(PetroTimes) - Trung Quốc thông báo sẽ tổ chức họp các thành viên sáng lập Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng châu Á (AIIB), vốn bị Mỹ phản đối, ngay tại Washington vào cuối tuần này.
Bộ trưởng Tài chính Trung Quốc Lâu Kế Vỹ (phải) chúc rượu khách mời tại lễ ký kết thành lập Ngân hàng AIIB tại Bắc Kinh, ngày 24/10/2014
Ngày 15/4, Bộ Tài chính Trung Quốc thông báo đại diện của 57 quốc gia đã nộp đơn xin làm thành viên sáng lập AIIB sẽ gặp nhau vào cuối tuần này ở Washington D.C., Mỹ, bên lề cuộc họp hàng năm của Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế.
Tính đến ngày hôm qua, đã có thêm 7 quốc gia gồm Thụy Điển, Israel, Nam Phi, Azerbaijan, Iceland, Bồ Đào Nha và Ba Lan sẽ là thành viên sáng lập AIIB do Trung Quốc khởi xướng, nâng tổng số thành viên sáng lập ngân hàng này lên 57.
Cho đến giờ phút này, Mỹ, Nhật Bản và Canada là ba cường quốc duy nhất không chịu gia nhập AIIB với tư cách sáng lập viên.
Ngay từ đầu, Mỹ đã bày tỏ sự hoài nghi về ý đồ thực sự của Trung Quốc trong việc thành lập ngân hàng AIIB. Theo Washington, AIIB được tạo ra nhằm cạnh tranh với Ngân hàng Thế giới (WB) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) do Mỹ và Nhật Bản lãnh đạo.
Trả lời kênh CNN mới đây, một quan chức Bộ Tài chính Mỹ nói rằng: “Khi nói đến sự cần thiết của một thể chế tài chính tham gia vào quá trình phát triển cơ sở hạ tầng, chúng ta có WB và ADB. Các thể chế tài chính này đã duy trì các tiêu chuẩn cao về các vấn đề như quản trị, môi trường, an toàn xã hội. Vậy thì AIIB sẽ thực hiện các tiêu chuẩn trên như thế nào và đóng góp thêm các giá trị gì cho các thể chế phát triển đa phương hiện hành đã tồn tại trong nhiều năm qua? Chúng tôi thấy các thể chế tài chính hiện hành như cực kỳ hữu hiệu, đóng vai trò trung tâm trong việc đáp ứng các nhu cầu của khu vực. Và đó là lý do tại sao chúng tôi tiếp tục chờ đợi và quan sát xem liệu AIIB có thực sự mang lại thêm các giá trị mới cho các thể chế hiện hành hay không?”.
Trong một diễn biến mới nhất, ngày 15/4, Trung Quốc đã từ chối đơn gia nhập AIIB của Đài Loan với tư cách sáng lập viên. Lý do được đưa ra là Đài Loan muốn gia nhập dưới tên nước là Trung Hoa Dân Quốc, trong khi theo quan điểm của Bắc Kinh, Đài Loan chỉ là một tỉnh của Hoa Lục.
Hôm qua tại Bắc Kinh, phát ngôn viên Mã Hào Quang của Văn phòng Đặc trách Quan hệ Đài Loan nói rằng Trung Quốc sẵn sang xem xét lại đơn xin gia nhập của Đài Bắc nhưng với điều kiện phải ở dưới một tên khác. Lên tiếng về chuyện này, một phát ngôn viên của người đứng đầu chính quyền Đài Loan Mã Anh Cửu nói rằng gia nhập AIIB là một điểm lợi cho Đài Loan, nhưng thà Đài Loan không tham gia hơn là có mặt mà không được tôn trọng và đối xử ngang hàng với những nước thành viên khác.
Nhà nghiên cứu Ngô Trọng Lễ thuộc Viện Nghiên cứu Trung ương ở Đài Bắc, cho rằng nếu Bắc Kinh để cho Đài Loan làm thành viên sáng lập, điều đó sẽ tạo ra một ấn tượng là Đài Loan là một nước có chủ quyền, và nếu như thế, thì Hồng Kông và Ma Cao sẽ như thế nào?
Sự bác bỏ của Trung Quốc đã gây tổn hại cho uy tín của ông Mã Anh Cửu, là nhà lãnh đạo mà tỉ lệ ủng hộ vốn đã ở mức thấp hơn 20%. Người đứng đầu đảng đối lập chính ở Đài Loan tố cáo chính phủ đã hấp tấp và vô trách nhiệm khi xin làm thành viên sáng lập của AIIB.
Mặc dù vậy, Hội đồng Hoa lục Sự vụ của chính quyền Đài Loan cho hay họ sẽ lại nộp đơn để xin làm thành viên thông thường của ngân hàng cơ sở hạ tầng này, với điều kiện là Bắc Kinh đối xử với Đài Loan với sự tôn trọng, kể cả việc sử dụng một danh xưng không có hàm ý Trung Quốc và Đài Loan là một nước. Trung Quốc hôm 13/4 nói họ sẽ có thái độ cởi mở đối với đơn xin gia nhập đó.
Bộ trưởng Tài chính Trung Quốc Lâu Kế Vỹ mới đây thông báo AIIB sẽ chính thức được thành lập vào cuối năm 2015, đồng thời nhấn mạnh Bắc Kinh sẽ thông báo với Mỹ và Nhật Bản về động thái này.
Nh.Thạch (tổng hợp)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét