Tổng thống Pháp Hollande cho rằng, đã đến lúc châu Âu dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với Nga vì tình hình Ukraine đã có những tiến bộ nhất định.
Tổng thống Pháp muốn bỏ lệnh trừng phạt Nga
Ngày 5-1, Tổng thống Pháp Francois Hollande tuyên bó trước truyền thông nước mình rằng, đã đến lúc châu Âu dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với Moscow sau khi Nga cho thấy những thiện chí trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng ở Ukraine.
Trả lời cuộc phỏng vấn trên đài phát thanh France Inter, Tổng thống Pháp cho rằng, các lệnh trừng phạt mà quốc tế áp đặt lên Nga đã “khiến nước này đối mặt với những khó khăn nhất định”, nhưng cuộc khủng hoảng ở Nga cũng không phải là điều tốt đối với nền kinh tế của châu Âu.
Theo Tổng thống Pháp, đã đến lúc cộng đồng quốc tế thực hiện việc dỡ bỏ các lệnh trừng đối với nước Nga sau khi Moscow cho thấy những tiến bộ trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng ở Ukraine.
“Ông Putin dường như không mong muốn chiếm giữ miền đông Ukraine”, ông Hollande nói, đồng thời nhận định là Tổng thống Nga chỉ muốn “duy trì sự ảnh hưởng của Nga lên người láng giềng lâu năm” và kiềm chế việc NATO, bởi ông lo ngại điều đó sẽ ảnh hưởng đến an ninh của nước mình.
Nhà lãnh đạo nước Pháp cũng khẳng định, ông sẵn sàng tới Astana, Kazakhstan vào ngày 15-1 tới để tham gia cuộc họp với sự tham dự của Nga, Pháp, Đức, Ukraine do Tổng thống Petro Poroshenko đề xuất nhằm giải quyết cuộc xung đột ở Ukraine.
Bắt đầu từ tháng 3-2014, Liên minh châu Âu và Mỹ thực hiện lệnh trừng phạt kinh tế đầu tiên đối với Moscow và một số công dân Nga sau vụ sáp nhập Crimea. Những biện pháp trừng phạt bổ sung khắc nghiệt đã tiếp tục được ban hành sau khi cuộc nội chiến ở đông nam Ukraine bùng phát.
Những biện pháp này đã hạn chế đáng kể đối với các lĩnh vực năng lượng, tài chính, quốc phòng của Nga, đáp trả lại Moscow cũng đã đưa ra lệnh cấm nhập khẩu các sản phẩm nông nghiệp Mỹ và một số quốc gia EU trong vòng 1 năm. Điều này cũng đã ảnh hưởng nhất định đến những người nông dân của châu Âu.
Ở Pháp cũng có nhiều ý kiến đòi dỡ bỏ lệnh cấm vận và bàn giao tàu sân bay trực thăng Mistral cho Nga |
Về vấn đề này tờ Yomiuri Shimbun của Nhật Bản cũng đưa ra bình luận là “Pháp có thể chia rẽ liên minh chống Nga”. Trong bối cảnh Washington đang đòi gia tăng áp lực trừng phạt Moscow, Paris có khả năng gây chia rẽ trong liên minh chống Nga - bài viết trên Yomiuri cho biết.
Yomiuri nhận xét là giới chính trị Pháp cánh tả cũng như cánh hữu đều ủng hộ việc bàn giao tàu sân bay trực thăng lớp Mistral, được chế tạo theo đơn đặt hàng của Nga. Các đảng cánh tả còn kêu gọi không theo đuôi Hoa Kỳ và cảnh báo sự thất hứa sẽ làm suy giảm uy tín đất nước.
Tại sao người Pháp có thiện cảm với Nga? - tờ báo đặt câu hỏi và đưa ra câu trả lời bằng trích dẫn thông tin từ tờ Le Figaro, đăng tải ý kiến của một nhà sử học nhận định, thực tế Pháp không được phép quên sự trợ giúp của Moscow trong Chiến tranh thế giới thứ II.
Nước Pháp còn nhớ những mối quan hệ xưa nay và cảnh giác với ảnh hưởng ngày càng tăng của Berlin. Sau chiến tranh, Đức đã trở thành đối tác của Pháp nhưng lúc này tỏ ra vượt trội hơn Pháp trong các yếu tố phát triển kinh tế và quan hệ giữa hai nước phần nào xấu đi.
Pháp cũng có truyền thống thực hiện chính sách riêng, khác biệt với chính sách của Mỹ - Yomiuri cho biết một trong những lý do ở đây là cách tiếp cận chiến lược trên quan điểm quốc gia. Điều này cũng đã từng dẫn đến việc Paris đã từng một lần rời bỏ Khối đồng minh quân sự Bắc Đại Tây Dương.
Trong lịch sử, Pháp đã bỏ NATO một lần vào năm 1966 dẫn đến việc trụ sở của tổ chức phải chuyển sang Brussels - Bỉ. Mãi đến 2009, với số phiếu áp đảo của quốc hội, dưới sự lãnh đạo của chính phủ của tổng thống Nicolas Sarkozy, Pháp mới tái gia nhập trong sự hoài nghi của người dân Pháp.
Được biết là trong vụ Paris “dứt tình” với NATO năm 1966, Pháp ra khỏi NATO cũng chỉ vì bực mình trước việc Mỹ coi mình như “ông trùm” của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương và tự xếp mình cùng Anh ở chiếu trên so với Pháp.
Pháp đã từng một lần rời khỏi NATO vào năm 1966 |
Lệnh trừng phạt Nga nguy hiểm cho toàn thế giới
Phó Thủ tướng Đức Sigmar Gabriel vừa đưa ra cảnh báo là rất có thể phương Tây sẽ phản đối lệnh trừng phạt tiếp theo đối với Nga. Trả lời phỏng vấn của tờ Bild am Sonntag, vị Phó thủ tướng Đức nhận định, sự suy yếu của Nga "là cực kỳ nguy hiểm cho toàn thế giới".
Chính trị gia Đức đã cảnh báo phương Tây đang cố gắng để làm suy yếu Moscow "về kinh tế và chính trị." "Những ai muốn gây ra tình hình đó phải biết rằng, thậm chí nó đang gây nguy hiểm hơn cho tất cả chúng ta ở châu Âu" - ông Sigmar Gabriel nói.
Theo ông, ở Mỹ và Châu Âu có một "lực lượng những người muốn siêu cường Nga - đối thủ chính của họ thời kỳ hậu Xô viết sụp đổ hoàn toàn”. Tuy nhiên, điều đó không đáp ứng lợi ích của Berlin cũng như của toàn châu Âu, Phó thủ tướng Đức nhấn mạnh.
Trước đó, ông Gabriel nói rằng phương Tây không có mục đích "buộc Nga quỳ gối”. Ông gọi chính sách tăng cường hơn nữa các biện pháp trừng phạt chống Nga là sai lầm.
Đồng thời với Phó Thủ tướng Đức Gabriel, cựu nghị sĩ Mỹ Dennis Kucinich cùng lên tiếng kêu gọi Hoa kỳ từ bỏ âm mưu và can thiệp. Hoa Kỳ cần phải “thay đổi vai trò của mình trên thế giới” và tập trung vào những nhu cầu của người dân nước mình - vị cựu thành viên Quốc hội Mỹ nhận xét.
“Chúng ta đang vướng vào những cuộc chiến tranh giành tài nguyên, giành sự thống trị và ưu thế địa chính trị trị giá hàng nghìn tỷ USD, làm tăng nợ quốc gia và đe dọa đến tinh thần của dân tộc chúng ta” - ông viết trong “Nghị quyết năm mới cho nước Mỹ”.
Cựu nghị sĩ Kucinich kêu gọi Hoa Kỳ trong năm mới từ bỏ những mưu đồ, can thiệp, các cuộc chiến tranh và “mong muốn nguy hại thống trị thế giới”.
Tổng thống Pháp Francois Hollande trong một cuộc hội đàm với Tổng thống Nga Putin |
Theo lời vị chính trị gia này, hàng ngàn người dân mà ông đã tiếp xúc trong các chuyến đi của mình, họ chẳng hiểu an ninh quốc gia Mỹ có liên quan gì đến các cuộc chiến tranh Mỹ đã từng tiến hành trên khắp thế giới, họ cũng không hiểu vì sao nước Nga ở bên kia bán cầu gây ra nguy hại gì cho an ninh của Hoa Kỳ.
Vị cựu nghị sĩ cho biết, người dân Mỹ chỉ hiểu khái niệm “an ninh quốc gia” từ phương diện an ninh con người - trong việc làm, y tế, giáo dục, lương hưu và bảo mật. Washington không cần phải rao giảng và làm những điều xa vời mà chỉ cần làm tròn những nghĩa vụ đối với công dân nước mình.
Theo ông Kucinich, chính phủ Mỹ cần phải từ bỏ việc tài trợ các cuộc chạy đua vũ trang và tập trung vào những gì đang xảy ra ở trong nước như đảm bảo việc làm đầy đủ, quyền có cuộc sống riêng tư, thay đổi cách tiếp cận với tất cả các loại bạo lực (trên cơ sở chủng tộc, trong gia đình, ở trường học, vân vân).
Ngoài ra, ông đề xuất việc thành lập Ủy ban thiết lập Sự thật và Hòa giải để điều tra các sự kiện liên quan đến cuộc chiến ở Iraq và các cuộc chiến tranh khác mà Hoa Kỳ tiến hành trong những năm gần đây.
Về vấn đề này, người đứng đầu ủy ban Quốc hội Nga về Ngoại giao Alexei Pushkov tuyên bố, việc Mỹ bao vây và cô lập Nga sẽ không bao giờ thành công. Sự thành lập Liên minh Kinh tế Á-Âu, nhóm 5 cường quốc kinh tế mới nổi BRICS triển khai hoạt động và SCO mở rộng trong tương lai sẽ ngăn cản sự cô lập Nga.
"Nhiệm vụ đó sẽ không hoàn thành được đâu. Rồi ông Obama sẽ buộc phải thừa nhận điều đó"- ông Alexei Pushkov viết trong microblog của mình trên Twitter. Theo ông, Liên minh châu Âu nhận thức được bản chất vô ích của sự cô lập Nga càng sớm thì sẽ xóa bỏ chính sách cấm vận càng nhanh hơn
Vị chính trị gia cho biết: "Cái mà châu Âu cần không phải là một cuộc chiến tranh lạnh, mà là sự giải tỏa mới". Ông cũng bày tỏ mong muốn rằng năm 2015 sẽ là năm hòa dịu mới ở châu Âu, sự căng thẳng trong quan hệ Nga - Liên minh châu Âu sẽ kết thúc để 2 bên cùng chung tay phát triển kinh tế.
Huy Bình
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét