Ảnh minh họa. |
Theo RFI, từ nhiều tháng qua, chính quyền thân phương Tây của tổng thống Porochenko liên tục yêu cầu Âu, Mỹ cấp vũ khí để đối phó với các lực lượng nổi dậy thân Nga ở miền Đông Ukraine.
Cho đến tận hôm 4/2, tổng thống Ukraine vẫn kêu gọi Liên minh Bắc Đại Tây Dương hỗ trợ để chống lại "quân xâm lược". Pháp và Đức đã lập tức bác bỏ khả năng giao vũ khí cho Ukraine. Mọi hy vọng của Kiev đang hướng về phía Hoa Kỳ. Từ tháng 11/2014 Mỹ đã giải ngân 118 triệu USD để hỗ trợ cho quân Ukraine, chủ yếu là cung cấp áo chống đạn, một số trang thiết bị y tế và radar cho quân đội nước này.
Vài giờ trước khi tiếp John Kerry, Ngoại trưởng Ukraine Pavlo Klimkine đánh tiếng, quân đội Ukraine đang cần được trang bị những loại vũ khí tối tân để đương đầu với phe nổi dậy được Nga yểm trợ. Ngoại trưởng Ukraine không vòng vo: "Đương đầu với Nga, Ukraine không thể giành được chiến thắng, nhưng Kiev không thể đầu hàng".
Ông Klimkine nêu lên những khó khăn cụ thể của quân đội Ukraine hiện nay. Đó là quân nổi dậy đã có khả năng theo dõi những trao đổi thông tin của bên quân đội, để từ đó điều chỉnh chiến lược.
Một bản báo cáo độc lập được nhiều nhóm nghiên cứu Mỹ công bố hôm đầu tuần (2/2/2015) kêu gọi Hoa Kỳ cung cấp vũ khí cho Ukraine, trực tiếp hỗ trợ cho quân đội nước này với những phương tiện quan trọng hơn (…) so với những gì đã được thực hiện tới nay (…) kể cả việc cung cấp vũ khí sát thương. Báo cáo nói trên nêu lên khả năng viện trợ quân sự của Mỹ cho Ukraine có thể lên tới ba tỷ USD.
Cũng bản báo cáo này ghi nhận quân đội Ukraine đang thiếu một cách nghiêm trọng các phương tiện tối tân, từ radar chống pháo tới máy bay không người lái, từ các phương tiện gây nhiễu sóng của đối phương tới tên lửa chống xe thiết giáp.
Trước mắt, các nhà quan sát cho rằng, Washington đang nghiên cứu khả năng cấp tên lửa chống tăng Javelin cho Kiev. Đây là một lại vũ khí lợi hại, đã từng được sử dụng trong thời kỳ chiến tranh Iraq hồi năm 2003, để đối phó với loại xe tăng T-72 mà Nga đã trang bị cho quân đội Iraq.
Vẫn theo báo cáo nói trên, Hoa Kỳ cũng cần cung cấp hệ thống radar cho quân đội Ukraine để định vị các giàn phóng rocket Grad hiện đang được quân nổi dậy sử dụng rộng rãi. Ngoài ra, quân đội Ukraine cũng rất cần được trang bị máy bay không người lái hay các loại xe tải hiện đại. Tuy nhiên báo cáo của các chuyên gia Mỹ nhìn nhận: bên cạnh việc hỗ trợ về các phương tiện quân sự, quốc tế cũng cần phải tiếp tay với Ukraine về mặt y tế và nhân đạo, do cơ sở y tế của quân đội Ukraine quá yếu kém.
Tóm lại, Kiev cần được Washington trang bị quân sự vào lúc mà quân đội Ukraine hãy còn phải sử dụng những thiết bị có từ thời Liên Xô cũ. Ở phía bên kia, thì quân nổi dậy lại được Nga yểm trở bằng những phương tiện tối tân.
Đối với Hoa Kỳ, quyết định cấp vũ khí cho Ukraine hay không sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến quan hệ Mỹ- Nga. Còn đối với bản thân Ukraine, cho dù có thuyết phục được Washington đi chăng nữa, có được trang thiết bị quân sự hiện đại là một chuyện, đào tạo nhân sự để sử dụng được những trang thiết bị đó lại là một chuyện khác. Điều đó đòi hỏi thêm thời gian.
Chính vì vậy mà Kiev đang kỳ vọng sẽ thảo luận với Ngoại trưởng Kerry không chỉ thuần túy về vế quân sự mà bao gồm luôn cả vế đào tạo nhân sự và kỹ thuật.
H.THANH
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét