Tượng nhục thân thiền sư Như Trí |
Chùa Tiêu Sơn nằm ở lưng chừng núi, được xây dựng từ thời tiền Lê, đến thời Lý đã khang trang và là nơi tu hành của cao tăng thiền sư Lý Vạn Hạnh. Chuyện xưa kể lại, Lý Vạn Hạnh là người đã có công nuôi dạy vị vua đầu tiên lập nên triều Lý - vua Lý Công Uẩn. Không chỉ là nơi gắn bó suốt thời thơ ấu của người đã mở mang và lập nên kinh đô Thăng Long, ngôi chùa cổ này còn được biết đến là trung tâm Phật giáo của Việt Nam, chốn tu thiền huyền bí.
Dù đã trải qua cả nghìn năm lịch sử thăng trầm binh biến loạn lạc, ngôi chùa vẫn lưu giữ được rất nhiều cổ vật quý giá và vô giá. Đặc biệt nhất là nhục thân thiền sư Như Trí, đây được xem là 1 trong 4 pho tượng độc đáo nhất Việt Nam được làm theo hình thức: thiền táng hay còn gọi là tượng táng. Bức tượng này được phát hiện tình cờ vào một ngày mưa năm 1971, khi đó đang quét dọn tháp Viên Tuệ, ni sư Đàm Chính bỗng thấy một viên gạch hồng rơi ra. Qua kẽ hở , ni sư thấy bên trong là một bức tượng nhà sư trong tư thế thiền.
Quá bất ngờ với phát hiện trên, lại thêm việc không muốn sự an nghỉ của chủ nhân ngôi tháp bị mạo phạm, ni sư Đàm Chính đã lấp khe nứt và giữ kín chuyện. Mãi đến năm 1996, bí mật này mới được kể cho Hòa thượng Thích Thanh Từ và từ đó bí ẩn về nhục thân thiền sư Như Trí dần được hé lộ. Mãi cho đến năm 2004, nhóm các nhà khoa học đứng đầu là GS.TS Nguyễn Lân Cường đã tiến hành tu bổ pho tượng một cách cẩn trọng và bảo quản trong tủ chân không theo phương pháp khoa học hiện đại. Hiện nay, tượng nhục thân Thiền sư Như Trí ngự trên ban thờ nghiêm trang để khách thập phương được chiêm ngưỡng và thờ phụng hàng ngày.
Đến chùa Tiêu Sơn hôm nay, vãn cảnh chùa, ngắm nhìn từng bức tranh chạm khắc, tấm bia đá cổ, câu chuyện về thiền sư Vạn Hạnh và Như Trí, về cả một triều đại huy hoàng trong lịch sử, triều Lý vẫn như hiện hữu dù dòng Tiêu Tương ngày xưa giờ là làng mạc trù phú và dấu tích còn lại chỉ là hồ sen phía trước cổng chùa.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét