàng không Malaysia là của quân nổi dậy thì Tổng thống Putin có thể nói rằng Nga không thể tiếp tục ủng hộ lực lượng đã gây ra cái chết của gần 300 con người vô tội. Một tuyên bố tương tự có thể mở đường cho các cuộc đàm phán.
Lực lượng ly khai kiểm tra các xe qua lại tại chốt kiểm soát ở Lisichansk, miền đông Ukraine ngày 28/7. Ảnh: AFP-TTXVN
|
2. Mỹ và EU áp đặt thêm các lệnh trừng phạt, Nga phản ứng mạnh mẽ
Với lo ngại rằng các nhượng bộ sẽ chỉ dẫn tới việc phương Tây gia tăng sức ép, Tổng thống Putin sẽ quyết định giữ thái độ thách thức. Theo các nhà phân tích phương Tây, nếu nhà lãnh đạo này không chịu "bỏ rơi" phe ly khai, Mỹ và châu Âu chắc chắn sẽ không tham gia đàm phán. Trong khi đó, việc chiến sự tại miền Đông ngày càng leo thang căng thẳng sẽ thúc đẩy Nga can thiệp quân sự vào Ukraine.
Không chỉ vậy, hiện Tổng thống Putin cũng đang phải đối mặt với làn sóng chỉ trích của báo chí và các diễn đàn trực tuyến có tư tưởng dân tộc chủ nghĩa vì cho rằng nhà lãnh đạo này đã "phản bội" cộng đồng người nói tiếng Nga tại Ukraine khi không can thiệp quân sự. Theo một số người, ông Putin có thể sẽ cung cấp thêm vũ khí cho quân nổi dậy do lo ngại làn sóng chỉ trích sẽ hủy hoại uy tín của mình.
Việc phương Tây áp đặt thêm các lệnh trừng phạt sẽ không ngăn cản nhà lãnh đạo này mà thậm chí sẽ đẩy ông tới chỗ cho rằng tất cả các thỏa hiệp sẽ đồng nghĩa với việc "quỳ gối" trước phương Tây.
Khi bị đẩy vào chân tường, Tổng thống Putin có thể sẽ quyết định triển khai quân tại Ukraine. Lực lượng này sẽ đánh bại đội quân yếu kém và thiếu tổ chức của Ukraine chỉ trong vài ngày.
Phương Tây sẽ không gửi quân tới song sẽ "đóng băng" mọi quan hệ với Moskva, và điều này sẽ đẩy nền kinh tế Nga vào vòng xoáy khủng hoảng. Cuộc sống của người dân Nga sẽ bị đe dọa nghiêm trọng và bất ổn xã hội sẽ bùng phát.
3. Bất ổn gia tăng kéo theo nhiều hệ lụy khó lường
Một số ý kiến ở phương Tây hy vọng rằng các lệnh trừng phạt sẽ khiến giới chóp bu Nga cũng như dư luận kêu gọi Moskva thay đổi thái độ. Tuy nhiên, sự quản lý chặt chẽ đối với hệ thống chính trị đã hạn chế tiếng nói của những người bất đồng chính kiến.
Nhiều tỷ phú, có mối quan hệ khá chặt chẽ với ông Putin, không hài lòng với việc phải hứng chịu các thiệt hại về kinh tế do các lệnh trừng phạt của phương Tây, sẽ muốn ông Putin có những chính sách mềm mỏng hơn. Tuy nhiên, khả năng họ thuyết phục Tổng thống Putin chấm dứt thế đối đầu dường như là điều không thể.
Tổng thống Nga Vladimir Putin chủ trì cuộc họp nội các tại tư dinh Novo-Ogaryovo, ngoại ô Moskva, ngày 30/7. Ảnh: AFP-TTXVN
|
Nhiều người tại Washington hy vọng rằng những ông trùm thương mại thân thiết với ông Putin hiện đang bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt sẽ kêu gọi nhà lãnh đạo này tìm cách hạ nhiệt căng thẳng. Tuy nhiên, điều ngược lại đã xảy ra. Các biện pháp trừng phạt đã làm giới "diều hâu" ở Kremlin thêm quyết tâm. Lực lượng này sẽ dẫn ông Putin tới chỗ đối đầu và bị cô lập nhiều hơn nữa.
Hiện nay tỷ lệ ủng hộ đối với Tổng thống Putin vẫn ở mức cao, song khi nền kinh tế Nga bắt đầu hứng chịu những thiệt hại do các lệnh trừng phạt của phương Tây, dư luận chắc chắn sẽ chỉ trích mạnh mẽ nhà lãnh đạo này. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là các lực lượng dân chủ thân phương Tây có thể có cơ hội để gia tăng sự hiện diện trên chính trường Nga.
Trong khi diễn ra cuộc chiến tại Ukraine, lực lượng tự do thiếu liên kết tại Nga ngày càng rời rạc, trong khi lực lượng dân tộc chủ nghĩa cực đoan ngày càng mạnh mẽ.
Suy thoái kinh tế thậm chí có thể kích động hơn nữa các nhóm dân tộc chủ nghĩa và tình nguyện viên Nga hiện đang chiến đấu tại miền Đông Ukraine, lực lượng có thể trở thành nhân tố then chốt quyết định thế giằng co hiện nay.
TTK (theo AP)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét