Ngày 8/3/1965, lính Thủy quân lục chiến Mỹ đổ bộ vào Đà Nẵng. Chúng không ngờ rằng, 10 năm sau, ngày 29/3/1975, cả lính Mỹ và ngụy đều phải bỏ chạy khỏi Đà Nẵng, trước khi thất thủ hoàn toàn tại Sài G
Đập tan ý đồ “tử thủ” của Mỹ - VNCH
Người Mỹ tự tin bởi họ có cơ sở để làm điều đó. Đà Nẵng - thành phố lớn thứ hai ở miền Nam, được Mỹ và quân đội Sài Gòn xây dựng, củng cố, trở thành một căn cứ quân sự liên hợp lớn với nhiều tham vọng. Trước khi ta mở cuộc tiến công, tại Đà Nẵng có gần 100.000 quân Mỹ và ngụy, với nhiều xe tăng, máy bay, pháo.
| ||
Dù vậy, sau khi ta giải phóng Quảng Trị, Thừa Thiên, Huế ở phía Bắc, Tam Kỳ, Quảng Ngãi, Chu Lai ở phía Nam, Đà Nẵng đã bị cô lập. Các tướng lĩnh Mỹ và Bộ Tổng tham mưu Quân đội Sài Gòn khi đó dốc sức củng cố hầm hào, công sự, quyết tâm cố thủ tại Đà Nẵng, nhằm ngăn chặn cuộc tiến công của ta, kéo dài thời gian để điều chỉnh lực lượng và hệ thống phòng thủ từ Cam Ranh - Phan Rang trở vào Sài Gòn.
Với ý đồ đó, Nguyễn Văn Thiệu kêu gọi “tử thủ Đà Nẵng” bằng mọi giá. Thiệu cũng chủ quan khi nhận định, nhanh nhất thì bộ đội giải phóng cũng mất một tháng để điều động lực lượng, vũ khí vào tấn công Đà Nẵng, nghĩa là đủ thời gian cho ý đồ “tử thủ”.
Dù vậy, sự rệu rã của quân Mỹ, ngụy tại Đà Nẵng đã bộc lộ. Những ngày cuối tháng 3/1975, không khí tại Đà Nẵng ngày càng hỗn độn, sự hoảng loạn lộ rõ. Mỹ bắt đầu di tản gia đình nhân viên Lãnh sự quán và người Mỹ làm việc tại đây. Nhiều sĩ quan, nhân viên chính quyền bắt đầu thu vén của cải, tư trang bỏ chạy vào Sài Gòn.
Về phía ta, ngày 20/3/1975, sau khi nghe báo cáo địch có thể rút về co cụm ở Đà Nẵng, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp đã trao đổi với các tướng Hoàng Văn Thái và Lê Trọng Tấn, nhất trí quyết định mở chiến dịch tiến công lớn, tiêu diệt tập đoàn phòng ngự Thừa Thiên - Huế, cắt đứt đường 1, không cho địch co cụm về Đà Nẵng. Sau đó, ngày 26/3, quyết định mở chiến dịch tiến công Đà Nẵng, do tướng Lê Trọng Tấn chỉ huy.
Bám sát những diễn biến mới nhất trên chiến trường, ngày 27/3, Quân ủy Trung ương đánh điện chỉ thị cho Quân khu V và Quân đoàn 2: “Tình hình Đà Nẵng rất khẩn trương, cần có những biện pháp đặc biệt nhanh chóng tiến công địch, bỏ qua những mục tiêu dọc đường, đánh thẳng vào Đà Nẵng, nhanh nhất, kịp thời nhất, táo bạo nhất với những lực lượng có thể chuyển tới sớm nhất”.
5 giờ 30 phút ngày 28/3/1975, bộ đội pháo binh đã mở đầu cuộc tiến công giải phóng Đà Nẵng bằng đòn tập kích hỏa lực vào các vị trí quân sự địch trong Thành phố và bán đảo Sơn Trà. Đồng thời, các binh đoàn có xe tăng dẫn đầu tiến vào trung tâm TP. Đà Nẵng từ các hướng Bắc, Tây Bắc, Tây Nam và Đông Nam.
Vượt qua các trận địa phòng thủ của địch, đập tan các đợt phản kích, các mũi tiến công của bộ đội chủ lực được lực lượng tự vệ mật và biệt động thành dẫn đường, phối hợp lực lượng vũ trang địa phương và quần chúng nổi dậy lần lượt làm chủ các mục tiêu.
15 giờ ngày 29/3/1975, các cánh quân ta hợp điểm tại bán đảo Sơn Trà. Nhân dân nổi dậy tước vũ khí địch, đón bộ đội vào giải phóng Thành phố. Cuộc tiến công Đà Nẵng của các binh đoàn chủ lực, kết hợp với các lực lượng vũ trang địa phương và quần chúng nổi dậy đúng lúc, kịp thời, đã kết thúc sau 33 giờ chiến đấu.
Toàn bộ quân địch ở Đà Nẵng bị tiêu diệt và tan rã, tổng cộng khoảng 120.000 quân. Ta thu giữ và phá hủy toàn bộ kho tàng, cơ sở vật chất kỹ thuật của địch, gồm hàng trăm khẩu pháo, xe tăng, xe bọc thép; hàng chục máy bay và tàu chiến. Căn cứ liên hiệp quân sự lớn thứ hai ở miền Nam bị ta đánh chiếm.
Mở lối tiến vào giải phóng miền Nam
Chiến thắng giải phóng Đà Nẵng thuộc Chiến dịch Huế - Đà Nẵng (từ ngày 21 đến ngày 29/3/1975) do Bộ Tổng tư lệnh trực tiếp lãnh đạo, chỉ huy, là một trong ba chiến dịch lớn của quân đội Việt Nam trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975.
Từ một căn cứ được Mỹ tập trung binh lực mạnh, xây dựng thành một cứ điểm kiên cố, Đà Nẵng đã trở thành điểm để lực lượng cách mạng “tháo chốt”, tiếp tục xốc tới với khí thế tiến công, giải phóng hoàn toàn miền Nam.
Chiến thắng Đà Nẵng có ý nghĩa quan trọng về chiến lược, góp phần làm thay đổi so sánh thế và lực trên chiến trường, đập tan ý đồ co cụm chiến lược của địch, tạo điều kiện thuận lợi cho ta tập trung lực lượng thực hiện đòn tiến công chiến lược cuối cùng giải phóng Sài Gòn và toàn miền Nam Việt Nam.
Cụ thể, giải phóng Đà Nẵng (và trước đó là Huế) tạo bước ngoặt thể hiện cả về lực lượng và địa bàn chiến lược. Ta đã giải phóng chuỗi 5 tỉnh ở Duyên hải miền Trung Trung Bộ (gồm Quảng Trị, Thừa Thiên, Quảng Đà, Quảng Nam, Quảng Ngãi, trong đó có 2 thành phố lớn là Huế và Đà Nẵng). Quân và dân ta đã giành thêm một địa bàn chiến lược rất quan trọng, tạo ra thời cơ mới và một thế trận mới để nhanh chóng hoàn thành sự nghiệp cao cả là giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Đối với phía Mỹ và ngụy quyền Sài Gòn, thất thủ tại Đà Nẵng, chính quyền Sài Gòn đã mất đi chiến địa quan trọng cuối cùng nhằm chặn đường Quân giải phóng tiến vào từ phía Bắc. Viễn cảnh những hạm đội Mỹ tới Đà Nẵng cứu viện cho chính quyền Sài Gòn mà Thiệu và các tướng lĩnh Sài Gòn từng mơ tới đã bị đập tan. Đòn tiến công Đà Nẵng thực sự đã đẩy quân ngụy vào tình thế tuyệt vọng, tạo điều kiện cho ta đẩy nhanh cuộc Tổng tiến công chiến lược.
Thắng lợi của chiến dịch tiến công Đà Nẵng cùng với đòn tiến công Tây Nguyên, Chiến dịch Nam - Ngãi và Chiến dịch Trị - Thiên đã làm thay đổi hẳn so sánh lực lượng về mặt chiến lược, tạo sự nhảy vọt về cục diện chiến tranh theo hướng có lợi cho ta. Trong đó, chiến dịch tiến công Đà Nẵng đã gây cho địch tổn thất lớn về vật chất, kỹ thuật, làm tan rã về tổ chức, bế tắc về chiến thuật, chiến lược và quan trọng nhất là làm suy sụp về tinh thần, đẩy quân ngụy đứng trước nguy cơ sụp đổ hoàn toàn, mở ra cho ta thời cơ, điều kiện mới giải phóng Sài Gòn - Gia Định và giải phóng hoàn toàn miền Nam.
Chính phương Tây đã sớm nhận ra ý nghĩa bước ngoặt của cuộc chiến khi Đà Nẵng thất thủ. Ngay trong đêm 29/3/1975, khi lực lượng cách mạng giải phóng Đà Nẵng, truyền thông phương Tây đã nhận định: “Việc Đà Nẵng thất thủ, kể từ đây sự sụp đổ của chế độ Sài Gòn chỉ tính bằng ngày và giờ”.
Trên tạp chí Xưa và Nay (tháng 4/2008), Thượng tướng Hoàng Minh Thảo ghi lại: “Hai đòn chiếc lược gối đầu nhau là Tây Nguyên và Huế - Đà Nẵng diễn ra liên tiếp, ta đã loại khỏi vòng chiến đấu một nửa lực lượng địch, giải phóng một vùng rộng lớn suốt từ Quảng Trị đến Khánh Hòa, tạo đột biến về chiến tranh, làm nên một cục diện mới về chiến tranh, địch càng hoang mang, hoảng loạn thực hiện cuộc rút chạy và chỉ còn hơi sức tàn để giữ Sài Gòn. Ngay sau khi giải phóng Đà Nẵng, nắm bắt thời cơ, ngày 29/3/1975, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương đã họp quyết định giải phóng miền Nam trước mùa Xuân năm 1975”.
Theo Bá Thư (Baodautu.vn)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét