(PL&XH) - Mỹ đang ủng hộ việc giải quyết cuộc khủng hoảng ở miền Đông Ukraine bằng các biện pháp quân sự. Đây là tuyên bố được Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đưa ra sau khi truyền thông Mỹ đưa tin, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và chính quyền Washington đang xem xét khả năng cung cấp vũ khí sát thương và thiết bị quân sự cho quân đội Ukraine.
Chiến lược của Mỹ
Theo tờ Thời báo New York, chính quyền của Tổng thống Barack Obama và NATO đang xem xét viện trợ vũ khí phòng thủ cho quân đội Ukraine. Tuy nhiên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psakicho biết Washington vẫn đang cân nhắc các phương án hỗ trợ chính quyền Ukraine và chưa đưa ra quyết định về khả năng cung cấp vũ khí sát thương cho Kiev hay không. Ngay sau đó, phát biểu trong khuôn khổ chuyến thăm Trung Quốc, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov ngày 2-2, đã cáo buộc Mỹ đang ủng hộ việc giải quyết cuộc khủng hoảng ở miền Đông Ukraine bằng các biện pháp quân sự. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov khẳng định: “Hiện đã có thể xác nhận rằng Mỹ trực tiếp liên quan đến cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine ngay từ đầu. Tuyên bố của Tổng thống Barack Obama cho thấy ý định của Washinngton về việc tiếp tục làm tất cả những gì có thể để hỗ trợ chính quyền Kiev một cách vô điều kiện và họ muốn sử dụng giải pháp quân sự cho cuộc xung đột này”.
Trước đó, phát biểu trong chuyến thăm Hungary, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã khẳng định, Berlin sẽ không cung cấp vũ khí cho Ukraine, bởi đây không phải là cách giải quyết vấn đề hiện nay. Giới chức Ủy ban về các vấn đề quốc tế của Nga cũng cho rằng, việc cung cấp vũ khí sát thương cho Ukraine sẽ chỉ làm xung đột leo thang trầm trọng hơn nữa, và nó cho thấy cả Kiev cùng Washington đều lựa chọn sử dụng các biện pháp quân sự để giải quyết khủng hoảng. Thông báo của Điện Kremlin cùng ngày nêu rõ, Tổng thống Nga Vladimir Putin bày tỏ quan ngại về tình hình miền Đông Ukraine và hối thúc các bên xung đột chấm dứt các cuộc giao tranh quân sự. Trong khi đó, lãnh đạo CHND Donetsk và Lugansk tự xưng cho biết sẵn sàng chấm dứt giao tranh và ủng hộ các cuộc đàm phán hòa bình.
Tháng 4-2004, Bộ Quốc phòng Anh đã công bố một báo cáo cho rằng, phương Tây cần phải "làm rõ tư tưởng và chiến lược đối với Ukraine". Ông Donald D. Asmus, cựu Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách khu vực châu Âu, người đã giữ một vai trò quan trọng trong việc mở rộng Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đồng thời là tác giả của "Chiến lược hòa nhập Ukraine vào phương Tây" lập luận rằng, một trong những lý do khiến Ukraine quan trọng về chiến lược như vậy liên quan đến "Kế hoạch Đại Trung Đông" của Mỹ. Để chống lại những mối đe dọa đối với an ninh xuyên Đại Tây Dương, ông Asmus cho rằng: "Phương Tây phải ủng hộ Thổ Nhĩ Kỳ, Ukraine trong khu vực biển Đen với tư cách là những phần của cộng đồng chúng ta và với tư cách là nền tảng tạo ra sự ổn định và ảnh hưởng ở phía Đông và phía Nam. Thay vì coi khu vực này là vùng ngoại vi cực Đông của phương Tây hiện nay, cần phải coi nó là trung tâm chiến lược của chúng ta để từ đó chúng ta có thể mở rộng ảnh hưởng và quyền lực trong khu vực Đại Trung Đông". Ngoài ra, mục tiêu khác là ngăn chặn những tham vọng tiềm tàng của Nga mở rộng ảnh hưởng trong khu vực.
Một Ukraine dân chủ và vững mạnh là "một sự khích lệ tốt và một sự bảo vệ" trước Nga. Ông Asmus còn úp mở cho thấy mục tiêu cuối cùng là thay đổi chế độ ở Nga. Ông này nói: "Khi tôi làm việc ở Bộ Ngoại giao trong những năm 1990, tôi đã nói với đồng nghiệp rằng chúng ta phải nghĩ tới một chính sách trong 10 năm, 25 năm và 50 năm tới. Phương Tây sẽ bị coi là thất bại nếu trong thập niên tới chúng ta không thể ủng hộ và lôi kéo Trung Âu và Đông Âu. Chúng ta phải chiến đấu và chiến thắng trong cuộc chiến trí tuệ và chính trị vì mục tiêu một Liên minh châu Âu mở rộng bao gồm cả Ukraine. Và Ukraine sẽ phải giúp chúng ta chiến thắng trong cuộc chiến này bằng những hành động cụ thể của mình...".
Washington cũng cho rằng việc thực hiện chiến lược mở rộng NATO ra toàn châu Âu đòi hỏi sự ủng hộ tích cực và vai trò lãnh đạo sáng suốt của Mỹ, kể cả việc tìm mọi cách để đưa các nước cộng hòa ở Trung Á thuộc Liên Xô trước đây vào vòng ảnh hưởng của liên minh này. Thực tế cho thấy Mỹ đã sử dụng triệt để sức mạnh chính trị của mình cũng như những khoản viện trợ kinh tế to lớn và là "chất xúc tác" có vai trò rất quan trọng để thúc đẩy một loạt cuộc cải cách nội bộ tại nhiều quốc gia theo hướng "thân phương Tây". Các tổ chức phi chính phủ (NGOs) của Mỹ và các nhóm tư nhân khác cũng giữ một vai trò không nhỏ trong việc "giúp đỡ" Ukraine.
Binh sĩ Ukraine tại tỉnh Donetsk. Ảnh : TL
Mối quan ngại của Tổng thống Putin
Theo mạng tin "Stratfor", những diễn biến mới cuối tuần qua liên quan đến cuộc khủng hoảng ở Ukraine cho thấy cuộc đối đầu giữa Nga và phương Tây có thể đang tới thời khắc quyết định. Đụng độ tiếp tục diễn ra giữa các lực lượng an ninh Ukraine và quân ly khai ở miền Đông Ukraine trong khi vòng đàm phán hòa bình mới nhất ở Minsk đổ vỡ sau vài giờ. Ngay sau khi đàm phán thất bại, lãnh đạo nước Cộng hòa Donetsk tự xưng thông báo rằng, một cuộc tổng động viên khoảng 100 nghìn quân sẽ được triển khai trong 2 tuần tới. Trong khi đó, theo tờ “Thời báo New York”, Mỹ đã xem xét nghiêm túc việc cung cấp cho quân đội Ukraine vũ khí sát thương. Mỹ coi đây là sự hỗ trợ mang tính phòng thủ nhưng bị Nga và lực lượng ly khai bác bỏ.
Tất cả những sự kiện gần đây có thể dẫn tới nguy cơ leo thang xung đột ở Ukraine, tuy nhiên câu hỏi đặt ra là sự leo thang này sẽ dẫn tới đâu. Trong suốt cuộc khủng hoảng kéo dài hơn một năm nay, đã có nhiều tuyên bố đạt được giải pháp cũng như về những vi phạm thỏa thuận ngừng bắn khi đối thoại chính trị giữa các đại diện khác nhau diễn ra. Một điều rõ ràng là tất cả các lựa chọn vẫn còn nguyên vẹn trong cuộc đối đầu này, bao gồm cả nguy cơ để xảy ra xung đột quân sự lớn hơn.
Điều này đặt Nga vào thế khó khăn. Một nền kinh tế đang suy yếu đã tạo nhiều áp lực trong nước lên Tổng thống Nga Vladimir Putin, và mặc dù phần lớn người Nga phản đối can thiệp quân sự trực tiếp và công khai ở Ukraine, song nếu phải đầu hàng phương Tây trong một cuộc tranh giành nước có vị trí chiến lược như Ukraine thì nó sẽ dẫn tới hậu quả nghiêm trọng. Vấn đề cũng đặc biệt nhạy cảm khi xét tới những hạn chế của ông Putin trong điện Kremlin khi phải dung hòa lợi ích của các phe phái quyền lực khác nhau. Bối cảnh này củng cố tầm quan trọng của việc tăng cường xung đột ở các khu vực quan trọng như sân bay Donetsk và Mariupol. Những động thái này có thể nhằm phô diễn khả năng của Nga nhằm làm suy giảm lực lượng của Ukraine trên chiến trường trong khi vẫn thúc đẩy các cuộc đàm phán về tương lai của Ukraine. Tuy nhiên, Mỹ và các quốc gia láng giềng của Nga không thể loại trừ khả năng động thái này có thể là tiền đề cho cuộc tấn công quân sự quy mô hơn của Nga. Tổng thống Putin có thể đang tính toán rằng nếu có triển khai một chiến dịch quân sự quy mô lớn nào thì tốt nhất là thực hiện ngay, trước khi phương Tây tăng sự hiện diện và trợ giúp Ukraine và các nước xung quanh.
Điều này không khẳng định rằng một cuộc chiến rộng lớn hơn là không thể tránh khỏi. Có một số kịch bản có thể xảy ra như cuộc khủng hoảng có thể giải quyết bằng thương lượng hoặc xảy ra một cuộc xung đột quân sự quy mô lớn ở Ukraine. Cuộc xung đột này có thể sẽ tiếp tục trong thời gian dài. Nhưng có một thực tế rằng, ông Putin sẽ phải cân nhắc các lựa chọn và việc tiếp tục với chiến thuật hiện nay có thể không nằm trong số các lựa chọn đó.
Ngọc Anh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét