Quân đội Nga diễu binh Ngày chiến thắng phát xít 9.5 |
Nhật báo Izvestia ngày 3.2 đưa tin: nghị sĩ Nga đòi Đức đền bù tổn thất Thế chiến 2, khi có thể quốc hội Nga lập tổ đặc nhiệm ước tính sự tổn thất do Đức gây ra đối với Nga hồi gần 70 năm trước.
Ý tưởng này được xem là cách phản ứng trực tiếp với việc Mỹ và EU cấm vận kinh tế Nga, với cớ Moscow chiếm bán đảo Crimea hồi tháng 3.2014, và tiếp tục ủng hộ quân ly khai ở miền đông Ukraine. Moscow đã phủ nhận các cáo buộc này.
Tác giả ý tưởng thuộc danh sách bị Mỹ và EU cấm vận
Người đề xuất lập tổ đặc nhiệm để Nga đòi Đức đền bù tổn thất Thế chiến 2 là nghị sĩ Mikhail Degtyaryov của đảng Tự do Dân chủ Nga (LDPR).
Ông nói: “Thực tế là Đức không hề bồi thường cho Liên Xô về sự tàn phá và hành vi dã man của phát xít Đức hồi Thế chiến 2”.
Ông nói thêm: “Sau hội nghị Yalta, Liên Xô đã nhận lại một số tài sản bị Đức chiếm, gồm đồ nội thất bị hôi của, quần áo, công cụ công nghiệp và chút ít chiến lợi phẩm, nhưng nói chung, không hề có sự bồi thường nào cho sự sa sút kinh tế Liên Xô do cuộc chiến Đức gây ra”.
Theo ông Degtyaryov, Đông Đức không bị bồi thường, vì Đông Đức và Liên Xô từng có thỏa thuận hợp pháp là không đòi mỗi bên bồi thường. Nhưng thỏa thuận này không hề có giữa Liên Xô với Tây Đức.
Và sau khi Liên Xô sụp đổ, Đức thống nhất hai miền đông-tây, thì Cộng hòa liên bang Đức phải chịu trách nhiệm bồi thường chiến tranh.
Ông Degtyaryov, nói: “Tệ hơn nữa, Đức tiếp tục gây tổn thất kinh tế cho Nga, bằng cách cùng Mỹ và EU gia hạn cấm vận thêm 6 tháng, khiến kinh tế Nga đang suy thoái nặng, cùng việc đồng rúp bị rớt giá hơn một nửa so với đồng USD.
Nghị sĩ trẻ Degtyaryov (thứ hai từ phải qua) |
Ông Degtyaryov là một trong số những cá nhân và công ty Nga bị Mỹ và EU cấm vận, do ông ủng hộ phe ly khai ở miền đông Ukraine. Nhưng hồi tháng 7, ông tỏ ra không ngán lệnh cấm vận này, vì ông không có tài sản ở nước ngoài để bị niêm phong, và lệnh cấm vận không hề tác động tới ông.
Ông nói: “Thời Thế chiến 2, khoảng 30% kho tàng, di sản Nga đã bị phá hủy, 1.710 thành phố Liên Xô bị san bằng, cùng với 70.000 thị trấn, làng mạc, 32.000 khu công nghiệp, 100.000 nông trại”.
Đây là những số liệu đánh giá thiệt hại sau Thế chiến 2 của Ủy ban Liên Xô thời lãnh tụ Stalin.
Theo ông Degtyaryov, các tổn thất vật chất này có giá trị 600 tỷ USD, và ông nhắc lại việc Đức cũng phải bồi thường 60 tỷ euro cho Israel, vì chế độ phát xít Đức từng xử tử hơn 6 triệu người Do Thái trong các lò hơi ngạt.
Ông nói Nga bị tổn thất nhiều hơn, vì nhân dân Liên Xô bị quân phát xít Đức giết ngay trên lãnh thổ Nga:
“Đức bồi thường cho 6 triệu nạn nhân của lò hơi ngạt, nhưng lại phớt lờ 27 triệu công dân Liên Xô bị giết, 16 triệu người trong số này là người dân yêu chuộng hòa bình.
Sau khi xem xét các yếu tố này, xem ra Đức nợ Nga số tiền bồi thường chưa đến 3 hoặc 4 ngàn tỷ euro, theo tỷ giá hối đoái hiện nay”, tức từ 3,43 đến 4,56 ngàn tỉ USD.
Cách nhắc khéo bà Merkel phải tri ân Liên Xô
Theo Newsweek, Nga không là quốc gia duy nhất đòi Đức bồi thường tổn thất Thế chiến 2. Vài năm qua, Hy Lạp ngày càng đòi Đức đền bù, nhất là khi Hy Lạp phải chịu cảnh thắt lưng buộc bụng do Đức áp đặt.
Ông Degtyaryov hy vọng các nước khác sẽ tham gia tổ đặc nhiệm để yêu cầu Đức bồi thường, và ông mời các đại diện Belarus, Ukraine cùng các nước thuộc Liên Xô cũ tham gia.
Chủ tịch tiểu ban quốc phòng thuộc quốc hội Nga, Đô đốc Vladimir Komoedov hoan nghênh đề xuất này, nêu “hậu quả chiến tranh là sự mất mát nguồn vốn nhân lực” cho Liên Xô.
Ông nói: “Nếu không có Thế chiến 2, dân số Nga ngày nay phải là 300-400 triệu dân, và chúng ta sẽ ở trong một điều kiện kinh tế hoàn toàn khác”.
Lão vệ binh Liên Xô trong Ngày chiến thắng phát xít 9.5 |
Đề xuất của ông Degtyaryov cũng nhận được sự ủng hộ của nhà sử học Sergey Fokin, người nói tổ đặc nhiệm có thể giúp nhắc nhớ nữ Thủ tướng Đức Angela Merkel, rằng Nga đã đóng góp lớn vào việc đánh bại phát xít Đức.
Ông nói: “Nhiều khả năng Đức sẽ chẳng bồi thường cái gì cả về chuyện này, nhưng điều cần thiết là nó nhắc nhở chúng ta về lịch sử. Có lẽ bà Merkel, người tích cực cấm vận Nga, sẽ chẳng bao giờ có thể chào đời, nếu như người thắng trận đã không đối xử tử tế với kẻ thất trận”.
Ông Fokunin ám chỉ các chương trình trợ cấp xã hội do Liên Xô tổ chức ở Đông Đức sau khi Thế chiến 2 kết thúc. Bà Merkel lớn lên ở một thị trấn phía bắc Đông Berlin, là Thủ tướng Đức đầu tiên xuất thân là công dân Đông Đức.
"Ý tưởng rác rưởi và ngu ngốc nhất"
Để phản ứng với lệnh cấm vận Nga của Mỹ và EU, quốc hội Nga cũng xem xét lại lịch sử, nêu rằng quân Tây Đức cũ chiếm Đông Đức để có nước Đức thống nhất năm 1990, sau khi Bức Tường Berlin sụp đổ năm 1989.
Các nghị sĩ Nga thừa nhận cơ hội thắng kiện đòi Đức bồi thường rất thấp, nhưng điều quan trọng là nhắc nhớ dân Nga về lịch sử.
Nhưng theo trang tin RT, Nga có thể làm trầm trọng thêm căng thẳng với phương tây: một số nghị sĩ phản đối, như phó chủ tịch tiểu ban đối ngoại Hạ viện Nga, ông Vladimir Dzhabarov nói:
Tất cả những vấn đề bồi thường giữa Liên Xô và Đức đã giải quyết xong hồi những năm 1950, nay quay trở lại vấn đề này chỉ gây thêm rắc rối.
Nhật báo Rossiiskaya Gazeta dẫn lời ông: “Tất cả những gì chúng ta đạt được khi đưa ra vấn đề này là sự suy thoái trong quan hệ với Đức vốn không tốt đẹp lúc này. Nga đã có đủ những rắc rối rồi”.
Nghị sĩ Vyacheslav Nikonov của đảng Nước Nga thống nhất (cầm quyền) là chủ tịch tiểu ban giáo dục Hạ viện Nga, ra tuyên bố:
Ý tưởng của đảng LDPR là “rác rưởi”, và lưu ý việc khơi lại xung đột cũ là “hành động ngu ngốc nhất lúc này.
Đức đã đền bù, chủ yếu do Đông Đức thực hiện. Vấn đề này đã giải quyết xong. Họ ngưng trả từ năm 1953”.
Hãng thông tấn TASS cũng nêu Đức đã lên lên tiếng sẽ không bồi thường cho Nga: “Việc đền bù tiếp chỉ có thể xảy ra nếu có thỏa thuận liên quốc gia, và hoàn toàn là chuyện phi thực tế khi phải đền bù 70 năm sau khi Thế chiến 2 chấm dứt”.
Mai Hà (theo Isvestia, TASS, RT)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét