(TNO) 'Những lợi ích về kinh tế và chính trị từ việc gỡ bỏ lệnh trừng phạt Iran đã được cụ thể hóa với Nga, trong khi ngờ vực đang bao quanh Mỹ", Bloomberg viết.
Việc Nga đồng ý bán hệ thống tên lửa S-300 cho Iran đang là chủ đề bàn cãi trong những ngày qua. Thủ tướng Israel Netanyahu chỉ trích Điện Kremlin vì cho rằng đây là động thái có thể gây bất ổn cho khu vực Trung Đông.
Tuy nhiên xét ở một khía cạnh khác, những quyết định "chớp nhoáng" của ông Putin khi thỏa thuận chính thức chưa được thông qua đã giúp Tổng thống Nga tạm thời chiếm lợi thế với người so kè cùng ông: Barack Obama, theo Bloomberg.
Đòn "phủ đầu" hiệu quả
Thỏa thuận hạt nhân với Iran nếu đạt được, sẽ đi kèm việc tháo gỡ cấm vận của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc. Có nghĩa rằng, một thị trường lớn mang tên Iran sẽ mở ra và ông Putin chính là người đã có bước đi đầu tiên trong việc tái xâm nhập thị trường này.
Đó là ý kiến của tác giả Leonid Bershidsky, một nhà báo người Nga nổi tiếng trên Bloomberg ngày 15.4. Ông dẫn lại các minh chứng cho thấy cả Moscow lẫn Washington đều rất chú trọng đến Iran.
Giai đoạn 1989 - 1991, Liên Xô đã ký thỏa thuận cung cấp vũ khí trị giá 5,1 tỉ USD với Iran, biến Tehran thành một trong những khách hàng lớn nhất ở lĩnh vực quốc phòng.
Tuy nhiên vào năm 1995, cựu Tổng thống Nga Boris Yeltsin đã đồng ý gác lại các hợp đồng với Iran theo ý Mỹ. Đổi lại, Mỹ sẽ hợp tác chuyển giao công nghệ quốc phòng với Nga. Thỏa thuận này chấm dứt dưới thời Tổng thống Vladimir Putin.
Năm 2007, Nga ký thỏa thuận bán hệ thống S-300 cho Iran, đến khi phải rút lại vì lệnh cấm vận và sau đó tái khởi động thương vụ "rất hời" này. Cũng qua đó, Nga và Iran hứa hẹn một sự hợp tác toàn diện trên mọi khía cạnh.
Theo ông Bershidsky, việc Nga bán S-300 cho Iran đi kèm các cuộc trao đổi về dầu và hàng hóa cũng là con tính hợp lý của ông Putin.
Khi chấp nhận có "đầu ra" cho dầu ở Iran, nguồn cung toàn cầu sẽ tăng dẫn đến việc giá dầu tiếp tục giảm. Điều này không có lợi cho một nước xuất khẩu dầu như Nga, tuy nhiên "ông Putin có kế hoạch đối phó kể cả khi giá dầu chạm mốc 40 USD/thùng". Và nếu điều đó xảy ra, dầu đá phiến của Mỹ sẽ không thể tiếp tục duy trì nguồn thu, ông Bershidsky viết.
Tại khu vực Trung Đông, đây là cách Nga tạo ra một liên minh chính trị - kinh tế, vì lãnh đạo của Iran và Ả Rập Xê Út đều muốn thấy Mỹ phải đầu hàng trong cuộc chiến giá dầu.
Ông Obama ở thế gọng kìm
Trên thực tế ngay từ đầu, Tổng thống Mỹ Barack Obama nằm trong số những người tích cực nhất trong việc gỡ bỏ cấm vận Iran. Tuy nhiên, những bất đồng tồn tại trong chính nội bộ Washington đã làm ông Obama chậm chân.
Ông Obama đang chịu sức ép lớn từ nội bộ - Ảnh: Reuters
|
Reuters ngày 14.4 cho biết hiện có hơn 20 bang tại Mỹ vẫn kiên quyết không hợp tác làm ăn với phía Iran cho đến khi lệnh cấm vận chính thức gỡ bỏ thông qua hạn chót thỏa thuận 30.6 tới.
Phe Cộng hòa tại Mỹ đang chi phối, buộc ông Obama phải thông qua ý kiến Quốc hội Mỹ trước khi có bất kỳ quyết định nào về tình hình Iran. Ủy ban đối ngoại Thượng viện Mỹ quy định quốc hội có 30 ngày xem xét báo cáo của ông Obama về Iran, mặc dù ông Obama trên tư cách tổng thống có quyền tự quyết, theo Reuters.
Động thái của Chủ tịch Ủy ban đối ngoại Thượng viện Mỹ Bob Corker đến chỉ 24 giờ sau khi có tin Nga bán hệ thống S-300 cho Iran. Chính vì thế, việc Nga tái khởi động hợp tác quốc phòng với Iran dù ở mức độ ít hay nhiều cũng "tạo nên cú hích vô tình cho mong muốn của đảng Cộng hòa tại Mỹ", một bài bình luận khác trên Bloomberg viết ngày 14.4.
Bài viết cũng nhận xét những gì xảy ra ở Mỹ như "một cuộc đảo chính lớn tại Nhà Trắng, mặc dù chưa có động thái dứt điểm". Ông Obama phải nhượng bộ quốc hội, trong lúc chính ông cũng vấp phải sự phản đối của các thành viên đảng Dân chủ.
Bloomberg dẫn lại chi tiết vào những năm ông Dmtri Medvedev ngồi ghế tổng thống ở Nga cho thấy ông Obama đã "tính sai nước cờ". Ông Obama khi ấy đã xem việc rút lại bản hợp đồng bán S-300 của Nga cho Iran là minh chứng rằng Mỹ dễ nói chuyện với Nga (dưới thời ông Medvedev) hơn khi ông Putin lãnh đạo. Tuy nhiên giờ đây mọi thứ đã quay lại như cũ. Vẫn là ông Putin ở đó, và vẫn là những hệ thống S-300 bán sang Iran.
John McCain, Chủ tịch Ủy ban quân vụ Thượng viện Mỹ nói: "Đó là một hành động thách thức của Vladimir Putin đối với nứớc Mỹ".
Ngày 7.4, ông Obama tuyên bố những ai "thề sẽ hủy bỏ thỏa thuận Iran khi nắm quyền" (nhắc đến cuộc tranh cử tổng thống Mỹ năm 2016) là "ngu ngốc" và các ứng viên thuộc đảng Cộng hòa này nên đi học lại những bài học ngoại giao.
Phản ứng có phần quyết liệt trên mức thường thấy của Tổng thống Obama rõ ràng có lý do. Và lúc này có lẽ ai cũng hiểu vì sao ông Obama tức giận.
Nhật Đăng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét