Lầu Năm Góc ngày 1/8 đã thông báo kế hoạch cử binh sĩ Mỹ đến Ukraine để huấn luyện lực lượng Vệ binh quốc gia nước này vào năm 2015, giữa lúc Washington tăng cường nỗ lực hỗ trợ Kiev đối phó với phe nổi dậy tại miền đông.
Theo kế hoạch đang chờ quốc hội phê chuẩn, các binh sĩ Mỹ đóng tại châu Âu hoặc thuộc lực lượng Vệ binh quốc gia ở bang California sẽ chịu trách nhiệm huấn luyện Vệ binh quốc gia Ukraine.
Reuters dẫn lời phát ngôn viên Lầu Năm Góc John Kirby cho biết Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao Mỹ đã báo cáo với quốc hội ý định sử dụng 19 triệu USD cho việc huấn luyện và cung cấp trang thiết bị nhằm xây dựng năng lực “phòng thủ nội bộ” cho Ukraine.
Cũng theo Reuters, ngày 1/8 Chính phủ Mỹ đã cam kết một gói viện trợ 8 triệu USD để giúp Ukraine củng cố lực lượng biên phòng.
Thông tin từ Nhà Trắng cho biết Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden đã hứa sẽ giúp đỡ Ukraine trong một cuộc điện đàm với Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko. Gói viện trợ này sẽ bao gồm các thiết bị kỹ thuật và giám sát, phương tiện vận chuyển và tuần tra cùng một số tàu nhỏ.
Lính biên phòng Ukraine. |
Trước đó, hôm 24/7, tờ Washington Times trích lời của phát ngôn viên Lầu Năm Góc, Đại tá Lục quân Steve Warren cho biết quân đội Mỹ sẽ gửi một nhóm cố vấn quân sự tới Ukraine nhằm hỗ trợ Kiev trong cuộc chiến đấu giữa quân chính phủ và lực lượng ly khai thân Nga ở miền đông nước này.
Bộ Quốc phòng Mỹ đã hỗ trợ các vật dụng như radio cầm tay, bộ dụng cụ sơ cứu cá nhân, chiếu ngủ, áp jacket, mũ và áo giáp chống đạn cho Ukraine. Tuy nhiên, phía Mỹ không đi vào chi tiết các loại hỗ trợ quân sự mà đất nước này yêu cầu.
Chưa hết, theo Reuters, ngày 22/4, Nhà Trắng thông báo trong khuôn khổ chuyến thăm Ukraine của Phó Tổng thống Joe Biden, Mỹ đã dành cho Ukraine gói viện trợ mới trị giá 50 triệu USD để hỗ trợ nước này cải cách kinh tế và chính trị.
Mỹ có thực sự muốn giúp đỡ Ukraine?
Thế nhưng, theo biên tập viên tạp chí Politics First của Anh Marcus Papadopoulos nhận xét trên kênh truyền hình RT, con số này chứng tỏ trên thực tế Washington không quan tâm nhiều đến phúc lợi của người dân Ukraine.
“Ukraine đối với Mỹ chỉ là quân cờ dùng để chống lại Nga. Còn 50 triệu là giọt nước giữa đại dương”, vị chuyên gia nhận xét.
Bên cạnh đó, một cựu quan chức Nga cũng cho rằng Washington sẽ chỉ dùng Ukraine như một quân tốt cho “trò chơi” địa chính trị của nước Mỹ.
“Người Mỹ không thực tâm giúp đỡ hay viện trợ lớn về kinh tế đối với Kiev. Mỹ không quan tâm tới Ukraine mà chỉ quan tâm tới những lợi ích mà nước này thu được từ cuộc khủng hoảng này”, ông Igor Ivanov, cựu Ngoại trưởng Nga, nói trên tờ nhật báo Rossiiskaya Gazeta.
Theo ông Ivanov, vào thời điểm hiện nay, Washington muốn đạt được 3 mục tiêu mà các mục tiêu này chỉ liên quan gián tiếp tới Ukraine.
“Mục tiêu đầu tiên là nhằm kiềm chế Nga, không cho Nga nâng cao vị thế quốc tế của mình. Mục tiêu thứ hai là nhằm thổi một luồng không khí mới vào khối NATO hiện đang mất phương hướng và khiến người châu Âu phải ‘rút hầu bao’ chi cho quân sự. Mục tiêu thứ ba là nhằm củng cố vị thế của chính nước Mỹ trên thị trường năng lượng toàn cầu nhằm thay đổi thị trường này theo hướng có lợi cho chính họ”, ông Ivanov nhận định.
Theo gót Mỹ, phương Tây cũng đã áp đặt các lệnh trừng phạt kinh tế mới nhắm vào các chính trị gia và doanh nhân Nga song song với việc hủy bỏ các hội nghị thượng đỉnh quan trọng đã được lên kế hoạch trước đó với Moscow.
Nhiều nhà phân tích cho rằng, trên thực tế, phương Tây chỉ là con rối của Mỹ và đang bị Washingtion giật dây để thực hiện những hành động phi lý và mù quáng chống lại Moscow. Washington đe dọa, Mỹ hợp sức cùng các đồng minh Liên minh châu Âu (EU) sẽ khiến Nga phải hứng chịu “các biện pháp trừng phạt kinh tế tiêu cực hơn có khả năng hủy hoại nền kinh tế Nga”.
Giáo sư Alexander Mikhailenko thuộc Học viên Kinh tế và Hệ thống Dịch vụ Quốc gia của Nga nhấn mạnh: “Việc thiếu đối thoại và hợp tác giữa Nga và phương Tây hoàn toàn không có lợi cho đôi bên khi phần lớn các nước châu Âu phụ thuộc vào nguồn cung cấp khí đốt từ Nga.
Tuy nhiên, Mỹ đang mưu toan hâm nóng tình cảm chống Nga trên khắp thế giới, không hề bận tâm đến vấn đề trên. Châu Âu chẳng qua chỉ là thẻ bài để Washington đưa ra mặc cả, là con tốt trong cuộc chiến giữ quyền “bá chủ thế giới” và cảnh sát toàn cầu của Mỹ".
Nga viện trợ cho lực lượng đối lập
Tờ Financial Times cho hay sức mạnh của lực lượng ly khai miền đông Ukraine đang ngày càng được củng cố nhờ được trang bị nhiều loại khí tài hạng nặng mà chủ yếu do Nga cung cấp.
Nga bị nghi là nhà cung cấp hệ thống tên lửa Buk cho quân nổi dậy Ukraine bắn rơi chuyến bay MH17 của Malaysia hôm 17/7. |
Không ít loại vũ khí đang được quân nổi dậy Ukraine sử dụng là những thứ mà họ đánh cắp từ các kho khí tài của quân đội chính phủ Kiev tại khu vực miền đông. Tuy nhiên, Nga vẫn được xem là quốc gia cung cấp số lượng lớn vũ khí cho lực lượng ly khai cũng như đào tạo cho những tay súng này ngay trên đất Nga.
Nguồn tin tình báo của NATO cũng nhiều lần tuyên bố họ phát hiện các đoàn xe chở khí tài của Nga đi vào lãnh thổ Ukraine.
Một trong những địa điểm đầu tiên tại Ukraine nhận vũ khí của Nga là thị trấn Snizhne, nơi hệ thống tên lửa Buk bị nghi là thủ phạm bắn rơi chiếc máy bay dân sự của Malaysia MH17 hôm 17/7, được triển khai.
"Nga không thành lập các nhóm du kích, không chỉ tiến hành chiến dịch chống cự mà còn nỗ lực xây dựng một lực lượng quân sự tương xứng", Jonathan Eyal, Giám đốc Viện nghiên cứu Viện Các quân chủng thống nhất Hoàng gia Anh trả lời tờ Financial Times.
Ngoài những thiết bị quân sự hạng nhẹ, vũ khí bán tự động, thuốc nổ và máy bay vận tải quân sự, giới chức tình báo Mỹ cho rằng Nga còn cung cấp cho phe nổi dậy Ukraine cả những vũ khí hạng nặng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét