Chỉ chưa đầy một tuần sau chuyến công du của tổng thống Mỹ Barack Obama đến New Deli, Ấn Độ cùng Nga đã góp thêm tiếng nói của mình ủng hộ đề xuất trật tự thế giới mới của Bắc Kinh.
Theo đó, lãnh đạo hai nước Ấn-Nga đều đồng tình với Trung Quốc trong việc “xây dựng một trật tự chính trị và kinh tế đầy tin cậy, công bằng và ổn định hơn nữa” song song với một môi trường thế giới “đa cực”.
Ngoại trưởng ba nước Nga - Trung - Ấn (lần lượt từ trái sang phải: ông Sergey Lavrov - Nga, ông Vương Nghị - Trung Quốc, bà Sushma Swaraj - Ấn Độ)
Vừa qua Ngoại trưởng Ấn Độ Sushma Swaraj cũng phát biểu: “Như những quốc gia mới nổi khác, Trung Quốc, Nga và Ấn Độ đều có cùng lập trường trên nhiều vấn đề toàn cầu và khu vực.”
Theo đài CCTV (Trung Quốc), bà Swaraj cho rằng việc hợp tác đa phương như thế này không nằm ngoài mục tiêu thúc đẩy hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực và thế giới, cũng như “đóng góp cho việc xây dựng một trật tự quốc tế cân bằng và dân chủ hơn”.
Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị nhận định, năm 2015 sẽ là một cột mốc quan trọng đánh dấu 70 năm kết thúc chiến tranh thế giới thứ hai và sẽ là năm mở ra “một cơ hội mới cho các quốc gia trên thế giới nhớ về lịch sử và nhìn về tương lai”.
Trung Quốc đã giành được sự đồng tình của Nga-Ấn về "trật tự thế giới mới"?
Vì vậy, đáp ứng lời kêu gọi của Trung Quốc, ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov mong muốn cộng đồng quốc tế cần cẩn trọng hơn với khuynh hướng phát xít hóa và đề xuất các quốc gia nên tham gia thành lập một “công trình an ninh hiện đại” tại châu Á-Thái Bình Dương.
Người đồng cấp Trung Quốc cũng nhân đó bổ sung rằng khu vực không nên đi theo lối mòn của các trò chơi “tổng bằng không” (ngụ ý cuộc một cuộc chạy đua quyền lực mà một bên đạt được lợi ích thì bên còn lại phải hy sinh hay bị cướp mất lợi ích – NV).
Tuyên bố của Bắc Kinh đã được hai nước ủng hộ trong bối cảnh quan hệ Trung-Nga và đặc biệt là Trung-Ấn vấp phải một số cản trở về vấn đề niềm tin. Một số ý kiến cho rằng quan hệ Mỹ-Ấn Độ được cải thiện rõ rệt trong thời gian gần đây một phần cũng vì những mối lo ngại Trung Quốc sẽ trỗi dậy mạnh mẽ trong khu vực.
Tuy nhiên chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình tin rằng quan hệ Bắc Kinh và New Deli vẫn đang có những chuyển biến tốt đẹp. Trong cuộc gặp cấp cao với Ngoại trưởng Ấn Độ hôm thứ hai, ông Tập nhận xét tình hình hợp tác của hai nước đã “sang trang mới” tích cực hơn, trong đó ông cam kết sẽ không cho “khác biệt tác động đến cục diện chung trong quan hệ hợp tác”.
Hồng Phạm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét