Mới sáng sớm ngày 12/4/2015 nhà bà Ba Mun đã rộn ràng tiếng cười, tiếng nói và bao lời chào hỏi rối rít làm cho không khí yên tĩnh ngày nào của một vùng quê trở nên náo nhiệt.
Người dân thôn Kim Bình cũng không hiểu có sự kiện gì mà vui đến thế. Nhưng rồi qua những người trong cuộc, họ hiểu được buổi hội ngộ sau 40 năm giải phóng của Đội công tác mật Hàm Thắng sắp bắt đầu.
Ông Nguyễn Hữu Tín, Ngô Minh Thưởng lãnh đạo đội công tác gặp gỡ bà Ba Mun - người giúp đội công tác hoạt động trong nhiều năm |
Những cán bộ làm công tác thanh niên và đội công tác xã Hàm Thắng trong chiến tranh gặp gỡ sau 40 năm giải phóng |
Căn cứ cách mạng giữa lòng địch
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Hàm Thắng cũng như bao xã khác ở huyện Hàm Thuận Bắc, nhất là khu vực có đường 8 đi qua, cuộc chiến giữa ta với địch luôn căng thẳng và ác liệt. Song địa bàn Hàm Thắng lại càng khó khăn hơn gấp bội vì không có rừng núi để ẩn nấp. Địa hình Hàm Thắng khá bằng phẳng, ngoài con sông Cái chạy dài từ đầu đến cuối xã thì còn có con mương Cái – đây là con mương lớn nhất vùng và từ nó tách ra trên dưới 60 mương nhánh, mương con chằng chịt tạo ra một địa hình vừa bằng phẳng lại vừa lồi lõm, ẩn khuất phần nào có lợi cho chiến tranh du kích. Những hàng tre dọc sông Cái từ vườn ông Tám La đến bến bà Cần, Giò Gà với chiều dài gần 2 cây số đã đi vào sử sách. Nơi đây đã che chở, nuôi giấu bao cán bộ, chiến sĩ đội công tác mật trong suốt 15 năm trời. Ông Huỳnh Quang Hòa, một trong những người có mặt đầu tiên khi hình thành Đội công tác Hàm Thắng cho hay: “Mũi công tác Hàm Thắng, trực thuộc Đội công tác Hồng Hà được thành lập từ năm 1961. Ban đầu mũi công tác Hàm Thắng chỉ có 3 - 5 người. Nhiệm vụ chủ yếu lúc này là nắm tình hình hoạt động của địch, diệt ác, phá tề. Thông qua cơ sở mật bên trong để nắm tình hình tư tưởng, tâm trạng của quần chúng, từ đó phân loại để tuyên truyền, giáo dục và xây dựng cơ sở mật bên trong. Vào giữa năm 1964, mũi công tác Hàm Thắng lớn mạnh (gọi là đội) và hoạt động do Huyện ủy Hàm Thuận chỉ đạo…”.
Những năm 1964 - 1966, phong trào cách mạng Hàm Thuận có nhiều mặt thuận lợi, mỗi xã, thôn đều thành lập chính quyền quân quản, có an ninh thôn. Ngoài việc tập trung xây dựng lực lượng chính trị, quân sự, đội công tác còn huy động mọi lực lượng, các loại vũ khí để đánh địch lấn chiếm, kể cả cải tạo đầu đạn không nổ của địch để đánh xe tăng địch; tiến hành bố phòng xây dựng căn cứ dọc từ đất làng lên đến Xoài Quỳ, Bến Lệ, dốc Cây Sến… Ngoài bố phòng bằng chông, mìn, đội còn sử dụng “bom bi lép” của địch rồi cải tạo lại để gài xung quanh căn cứ đội công tác. Ông Nguyễn Hữu Tín lúc bấy giờ làm Bí thư kiêm đội trưởng đội công tác Hàm Thắng (1964 – 1967) nói rằng: “Nói là căn cứ cách mạng, nhưng thực chất chỉ là mấy bụi tre dọc sông Cái. Chính hệ thống bố phòng này mà tự nó xác định ranh giới phần đất của cách mạng mà địch không dám xâm phạm. Hệ thống chông, mìn đã gây cho địch nhiều tổn thất. “Tiếng dữ đồn xa” cái tên “Căn cứ Xoài Quỳ, Bến Lệ, dốc Cây Sến” là những địa danh địch bất khả xâm phạm. Hầm bí mật được đào nhiều chỗ, nhiều cách: Theo sông, theo mương, trên khô, dưới nước, trong nhà dân… đi đến đâu là có hầm bí mật đến đó và được nhân dân đùm bọc, che chở”.
Dựa vào dân, được dân che chở
Sau 40 năm giải phóng, nhiều căn hầm bí mật ở ven bờ sông Cái thôn Kim Bình đã hư hỏng không còn dấu tích, duy nhất chỉ tồn tại dấu tích căn hầm bí mật Lại Yên của ông Ngô Mân thuộc thôn Thắng Thuận, xã Hàm Thắng đã nuôi giấu cán bộ trong hai cuộc kháng chiến. Ông Sáu Thưởng (Ngô Minh Thưởng) có thời gian gần 3 năm (1970 – 1972) làm Bí thư kiêm đội trưởng đội công tác Hàm Thắng và hiện là chủ ngôi nhà có căn hầm bí mật kể lại: “Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, gia đình tôi đã nuôi giấu hàng chục cán bộ, chiến sĩ tại căn hầm bí mật này, nhiều lần địch theo dõi vào tận nhà dò la tình hình, nhưng không phát hiện được căn hầm bí mật. Nhiều cán bộ cách mạng, cán bộ đội công tác như: Ông Lê Văn Ưng, Nguyễn Hữu Tín, Nguyễn Văn Bốn, bà Ba Hoa… sống và hoạt động tại căn hầm bí mật này dài ngày. Nếu không có dân che chở thì cán bộ cách mạng không thể nào thoát khỏi tai mắt của địch, vì đây là địa bàn bằng phẳng. Hơn nữa tại địa bàn ngoài lực lượng bảo an, dân vệ khoảng 8 đại đội, địch còn có cả hệ thống tề, xã, ấp, cảnh sát dã chiến, cảnh sát đặc nhiệm, mạng lưới gián diệp, chỉ điểm sẵn sàng bắt bớ, đánh đập, bỏ tù anh em đội công tác bất cứ lúc nào”.
Ông Sáu Thưởng kể một câu chuyện khá lý thú: “Lúc đó khoảng 10 giờ sáng, trời nắng gắt, tôi men theo đường mòn qua cánh đồng thì bị địch phát hiện. Chúng đuổi theo, đến chỗ ruộng lúa tôi định nhảy xuống nấp nhưng chị Ba Thanh ở đâu tới chụp lên đầu tôi một cái nón cời rồi nói “chú đi nhanh lên”, còn chị Ba quảy gánh đi hướng khác. Nhờ cái nón cời trên đầu, địch tưởng dân đi làm đồng nên tôi thoát chết. Hay có lần cô Đào biết phía trước có địch phục ém, Đào đã nói: “Anh đi sau để em đi trước, em có chết cũng không sao, anh chết bỏ lại nhiều công việc chưa làm…”. Ông Lê Văn Ưng đã từng làm Bí thư kiêm đội trưởng đội công tác đến ngày giải phóng Hàm Thắng cho hay: “Suốt mười mấy năm hoạt động của đội công tác nhà chị Ba Mun (tên thật là Nguyễn Thị Thanh), thôn Kim Bình, là nơi gặp gỡ, trao đổi công việc của cán bộ cách mạng, đội công tác. Chị Ba Mun đã bị địch mời lên tra hỏi nhiều lần nhưng không khai thác được gì. Bao nhiêu năm một mình chị đã nuôi 6 người con khôn lớn (chồng chị hy sinh năm 1967) và bảo vệ cơ sở mật an toàn.
Suốt 15 năm hoạt động, Đội công tác Hàm Thắng luôn đứng vững và chiến đấu trong lòng địch. Những chiến công của quân và dân Hàm Thuận trong kháng chiến chống Mỹ đều có sự góp sức không nhỏ của đội công tác. Và trong 15 năm ấy, 65 cán bộ, chiến sĩ của đội công tác đã hy sinh trên mảnh đất quê hương Hàm Thắng anh hùng.
Lê Thanh (ghi chép)/Báo Bình Thuận
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét