Tuần vừa qua, Giáo sư Carl Thayer, chuyên gia nghiên cứu về Việt Nam và khu vực Đông Nam Á đã có một buổi giao lưu trực tuyến với các nhà báo, phóng viên từ các cơ quan truyền thông của Việt Nam. Tại buổi giao lưu trực tuyến này, Giáo sư Carl Thayer đã trả lời nhiều câu liên quan đến vấn đề Biển Đông. VOV.VN xin giới thiệu bạn đọc một số câu hỏi và câu trả lời trong buổi giao lưu trực tuyến cùng giáo sư Carl Thayer.
Giáo sư Carlyle Thayer, một chuyên gia về Việt Nam và các vấn đề thuộc khu vực Đông Nam Á đến từ Học viện Quốc phòng Australia, Đại học New South Wales. Giáo sư Thayer đã có nhiều bài phân tích đăng trên các tạp chí quốc tế và tạo được ấn tượng đối với độc giả. Ông đã xuất bản trên 380 ấn phẩm, của riêng cá nhân và hợp tác với cộng sự.
PV: Thưa Giáo sư Carl Thayer, ông đã từng dự đoán vào cuối tháng 11 rằng căng thẳng sẽ dịu bớt đi ít nhất là trong vòng 6 tháng nữa. Ông có nghĩ Trung Quốc giờ đã hài lòng với tình hình ở Biển Đông và mối quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc đã có những cải thiện?
GS Carl Thayer: Rõ ràng là Trung Quốc đang đánh giá lại chiến thuật của mình năm ngoái ở Biển Đông. Uy tín của Trung Quốc bị tổn hại và chứng kiến một mối quan ngại gia tăng của các quốc gia trong khu vực.
Trung Quốc hiện đang lặng lẽ củng cố sự hiện diện của mình ở Biển Đông thông qua việc cải tạo đất, tăng cường sự hiện diện của các đội tàu đánh bắt cá và các đội tàu lớn, các tàu Cảnh sát biển và diễn tập quân sự nhiều hơn. Trung Quốc đồng thời thúc đẩy một chương trình lớn hơn thông qua các dự án của "Con đường tơ lụa trên đất liền và trên biển”.
Trung Quốc cũng phải "trung hòa" ASEAN, đó là, giữ cho khu vực này không liên kết với Mỹ và Nhật Bản. Trung Quốc có mối quan hệ chặt chẽ với Malaysia, Chủ tịch ASEAN năm nay. Malaysia cũng không muốn tranh chấp trên Biển Đông trở nên quá căng thẳng.
Cho đến nay, Philippines thông qua một phương pháp tiếp cận nhẹ nhàng trong tranh chấp với Trung Quốc để không gây nguy hiểm cho yêu sách của mình tại tòa án Trọng tài Quốc tế. Điều này cũng phù hợp với Trung Quốc. Tất cả những điều trên khiến tôi tin rằng "mọi việc sẽ được tiến hành âm thầm trên mặt trận Biển Đông" trong năm nay.
PV: Có vẻ như mặt trận Biển Đông có khả năng đều yên tĩnh trong năm nay, ông nghĩ động thái tiếp theo của Trung Quốc sẽ là gì?
GS Carl Thayer: Trung Quốc sẽ tiếp tục với những tuyên bố về chủ quyền của mình. Nước này sẽ tiếp tục kêu gọi ngư dân của mình tiến xa hơn về phía Nam vào những vùng đặc quyền kinh tế của quốc gia ven biển khác. Trung Quốc sẽ tiến hành tập trận quân sự thường xuyên hơn và rầm rộ hơn. Nói tóm lại, đó sẽ là việc xảy ra “như cơm bữa” đối với Trung Quốc.
PV: Khả năng Trung Quốc thiết lập một vùng nhận dạng phòng không trên Biển Đông để củng cố cho các tuyên bố về chủ quyền của nước này là thế nào? Một động thái như vậy có ảnh hưởng như thế nào với các nước có quyền lợi trong vùng biển này, bao gồm cả Việt Nam và Mỹ?
GS Carl Thayer: Trung Quốc chưa có các phương tiện để thực thi một vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên Biển Đông. Tuy nhiên, nước này có thể làm như vậy đối với quần đảo Hoàng Sa vì đã có máy bay của không quân Trung Quốc tại đảo Hải Nam.
Hiện nay và trong tương lai gần, Trung Quốc không thể thực thi một ADIZ sâu xuống phía nam của Biển Đông, thậm chí kể cả khi Trung Quốc đang triển khai các hoạt động khai hoang đất đai và xây dựng như hiện nay. Nếu ADIZ của Trung Quốc động chạm tới những tuyến bay quốc tế đã được công nhận, Mỹ sẽ cố tình bay qua khu vực này để duy trì luật pháp quốc tế. Trước đây, Trung Quốc đã không động đến khi máy bay Mỹ đi qua vùng nhận dạng phòng không mà nước này tuyên bố ở khu vực Biển Hoa Đông.
PV: Có phải vai trò và tiếng nói của khối ASEAN quá mờ nhạt trước những tuyên bố ngang ngược của Trung Quốc về "đường 9 đoạn"?
GS Carl Thayer: Năm ngoái, trong cuộc khủng hoảng giàn khoan HD 981, các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN đã ra một tuyên bố độc lập bày tỏ mối quan ngại của họ. Mặc dù tuyên bố này đã không đề cập đến Trung Quốc, nhưng đó là lần đầu tiên ASEAN đã bày tỏ quan điểm về những căng thẳng phát sinh từ tranh chấp giữa Trung Quốc-Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa và vùng biển xung quanh.
Tuyên bố trong trường hợp này này có tác động tới Trung Quốc vì hai lý do. Thứ nhất tuyên bố cho thấy sự đoàn kết của khối ASEAN. Thứ 2, tuyên bố đã tạo điều kiện cơ sở cho Mỹ, Nhật Bản, Australia và các nước khác lên tiếng ủng hộ ASEAN.
Tuy nhiên, ASEAN là một thực thể thống nhất chứ không phải là một bên trực tiếp trong các tranh chấp trên Biển Đông. ASEAN có những hạn chế nhất định. Tổ chức này hoạt động dựa trên sự đồng thuận. ASEAN đã làm tốt vai trò là một cộng đồng ngoại giao và có thể gây ảnh hưởng chính trị lên Trung Quốc. Đây là một điều kiện cần để giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông nhưng chưa đủ.
PV: Việt Nam đã đưa ra nhiều bằng chứng lịch sử chứng minh chủ quyền ở Trường Sa, Hoàng Sa nhưng Trung Quốc vẫn không hề đếm xỉa đến điều này. Xin hỏi Giáo sư có quan điểm thế nào về Đường lưỡi bò, và có tư vấn gì cho Việt Nam trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo?
GS Carl Thayer: Quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là hai dòng vấn đề khác nhau. Theo luật pháp quốc tế đương đại, lợi thế sẽ nghiêng về những tuyên bố lãnh thổ và chủ quyền có bằng chứng thể hiện việc quản lý liên tục đối với lãnh thổ đó.
Tuyên bố của Việt Nam với quần đảo Hoàng Sa khá lợi thế vì quần đảo Hoàng Sa thuộc sự quản lý của người Pháp khi vương quốc An Nam còn là một thuộc địa. Còn Tuyên bố chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa có một cơ sở lịch sử thuyết phục và việc quản lý của Việt Nam đối với quần đảo này đã được tạo dựng từ xa xưa.
Đường chín đoạn của Trung Quốc có cơ sở không rõ ràng và tung hoả mù. Giữ vấn đề một cách mập mờ như vậy là có lợi cho Trung Quốc. Hầu hết các chuyên gia đều cho rằng 9 đoạn là không có bằng chứng lịch sử bền vững và không có cơ sở pháp lý.
Nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đã chỉnh sửa đường 11 đoạn trong bản đồ gốc Trung Quốc năm 1947/1948. Trung Quốc cũng đã công bố bản đồ về đường 9 đoạn nhưng trước sau không đồng nhất. Cuối cùng, Trung Quốc tuyên bố rằng bãi cạn James gần Malaysia là vùng đất xa nhất của Trung Quốc là điều vô lý. Bãi cạn James ngập sâu dưới mặt nước hơn 20m. Tuyên bố của Trung Quốc dựa trên một lỗi về dịch thuật.
PV: Trong năm nay, dưới sự điều hành của Malaysia, liệu có cơ hội nào để khối ASEAN và Trung Quốc đạt được thoả thuận COC để giảm căng thẳng trên biển nhằm đảm bảo hoà bình, ổn định và tự do hàng hải trên Biển Đông?
GS Carl Thayer: Việc này không mấy khả thi trong năm nay. Trung Quốc khăng khăng rằng việc tiến hành Tuyên bố chung về hành vi ứng xử của các nước liên quan trong khu vực Đông Nam Á (DOC) cần phải được tiến hành trước. Mặc dù một vài nhóm đàm phán đã được lập ra theo sau DOC và Trung Quốc đã chuẩn bị sẵn ngân sách cho việc này, nhưng không một kế hoạch gây dựng lòng tin nào được thông qua.
Cho đến nay, ban cố vấn ASEAN - Trung Quốc đã cơ bản đồng ý về cấu trúc và thoả thuận khung COC. Nội dung chi tiết vẫn còn chờ thảo luận. Thái Lan, với vai trò là nước điều phối quan hệ ngoại giao của Trung Quốc với ASEAN, đã tăng cường tổ chức các cuộc họp đàm phán nhiều hơn trong năm ngoái. Đây là một bước tiến tốt. Tuy nhiên, ASEAN muốn tiến tới một hiệp định COC có tính ràng buộc. Có vẻ như Trung Quốc sẽ không chấp thuận COC dưới dạng một hiệp ước.
PV: Làm thế nào để khai thông bế tắc về đàm phán COC để các nước sớm đi tới ký kết?
GS Carl Thayer: ASEAN và Trung Quốc đã đồng ý sẽ tiến tiếp dựa trên cơ sở đồng thuận. Quy định này đã được đưa vào Tuyên bố năm 2002 về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC). Điều này làm cho ASEAN rất khó khăn trong việc đẩy nhanh những tham vấn về Bộ Quy tắc ứng xử (COC) nếu Trung Quốc không sẵn sàng.
Trung Quốc, tuy nhiên, cũng đã thể hiện thái độ hợp tác để giải quyết mối quan ngại của ASEAN. ASEAN phải duy trì sự thống nhất và Chủ tịch hiện tại của ASEAN phải liên tục ép Trung Quốc đẩy nhanh tốc độ của các cuộc đàm phán. Các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN và các nhà lãnh đạo chính phủ cũng có thể sử dụng các cuộc họp và hội nghị thượng đỉnh thường niên để tạo thêm áp lực. ASEAN cần thiết lập ra một lộ trình và một danh sách những tiến triển đã đạt được.
PV: Theo thông tin của Viện Nghiên cứu Quốc tế S.Rajaratnam (RSIS) ở Singapore, Malaysia và Trung Quốc được cho là sẽ tổ chức tập trận chung lần đầu tiên vào cuối năm nay. Điều này có làm ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa Malaysia và các nước Đông Nam Á?
GS Carl Thayer: Trung Quốc đã tổ chức tập trận hải quân với Thái Lan trong nhiều năm và điều này đã không ảnh hưởng đến ASEAN. Việt Nam và Trung Quốc từng tiến hành tuần tra chung ở Vịnh Bắc Bộ. Những lần diễn tập này là một bữa tiệc ngoại giao quốc phòng bình thường. Việt Nam cũng tiến hành các lần diễn tập nhỏ với Brunei, Indonesia và Malaysia năm ngoái.
Các nước tiến hành tập trận chung để tìm hiểu về khả năng của các nước khác. Họ làm như vậy để tạo ra những cơ hội tiếp xúc trực tiếp. Và họ cũng sử dụng các cuộc tập trận như vậy để khoe năng lực của mình. Người ta thường nói là những cuộc tập trận như vậy là nhằm gây dựng lòng tin.
*Trong bài viết tiếp theo VOV.VN xin được giới thiệu với bạn đọc về phần phỏng vấn Giáo sư Carl Thayer đối với câu chuyện “thoát Trung”, TPP và quan hệ Việt – Mỹ./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét