Sau một thời gian quay lưng với Moscow, phương Tây đang khởi động việc hàn gắn lại mối quan hệ về kinh tế với Nga. Nếu như chỉ cách đây chừng hai tháng thôi, khi mà Nga chủ động muốn nối lại quan hệ kinh tế nhưng đã bị phương Tây bác bỏ thẳng thừng, thì giờ đây tình hình đã hoàn toàn đổi chiều.
Một loạt các nhân vật cao cấp nhất trong liên minh Châu Âu trong tuần qua đã bắt đầu lên tiếng về thời điểm cần thiết để chấm dứt cuộc phong tỏa kinh tế Nga ở thời điểm hiện tại.
Tổng thống Pháp Francois Hollande ngày 5.1 vừa qua đã tuyên bố thẳng thừng “Tôi không đồng tình với chính sách làm cho mọi việc xấu đi để đạt được mục đích. Tôi nghĩ phải ngừng các lệnh trừng phạt ngay bây giờ”.
Còn trước đó một ngày, Phó thủ tướng kiêm bộ trưởng Kinh tế và năng lượng Đức, ông Sigmar Gabriel phát biểu “Các lệnh trừng phạt không bao giờ nhằm mục tiêu đẩy Nga rơi vào khủng hoảng kinh tế và chính trị”.
Sự đồng thuận cùng một thời điểm về vấn đề khôi phục lại quan hệ kinh tế với Nga của các thành viên quyền lực nhất trong EU được giới phân tích nhìn nhận là một quyết định hợp lý. Kinh tế Châu Âu vẫn đang phục hồi chậm, và sự việc Hy Lạp có nên rời khỏi khu vực đồng tiền chung do liên quan đến những rắc rối chính trị ở nước này hay không đang cho thấy EU đang dễ bị tổn thương hơn bao giờ hết.
Các lệnh trừng phạt kinh tế Nga trên thực tế đã đem lại những hậu quả không nhỏ cho kinh tế EU khi Nga là một thị trường đầy tiềm năng và quan trọng, nhất là với các mặt hàng công nghệ và nông sản. Theo ước tính, chỉ riêng trong năm 2014 các nền kinh tế Châu Âu sẽ bị thiệt hại khoảng 50 tỷ Euro do các lệnh trừng phạt kinh tế Nga gây ra.
Do đó việc xúc tiến nối lại quan hệ kinh tế với Nga ở thời điểm hiện tại quan trọng với phương Tây hơn bao giờ hết, nhất là khi những mục đích mà phương Tây mong muốn thông qua lệnh trừng phạt kinh tế với Nga đã không diễn ra như mong đợi.
Trên thực tế, các lệnh trừng phạt này hướng đến việc ép Nga phải nhượng bộ các vấn đề liên quan đến Crimea và miền đông Ukraine. Nhưng khi mà Nga đã vượt qua được cuộc khủng hoảng tài chính với cái giá nhỏ nhất có thể, thì việc duy trì các lệnh trừng phạt này không còn có lợi gì cho phương Tây, thậm chí là còn có hại.
Vì thế, dễ hiểu khi cục diện đã đảo chiều, thì phương Tây mới đang là bên chủ động hàn gắn lại các rạn nứt trong hợp tác kinh tế với Nga. Ngay sau khi hai nước thành viên chủ chốt của EU là Đức và Pháp bày tỏ sự cần thiết nối lại quan hệ kinh tế với Nga, đề xuất này đã nhận được sự ủng hộ của khá nhiều các nước thành viên, đặc biệt là các nước láng giềng với Nga và đang chịu thiệt hại không nhỏ do các lệnh trừng phạt gây ra.
Ngoại trưởng Phần Lan Erkki Tuomioja phát biểu “Việc áp đặt các lệnh trừng phạt không đơn thuần để dằn mặt Nga hay gây thiệt hại lâu dài lên nước này, mà nhằm dọn đường cho sự dàn xếp chính trị trong cuộc xung đột ở Ukraine”.
Các chuyên gia cho rằng, những lời phát biểu này chỉ là bề ngoài để che đậy những mục tiêu thực sự của phương Tây thông qua những lệnh trừng phạt, khi mà giờ đây EU đang muốn nối lại quan hệ kinh tế với Nga.
Trên thực tế, các nước phương Tây đã không có động thái dỡ bỏ lệnh trừng phạt nào khi kinh tế Nga đang trên bờ vực khủng hoảng, ai cũng có thể thấy phương Tây đã bàng quan ra sao khi chứng kiến một cuộc khủng hoảng đang mấp mé xảy ra cho kinh tế Nga. Chỉ đến khi Nga vượt ra khỏi khó khăn, đồng nghĩa với các lệnh trừng phạt đã vô hiệu, thì phương Tây mới chủ động dỡ bỏ các lệnh trừng phạt này.
Việc phương Tây chứ không phải Nga là bên chủ động nối lại các quan hệ kinh tế, được xem là một ưu thế của Nga trên bàn đàm phán về các vấn đề xung đột ở Ukraine. Giới phân tích cho rằng, EU đã bỏ qua cơ hội tốt nhất để dàn xếp vấn đề Ukraine khi Nga chủ động muốn nối lại các quan hệ kinh tế vào hồi tháng 11.2014 khi mà kinh tế nước này đang bắt đầu rơi vào khó khăn.
Giờ đây thì tình hình đã đảo chiều hoàn toàn và phương Tây cần Nga hơn là Nga cần phương Tây. Thậm chí, cả hai phe cánh tả và cánh hữu ở Pháp đã đồng thuận trong việc giao tàu chiến Mistral cho Nga, vốn đã bị hoãn lại do các lệnh trừng phạt với Nga và được xem như biểu tượng của sự cứng rắn của phương Tây với Nga trong vấn đề Ukraine.
Với việc EU và Nga có thể nối lại quan hệ kinh tế trong thời gian sớm nhất, triển vọng hồi phục của kinh tế EU trong năm 2015 sẽ được thúc đẩy nhanh hơn rất nhiều.
Đồng thời, kinh tế Nga cũng sẽ khởi sắc trở lại và nhiều khả năng sẽ thoát khỏi mức tăng trưởng 0% trong năm 2015 như dự báo, khi mà mức tăng trưởng này được đưa ra với giả thiết các lệnh trừng phạt sẽ kéo dài đến hết năm 2015, nhưng trên thực tế thì có vẻ như nó sẽ kết thúc ngay từ đầu năm 2015.
Nhàn Đàm (theo Itar-Tass)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét