Với hệ thống TLPK S-125-2TM nâng cấp, có thể khẳng định rằng lực lượng phòng không Việt Nam hoàn toàn đủ khả năng bảo vệ vững chắc bầu trời tổ quốc trong tình hình mới.
Vào ngày 7/9 vừa qua tại Trường bắn quốc gia khu vực 1, Quân chủng Phòng không - Không quân đã tổ chức nghiệm thu giai đoạn 2 dự án cải tiến tổ hợp tên lửa phòng không Pechora S-125-2TM do Việt Nam tự thực hiện.
Kết quả bắn tại thực địa đảm bảo thời gian tiêu diệt hiệu quả các mục tiêu, đảm bảo an toàn về người và vũ khí trang bị. Việc này cũng cho phép duy trì lực lượng tên lửa phòng không phù hợp với quy hoạch sử dụng trang bị và tổ chức biên chế của quân chủng theo yêu cầu nhiệm vụ tác chiến phòng không hiện đại.
Bắn nghiệm thu hệ thống tên lửa phòng không cải tiến S-125-2TM do Việt Nam tự thực hiện
Việc nâng cấp các hệ thống S-125 lên chuẩn S-125-2TM giúp cho lực lượng phòng không Việt Nam đáp ứng được các yêu cầu tác chiến trong tình hình mới với chi phí bỏ ra rất thấp so với việc mua những hệ thống tên lửa phòng không hiện đại hơn.
Để có thể hiểu rõ hơn về sức mạnh của hệ thống tên lửa phòng không S-125 cải tiến, chúng ta hãy cùng nhìn qua nội dung các cuộc thử nghiệm và thực tế chiến đấu của tổ hợp này.
Bia bay đạn đạo tốc độ cao IVTs-M2
Trong các cuộc thử nghiệm của tổ hợp S-125-2TM, mục tiêu của tên lửa phòng không là bia bay đạn đạo tốc độ cao IVTs-M1/M2 được Tetraedr sản xuất chuyên để phục vụ công tác bắn nghiệm thu.
Bia bay đạn đạo IVTs-M1/M2 có những thông số cơ bản sau: Chiều dài: 783 mm; đường kính: 121 mm; trọng lượng phóng tối đa: 64,1/66,7 kg; tầm bay tối đa: 16 km; độ cao hành trình 2.000 - 5.000 m; vận tốc bay tối đa trong vùng hoạt động 270 - 320 m/s; thời gian bay tối đa 48 - 60 giây; diện tích phản xạ radar 0,5 - 1,5 m2. Bia bay IVTs-M1/M2 thường được bắn đi từ hệ thống pháo phản lực phóng loạt BM-21 Grad.
Bia bay IVTs-M-2 được phóng đi từ giàn phóng BM-21
Với những thông số về kích thước, vận tốc, độ cao hành trình và đặc biệt là diện tích phản xạ radar như trên, loại bia bay này tỏ ra là một mục tiêu rất khó hạ. Tuy nhiên trong lần bắn nghiệm thu đầu tiên của hệ thống S-125-2TM được Belarus nâng cấp cho Azerbaijan vào ngày 15/12/2009, kíp trắc thủ đã bắn hạ bia bay IVTs-M1 chỉ với 1 đạn duy nhất.
Tại Việt Nam, sau một thời gian triển khai công tác nâng cấp tại Nhà máy A31, Cục Kỹ thuật Quân chủng Phòng không - Không quân, Tiểu đoàn 152 thuộc Trung đoàn tên lửa 250 là đơn vị đầu tiên nhận được bộ khí tài S-125-2TM mới nâng cấp.
Từ ngày 26 - 28/3/2011, Tiểu đoàn 152 cùng các chuyên gia Tetraedr, Nhà máy A31 và Cục kỹ thuật Quân chủng Phòng không - Không quân đã tiến hành bắn nghiệm thu khí tài tại trường bắn TB1. Trong đợt bắn này, kíp bắn đạn thật của tiểu đoàn 152 đã bắn tổng cộng 6 đạn (1 đạn tiêu thụ ngày 26/3/2011 và 5 đạn tiêu thụ ngày 28/3/2011) diệt cả 6 mục tiêu bay từ cự ly 14 - 15 km, đạt hiệu suất 100%.
Đạn 5V27 do kíp điều khiển Tiểu đoàn 152 phóng ngày 26/3/2011
Đó là kết quả trong thử nghiệm, còn trong điều kiện chiến đấu thực tế thì không thể không nhắc tới chiến công của hệ thống S-125M1T do Serbia tự nâng cấp. Hệ thống này được giới thiệu vào năm 1998 và có các tính năng chiến đấu bị đánh giá còn thua xa S-125-2TM.
Radar và xe điều khiển của hệ thống S-125M1T
Ngoài chiến công nổi tiếng là bắn rơi tại chỗ 1 chiếc cường kích tàng hìnhF-117A, hệ thống S-125M1T được cho là còn bắn hạ thêm 1 chiếc F-117A khác, tuy nhiên chiếc này vẫn đủ sức lết về sân bay và sau đó bị tháo bỏ do hỏng hóc quá nặng.
Đặc biệt phía Serbia còn tuyên bố họ đã bắn hạ một máy bay ném bom tàng hình B-2, nhưng chiếc này không rơi tại chỗ mà rơi trên đất Croatia nên cũng dễ hiểu khi chiến công này đã không được phía Mỹ công nhận.
Những nạn nhân của S-125M1T được sơn trên xe điều khiển: từ trên xuống F-117, B-2 và F-16
Với những kết quả trong thử nghiệm và thực tế chiến đấu của hệ thống tên lửa phòng không S-125 Pechora nâng cấp, chúng ta có thể tự tin khẳng định rằng lực lượng phòng không của Việt Nam hoàn toàn đủ khả năng bảo vệ vững chắc bầu trời tổ quốc trong tình hình mới.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét