Theo RT, Tổng thống Vladimir Putin đã thể hiện rõ quan điểm rằng Nga sẽ vẫn tiếp tục đối đầu với Mỹ khi ông tham gia Đối thoại trực tiếp kéo dài 4 giờ đồng hồ trên truyền hình hôm 16/4.
Mối quan hệ giữa Nga với các quốc gia trên thế giới đặc biệt là Mỹ là câu hỏi được nhiều người quan tâm gửi tới Tổng thống Putin trong buổi giao lưu trực tuyến trên truyền hình. Trong đó, ông Putin đã thẳng thắn lên tiếng chỉ trích đường lối ngoại giao mà Mỹ đang thi hành.
"Đối với những nước lớn tự coi mình là trung tâm quyền lực của thế giới, họ không cần đồng minh, họ chỉ cần chư hầu. Tôi đang nói về nước Mỹ. Nga không thể tồn tại trong hệ thống mối quan hệ như vậy", ông Putin nói.
Tổng thống Nga Vladimir Putin trả lời trực tiếp trên truyền hình hôm 16/4. |
Trước đó, vào tháng 12/2014, Tổng thống Putin từng chia sẻ: "Có những lúc, bạn không biết rằng bạn nên nói chuyện với ai thì tốt hơn: đại diện chính phủ các nước hay trực tiếp với Mỹ, quốc gia bảo trợ cho những nước này".
Giới chức cấp cao của Nga cũng đã nhiều lần nhấn mạnh rằng các nhà lãnh đạo phương Tây không hề có chính sách đối ngoại độc lập mà thay vào đó chỉ thừa lệnh của Washington. Điển hình, nhiều quốc gia châu Âu đã đồng loạt lên tiếng tẩy chay và từ chối tới dự buổi lễ kỷ niệm 70 năm ngày Hồng quân Liên Xô đánh bại phát xít Đức trong Thế chiến thứ Hai, được tổ chức vào ngày 9/5 tới. Chính hành động của các nước châu Âu càng khiến điện Kremlin có cơ sở để khẳng định quan điểm của mình.
Ông Putin từng tuyên bố mục đích tổ chức cuộc duyệt binh vào ngày 9/5 là để bày tỏ "sự tưởng nhớ đến các nạn nhân của Đức quốc xã và tri ân đến những người chiến thắng chủ nghĩa phát xít". Tuy nhiên, nhiều lãnh đạo thế giới đã từ chối tham dự sự kiện này khi cáo buộc Moscow ủng hộ phe ly khai ở miền đông Ukraine để chống lại chính phủ Kiev thân phương Tây.
Về phần mình, Tổng thống Putin cũng nhấn mạnh sự thất vọng đối với một số nước châu Âu mà ông từng chú trọng xây đắp quan hệ ngoại giao. Đây cũng là lý do mà Moscow bất ngờ chuyển sang hâm nóng mối quan hệ với Trung Quốc và các nước châu Á. Bởi cơ hội của Nga ở châu Âu đang thu hẹp dần.
Trong nhiều năm qua, các quan chức điện Kremlin thường xuyên nhắc tới câu nói của chính trị gia người Bỉ Jean-Francois Thiriart về một châu Âu thống nhất "từ Dublin tới Vladivostok". Tuy nhiên, giờ đây, giấc mơ về một châu Á hòa hợp "từ Hong Kong tới Kaliningrad" có vẻ gần với thực tế hơn.
Trong thập niên 1960, ông Thiriart từng nhìn nhận châu Âu, là thế lực lớn thứ ba trên thế giới trong những ngày đen tối nhất trong giai đoạn Chiến tranh Lạnh, "chứ không phải là Moscow hay Washington".
Bốn mươi năm sau, nhiều người ở Nga và Đức bao gồm cả Tổng thống Putin và cựu Thủ tướng Đức Gerhard Schroeder, mong muốn tạo ra một sự thay đổi theo quan điểm của ông Thiriart. Theo đó, Moscow và Berlin sẽ hâm nóng mối quan hệ giữa hai nước để đối trọng với sức mạnh của Mỹ và cường quốc mới nổi Trung Quốc. Giấc mơ này đã được nuôi dưỡng suốt nhiều năm qua. Tuy nhiên, khi cuộc khủng hoảng chính trị tại Ukraine bùng nổ, nó đã xóa tan giấc mơ này.
Trong phiên trả lời trực tiếp trên truyền hôm 16/4, Tổng thống Putin cho rằng các quốc gia châu Âu vốn là thành viên trong Liên minh châu Âu (EU) đã biến mình trở thành tù binh trong chính sách ngoại giao của Mỹ. Thậm chí, nhà lãnh đạo Nga còn so sánh hệ thống chính trị của Mỹ hiện nay với đường lối chính trị của hai nhà lãnh đạo Stalin và Nikita Khrushchev trong giai đoạn hậu Xô-viết.
"Sau Thế chiến thứ Hai, chúng ta đã cố gắng dùng sức mạnh để áp đặt mô hình phát triển của mình tại nhiều nước Đông Âu. Chúng ta cần phải thừa nhận sai lầm này khi mà tác động của nó vẫn còn ảnh hưởng tới đất nước chúng ta tới tận bây giờ. Mỹ cũng đang có những hành động tương tự khi cố gắng áp đặt mô hình của mình với toàn thế giới. Họ cũng sẽ thất bại", ông Putin chia sẻ.
Tuyên bố của ông Putin cho thấy nhà lãnh đạo Nga đã sẵn lòng chạy theo một cuộc đua đường dài được giả định là giữa liên minh Nga/Trung với Mỹ/châu Âu. Nhưng một điều chắc chắn là giới lập pháp Nga vẫn hy vọng châu Âu sẽ có sự thay đổi chính sách cho riêng mình. Song, EU hiện đang rơi vào vòng xoáy bất ổn. Nếu liên minh này bị chia rẽ, đây sẽ là cơ hội lớn để Đức có thể thử lấy lại vị trí "trung tâm của châu Âu" trong lĩnh vực kinh tế.
Điều đáng nói, chính sách "trục châu Á" của Nga hiện không nhận được sự ủng hộ lớn từ nội bộ trong nước. Khi mà đa phần quan chức và người dân Nga đều cảm thấy Trung Quốc không đáng tin và đại đa số người dân Nga đều tự nhân mình là công dân châu Âu. Ngay cả Đức, Nhật Bản, Ý và Pháp cũng đều mong muốn Nga quay trở lại khối G8.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo hãng tin Russia Today (RT). RT hiện có khoảng 1.000 chuyên gia truyền thông trên toàn thế giới. RT chuyên nắm bắt những câu chuyện và vấn đề thường bị các phương tiện truyền thông bỏ qua để tạo ra những tin tức ở một khía cạnh rất khác biệt.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét