(PLO)- Đó là anh Nguyễn Sang, một trong hai người sống sót trong vụ thảm sát tập thể Khánh Giang - Trường Lệ ở xã Hành Tín Đông, huyện Nghĩa Hành, Quảng Ngãi.
Anh Nguyễn Sang (thứ hai từ phải) đang thắp hương dưới tượng đài vụ thảm sát Khánh Giang- Trường Lệ. Ảnh: VÕ QUÝ
Vụ thảm sát tập thể chấn động thế giới này do đơn vị lính Mỹ thuộc lực lượng Tiger Force (Mãnh Hổ) gây ra vào ngày 17 và 18-4-1969.
Hơn 60 người dân vô tội đã chết trong vụ thảm sát chấn động thế giới này.
Trong tấm bia ghi tên những người dân vô tội có tên anh Nguyễn Sang. Nghĩa là người dân và chính quyền nơi đây ngỡ anh đã chết trong cuộc thảm sát ấy. Nhưng hôm qua, 17-4, anh Sang đã trở về. Người thân và người dân nơi đây ngỡ ngàng, mừng mừng tuổi tuổi…
Sau khi thắp hương lên bàn thờ mẹ ở ngôi nhà của người em gái, anh Sang cùng người thân ra khu vực thảm sát bên mé vườn nhà ông Thủy. Tay run run, anh đốt hương thắp lên ngôi mộ chôn chung của bà nội và cô em gái Nguyễn Thị Liễu và những ngôi mộ chôn chung người làng đã khuất trong vụ thảm sát. Anh Sang thì thầm khấn vái: “Nội ơi, em ơi, bà con ơi! Thế là con đã về đây bằng xương bằng thịt, bằng tất cả lòng mình…”.
Lặng đi một hồi lâu, anh kể: “Hôm đó lính Mỹ vào làng đốt nhà, bắn giết trâu bò, gà, heo. Bà con thấy vậy chạy xuống hầm trốn. Lính Mỹ đến từng nhà chỉa súng buộc lên trên rồi gom nhiều người thành từng điểm, phát đồ hộp cho ăn. Đến tầm ba giờ chiều, đột nhiên chúng xả súng bắn...
“Sau nhiều loạt súng, thi thể của bà con vắt trên bờ tre, ruộng lúa. Nhìn đâu cũng thấy máu và máu. Nội vội lấy thân che cho tôi và em Liễu. Tiếp đó, nhiều phát súng và lưu đạn nổ. Nội ngã xuống. Tôi ngã theo nội và ngất đi trong mớ xác người...
“Sớm ra, tôi tỉnh lại nhìn quanh đống xác người và nghe tiếng rên. Em Liễu (mới 4 tuổi) thấy tôi bèn gào lên, giọng khản đặc ‘Đau, đau quá anh’. Bé Liễu bị thương ở tay, máu ra nhiều…
“Một lát sau, tôi nghe nhiều tiếng nói lồ xồ của lính Mỹ. Rồi tôi bị họ kéo đi và đưa lên trực thăng…”.
Anh Nguyễn Sang.
Năm đó anh Sang chỉ mới 7 tuổi.
Anh Sang kể, sau đó anh được đưa về sân bay Gò Hội dưới quận lỵ Đức Phổ rồi được đưa đến Cô nhi viện. Nhiều người hỏi tên họ nhưng anh không nhớ, họ đặt một cái tên khác cho anh là Lý Chí Hùng. Ở đó được vài năm, anh được chuyển vào Cô nhi viện ở Vũng Tàu.
Sau năm 1975, anh được cha đạo (người Pháp) đưa về nuôi cho ăn học ở khu vực Bãi Sau, TP Vũng Tàu. Một năm sau, cha đạo về Pháp. Anh Sang bắt đầu cuộc đời lang thang ở Bà Rịa. Thương anh hiền lành, chăm chỉ mà tứ cố vô thân, một chủ nhà tốt bụng đã gả con gái cho anh…
Sau thời gian dài lục tung ký ức kiếm tìm, nhờ mối duyên từ chương trình Như chưa hế có cuộc chia ly, cuối cùng anh đã tìm ra quê quán, gốc tích của mình. Và hôm qua, 17-4, anh đã trở về nơi chôn nhau cắt rốn của mình, nơi 46 năm trước thằng bé 7 tuổi là anh đã may mắn sống sót trong cuộc thảm sát tàn bạo của chiến tranh…
Mời bạn đọc theo dõi tiếp câu chuyện trên báo Pháp Luật TP.HCM số Chủ nhật ngày 19-4.
VÕ QUÝ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét