(TNO) Các chuyên gia phân tích và quan chức Mỹ vào hôm 17.4 đã lên tiếng cảnh báo về mối hiểm họa đến từ đường băng mà Trung Quốc đang hối hả xây dựng tại biển Đông.
Ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy công trình xây dựng trái phép một đường băng gần sắp hoàn thành của Trung Quốc tại bãi Đá Chữ Thập thuộc Quần đảo Trường Sa của Việt Nam - Ảnh: Reuters
|
Bãi Đá Chữ Thập thuộc Quần đảo Trường Sa của Việt Nam chỉ là một bãi đá ngầm nhỏ khi Trung Quốc bắt đầu bồi đắp để biến nó thành một hòn đảo vào cuối năm 2014, AFP cho biết.
Ảnh vệ tinh được công bố trên trang web của Trung tâm Nghiên cứu chiến lược quốc tế (CSIS), có trụ sở tại Washington, vào hôm 17.4 cho thấy công trình xây dựng một đường băng với chiều dài ước tính lên đến hơn 3.000 m trên bãi Đá Chữ Thập đã hoàn tất được hơn 2/3.
Các chuyên gia phân tích đã nhiều lần nêu nghi ngờ về việc Trung Quốc sẽ xây một đường băng tại Đá Chữ Thập, nhưng ảnh vệ tinh nói trên là bằng chứng cụ thể đầu tiên về viêc này, theo tờ The New York Times (Mỹ).
Một khi hoàn tất, đường băng này sẽ có khả năng “chứa hầu như bất kỳ loại máy bay nào Trung Quốc muốn cho hạ cánh”, CSIS cho biết.
“Trước khi có công trình này, Trung Quốc không có khả năng tiếp nhiên liệu và tiếp tế hậu cần để vươn ra phần phía nam biển Đông. Một khi hoạt động bồi đắp Đá Chữ Thập hoàn tất, nó sẽ đủ lớn để xây các nhà chứa cho máy bay Trung Quốc”, tổ chức này cảnh báo.
Để cho thấy Bắc Kinh ráo riết xây dựng đường băng này như thế nào, CSIS cho biết chỉ chưa đầy 4 tuần trước, công trình chỉ bao gồm 2 đoạn dài 468 m và 200 m.
Bộ phận Không gian và Phòng thủ của tập đoàn Airbus (châu Âu) từng đăng tải những ảnh vệ tinh khác cho thấy Trung Quốc cũng đang xây một đường băng khác ở Quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, tờ Washington Times (Mỹ) cho biết hôm 17.4.
Trang tin Sputnit (Nga) cho biết các đường băng hiện tại của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) dài từ 2.700 m đến 4.000 m.
Dọa nạt láng giềng, tăng căng thẳng với Mỹ
Ảnh chụp từ vệ tinh so sánh hiện trạng bãi Đá Chữ Thập ngày 14.8.2014 (trái) và ngày 18.3.2015 sau khi bị Trung Quốc thay đổi - Ảnh: Reuters
|
Giáo sư Peter Dutton, chuyên gia nghiên cứu chiến lược tại trường Đại học Chiến tranh Hải quân (Mỹ), nói với tờ The New York Times (Mỹ) rằng đường băng đang hình thành tại Đá Chữ Thập đủ sức chứa chiến đấu cơ và máy bay do thám quân sự. Ông cũng khẳng định đường băng này có khả năng làm thay đổi cục diện trong cuộc đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc tại biển Đông.
“Đây là một sự kiện chiến lược lớn. Để kiểm soát được vùng biển, bạn cần phải kiểm soát được vùng trời”, giáo sư Dutton cho hay.
Ông còn cho rằng Trung Quốc nhiều khả năng sẽ thiết lập các trạm radar và bệ phóng tên lửa tại biển Đông để dọa nạt các nước láng giềng nhỏ trong khu vực như Philippines và Việt Nam.
Ngoài ra, việc Trung Quốc dùng Đá Chữ Thập như nơi bãi đáp cho chiến đấu cơ và máy bay sẽ mở rộng rất mạnh khu vực mà nước này từng có đối đầu với Mỹ, theo giáo sư Dutton.
Trong gần 15 năm qua, đã xảy ra hàng lọat vụ chạm trán căng thẳng giữa quân đội 2 nước cả trên biển lẫn trên không, chẳng hạn như vụ máy bay do thám EP-3 của Mỹ va chạm một chiến đấu cơ Trung Quốc hồi năm 2001 và vụ tàu tuần dương Mỹ USS Cowpens buộc phải chuyển hướng để tránh va chạm với tàu đổ bộ Trung Quốc vào cuối năm 2013, theo New York Times. Cả hai vụ việc này đều xảy ra tại biển Đông.
Đe dọa kinh tế thế giới
Ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy tàu Trung Quốc chất nguyên vật liệu lên bãi Đá Vành Khăn thuộc Quần đảo Trường Sa của Việt Nam - Ảnh: Reuters
|
Các ảnh chụp từ vệ tinh được CSIS đăng tải chỉ vài ngày sau khi Đô đốc Samuel Locklear, chỉ huy Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ, phát biểu trong một phiên điều trần trước Quốc hội rằng Bắc Kinh đang có những động thái “hiếu chiến” khi “thiết lập một mạng lưới các tiền đồn hòng tăng cường kiểm soát phần lớn biển Đông”.
Các nước Đông Nam Á đang “ngày càng lo lắng” rằng các động thái này “sẽ mở đường cho Trung Quốc thực sự kiểm soát được các vùng biển lân cận”, theo ông Locklear.
Các nhà làm luật Mỹ cũng tỏ ra rất quan ngại trước các hoạt động của Trung Quốc.
“Khi bất kỳ một quốc gia nào đó bồi đắp đảo nhân tạo, rồi xây đường băng và gần như chắc chắn sẽ triển khai đủ loại khí tài tại vùng biển quốc tế, thì rõ ràng đây là một mối đe dọa cho khu vực mà các hoạt động của nền kinh tế thế giới đã, đang và sẽ diễn ra”, thượng nghị sĩ John McCain, chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ, cảnh báo.
Washington Times dẫn phát biểu mới đây của Thứ trưởng ngoại giao Mỹ Anthony Blinken nói rõ rằng Mỹ và các đồng minh tại châu Á-Thái Bình Dương đang theo dõi các động thái của Bắc Kinh tại biển Đông với sự lo lắng cao độ.
“Chúng tôi không tin rằng hoạt động bồi đắp đảo quy mô lớn với ý đồ quân sự hóa các tiền đồn tại các vùng biển đang có tranh chấp là phù hợp với nguyện vọng duy trì hòa bình và ổn định của khu vực”, ông Blinken nói.
Hoàng Uy
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét