NATO lập Lực lượng phản ứng nhanh đề phòng Nga |
Các nước thành viên khối liên minh phòng thủ Bắc Đại Tây dương ở phía Bắc lo ngại nỗi đe dọa ngày càng lớn của Nga, trong khi các đồng minh ở miền Nam lại lo sự gia tăng quân nước ngoài từ Bắc Phi châu.
Ông Hagel đề nghị tất cả các đồng minh phải cùng lúc giải quyết những thử thách ở tất cả các mặt trận. Ông nói tại cuộc họp báo ở Brussels:
"Tôi rất lo trước những ám chỉ rằng khối liên minh quân sự này có thể chỉ tập trung vào một trong những lãnh vực trọng tâm của chúng ta. Khả năng của NATO xử lý tất cả những thách thức cùng lúc, ở phía đông, phía nam và bên ngoài là nhiệm vụ tương lai của NATO.
Đây là lúc phải đoàn kết, chia sẻ nhiệm vụ và đầu tư thông minh, dài hạn vào khả năng quân sự. Chúng ta phải cùng nhau giải quyết cùng lúc tất cả những thách thức của khối liên minh này”.
Ông Hagel phải từ chức vì sức ép của chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama, có thể sẽ được thay thế bởi ông Ashton Carter từ tuần tới.
Thực tế là Bắc - Nam NATO bị chia rẽ từ lâu. Từ năm ngoái, cuộc tranh luận này càng nóng hơn, khi Nga đe dọa sườn phía bắc NATO và quân khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) khủng bố ở sườn phía Nam.
Theo hãng tin AP, việc Nga sáp nhập Crimea và bị phương Tây cáo buộc là giúp quân ly khai ở miền đông Ukraine, đã khiến các nước Đông Âu, gồm 3 nước vùng biển Baltic (Estonia, Latvia và Litva) cùng Ba Lan lo sợ rằng rồi sẽ đến phiên họ bị Nga “ngắm nghía”.
Đó là lý do các Bộ trưởng Quốc phòng thuộc khối NATO muốn tăng gấp đôi số quân Lực lượng phản ứng nhanh, từ 13.000 lên 30.000 quân, cùng một đạo quân “mũi lao” 5.000 quân có thể triển khai nhanh vào bất kỳ lúc nào trong vòng vài ngày.
Các mục tiêu này nhằm có thể ngăn chặn các hoạt động của Nga ở Ukraine, dù một số người nói khả năng này có thể sử dụng để giải quyết những cuộc khủng hoảng khác.
Trong khi đó, ngày càng có nhiều tay súng nước ngoài từ bắc châu Phi, gồm những nhóm đã liên kết với IS, gây bất ổn tại nhiều khu vực, gieo rắc nỗi sợ bị tấn công khủng bố ở nhiều nước thuộc Nam Âu.
Các vụ tấn công vào tòa soạn báo Charlie Hebdo và siêu thị ở Paris (Pháp) chỉ làm tăng thêm nỗi lo sợ này.
Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Ý và Thổ Nhĩ Kỳ không lo ngại Moscow, chỉ theo dõi IS đang hoạt động ở Syria và Iraq. Hàng ngàn người tỵ nạn đã tràn đến biên giới của họ và chiến binh IS từ Bắc Phi đang thâm nhập.
Các nước này cho rằng NATO nên tập trung sức lực giải quyết bọn cực đoan và bọn buôn lậu ma túy, vũ khí và buôn người.
Derek Chollet, cho đến tháng trước còn là trợ lý Bộ trưởng quốc phòng Mỹ phụ trách an ninh quốc tế, nói cho đến nay vẫn chưa xảy ra việc NATO chia rẽ vì những quan điểm khác nhau, như một số người nhận định.
Nhưng ông cũng nói cần phải làm nhiều việc để củng cố khối liên minh quân sự này. Ông bảo thông điệp của Mỹ gởi NATO là “không thể chỉ lo lắng một vấn đề mà quên mất vấn đề khác. Dù chúng rất khác, nhưng đều là thách thức cho liên minh”.
Bảo Vĩnh (theo AP, Reuters)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét