TPO - Một ngày sau cuộc gặp Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko tại thủ đô Kiev, hôm nay, ngày 6/2, hai nhà lãnh đạo của Đức, Pháp tới Nga thực hiện tham vấn và bàn giải pháp tháo gỡ khủng hoảng ở Ukraine.
Ba nhà lãnh đạo Nga - Pháp - Đức ngày hôm nay, 6/2, sẽ có cuộc gặp quan trọng nhằm tháo gỡ cuộc khủng hoảng ở Ukraine
Phát ngôn viên điện Kremlin, ông Dmitry Peskov vừa xác nhận: 'Ngày 6/2, Tổng thống Nga Vladimir Putin, Tổng thống Pháp Francois Hollande cùng Thủ tướng Đức Angela Merkel sẽ có cuộc hội đàm ở Moscow. Ba vị lãnh đạo này sẽ bàn thảo những gì mỗi nước có thể làm để nhanh chóng kết thúc cuộc nội chiến gần đây đang leo thang mạnh mẽ và gây nhiều thương vong tại miền đông Ukraine”. Trước đó, phát biểu tại một cuộc họp báo, Tổng thống Pháp nói: “Tôi và Thủ tướng Đức Merkel đã quyết định sẽ đề ra một sáng kiến mới để giải quyết khủng hoảng Ukraine. Chúng tôi sẽ đưa ra một đề xuất mới cho vấn đề này dựa trên toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine”, theo RT.
Tư lệnh tối cao của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tại châu Âu, tướng Philip Breedlove tuyên bố bất kỳ động thái nào (của Mỹ hay phương Tây) nhằm cung cấp vũ khí sát thương cho Ukraine cần phải tính tới phản ứng gay gắt từ phía Nga. Tuyên bố trên được đưa ra trong bối cảnh Mỹ đang cân nhắc viện trợ vũ khí sát thương cho Ukraine để hỗ trợ Kiev bảo vệ các lực lượng dọc biên giới trước sự tấn công ngày càng mạnh của phe ly khai, theo Reuters.
Quốc hội Ukraine ngày 5/2 đã thông qua luật cho phép các chỉ huy sử dụng súng trong trường hợp binh sỹ dưới quyền bất tuân lệnh.
Theo đó: “Chỉ huy có quyền sử dụng các biện pháp vũ lực, các phương tiện đặc biệt, và trong trường hợp chiến đấu - sử dụng vũ khí hoặc ra lệnh cho các binh sỹ dưới quyền sử dụng những phương tiện đó, nếu không còn cách nào khác để chấm dứt hành động phạm tội của người dưới quyền”. Các hành động bất hợp pháp bao gồm: Thực hiện tội ác, liên quan tới bất tuân lệnh, chống lại hoặc đe dọa hành hung cấp trên, cũng như tự ý bỏ vị trí quân sự và những khu vực nhất định của các đơn vị quân đội khi thực hiện nhiệm vụ quân sự, theo Unian.
Tổng thống Nga Vladimir Putin ký nghị định gọi các quân nhân dự bị tham gia huấn luyện quân sự năm 2015. Nghị định chính thức có hiệu lực kể từ ngày 5/2/2015. Theo đó, hoạt động tập trung huấn luyện được tổ chức hàng năm. Theo một số chuyên gia, đây là công tác tập huấn theo kế hoạch nhưng đồng thời có thể liên quan tới tình hình căng thẳng trên thế giới, đặc biệt là xung đột ở phía đông Ukraina. (Xem chi tiết).
Ngày 5/2, Mỹ và Hàn Quốc đã bắt đầu cuộc tập trận hải quân chung trong ba ngày ở vùng biển gần bán đảo Triều Tiên, với sự tham gia của các tàu hải quân Hàn Quốc và tàu ngầm hạt nhân Mỹ USS Olympia (SSN-717) cùng khoảng 120 thủy thủ. Hải quân Mỹ nhấn mạnh, đây là hoạt động tập trận thông thường, diễn ra định kỳ theo kế hoạch, với mục đích tăng cường năng lực và sự hợp tác giữa hai bên cũng như nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu. Cùng ngày, Không quân Hàn Quốc cho biết, đã bắt đầu cuộc tập trận quy mô lớn trên không mang tên "Ðại bàng tung cánh 2015" trong hai tuần tại một căn cứ không quân cách thủ đô Seoul 137 km về phía nam, với sự tham gia của khoảng 40 máy bay chiến đấu hạng nhẹ có trang bị các hệ thống vũ khí tiên tiến nhất cùng 320 binh sĩ, theoYonhap.
Ba phiến quân Trung Quốc bị Nhà nước Hồi giáo (IS) hạ sát vì định bỏ trốn sau khi gia nhập hàng ngũ của nhóm cực đoan này. Global Times tối ngày 5/2 dẫn lời một quan chức an ninh người Kurd ở Syria cho hay một người Trung Quốc đã bị IS "bắt, xét xử và bắn chết" vào cuối tháng 9 năm ngoái. Người này cảm thấy thất vọng với cuộc chiến của các phiến quân Hồi giáo và định quay về Thổ Nhĩ Kỳ để học đại học. "Hai phiến quân Trung Quốc khác bị chặt đầu vào cuối tháng 12 ở Iraq, cùng 11 người khác từ 6 nước. IS buộc tội họ phản bội và có ý định bỏ trốn", quan chức này nói.
Jordan đang cân nhắc mở chiến dịch quân sự trên bộ chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, sau khi IS giết hại một phi công của vương quốc này. Nhật báo Al-Arab al-Youm đặt tại Amman tiết lộ rằng chính quyền nước này đang xem xét các biện pháp nhằm giáng một "đòn tấn công chớp nhoáng" vào IS. Theo đó, Chính phủ Jordan sẽ đánh giá lại chiến lược trong khuôn khổ liên minh quốc tế do Mỹ cầm đầu chống IS.
Quốc hội mới của Hy Lạp ngày 5/2 đã tuyên thệ nhậm chức và triệu tập phiên họp đầu tiên kể từ cuộc bầu cử hôm 25/1 đưa phe cánh tả lên nắm quyền. Phiên họp do Thủ tướng Alexis Tsipras triệu tập đã đánh giá giải pháp cho cuộc khủng hoảng nợ của Hy Lạp, kết quả các cuộc gặp giữa ông với giới chức châu Âu trong những ngày qua. Dự kiến vào cuối tuần này, ông Tsipras sẽ công bố chính sách của chính phủ, trong khi cuộc bỏ phiếu tín nhiệm đối với chính phủ của ông sẽ diễn ra vào tối 9/2.
Ngày 5/1, Tổ chức Y tế Thế giới cho biết, lần đầu tiên kể từ đầu năm, số ca mắc Ebola đã tăng trở lại và cảnh báo, mùa mưa sắp tới có thể làm phức tạp các nỗ lực kiểm soát dịch bệnh. Tổ chức Y tế thế giới cho biết, tuần trước có 124 ca mắc, tăng 99 ca so với tuần trước đó. Tại Sierra Leone, chỉ có 21% số ca mắc mới được xác định rõ nguyên nhân lây nhiễm. Điều đó có nghĩa là các quan chức y tế chưa nắm rõ nguyên nhân lây nhiễm của đa số bệnh nhân mới để có thể tìm ra cách khống chế dịch. Tới nay, virus Ebola đã làm gần 9.000 người chết và tỷ lệ tử vong lên tới 50 - 60% đối với những bệnh nhân nhập viện ở Tây Phi, theo AP.
Trung Quốc ngày 5/2 đã lên án Phương Tây “phỉ báng” Nhóm các nền kinh tế mới nổi khi tập trung chỉ trích những khó khăn kinh tế của BRICS (bao gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi), mà bỏ qua những nỗ lực cải cách cơ cấu để thúc đẩy tăng trưởng toàn cầu và giảm bớt sự phụ thuộc vào thị trường bên ngoài của khối này. Trung Quốc cho rằng trong thời đại toàn cầu hóa, sự khác biệt không còn cản trở sự hợp tác, mà ngược lại đã mở ra sự hợp tác cùng thắng và BRICS hiện nay là một động lực chính cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong khi các nước phương Tây trượt vào suy thoái, theo PTI.
Post by Báo Tiền Phong.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét