Tổng thống Mỹ Barack Obama tổ chức hội nghị thượng đỉnh với các lãnh đạo châu Phi trong nỗ lực cản bước Trung Quốc tại lục địa này.
Tổng thống Obama phát biểu tại cuộc gặp các thanh niên châu Phi tham gia khóa học về năng lực lãnh đạo tại Washington ngày 28.7 - Ảnh: AFP |
Mỹ đã gửi lời mời lãnh đạo 50 nước châu Phi tham dự Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - châu Phi lần thứ nhất diễn ra tại thủ đô Washington, D.C. từ ngày 4 - 6.8. Theo AFP dẫn lời giới chức Mỹ, tất cả các nước được mời đã đồng ý tham dự. Động thái này của Washington được cho là nhằm tạo đối trọng với quá trình đầu tư và giao thương như vũ bão của Trung Quốc tại lục địa đen trong suốt một thập niên qua. “Không thể không nhìn nhận theo cách đó do chúng ta chưa từng làm điều này và người Trung Quốc thì đã làm từ lâu rồi”, Deborah Brautigam, chuyên gia nghiên cứu về châu Phi tại Đại học Johns Hopkins (Mỹ) nhận định. Tuy nhiên, chuyên gia này hoài nghi về sự chuẩn bị của Mỹ dành cho hội nghị, hay nói rõ hơn là tâm thế sẵn sàng xoay trục sang châu Phi của Washington. Bà lưu ý: “Khi người Trung Quốc tổ chức một sự kiện tương tự (vào năm 2006), họ đã chuẩn bị cho việc này tới khoảng 6 năm”.
Mỹ hiện chỉ là đối tác thương mại lớn thứ 3 của châu Phi, sau châu Âu và Trung Quốc, và Washington đang dần thay đổi quan niệm “không mấy thiện cảm” về châu lục này, nhất là trong bối cảnh Trung Quốc đã “vươn vòi” sang đây. Trong chuyến công du đến châu Phi hồi năm ngoái, Tổng thống Obama từng tuyên bố: “Tôi thấy ở châu Phi câu chuyện thành công vượt bậc về kinh tế tiếp theo của thế giới và Mỹ muốn đóng góp vào sự thành công đó”. Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ, bà Susan Rice, cũng thừa nhận người Mỹ nên thay đổi “quan niệm lỗi thời” về lục địa đen. “Quá nhiều người Mỹ vẫn chỉ thấy mỗi xung đột, bệnh tật và nghèo đói, mà không nhận ra một châu Phi thay da đổi thịt một cách phi thường, tràn đầy sự đổi mới”, bà Rice nhấn mạnh.
Theo AFP, chương trình nghị sự của hội nghị dự kiến thảo luận các vấn đề nổi cộm tại châu Phi như các vụ bắt cóc, giết người của tổ chức Hồi giáo cực đoan Boko Haram tại Nigeria, nội chiến tại Nam Sudan và các vụ tấn công đẫm máu của nhóm nổi dậy al-Shabab tại Somalia và Kenya. Đợt bùng phát dịch bệnh Ebola tại Tây Phi, làm hơn 725 người thiệt mạng, cũng không thể thiếu trong chương trình thảo luận. Hội nghị cũng sẽ bàn về vấn đề kinh tế với một chương trình tập trung vào các cơ hội cho châu Phi, nơi 60% dân số dưới 35 tuổi và có tỷ lệ tăng trưởng cao hơn mọi khu vực khác trên thế giới.
Kiểm tra sức khỏe lãnh đạo châu Phi
Tổng thống Barack Obama nhấn mạnh Mỹ rất lo ngại về nguy cơ lây lan vi rút Ebola nên một số đại diện châu Phi tham dự hội nghị sẽ được kiểm tra sức khỏe trước khi nhập cảnh vào Mỹ, theo Reuters. “Chúng tôi chỉ thực hiện các biện pháp phòng ngừa thích hợp. Ngay cả những người đến từ các quốc gia có nguy cơ lây nhiễm cực thấp cũng sẽ phải trải qua các bước kiểm tra sức khỏe”, ông Obama nói. Hôm qua, Bộ Ngoại giao Mỹ cũng xác nhận hai công dân nước này nhiễm Ebola tại Tây Phi đã được đưa về nước chữa trị.
|
Danh Toại
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét