Không quân Nga lần đầu dùng dịch vụ hậu cần Cam Ranh là minh chứng cho sự kiên định của Việt Nam về quân cảng này.
Cam Ranh và chiến lược không quân tầm xa của Nga
Theo thông tin được Bộ Quốc phòng Nga cho biết, trong năm 2014, các máy bay ném bom tầm xa và máy bay tiếp dầu Nga bắt đầu thường xuyên hạ cánh tại các sân bay nước ngoài; trong đó, lần đầu tiên máy bay tiếp dầu của nước này sử dụng sân bay Cam Ranh của Việt Nam.
Thông báo có đoạn viết: "Thông qua việc sử dụng máy bay tiếp dầu từ các sân bay ở Nam Phi và Đông Nam Á, máy bay tầm xa đã vươn tới các vùng biển Địa Trung Hải và Biển Đông. Cũng trong năm 2014, lần đầu tiên sân bay Cam Ranh (Việt Nam) được sử dụng để hạ cánh máy bay IL-78, tiếp dầu trên không cho các máy bay Tu-95MS."
Máy bay IL-78 |
Trong khi thực hiện chuyến bay, tổ lái máy bay ném bom chiến lược Tu-95MS đã đi qua các khu vực khí hậu khác nhau (vùng Biển Philippines và khu vực đảo Mariana). Phi công và nhân viên kỹ thuật đã thu được nhiều kinh nghiệm tổ chức các chuyến bay tiếp dầu từ sân bay nước ngoài, cũng như bảo dưỡng máy bay trong điều kiện khí hậu nhiệt đới.
Việc Không quân tầm xa Nga thực hiện các chuyến bay đến Biển Đông và lần đầu hạ cánh xuống Cam Ranh đã được lên kế hoạch.
Cụ thể, hồi đầu tháng 2/2014, theo truyền thông Nga, để khẳng định vị thế một cường quốc quân sự trên thế giới, Nga đang có kế hoạch trở lại một số nơi chiến lược bên ngoài lãnh thổ Nga, trong đó có thể bao gồm cả căn cứ Cam Ranh tại Việt Nam.
Theo TopWar, các căn cứ quân sự ở nước ngoài giúp cải thiện đáng kể các khả năng chiến đấu của quân đội Nga và Nga cần căn cứ “như cần không khí để thở”.
Mới đây báo Cyprus Weekly đã đăng tải thông tin về việc Nga đang thảo luận với Síp để mở lại căn cứ quân sự có từ thời Liên Xô tại nước này.
>>Không quân chiến lược tầm xa Nga vươn tới Biển Đông |
Quan điểm của Việt Nam: Các nước đều có thể sử dụng dịch vụ
Hồi cuối năm 2013, sau cuộc thảo luận giữa lãnh đạo hai nước Nga và Việt Nam, báo giới đã đưa tin về sự hợp tác trong tương lai giữa hai nước. Và khi đó, người ta biết rằng tại cảng Cam Ranh xuất hiện một căn cứ bảo trì và sửa chữa tàu ngầm.
Thông tin hiện có cho thấy căn cứ này được thiết kế để sử dụng cho các tàu ngầm của Hải quân Việt Nam. Tuy nhiên, thực tế thủy thủ Việt Nam vận hành tàu ngầm do Nga đóng, cũng như sự cần thiết phải tiếp tục hợp tác với Nga để hình thành cơ sở phục vụ đã đưa ra nhiều giả thuyết. Và không loại trừ khả năng trong tương lai, Hải quân Nga sẽ trở lại Cam Ranh.
Liên quan đến vấn đề này, hồi tháng 8/2013, Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh đã trả lời hãng tin ITAR-TASS trước khi lên đường sang thăm Nga, Bộ trưởng Thanh nói: "Việt Nam dự định thành lập một trung tâm dịch vụ quốc tế hoạt động độc lập tại Cam Ranh".
Bộ trưởng Thanh nói thêm, Việt Nam chỉ cho tàu nước ngoài thuê dịch vụ hậu cần, kỹ thuật tại cảng Cam Ranh chứ không cho thuê làm căn cứ quân sự. Và tàu của các nước đều có thể vào Cam Ranh để sửa chữa và tiếp nhiên liệu.
Tàu khu trục tên lửa USS John S Mc. Cain (DDG 56) trong chuyến thăm Đà Nẵng hồi tháng 4/2014. |
Hải quân Mỹ muốn vào Cam Ranh
Trong chuyến thăm hữu nghị Việt Nam hồi tháng 4/2014 của khu trục hạm USS John S. McCain và tàu cứu hộ đa năng USNS Safeguard, Đại tá Paul Schilse cho biết: "Nhu cầu sửa chữa tàu của Hạm đội 7 đang tăng lên. Do đó, nếu quân cảng Cam Ranh và công ty cung cấp dịch vụ của Việt Nam đáp ứng được các yêu cầu của tàu Mỹ, hai nước sẽ có nhiều hoạt động sửa chữa, bảo trì tại quân cảng này", ông nói.
Hải quân Mỹ cũng cho biết, nhiều tàu của Hạm đội 7 đã ghé quân cảng Cam Ranh sửa chữa những hỏng hóc, nhưng không phải tàu chiến, mà là các tàu cứu hộ, cứu nạn phục vụ hậu cần.
"10 năm qua, Hải quân Mỹ và Hải quân Việt Nam đã bắt đầu hợp tác, trao đổi chuyên môn phi tác chiến. Từ đó xây dựng lòng tin và hiểu biết chung, cung cấp địa điểm chính để giải quyết các ưu tiên an ninh biển, phát triển khả năng hoạt động tự tin trên biển", Đại tá Schlise cho hay.
Hòa Sơn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét