Ông Chu Vĩnh Khang khi còn giữ cương vị Bộ trưởng Bộ Công an Trung Quốc. Ảnh: South China Morning Post |
Gia tộc họ Chu
Trước đó, nhiều quan chức trong Tập đoàn Dầu khí quốc gia - được cho là có quan hệ thân cận với Chu Vĩnh Khang cũng bị triệu tập điều tra.
Ngoài ông Chu và con trai, những nhân vật khác trong “gia tộc họ Chu” chưa được báo chí Trung Quốc đề cập cụ thể. Tuy nhiên, theo tờ Want China Times của Đài Loan, những nhân vật bị bắt giữ tiếp theo là vợ thứ hai của ông Chu, bà Giả Hiểu Diệp, em trai Chu Viễn Thanh, vợ của Chu Bân và thậm chí bố mẹ vợ Chu Bân.
Chu Vĩnh Khang là cựu Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị và từng công tác ở những vị trí hàng đầu trong ngành công nghiệp dầu khí. Theo truyền thông phương Tây, ước tính tài sản của cả gia đình họ Chu là hơn 20 tỷ nhân dân tệ, tương đương 3,26 tỷ USD.
Chu Vĩnh Khang và con trai bị cáo buộc lợi dụng chức vụ của mình để gây ảnh hưởng trong nền công nghiệp dầu khí và kiếm lời bất hợp pháp.
Những người bị bắt trong gia đình họ Chu đa số đều đã có vị trí trong bộ máy chính quyền và liên quan những mối làm ăn bất chính.
Vợ của Chu Vĩnh Khang là Giả Hiểu Diệp, người trẻ hơn ông 28 tuổi, trước đây làm việc cho Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc. Chị gái của bà là Giả Hiểu Hà làm Tổng giám đốc trong nhiều năm của chi nhánh Tập đoàn Dầu khí quốc gia Trung Quốc - China National Petroleum Corp (CNPC) tại Canada và kiếm được hàng triệu USD, theo tờ Want China Time của Đài Loan.
Chu Bân, con trai của trùm an ninh Chu Vĩnh Khang, cũng đã bị bắt giữ vì dính líu vào các hoạt động kinh doanh bất hợp pháp.
Ngay trước khi nhà chức trách Trung Quốc chính thức công bố cuộc điều tra tham nhũng nhằm vào cựu lãnh đạo ngành an ninh Trung Quốc vào hôm 29/7, số phận của Chu Bân đã thu hút sự đồn đoán trong dư luận về cuộc chiến chống tham nhũng trong nội bộ giới chức cao cấp.
Cuộc đời và sự nghiệp của người con trai cả 42 tuổi của Chu Vĩnh Khang đã trở thành một câu chuyện quen thuộc: Một nhà đầu tư giàu có trong lĩnh vực dầu khí với con đường thăng tiến, hiện thân cho mối quan hệ chặt chẽ giữa tiền và quyền trong giới tinh hoa.
Quản thúc tại gia
Theo Reuters, ông Chu Vĩnh Khang đã bị quản thúc tại gia từ tháng 12/2013 sau khi Chủ tịch Tập Cận Bình ra lệnh cho một đội điều tra đặc biệt xem xét những cáo buộc tham nhũng chống lại ông Chu.
Một góc dinh thự nhà họ Chu ở quê nhà
Nguồn tin mà Reuters có được cho hay, chính quyền Trung Quốc cũng đã tịch thu khối tài sản trị giá khoảng 90 tỷ nhân dân tệ (14,56 tỷ USD) từ các thành viên gia đình và cộng sự của Chu Vĩnh Khang.
Ngoài ra, hơn 300 người trong đó có người thân, “các tay chân thân tín” của ông Chu cũng bị bắt giam hoặc bị thẩm vấn để thu thập thông tin phục vụ công tác điều tra.
Theo thống kê của Ủy ban Kiểm tra, giám sát kỷ luật Trung ương Trung Quốc, chỉ riêng trong tháng 7/2014, đã có 44 quan chức nước này bị điều tra do dính líu tham nhũng, lạm dụng chức vụ quyền hạn. Bình quân mỗi ngày có 1,5 quan chức bị bắt giữ. Ngoài ông Chu Vĩnh Khang là quan chức cao cấp nhất, còn có 6 quan chức cấp Bộ hoặc tỉnh, 25 quan chức cấp Cục và 13 quan chức cấp huyện. |
Tháng 3 năm nay, khi có nhiều đồn đoán về việc ông Chu đang bị thẩm vấn đặc biệt, tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng của Hồng Kông đã đặt câu hỏi với quan chức Chính hiệp Trung Quốc (tương đương Mặt trận Tổ quốc ở Việt Nam): “Phải chăng ông Chu Vĩnh Khang đang chịu sự điều tra của Ủy ban Kiểm tra, giám sát kỷ luật Trung ương?”.
Câu hỏi lập tức thu hút sự chú ý của giới truyền thông bởi khi đó việc ông Chu bị “giam lỏng” hoàn toàn chỉ là tin đồn, chưa hề có tờ báo nào ở Trung Quốc đại lục đưa ra thông tin này.
Phát ngôn viên của Chính hiệp Trung Quốc trả lời: “Bất cứ cá nhân nào, cho dù giữ vị trí cao tới đâu mà vi phạm kỷ luật Đảng, luật pháp của Nhà nước đều phải chịu sự điều tra và xử phạt nghiêm khắc. Tôi chỉ có thể trả lời như vậy, chắc các bạn hiểu”.
Theo thông lệ lâu nay trong chính giới Trung Quốc, khi trả lời bằng những ngôn từ tương đối gay gắt như vậy, có nghĩa là một quan chức nào đó đã bị điều tra.
Bốn tháng sau, thông tin ông Chu Vĩnh Khang bị bắt giữ, thẩm vấn vì “vi phạm nghiêm trọng kỷ luật Đảng” chính thức được công bố.
Cho dù báo chí nhà nước Trung Quốc không hề nói cụ thể ông Chu đã vi phạm những gì, song các các trang báo nước này vài ngày qua liên tục có bài viết thể hiện sự ủng hộ và kêu gọi “lập án điều tra Chu Vĩnh Khang”.
Được biết Chu Vĩnh Khang, tên thật là Chu Nguyên Căn, sinh năm 1942, người làng Tây Tiền Đầu, TP. Vô Tích, thuộc tỉnh Giang Tô, miền đông Trung Quốc.
Từ năm 2009, chính quyền cho xây dựng hai con đường lớn, một đường 6 làn xe dẫn thẳng vào nhà họ Chu, nối với một đường 8 làn ra đường cái, dân làng muốn lên thành phố cũng thuận tiện hơn nhiều.
Dân làng Tây Tiền Đầu thậm chí còn nói chính quyền cho đào cả một con sông dẫn qua gần nhà họ Chu để thuận theo phong thủy.
Nhà họ Chu có 2 dinh thự: một ở phía đông, gần con sông, thường xuyên để trống, căn hộ thứ hai ở phía tây là nơi Chu Nguyên Thanh, em trai Chu Vĩnh Khang ở.
VIỆT VÕ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét