Cụ thể, trong một cuộc phỏng vấn gần đây, lãnh đạo đảng Mặt trận Dân tộc Pháp (đảng vừa giành chiến thắng trong cuộc bầu cử châu Âu tại Pháp) Marine Le Pen đã bày tỏ sự ủng hộ của bà đối với Tổng thống Nga Putin: “Có một cuộc chiến tranh lạnh chống lại ông Putin do Liên minh châu Âu tiến hành theo chỉ đạo của Mỹ để bảo vệ lợi ích riêng. Nhưng ông ấy đã thành công trong việc khôi phục lại niềm tự hào của một cường quốc”.
Tổng thống Nga Putin xuất hiện trên truyền hình trong cuộc họp báo cuối năm 2014 tại Moskva. Ảnh: Reuters
|
Ý tưởng của bà Le Pen xem ra có vẻ hợp với hầu hết người Nga - cả giới ưu tú lẫn những người dân bình thường - khi bà tuyên bố rằng bà ngưỡng mộ "người hùng" Putin, coi ông như một nhà lãnh đạo quốc gia lý tưởng, và bà muốn quay trở lại với những giá trị dường như đã bị lãng quên của châu Âu: sự bảo thủ và sự phản kháng đối với những áp đặt từ bên ngoài.
Bà Le Pen chỉ là một trong số nhiều nhà lãnh đạo đảng tại châu Âu ủng hộ ông Putin. Ví dụ, ông Matteo Salvini, người đứng đầu đảng cánh hữu Lega Nord và là ngôi sao đang lên trong giới chính trị Italy, đã ký một thỏa thuận với vị tổng thống Nga vào tháng 10/2014 dựa trên những điều mà ông gọi là những giá trị chung.
Không chỉ ở một số quốc gia châu Âu, ông Putin cũng là một trong những cái tên được ngưỡng mộ hàng đầu ở Mỹ. Theo kết quả một cuộc thăm dò của Viện Gallup (Mỹ) được công bố vào cuối tháng 12 vừa qua, người đứng đầu nước Nga đã giành vị trí thứ 10 trong số những người được ngưỡng mộ nhất ở Mỹ, vượt qua cả Phó Tổng thống Mỹ Joe Bidden, cựu ứng cử viên Tổng thống Mỹ Mitt Rommey…
Việc ông Putin được chọn là người được ngưỡng mộ thứ 10 ở Mỹ diễn ra trong bối cảnh báo chí phương Tây liên tiếp đưa ra những thông tin tiêu cực, bất lợi về nhà lãnh đạo Nga liên quan đến cuộc khủng hoảng Ukraine. Lý giải về việc ông Putin bất ngờ trở thành người được hâm mộ hàng đầu ở Mỹ, một quan chức của Gallup cho rằng thời gian qua người đứng đầu nước Nga liên tục được nhắc đến trên các phương tiện truyền thông và rằng tên ông đang ở trong đầu của nhiều người nên họ đã gọi tên ông khi được hỏi. Tuy nhiên, phân tích này chỉ mang tính phỏng đoán. Một điều mà không ai có thể phủ nhận được là bất chấp việc báo chí, các phương tiện truyền thông phương Tây không ngừng tô vẽ một hình ảnh xấu, tiêu cực về ông Putin, vị tổng thống Nga vẫn giành được tình cảm yêu mến của người dân Mỹ.
Vậy điều gì khiến ông Putin nhận được sự ủng hộ và ngưỡng mộ từ một loạt các nhà lãnh đạo chính trị (trong đó có cựu Thủ tướng Italy Silvio Berlusconi, cựu Thủ tướng Đức Gerhard Schroeder, lãnh đạo đảng Độc lập Anh (UKIP) Nigel Farage hay ông Alexander Elliot Anderson Salmond, thủ hiến của Scotland từ năm 2007) và người dân ở châu Âu đến như vậy? Nhiều trong số họ coi ông Putin như là người bảo vệ những giá trị của châu Âu. Họ hoan nghênh các quan điểm của nhà lãnh đạo Nga. Họ cũng có chung quan điểm với ông Putin khi cho rằng sự mở rộng của NATO và EU về phía đông như là một xâm lấn vào khu vực ảnh hưởng truyền thống của Moskva và đặt ra một mối đe dọa đối với những lợi ích quốc gia của Nga. Bên cạnh đó, đa số các đảng cánh hữu tại châu Âu đều coi EU muốn duy trì vai trò bá chủ và họ đang ủng hộ việc phá vỡ trật tự này.
Nhưng có lẽ phong cách lãnh đạo mạnh mẽ và quyết đoán của ông Putin mới là nhân tố chính tạo ra sự ngưỡng mộ đối với họ. Sự xuất hiện của vị Tổng thống Nga chính là những gì mà họ cần trong bối cảnh ở Tây Âu, sự suy thoái về kinh tế và chính sách thắt lưng buộc bụng của EU đã góp phần làm gia tăng sự giận dữ của công chúng. Ông Putin, người đã giúp Moskva lấy lại vị thế của mình trên vũ đài chính trị thế giới, đã tạo ra một hình mẫu lý tưởng. Tương tự như vậy, họ thấy sự quyết đoán của ông Putin như là một câu trả lời đối với những bất ổn của châu Âu và việc cố tình bao vây Nga của NATO và một cuộc chiến kinh tế chống lại Nga của EU và Mỹ. Tất cả những điều trên đã phần nào hạn chế được chính sách cô lập mà phương Tây đang chống lại Nga, đồng thời cũng là cách để củng cố hình ảnh của Moskva cả ở trong nước và trên trường quốc tế.
Tổng thống Nga Putin trong trang phục võ Judo. Ảnh: Daily Mail
|
Bên cạnh đó, ông Putin cũng là một chính khách vừa gần gũi, bình dị, vừa có sức hút lớn trong cuộc sống đời thường. Dư luận Nga và thế giới từng nhiều lần trầm trồ trước hình ảnh ông chủ điện Kremlin đa tài, lúc trong bộ đồ võ Judo, lúc trên sông nước vùng Tuva lạnh giá của miền Nam Siberia, cởi trần cưỡi ngựa đi săn, lúc lái máy bay chiến đấu, lặn xuống hồ sâu nhất thế giới, rồi một Putin vừa chơi piano vừa ngân nga những bản tình ca Nga… Tuy nhiên, điều khiến các cử tri Nga và những người khác ngưỡng mộ, mê đắm hơn ở Putin là việc họ thấy rõ ông không dùng cái sự đa tài của mình để phô trương bản thân mà bằng sự tự tin, quyết đoán hơn người, đã thuyết phục người dân Nga thấy rằng người đứng đầu nước Nga luôn hành động vì đất nước Nga, luôn đặt quốc gia lên trên hết. Chỉ câu chuyện ông kiên quyết giữ vững lập trường sáp nhập bán đảo Crimea vào Nga, bất chấp những phản ứng dữ dội của phương Tây cũng đủ thấy rõ điều đó.
Và điều đó không dừng lại ở một sự ngưỡng mộ suông khi mà đã có không ít những cuộc biểu tình từ phía người dân châu Âu phản đối các lệnh trừng phạt kinh tế với Nga, vốn là một thị trường xuất khẩu đầy tiềm năng của các nước EU và đang gây ra rất nhiều khó khăn khi họ không tiêu thụ được hàng hóa của mình mà trước đây từng được xuất khẩu sang Nga. Như Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế và Năng lượng Đức Sigmar Gabriel ngày 4/1/2015 cảnh báo về những tác động ngược trở lại châu Âu của các biện pháp trừng phạt kinh tế chống Nga, đồng thời cho rằng có thể có một số thế lực ở Mỹ và châu Âu muốn "khuất phục các đối thủ siêu cường trước đây" nhưng việc gây rối loạn cho Nga chỉ đẩy châu Âu vào thế nguy hiểm.
15 năm trên vũ đài chính trị là khoảng thời gian Tổng thống Nga Putin tỏa ra sức hút đầy ma lực đối với công chúng, khiến ông trở thành một trong những chính trị gia giàu sức ảnh hưởng nhất, được nhiều người biết tới, quan tâm và ngưỡng mộ nhất.
Công Thuận (Tổng hợp)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét